VIÊM QUANH KHỚP VAI
CN ĐỖ THÀNH HƯƠNG/BVNTP
Viêm quanh khớp vai là tất cả các trường
hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp
gồm: gân, cơ, dây chằng, loại trừ tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và
màng hoạt dịch.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai:
- Chấn thương, vi chấn thương do nghề nghiệp, viêm gân, kéo giãn khớp vai quá mức, vận động khớp vai nhanh mạnh đột ngột.
- Nguyên nhân ở xa khớp vai gồm: bệnh
cột sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm, bệnh ở phổi,
màng phổi, trung thất.
Khớp vai bao gồm 5 khớp:
- Khớp ổ chảo - cánh tay
- Khớp mõm cùng - cánh tay
- Khớp mõm cùng - xương đòn
- Khớp ức - đòn
- Khớp bả vai - lồng ngực
Các cơ ở khớp vai bao gồm:
Mặt trước: cơ delta, đầu dài cơ 2 đầu cánh tay, cơ ngực lớn
Mặt sau: nhóm cơ chóp xoay bao gồm
- Cơ trên gai
- Cơ dưới gai
- Cơ tròn nhỏ
- Cơ dưới gai
Có 4 thể viêm quanh khớp vai có biểu hiện đặc trưng bao gồm:
1. Viêm quanh khớp vai đơn thuần:
- Đau ở mỏm cùng vai, mặt trước và mặt
ngoài vai hoặc phía sau vai. Đau tăng khi vận động, nhất là động tác
dang vai, giơ tay lên trên và động tác xoay khớp vai
- Các động tác vận động khớp vai không bị hạn chế, hoặc chỉ hạn chế ít do đau.
- Chụp X-quang khớp vai không có bất thường.
- Bệnh tiến triển nhẹ, đau giảm dần rồi khỏi trong vài tuần, nhưng hay tái phát.
2. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng:
- Đau và hạn chế vận động khớp vai do co
cứng bao khớp, kéo dài từ vài tháng đến hàng năm với biểu hiện: đau
giảm dần, nhưng hạn chế vận động lại tăng, các động tác đều hạn chế, nếu
bệnh lâu ngày có thể thấy teo cơ nhẹ do giảm vận động
3. Viêm quanh khớp vai kèm vôi hóa gân:
- Bệnh nhân có các cơn đau dữ dội nhất là khi vận động vai. Chính vì quá đau nên khiến bệnh nhân sợ và bất động khớp vai.
- Trên phim x quang thấy hình ảnh vôi hóa các đầu gân cơ
4. Viêm quanh khớp vai thể giả liệt:
- Các gân cơ vùng vai bị đứt, làm cho
các cử động không thể thực hiện được giống như khi bị liệt. Bệnh nhân
không thể chải tóc, đưa tay ra sau gáy, phải dùng tay bên lành để nâng
tay bị liệt lên. .
- Trên hình ảnh MRI sẽ xác định được các gân cơ bị tổn thương.
Hậu quả:
- Viêm quanh khớp vai tuy không ảnh
hưởng đến sinh mạng của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến lao
động và sinh hoạt của bệnh nhân. Nếu không được điều trị đúng đắn và đầy
đủ ngay từ đầu có thể để lại các di chứng như teo cơ, giảm trương lực
cơ, hạn chế các cử động của vai và bàn tay, đứt gân cơ từ đó mất dần
chức năng của tay bên đau.
VẬT LÝ TRỊ LIỆU (VLTL) VIÊM QUANH KHỚP VAI
Là phương pháp có hiệu quả nhưng bệnh nhân cần kiên trì và hợp tác tốt với người điều trị
1. Mục tiêu VLTL
- Giảm đau
- Giảm co thắt cơ
- Phòng ngừa teo cơ & cứng khớp
- Tăng tầm vận động khớp vai (ROM) khớp vai
- Tăng sức mạnh các nhóm cơ vai
- Phục hồi chức năng (PHCN) sinh hoạt hàng ngày
- Phòng ngừa tái phát
2. Chương trình VLTL
2.1 Giai đoạn cấp (0-4 ngày ):
- Nghỉ ngơi, tránh cử động vai đau
- Chườm lạnh 10 phút / 2 lần/ ngày
- Mang đai treo tay
- Tập thụ động khớp vai trong giới hạn không đa
2.2 Giai đoạn bán cấp (từ ngày 4 đến ngày 21):
- Giảm đau:
+ Nhiệt trị liệu: chườm nóng, hồng ngoại, sóng ngắn, vi sóng. Thời gian từ 15-20 phút
+ Điện trị liệu: dòng TENS 2 pha không đối xứng, dòng giao thoa, dòng Diadynamic, dòng Trabert 2-5. Thời gian G từ 10-20 phút
- Giảm co thắt cơ:
+ Siêu âm điều trị chế độ liên tục tại cơ bị co thắt. Thời gian từ 7- 10 phút
+ Xoa bóp thư dãn cơ
- Duy trì lực cơ & ROM khớp vai
Bài tập1: Bài tập chủ động có trợ giúp trong giới hạn đau
Bài tập quả lắc (đong đưa tay đau)
Bài tập với gậy
Bài tập chủ động có trợ giúp và tự do với kỹ thuật viên (KTV) trong giới hạn đau chịu được
Bài tập 2
- Kéo giãn thụ động bằng tay KTV hoặc bằng tư thế
- Bài tập co cơ đẳng trường
- Bài tập với dụng cụ trợ giúp tại phòng
VLTL như: kéo ròng rọc, bánh xe tập quay khớp vai, tập khớp vai với
thang bậc treo tường…..
- Kỹ thuật di động khớp trong các trường hợp có co thắt bao khớp
Lưu ý:
- Trong giai đoạn bán cấp chương trình tập cần phải linh động thay đổi theo sự đáp ứng và tiến triển của từng bệnh nhân.
- Tuyệt đối tránh để bệnh nhân tập quá mệt và làm tăng đau cho người bệnh
- Đối với các chứng đau vai đơn thuần nếu điều trị đúng cách thường khỏi trong giai đoạn này
- Trong 1 số trường hợp bệnh nặng hoặc bệnh nhân điều trị không đúng cách bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính
2.3 Giai đoạn mãn tính (sau 21 ngày):
Trong giai đoạn mãn tính, thông thường bệnh nhân chỉ đau khi vận động tới tầm độ bị hạn chế. Vấn đề chủ yếu của bệnh nhân là :
- Hạn chế ROM khớp vai do co thắt cơ và co rút bao khớp
- Teo yếu cơ do ít vận động
- Hạn chế chức năng sinh hoạt hàng ngày
Chương trình VLTL trong giai đoạn này bao gồm:
- Tiếp tục giảm đau và thư giãn cơ bằng các phương pháp điện trị liệu kết hợp với xoa bóp trước khi tập vận động
- Tăng tầm vận động khớp vai bằng kỹ thuật kéo giãn thụ động tại mức độ bị hạn chế trong giới hạn đau chịu được của bệnh nhân.
- Áp dụng kỹ thuật di động khớp nếu có co rút bao khớp
- Tăng sức mạnh cơ yếu bằng các bài tập chủ động có trợ giúp tăng tiến dần đến các bài tập tự do và có sức đề kháng
- Phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày
như mặc quần áo, lấy đồ trên cao, khuyến khích bệnh nhân sử dụng tay
đau trong sinh hoạt như đánh răng, lau mặt, vệ sinh, ăn uống…..
2.4 Chương trình tập tại nhà:
- Bài tập quả lắc
- Bài tập với gậy hoặc khăn
- Bài tập bò tường
- Bài tập tự kéo dãn khớp vai
- Bài tập tăng sức mạnh cơ với tạ
2.5 Những điều cần tránh:
- Làm việc quá sức
- Nằm nghĩ gối đầu trên tay đau hoặc nằm nghiêng bên đau
- Lao động nặng nhọc
- Chơi thể thao quá sức