Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Làm gì khi bé bị táo bón?

Làm gì khi bé bị táo bón?

Con trai em được 18 tháng nặng 13kg dài 86cm. Không kể những tháng đầu gần như tháng nào cháu cũng tăng 0,5kg. Hiện cháu ăn cháo, bữa cháo nào cũng đủ 4 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo.

Cháu ít ăn hoa quả. Tuy nhiên, thường thì 2-3 ngày cháu mới đi đại tiện một lần. Lần nào đi cũng kêu đau, phân hơi cứng. Em kiểm tra thì hậu môn không bị rách.
Có một đợt em massage bụng cho cháu thì ngày nào cháu cũng đi nhưng bây giờ thì không được như thế nữa. Xin bác sĩ cho lời khuyên để có thể cải thiện tình trạng của cháu? (Cao Hong Hue)
Ảnh minh họa: Bnparenting.

Trả lời:

Về cân nặng và chiều cao con bạn phát triển rất tốt, như vậy tình trạng táo bón không ảnh hưởng gì đến tình trạng dinh dưỡng của cháu. Nhưng cứ để tình trạng táo bón kéo dài thì sẽ không tốt cho sức khoẻ sau này của trẻ. Cháu có thể bị giãn đại tràng, có thể bị sa trực tràng nếu phải rặn nhiều. Khi đã bị giãn đại tràng dẫn đến phình to đại tràng, cháu sẽ bị táo bón cho đến khi đã trưởng thành.
Nguyên nhân gây táo bón 90% là do cơ năng (không do tổn thương thực thể đường tiêu hoá) mà nguyên nhân chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng: uống ít nước, ăn ít chất xơ, nhiều chất đạm.
Vì vậy, trước hết bạn cần cho trẻ uống đủ nước: 100ml/kg/ngày (bao gồm cả sữa), ăn nhiều loại rau: mồng tơi, khoai lang, dền, ăn các loại quả: chuối tiêu, đu đủ, thanh long, cam, bưởi. Khi nấu cháo nên cho thêm 1 củ khoai lang, không ăn cà rốt, nước ổi, nước táo. Chất đạm ăn vừa đủ: 100-120g thịt (cá, tôm )/ngày, 150g rau, 200g quả chín. Ngoài ra, nên tăng cường cho bé ăn sữa chua: 200-300ml/ngày, nên đổi sữa công thức bé đang uống sang sữa có bổ sung chất xơ và vi khuẩn có lợi.

Chuẩn bị cho con gái lần đầu có kinh

Chuẩn bị cho con gái lần đầu có kinh

Chị Hoàng Vân, quận 9, TP HCM vẫn còn nhớ lần dở khóc dở cười vì kỳ kinh nguyệt đầu tiên của cô con gái mình.

Khi ấy cả nhà đang đi ăn tối ở một nhà hàng, lúc gần ăn xong bé gái xin phép vào nhà vệ sinh, đợi một lúc lâu vẫn chưa thấy con quay ra, chị Vân chạy vào nhà vệ sinh gọi mãi thì phát hiện con đang khóc rấm rứt, cô bé đang hoảng hốt vì “con sợ quá, sao máu cứ chảy mãi không dừng".
"Lúc đó vừa thương con, vừa giận mình vì cứ lu bu buôn bán mà không để ý rằng con mình đã lớn mà trang bị kiến thức cũng như chuẩn bị tâm lý cho con trong giai đoạn quan trọng này", chị Vân chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết, kinh nguyệt là dấu hiệu đánh dấu bé gái từ thiếu nhi thành người trưởng thành về mặt cơ thể, chứng tỏ các tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động, bé gái có chức năng sinh sản, mang thai, phát triển thành thiếu nữ.
Các bà mẹ cần luôn chia sẻ, hướng dẫn cho bé những kiến thức cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Ảnh: mommyimgrowingup.com
Cần bên cạnh chia sẻ, hướng dẫn cho bé những kiến thức cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Ảnh: mommyimgrowingup.com
Thông thường, ở giai đoạn dậy thì, bé hay có những thay đổi tâm sinh lý đột ngột, và với lần có kinh đầu tiên thì đa số các bé rất lo lắng, hoảng loạn trước sự thay đổi bất thường của cơ thể. Theo bác sĩ Thông, gia đình, nhất là những người cùng giới như mẹ, chị gái, bà... cần có sự tư vấn và chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, kiến thức cho bé.
Ở tuổi này, bé có định hướng ham muốn về tình dục có thể dẫn đến tình dục không an toàn, do đó bác sĩ Thông khuyên các phụ huynh cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tự bảo vệ mình, tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Khi nhận thấy những thay đổi trên cơ thể của bé cho thấy kỳ kinh nguyệt đầu tiên sắp xuất hiện như ngực, cơ quan sinh dục bắt đầu phát triển, bé phát triển chiều cao nhanh... thì cần phải tư vấn cho bé hiểu về kinh nguyệt.
Cần giúp bé hiểu rằng đây là một hiện tượng bình thường và là điều tuyệt vời của cơ thể người phụ nữ. Giai đoạn bé có khả năng xuất hiện kinh nguyệt, các bà mẹ không truyền đạt những suy nghĩ tiêu cực theo kiểu "đây là thứ phiền phức và đáng ghét" vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt của mình, làm cho bé hoang mang. Nên cho bé biết rằng, vài tháng trước khi bé có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, có thể xuất hiện dịch lỏng màu trắng ở cơ quan sinh dục, điều này rất bình thường và trấn an để bé không phải lo lắng.
Nên có sự hướng dẫn và chuẩn bị các vật dụng cần cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bé. Rất có thể bé không ở bên cạnh mẹ khi hành kinh lần đầu, do đó cần chỉ cho bé cách sử dụng băng vệ sinh, sự cần thiết phải thay đổi băng vệ sinh nhiều lần trong ngày, đặc biệt là khi máu thấm nhiều.
"Các cô giáo ở năm cuối tiểu học, năm đầu trung học cần quan tâm đến các biểu hiện của bé gái, cần có hướng dẫn để bé không phải lo lắng trong trường hợp bé xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên ở trường", bác sĩ Thông lưu ý.
Cần trang bị cho bé cách thức giữ vệ sinh để tránh bị viêm nhiễm âm hộ do vệ sinh không đúng cách, vẫn cho bé tắm giặt bình thường, không cử nước, cử gió, nên làm việc nhẹ, không tập các môn thể thao nặng nề, không bơi lội, cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tinh thần thoải mái.
Mỗi tuần nên cho bé uống 1 viên sắt bổ sung và tăng cường dinh dưỡng nhiều chất sắt như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, cá thu, cá ngừ, trứng, đậu, vừng.... để giúp bé tránh bị thiếu máu, xanh xao.
Một số điều cần biết:
- Vòng kinh bình thường khoảng 28 -30 ngày. Tuy nhiên có những người xê dịch khoảng từ 22 đến 35 ngày. Thông thường thời kỳ hành kinh kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Máu kinh không đông, chỉ hơi tanh, không có mùi hôi.
- Tuổi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt khoảng 11 đến 18 tuổi. Sẽ có số ít bé gái lọt ra ngoài khung tuổi này, tức là dậy thì sớm hay dậy thì muộn. Nếu bé có những dấu hiệu thứ phát dậy thì, tức là cơ quan sinh dục phát triển, hệ thống lông ngực phát triển nhưng vẫn vô kinh thì cần lưu ý đến cơ quan y tế để được thăm khám.
- Ở những chu kỳ đầu tiên do hoạt động của buồng trứng, của hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh nên những vòng kinh đầu đời chưa đều đặn, bé không phải lo lắng nhiều với những trường hợp này.
- Một số tình trạng kinh nguyệt bất thường hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt mà bé có thể gặp phải: rong kinh (trên 7 ngày), kinh ít (chỉ ra 1-2 ngày), kinh thưa (2-3 tháng/ 1 lần), kinh mau, thống kinh (đau bụng), băng kinh (trên 150ml/ chu kỳ). Cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị, để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của bé. Với những trường hợp bé bị băng kinh thì nên được đưa đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng vì thiếu máu nặng mà phải truyền máu gây tốn kém và khiến cho việc chăm sóc, điều trị phức tạp hơn.

Dễ tàn phế vì cấp cứu chậm tắc động mạch chi cấp tính

Dễ tàn phế vì cấp cứu chậm tắc động mạch chi cấp tính

Ông Hà (Đồng Nai) đang đi ăn giỗ ở nhà người quen trên TPHCM thì chân trái bị đau đột ngột, sau đó tím tái, đau dữ dội và chân trở nên lạnh, tê không còn cảm giác, mạch máu không đập.

Người nhà chuyển ông vào bệnh viện, ông được chẩn đoán tắc cấp tính động mạch chân do huyết khối cấp và đã may mắn được cấp cứu mổ lấy huyết khối để thông mạch chi kịp thời.
“Các bác sĩ bảo nếu tôi đến trễ thì có thể phải cắt cụt chân. May là ở đám giỗ đông người, lại đang trên thành phố chứ nếu để ở quê chắc tui cứ nghĩ là đau xương khớp bình thường, hoặc chạy chữa thầy lang như mọi lần thì chưa biết ra sao nữa”, ông Hà cho biết.
Tắc mạch máu. Ảnh: arizonafootdoctors.com
Triệu chứng của tắc mạch máu cấp tính dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp. Ảnh: arizonafootdoctors.com
Theo bác sĩ Lê Phi Long, Trưởng Phân khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, tắc động mạch chi cấp tính là một cấp cứu ngoại khoa. Điều trị cấp cứu thất bại, sẽ đồng nghĩa với phẫu thuật cắt cụt chân.
Trên thực tế tắc mạch chi cấp tính cũng có triệu chứng khá giống với thoát vị đĩa đệm: người bệnh cũng đau nhức chân đột ngột và nhiều, đi khập khiễng, chân cũng tê bì như ngâm nước lạnh, dị cảm như có kiến bò, và nếu nặng có thể yếu hay liệt chân. Tuy nhiên, đau do tắc mạch cấp hầu như không đáp ứng với thuốc giảm đau chích hay uống. Mặt khác, nếu chịu khó thăm khám thêm, sờ chân và bắt mạch, sẽ có thể phát hiện ra một bên chân lạnh và tái nhợt, hay tím hơn bên đối diện, và không sờ thấy mạch nảy ở ngoại biên.
Với các tắc mạch cấp tính tại các vị trí nguy hiểm khác như tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim làm người bệnh đau ngực khó thở dữ dội hay đột quỵ, hoặc tắc mạch não gây yếu liệt nửa người…, làm người bệnh phải đến bệnh viện cấp cứu ngay. Riêng với tắc mạch chi cấp tính, cảm nhận đầu tiên của người bệnh chỉ là cơn đau ở một bên chân, là một triệu chứng hoàn toàn không mang tính đặc hiệu và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thần kinh xương khớp khác.
Nếu can thiệp quá muộn, người bệnh sẽ còn phải đối mặt thêm với các biến chứng nguy hiểm khác: suy thận cấp, nhiễm trùng nhiễm độc, loạn nhịp tim… và có thể dẫn đến tử vong. Trong quá trình đó, cơ hội để giữ lại chi kịp thời chỉ có vỏn vẹn khoảng 6 tiếng đầu. Sau 24 tiếng, cuộc chiến để giành giật lại phần chi bị tắc mạch và tránh cho các biến chứng xảy ra sẽ trở nên rất cam go, bác sĩ Long cho biết.
Các triệu chứng tắc mạch chi cấp tính:
- Đau đột ngột
- Dị cảm hay giảm hoặc mất cảm giác
- Sờ thấy lạnh một bên chân
- Tím tái
- Yếu hoặc liệt chi
Theo bác sĩ Long, nếu bệnh nhân hội đủ 3 trong nhóm 5 triệu chứng trên và kèm theo giảm hay mất mạch một bên, thì cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Lưu ý, các trường hợp rối loạn nhịp tim (thường nhất là rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn, hẹp hở van hai lá…) nếu không được điều trị tốt và kháng đông hợp lý sẽ là điều kiện thuận lợi tạo lập cục huyết khối gây thuyên tắc mạch.
Tuổi tác và thời gian làm xơ vữa và thoái hóa thành mạch máu, làm mất tính trơn láng của lòng mạch. Càng lớn tuổi, tình trạng xơ vữa động mạch càng nặng hơn, càng có nguy cơ tạo huyết khối tại chỗ. Bệnh xơ vữa động mạch sẽ làm cho lòng mạch ngày càng hẹp lại dần, hoặc làm cho thành mạch bị suy yếu gây phình mạch và bóc tách. Những vị trí hẹp tắc hay phình to gây rối loạn huyết động sẽ là những điểm thuận lợi để tạo lập cục máu đông tại chỗ hoặc làm nghẽn các cục máu đông nhỏ tại các nơi khác trôi đến gây ra tắc mạch cấp.
Do đó, bác sĩ Long đưa ra lời khuyên, những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao như lớn tuổi, cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá nhiều, rung nhĩ loạn nhịp tim, rối loạn đông máu, cắt lách… nên đi tầm soát bệnh động mạch ngoại biên, tư vấn khám chuyên khoa và làm siêu âm mạch máu định kỳ để phát hiện các thương tổn hẹp tắc hay phình mạch máu.

Thai lưu bao lâu lên có thai lại?

Thai lưu bao lâu lên có thai lại?

Em năm nay 24 tuổi đã lấy chồng được 1 năm, hai vợ chồng em đã đi khám, kết quả em bình thường còn chồng bị tinh trùng yếu. A 8%, B 24%.

Em mong mỏi mãi tháng 9/2012 mới có thai lần đầu. Khoảng 2 tuần em sau đi khám, bác sĩ kết luận thai được 6 tuần, ngôi thai thấp, dễ bị sảy. Sau đó em có đến nghe lại tim thai thì bị kết luận không có tim thai, thai bị lưu, em phải hút thai. Em rất muốn có bé lại, với trường hợp của em, em nên có thai luôn không ạ? Và em nên uống thuốc gì và làm gì để không lặp lại thai lưu nữa?
(Tuyen Luyen)
Trả lời:
Xin chào bạn!
Thai lưu ở tuổi thai nhỏ như vậy đa phần là do nguyên nhân từ thai, nghĩa là thai có vấn đề bệnh tật hay bất thường nào đó nên không thể tiếp tục phát triển được. Và do đó, không có cách nào để dự phòng cho lần thai sau.
Sau khi có kinh lại bình thường hoàn toàn có thể để có thai lại. Có thể dùng viên sắt chứa acid folic, uống mỗi ngày để dự phòng thiếu sắt và thiếu acid folic, có thể gây ra dị tật ống thần kinh của thai, đây là dị tật lớn có thể gây mất thai.

sai lầm của cha mẹ khi chăm con

3 sai lầm của cha mẹ khi chăm con

Nhiều bà mẹ mách nhau rửa mũi cho trẻ hằng ngày để phòng bệnh, trẻ chưa biết đánh răng thì dùng khăn lau miệng, tuy nhiên đây đều là cách làm sai.

1. Rửa, xịt nước mũi hằng ngày cho trẻ

Dù con không bị ngạt mũi hay sổ mũi, nhiều bà mẹ vẫn vệ sinh mũi hằng ngày cho bé, thậm chí dùng cả dụng cụ hút mũi. Đây được coi là một cách để tránh bé bị các bệnh về đường hô hấp trên.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai(Hà Nội), việc làm này vừa mất thời gian lại không có tác dụng gì. Mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch. Dù mũi hít phải không khí bẩn, vi khuẩn thì nó cũng ngăn lại, nên cơ thể mới không bị ốm. Khi đó mũi làm chức năng của mình rất tốt thì không việc gì phải vệ sinh, rửa mũi. Chưa kể cách vệ sinh không đúng còn gây hại cho mũi.
Chỉ khi nó không hoàn thành nhiệm vụ, trẻ bị ốm, sụt sịt mũi thì lúc đấy hãy nên rửa mũi. Điều này giúp hỗ trợ mũi phục hồi chức năng, đào thải dịch nhầy giúp tăng tác dụng của các thuốc sử dụng tại chỗ, trẻ dễ thở...
Ảnh: P.N.

2. Lau miệng, đánh tưa lưỡi

Nhiều bà mẹ truyền miệng nhau cứ thấy lưỡi trắng là cạo đi hoặc dùng mật ong lau vào lưỡi vì cho rằng trẻ bị tưa lưỡi.
Tuy nhiên, như thế nào thì trẻ được gọi là bị tưa lưỡi, điều này không phải ai cũng biết. Hơn nữa việc này còn gây hại đến lưỡi. Niêm mạc lưỡi rất mỏng, có dây thần kinh phân biệt nóng lạnh, mùi vị, khi bị lau rất dễ bị xây nước dù không nhìn thấy. Hơn nữa lưỡi mất đi sự trơn tru, mềm mại làm trẻ biếng ăn.
Bên cạnh đó, có thể miếng giẻ hay tay lau miệng, lưỡi cho trẻ không sạch sẽ, có thể lại truyền vi khuẩn nấm. Các bác sĩ gặp nhiều trường hợp trẻ 2-3 tuổi đã bị nấm, trong khi không uống thuốc kháng sinh, không có yếu tố nào khác. Lý do vì cha mẹ lau miệng vô tình mang nấm vào, tiến sĩ Dũng cho biết.
Tương tự việc lau răng cho trẻ cũng thế. Nhiều trẻ đến khám toét răng, bị viêm nha chu vì cha mẹ lau nhiều quá. "Nói chung không cần thiết phải lau miệng cho trẻ, vì luôn có tuyến tiết nước bọt giúp miệng ẩm, trơn tru. Thay vì đó, khi trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên, cha mẹ có thể cho bé làm quen với bàn chải đánh răng", bác sĩ Dũng cho biết.

3. Dùng thuốc chống nôn

Thấy con sốt nhẹ, đau họng, nôn, nhiều người tự ý mua thuốc chống nôn có thành phần metalopramid cho trẻ uống. Không ít trường hợp trẻ phải nhập viện vì uống quá liều, gây co giật.
Theo tiến sĩ Dũng, loại thuốc này hiện bán rất nhiều tại các hiệu thuốc, tuy nhiên đây là thuốc bán theo đơn. Tác dụng ngoài ý muốn của nó có thể là ngủ gật, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ, chóng mặt, thậm chí gây rối loạn vận động. Nếu uống quá liều có thể gây tử vong vì co giật.
Nôn có thể là triệu chứng thông thường nhưng cũng là biểu hiện của nhiều bệnh. Ở trẻ nhỏ nôn được chia thành: nôn trớ thông thường, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh ngoại khoa - tắc ruột, nội khoa như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm não, màng não hay các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, viêm mũi xoang...
Việc điều trị là theo nguyên nhân gây nôn. Trẻ bị tắc ruột mà uống thuốc chống nôn thì làm lu mờ triệu chứng, khiến việc chẩn đoán chậm. Bé nào bị nôn do lồng ruột thì phải mổ cấp cứu. Nhìn chung khi con bị nôn thì cha mẹ nên đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.

Hỏi đáp Y học: Chứng loãng xương

Hỏi đáp Y học: Chứng loãng xương

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
CỠ CHỮ
Thính giả Vân Anh, ở Ðồng Nai, Việt Nam, có câu hỏi như sau:

"Tôi đi đo và được biết tôi bị loãng xương. Khi để bàn tay trong máy đo thì kết quả ra là 6 lần thay vì 10 lần. Tôi muốn hỏi bác sĩ là tôi bị loãng xương như vậy là liệu có bị suốt đời không? Tôi cũng chỉ được thuốc uống với liều lượng một viên một tuần thôi. Tôi cũng muốn hỏi bác sĩ như vậy thì tôi phải uống thuốc suốt đời hay như thế nào?"

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Lắng nghe giải đáp của bác sĩ

Bệnh loãng xương - Osteoporosis

Bà Vân Anh, 57 tuổi, Việt nam

1) Bệnh loãng xương là một bệnh về biến dưỡng luỹ tiến (progressive metabolic disease),trong đó mật độ xương giảm xuống quá thấp.

Mật độ chất khoáng trong xương, hay gọi ngắn là “mật độ xương” (bone mineral density, BMD) có nghĩa là lượng xương trong một đơn vị diện tích hoặc thể tích xương. Mật độ này giảm thì cơ cấu (structure) của xương yếu đi, sức chịu đựng của chúng giảm đi, và xương dễ bị gãy mặc dù bị chấn thương không đáng kể lắm,nhất là gãy ở các đốt sống vùng ngực (thoracic spine), vùng eo lưng (lumbar spine), xương háng (hip fracture), và xương cổ tay (wrist fracture). Ở người già gãy xương khớp háng (hip fracture) dễ gây tật nguyền, phải bất động lâu và khả năng gây tử vong cao.

2) Việt Nam : “ở TPHCM và Hà Nội, ở những người trên 50 tuổi, cứ 10 phụ nữ thì có khoảng 3 người bị loãng xương; ở nam, cứ 10 người thì có 1 người bị loãng xương. Dùng số liệu dân số của Việt Nam năm 2010, hiện nay có khoảng 2 triệu nữ và nửa triệu nam trên 50 tuổi đang trong tình trạng loãng xương.”(Nguyễn Văn Tuấn ). Ở Mỹ, người ta ước chừng 12 triệu người mắc chứng loãng xương.(USPSTF, Nhóm Đặc Nhiệm Dịch Vụ Phòng Ngừa Hoa Kỳ)

3) Xương chúng ta là một bộ phận sống động, va thay đổi liên tục theo thời gian và theo nhu cầu cơ thể. Có những tế bào xương gọi là osteoclast có nhiệm vụ phá huỷ xương cũ bỏ đi và thải calcium (vôi) vào dòng máu, và những tế bào xương gọi là osteoblast phụ trách xây dựng xương mới, dùng calcium lấy trong dòng máu.

4) Trong đời người, mật độ xương tăng dần cho đến lúc chừng 20-30 tuổi là lúc xương "đặc" nhất. Được chừng 10 năm, sau đó mật độ xương sẽ giảm từ từ, ở đàn bà nhiều hơn đàn ông, mỗi năm giảm 0,3-0,5%.Ở người phụ nữ,mật độ xương giảm nhanh hơn một phần do phụ nữ có thai và cho con bú, phải chia sẻ nguồn calcium của cơ thể mình với thai nhi, con cái.  Sau khi tắt kinh, trong vòng 5-7 năm, mỗi năm lượng xương (bone mass) giảm nhanh hơn gấp 10 lần (3-5%).

5) Ở Mỹ, USPSTF cũng như Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) khuyến cáo phụ nữ trên 65 tuổi nên đo mật độ xương (bone densimetry) truy tầm loãng xương (osteoporosis screen), ngoại trừ những phụ nữ có yếu tố nguy cơ khác, cần screen sớm hơn. Đàn ông chưa được USPSTF khuyến cáo thử screening loãng xương, do chưa có bằng chứng là có lợi rõ rệt.

•    Dùng quang tuyến X, bằng phương pháp "Dual Energy X Ray Absorptiometry (DEXA scanning,máy hấp thu hai tia năng lượng).Người ta so sánh mật độ xương bệnh nhân với mật độ xương của người trẻ 20-30 tuổi, và tính ra một chỉ số T (T score). Nếu chỉ số T nhỏ hơn -2.5 (<-2.5) thỉ kết luận là loãng xương.

•    Định bệnh bằng siêu âm (quantitative ultrasonography) được xem không đủ chính xác để dùng quyết định trị liệu.

6) Yếu tố nguy cơ (risk factors)

Người phụ nữ có kinh lần đầu muộn, hoặc tắt kinh sớm dễ bị loãng xương hơn.
Những yếu tố cơ nguy khác:

•    Người da vàng và da trắng có bone mass thấp hơn người da đen.
•    Người gầy (ốm)
•    Thiếu vận động, vì sức khoẻ xương muốn được bảo vệ cần phải có stress trên các xương đó; có nghĩa là chúng ta phải cho xương chúng ta "làm việc", chịu đưng sức nặng, sức kéo bằng cách hoạt động cơ thể thường xuyên.. Cho nên những người phải nằm bất động lâu một chỗ,những người ít lao động, tập luyện thể lực dễ bị loãng xương hơn.
•    Ăn uống thiếu các chất calci, phosphate, Vitamin D, quá nhiều vitamin A
•    Hút thuốc lá, uống rượu, uống cà phê quá nhiều.

7) Cho nên, tập thể thao, hoạt động cơ thể thường xuyên (chừng 30 phút mỗi ngày), ăn uống đầy đủ, không thái quá, (quá nhiều thịt cũng không tốt, ăn chay tốt cho sức khoẻ xương), uống thêm vitamin D, Cacium, phosphate có thể giúp cho sức khoẻ xương.

Gần đây Viện Y Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo (RDA: Recommended Daily Allowance; cao hơn trước):
•    Vitamin D: 1-70 tuổi: 600 IU (đơn vị quốc tế)/ngày
•    Trên 70 tuổi: 700 IU
•    Trên 9 tuổi: giới hạn an toàn tối đa 4000 (bốn ngàn ) IU
•    Calcium: 700mg (trẻ em dưới 3 t)-1300mg/ngày (đàn bà có bầu, cho con bú); tuỳ tuổi. Đàn ông 51-72 tuổi 1000mg/ngày; đàn bà 1200mg.

8) Thuốc nhóm bisphosphonate là thuốc hàng đầu (first line treatment) chữa loãng xương.Thuốc làm giảm tiêu xương (bone resorption)và giảm thiểu gãy xương đốt sống và xương háng (hip fracture) chừng 50%. [Fosamax (alendronate), Actonel (risedronate), Boniva (ibandronate), Atelvia (risedronate delayed release), Didronel (etidronate), Skelid (tiludronate)].

Ví dụ thuốc alendronate (‘Fosamax”) uống mỗi ngày 1 viên 10mg, hoặc 1 viên 70 mg mỗi tuần.

Biến chứng: thuốc có thể gây nhức xương, gãy xương đùi (thigh bone fracture/ fracture of the diaphysis of the femur), do thuốc biến đổi cơ chế thay xương cũ bằng xương mới.

Có những khảo cứu gần đây cho thấy thuốc biphosphonate tăng nguy cơ ung thư thực quản (oesophageal cancer), nhất là nếu dùng thuốc 5 năm trở lên.

Hiện nay, người ta khuyên không nên dùng thuốc loại bisphosphonate quá 5 năm, vì dùng lâu có thể hại nhiều hơn lợi. Hơn nữa, thuốc uống vào, còn tồn tại trong xương cả chục năm. Trong một số trường hợp hiếm, các bisphosphonate có thể gây hoại tử xương hàm (osteonecrosis of the jaw). Nếu bệnh nhân định nhờ nha sĩ giải phẫu, nhổ răng, cần cho nha sĩ biết mình đang dùng bisphosphonate.

9) Cần để ý những điểm sau đây, vì thuốc bisphosphonates có thể gây hại cho thực quản:

- Uống buổi sáng sớm lúc mới dậy, chưa ăn uống gì.
- Không uống thước lúc sắp đi ngủ lúc chưa ra khòi giường
- Chỉ dùng nước lã (nước lạnh), uống 180-240 ml nước (chừng 1 ly trung binh). Không dùng trà, nước trái cây, nước ngọt, cà phê..
- Trong vòng 30 phút sau đó, không ăn không uống gì khác, kể cả thuốc vitamin, thuốc bao tử. Không được nằm xưống, phài ngồi thẳng lưng, đứng thẳng 30 phút, ăn sáng xong mới được phép nằm xuống nếu cần.

Cuộc nói chuyện này hoàn toàn chỉ mục đích thông tin, bệnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Nguy cơ nhiễm vi rút suy thận do tiếp xúc với chất bài tiết của chuột

Nguy cơ nhiễm vi rút suy thận do tiếp xúc với chất bài tiết của chuột

(Dân trí) - Ngày 6/12, TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết không phải bị chuột cắn mới nhiễm Hantavirus.
 >> 7 biện pháp phòng chống bệnh suy thận do chuột
 >> Không phải ai cũng bị bệnh suy thận từ chuột cống
 >> Phát hiện ca bệnh suy thận vì bị... chuột cắn

 Tiếp xúc với nước tiểu, phân, nước bọt của chuột cũng có nguy cơ nhiễm Hantavirus. Ảnh: Internet
Tiếp xúc với nước tiểu, phân, nước bọt của chuột cũng có nguy cơ nhiễm Hantavirus. Ảnh: Internet 
Vừa qua, bệnh nhân N.V.T (55 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM) nhập viện vì bị chuột cắn ở chân trước đó 15 ngày và bị suy thận. Theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh nhân N.V.T dương tính với loại virus có tên Hantavirus - có khả năng gây suy gan, suy thận cấp có ở trong chuột.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải bị chuột cắn mới nhiễm căn bệnh này. Theo TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nếu tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết của động vật gặm nhấm (mà chủ yếu là chuột) bị nhiễm bệnh như nước tiểu, phân, nước bọt… do hít vào đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp vào vùng da bị tổn thương, niêm mạc mắt, mũi, miệng thì người vẫn có nguy cơ bị nhiễm Hantavirus.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phòng ngừa Hantavirut và các bệnh truyền nhiễm khác do chuột, người dân không nên đổ thức ăn bừa bãi, nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh khu vực đang sống. Nếu nuôi các loại thú nuôi thuộc họ gặm nhấm như chuột, bọ, sóc…cần thận trọng khi chăm sóc, tránh để tiếp xúc với nước tiểu, phân vào các vùng da bị tổn thương, văng vào mắt, mũi, miệng. Tránh để bị chuột cắn.

Như vậy người dân nên cẩn thận chứ không nên quá hoang mang vì khả năng lây truyền Hantavirus từ người bệnh sang người lành là cực kỳ hiểm.

Khi đã tiếp xúc với các nguồn nguy cơ nêu trên và có các triệu chứng bất thường, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Hantavirus là loại vi rút ARN, thuộc họ Bunyaviridae, được đặt tên theo tên sông Hanta Hàn Quốc, nơi đầu tiên phát hiện ra loại vi rút này vào năm 1978. Mỗi loại Hantavirus thích ứng với một loài gặm nhấm và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Chuột và loài gặm nhấm được xem là ổ chứa Hantavirus.

Ở khu vực châu Á, Hantavirut có thể gây Hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận (HFRS) thường xuất hiện trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi phơi nhiễm. Triệu chứng bao gồm nhức đầu, đau lưng, đau bụng, sốt, lạnh run, nôn ói. Có thể có tình trạng mặt ửng đỏ, viêm đỏ kết mạc mắt, phát ban ngoài da. Sau đó bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp, sốc, thoát huyết tương đồng thời xuất hiện suy thận cấp. Nhìn chung mức độ nặng của bệnh thay đổi tùy theo loại virus, tỷ lệ tử vong khoảng từ 1 -15 % trường hợp. Bệnh tự hồi phục hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cũng như vacxin dự phòng đối với Hantavirus, nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn nguy kịch thì sẽ hồi phục dần dần và hồi phục hoàn toàn.

Như T

Thảm án mang danh “tình yêu”

Thảm án mang danh “tình yêu”

Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp nhiều vụ thảm án "nhân danh" tình yêu xảy ra ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Điều mà nhiều người cảm thấy day dứt là kẻ sát nhân và bị hại còn rất trẻ, và lý do đưa ra biện minh cho sự việc là… quá yêu?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số nhà tâm lý học, hy vọng bạn đọc mỗi người sẽ tự rút ra bài học cho mình.
Vũ Văn Thành.
Vũ Văn Thành.
Yêu quá hóa… sát nhân
Ngày 27/11 vừa qua, tại nhà nghỉ Huy Khánh (xã Dương Xá, Gia Lâm, TP Hà Nội) xảy ra một thảm án đau lòng.
Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày một cô gái bỗng từ trong nhà nghỉ chạy ra kêu cứu với một số vết đâm vào bụng. Cô gái là Phạm Thị Y. (SN 1992, trú tại Vĩnh Hồng, Bình Giang, Hải Dương) là sinh viên một trường cao đẳng nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
Tại phòng 203 của nhà nghỉ, Cơ quan Công an phát hiện một thanh niên nằm gục trong phòng, trên người có 1 vết dao đâm vào ngực trái. Nạn nhân được xác định là Trần Minh H. (19 tuổi, trú tại Thất Thắng, Thanh Sơn, Phú Thọ), hiện làm thợ nhôm kính tại Hà Nội. Do vết thương quá nặng nên dù được đưa vào Bệnh viện Đức Giang cấp cứu nhưng H. đã tử vong vào lúc 15 giờ cùng ngày.
Được biết hai người yêu nhau được khoảng nửa năm nhưng thời gian gần đây, H. liên tục yêu cầu Y. phải đáp ứng nhu cầu "tình cảm" của mình. Thậm chí, H. còn dọa sẽ tự tử nếu Y. không làm theo các yêu cầu của mình.
Một ngày trước đó, H. đã cùng với Y. đến thuê phòng 203 nhà nghỉ Huy Khánh để tâm sự. Sau khi Y. từ chối những yêu cầu của mình, H. đã dùng dao đâm cô gái 2 nhát vào bụng, bả vai.
Lợi dụng lúc H. vào nhà tắm (với ý định dùng khăn bịt miệng Y.) cô gái đã chạy ra kêu cứu. Khi lực lượng Công an có mặt, H. đã khóa trái cửa bên trong, tự đâm vào ngực mình. Khi phá được cửa vào trong, cơ quan chức năng phát hiện H. đang nằm trên vũng máu, bất tỉnh.
Trước đó gần một tuần lễ, trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng xảy ra một vụ án sát hại người tình vì… quá yêu. Cô sinh viên Trần Thị Huyền Trang (SN 1993 quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã bị đối tượng Vũ Văn Thành đột nhập vào phòng trọ và bóp cổ cho đến chết.
Chúng tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảnh tượng bần thần, xót xa, đau đớn của gia đình anh Nguyễn Tuấn Anh (hiện đang công tác tại Trường THCS Nam Tiến, Phổ Yên) - phụ huynh của cháu Nguyễn Thùy Trang (SN 1997). Chỉ vì trót làm quen với đối tượng Nguyễn Văn Linh (SN 1991) cùng trú tại xã Nam Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên - một người họ hàng xa mà Trang đã phải nhận một cái chết tức tưởi.
Ngày 4/9/2012, Thùy Trang xin phép bố mẹ đi học như bình thường. Tuy nhiên đến tối không thấy cháu về nhà. Cho đến khoảng 9 giờ sáng ngày 5/9 nhân viên nhà nghỉ Bảo An (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) phát hiện một đôi trai gái chết trong phòng. Đôi nam nữ này được làm rõ là Thùy Trang và Nguyễn Văn Linh. Ban đầu Cơ quan Công an xác định Trang tử vong bởi nhiều vết dao đâm của đối tượng Linh.
Theo cha mẹ, thầy cô của Trang, cháu vốn là cô gái thông minh, ngoan ngoãn. Quen với đối tượng Linh trong một lần ăn giỗ, chiều ngày 4/9 cháu đã bị hắn ép buộc phải đi cùng. Rồi sau đó không được cháu đáp ứng về mặt tình cảm nên đối tượng đã ra tay sát hại cháu.
Hiện trường vụ án Vũ Văn Thành sát hại chị em Hòa, Trang. 
Hiện trường vụ án Vũ Văn Thành sát hại chị em Hòa, Trang. 
Kỹ năng tránh kẻ cuồng yêu
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho chúng tôi biết, xét về phương diện tâm lý học con người mà nói, nhu cầu được yêu thương của giới trẻ hiện nay không hề xấu mà trái lại nó còn đi theo quy luật phát triển và tồn tại của xã hội.
Tuy nhiên, tình cảm (tình yêu) nam nữ luôn phải xuất phát từ hai phía và trong quá trình có được thứ tình cảm này, không phải hoàn toàn lúc nào các bạn nam giới (hoặc nữ giới) cũng đạt được nguyện vọng, mong muốn của mình.
Nhiều trường hợp còn gặp phải sự phản kháng, từ chối thẳng thừng từ phía người bạn của mình. Khi ở vào hoàn cảnh trên, nếu như ta không giữ được lập trường thì chắc chắn những xung đột nội tâm sẽ xuất hiện. Lúc này, tình yêu không còn là thứ tình cảm chân chính mà nó trở thành sự thù tức, ghen ghét…
Những kẻ lấy lý do tình yêu để hủy hoại người yêu (hoặc chính bản thân mình) thật ra là những người vô cùng yếu đuối về mặt tình cảm. Bên cạnh đó, họ cũng thuộc dạng người có một cuộc sống tầm thường, không có nhiều ý chí, khát vọng trong học tập cũng như những đam mê, sở thích. Họ gần như chỉ biết yêu, và bấu víu vào nó để tồn tại. Khi bị mất đi điểm tựa cuối cùng thì họ như con thú cùng đường, sẽ bột phát dẫn đến những hành động điên cuồng như ở trên chúng tôi đã nêu.
Đến đây, chúng tôi có một thắc mắc rằng trong một số trường hợp bị "cuồng yêu" dẫn đến bạo hành, thì bị hại mặc dù biết người yêu của mình thuộc dạng vũ phu song vẫn không chịu dứt bỏ? Tiến sĩ tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích, qua một thời gian dài nghiên cứu thì ông phát hiện ra rằng, những mối quan hệ đó là có một quy luật.
Dĩ nhiên lúc mới bắt đầu tán tỉnh thì không một chàng trai/cô gái nào bộc lộ sự vũ phu, hung dữ của mình. Trong quá trình yêu nhau, có thể họ sẽ bộc lộ và xảy ra xung đột, cãi vã. Thế nhưng gần như lập tức ngay sau đó, với những lời xin lỗi thống thiết, những món quà, những lý do biện hộ không thể hợp lý hơn… hành động vũ phu kia sẽ được tha thứ. Để rồi lần sau, mức độ bạo hành sẽ càng tăng thêm.
Tiến sĩ Hòa khẳng định, đối với một con người sẵn có tính hung dữ, cục cằn… thì trước sau họ cũng sẽ bộc lộ. Và các cô gái đừng nghĩ là mình có thể… cải biến họ trở nên hiền lành, ngoan ngoãn. Trong hàng ngàn trường hợp may ra mới có một trường hợp thành công mà thôi.
Theo một nhà tâm lý học thuộc trung tâm tư vấn Linh Tâm, những hành động cuồng điên không thể hiện tình yêu của họ mà đó chính là sự ích kỷ của bản thân, có chăng là họ chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi.
Vẫn theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, khi yêu mặc dù là "mù quáng", song các chàng trai (cô gái) cần phải có sự tinh tế nhất định để có thể hiểu người yêu của mình. Có thể đối với bản thân mình, thì anh ta rất quan tâm, lo lắng, chiều  chuộng.
Song nếu như quan sát cách anh ta đối xử với một thằng bé đánh giày, bán báo hay một con vật nuôi thì sẽ có thể nhận ra bản chất hiền lành/vũ phu của anh ta. Đặc biệt, nếu có thể quan sát thái độ, hành động của anh ta/cô ta với gia đình, bạn bè, người thân thì sẽ cho chúng ta cái nhìn chính xác nhất về con người họ.
Tuổi trẻ, không thể không có tình yêu, nhưng để nhận ra được đâu là tình yêu đích thực, đâu là những thứ na ná tình yêu, đâu là những kiểu núp bóng tình yêu thì chẳng hề dễ dàng chút nào. Chính vì thế, các bạn trẻ cần hết sức cẩn trọng, kẻo đến khi hối hận thì đã quá muộn
Theo Hoa Sơn
An ninh thế giớ

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

4 triệu đàn ông Việt Nam sẽ... ế vợ

4 triệu đàn ông Việt Nam sẽ... ế vợ

(Dân trí) - Hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được các chuyên gia dự báo, đó là sẽ thiếu 2,3 - 4,3 phụ nữ trong độ tuổi kết hôn vào năm 2050. Kéo theo là gia tăng nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em gái…

Tỉ số giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện là 111,9 bé trai/100 bé gái. Hơn
Tỉ số giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện là 111,9 bé trai/100 bé gái. Hơn
30 năm nữa, sẽ có khoảng 4 triệu đàn ông khó lấy vợ. Ảnh minh họa: H.Hải
Tại buổi họp báo và phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2012 diễn ra sáng 5/12, ông Lê Cảnh Nhạc, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại VN vẫn ở ngưỡng rất báo động.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 1999 đến 2005, xu hướng biến động tỉ số giới tính khi sinh chỉ dao động trong khoảng 104 – 109 bé trai/100 bé gái.Nhưng từ năm 2006 bắt đầu gia tăng mạnh sự chênh lệch giới tính, từ 109,8 bé trai/100 bé gái lên 111,9 bé trai/100 bé gái. Xu hướng này xuất hiện ở cả thành thị và nông thôn. Đặc biệt khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ở ngay lần sinh đầu còn khu vực nông thôn chỉ xuất hiện từ lần sinh thứ hai tở đi. Tỉ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên rất cao, 120 bé trai/100 bé gái với cả hai khu vực thành thị và nông thôn.
Ước tính cả năm 2012, tỉ số giới tính khi sinh là 112,3. Tuy nhiên có một tín hiệu đáng mừng là đã giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh năm 2012 so với năm 2011.
Trước nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh còn rất đe dọa, Bộ Y tế đã đưa ra chủ đề “Kiểm soát có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.
“Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh là nhãn tiền. Các nhà nghiên cứu dự báo VN sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, kéo theo đó là một bộ phận nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hơn và nhiều người không thể kết hôn gây khủng hoảng thị trường hôn nhân; gia tăng các hoạt động mại dâm, cưỡng dâm, bắt cóc, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái…”, ông Nhạc nói.
Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này không chỉ tư tưởng Á đông thích con trai hơn con gái mà còn có cả sự “góp sức” của các kỹ thuật y tế hiện đại. Ngày càng có nhiều phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Gần 83% phụ nữ ở thành phố biết giới tính con trước sinh, ở nông thôn tỉ lệ này là gần 75%.
Trình độ học vấn của phụ nữ càng cao khả năng biết giới tính thai nhi trước sinh càng lớn, Tỉ lệ phụ nữ chưa đi học biết giới tính con trước sinh chỉ 32,4% trong khi người có trình độ là 83,5%. Vùng đồng bằng sông Hòng có tỉ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi từ 12 – 16 tuần cao nhất cả nước.
Đến 99% phụ nữ biết giới tính khi sinh bằng các phương pháp siêu âm, công cụ chẩn đoán giới tính hiện đại và hiệu quả. Chỉ 11% phụ nữ mong muốn mình sinh con gái, còn số phụ nữ muốn sinh con trai thì gấp e lần. Đặc biệt vùng Đồng bằng sông hồng tỉ lệ phụ nữ mong sinh con trai cao nhất cả nước (38%).
Hồng Hải
4 triệu đàn ông Việt Nam sẽ... ế vợ 4 triệu đàn ông Việt Nam sẽ... ế vợ 10 8 37617

Người yêu "giám sát" như cai tù

Người yêu "giám sát" như cai tù

31/10/2012 15:31:04
>> "TiengAnh123.Com giúp bạn giỏi tiếng Anh – chỉ 250,000 đ /1 năm"
- Em và anh ấy học cùng trường, chúng em mới yêu nhau được 3 tháng, nhưng quãng thời gian anh ấy theo đuổi em khá dài, đã 2 năm. Anh ấy luôn nói với em rằng, với anh ấy em là tất cả và không tha thứ cho bất cứ ai làm tổn thương tới tình yêu của anh ấy.
 
Trong lớp có một số bạn trai cũng thích em. Hôm qua tan học, bất ngờ một bạn cầm tay em thổ lộ tình cảm. Chẳng may, người yêu em đến đón và nhìn thấy. Anh ấy không nghe em giải thích, mắng em và đánh người bạn kia. Từ hôm đó, anh ấy luôn theo sát, em đi đâu, làm gì cũng có sự "giám sát" của anh ấy, như một cai tù vậy. Em mất mặt với bạn bè và buồn lắm. Em không biết phải làm sao để anh ấy tin em bây giờ. Minh Thu (Hà Nội).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Minh Thu thân, sự việc xảy ra có một phần lỗi của em. Em được nhiều bạn trai quý mến, tán tỉnh, điều đó không thể trách em được. Nhưng nếu em vạch một giới hạn nào đó cho các bạn đó thì có lẽ đã không dẫn đến hành động "cầm tay" tỏ tình ngay sau giờ học khiến người yêu em giận, dẫn đến nhiều hành động đáng tiếc như thế.
 
Còn về phần người yêu em, dù xuất phát từ lý do thế nào thì những xử sự của anh ấy cũng cho thấy anh ấy là người nóng nảy, thiếu kiềm chế. Không thể buộc một ai đó phải tin mình, nếu mình sống đúng mực. Không làm gì có lỗi mà vẫn khiến người khác nghi ngờ thì vấn đề không thuộc về mình nữa, bạn có quyền cân nhắc về sự lựa chọn tình yêu của mình.
 
Chúc bạn vui!        
Tri Giao