Những loại kiểm tra sức khỏe cần thiết
Giống như xe cộ, cơ thể bạn cũng cần có các cuộc kiểm tra định kỳ. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến chuyên gia để biết độ tuổi 20, 30 và 40 cần phải làm những cuộc kiểm tra định kỳ đơn giản nào.1. Hằng ngày
- Làm sạch răng bằng chỉ nha khoa
Ngay cả khi bạn đã chải răng 2 lần/ngày, vi khuẩn gây sâu răng vẫn ẩn nấp trong các kẽ răng. Chúng sẽ gây nên những chứng bệnh về lợ và là khởi nguồn cho các bệnh về tim mạch, đột quỵ, nếu bạn đang mang thai, nó có thể gây sinh non. Viêm lợi có thể ảnh hưởng đến cả người đã lớn chứ không chỉ trẻ nhỏ vìthực tế đã có hơn 50% người lớn bị mắc chứng này. Do vậy, bạn nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng hàng ngày.
- Cân trọng lượng: 20, 30, 40 tuổi
Các cuộc nghiên cứu cho thấy những ai thường xuyên cân trọng lượng của mình mỗi ngày sẽ có nhiều khả năng duy trì được một trọng lượng an toàn.
- Uống vitamin tổng hợp: 20, 30, 40 tuổi
Trong suốt tuổi 20 của bạn, vitamin tổng hợp cung cấp một sức đẩy cần thiết về sắt và axit folic. Dù bạn ở tuổi nào, nếu đang muốn có thai, hoặc đã có thai rồi, bạn cần các khoáng chất này để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho bào thai. Nếu bạn đang ở tuổi 30 hoặc 40, lượng canxi và vitamin D trong viên vitamin tổng hợp sẽ giúp giữ xương bạn chắc khỏe.
2. Hàng tuần
- Quan hệ tình dục: 20, 30, 40 tuổi
Nghiên cứu cho thấy quan hệ tình dục 1-2 lần/tuần sẽ giúp tăng 30% quá trình sản xuất globulin miễn dịch A của cơ thể. Đây là một kháng thể có khả năng bao bọc các loại vi-rút và vi khuẩn để chúng không thể phát tác được.
3. Hàng quý
- Khám răng: 20, 30, 40 tuổi
Bạn cần “đến thăm” nha sĩ ít nhất 2 lần/năm để kiểm tra sâu răng, đánh bóng hay cạo vôi răng. Ngoài ra, ít nhất mỗi năm một lần bạn nên đi kiểm tra môi, lợi và lưỡi để phòng ung thư miệng. căn bệnh này lây lan rất nhanh nên việc phát hiện sớm hết sức quan trọng.
- Khám bệnh lây qua đường tình dục: 20, 30, 40 tuổi
Hầu hết các bệnh này đều chữa được, nhưng nếu không thường xuyên đi kiểm tra, khả năng sinh sản và sức khỏe của bạn có thể bị ảnh hưởng. Bạn có chắc chắn rằng mình không có bệnh? Không hẳn đâu, mầm bệnh thường ủ trong người bạn nhiều tháng và không có biểu hiện để bạn biết. Bạn nên đi kiểm tra nếu gần đây có mối quan hệ với người mới, hoặc nếu bạn và người yêu chưa bao giờ đi kiểm chlamydia, lậu và HIV…
4. Hằng năm
- Kiểm tra da: 20, 30, 40 tuổi
U hắc tố, dạng nguy hiểm nhất của ung thư da, đang gia tăng trên phụ nữ khi có 25% người mắc bệnh thuộc nhóm tuổi dưới 40. Bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu mỗi năm một lần để kiểm tra. Cứ vài tháng, bạn nhớ soi gương kiểm tra sự thay đổi của các nốt ruồi như các đường viền bất thường, sự đổi màu đặc biệt là các nốt ruồi có độ lớn hơn cục tẩy gắn ở đầu bút chì.
- Đi khám phụ khoa: 20, 30, 40 tuổi
Mỗi năm ít nhất một lần bạn cần phải đi khám phụ khoa để kiểm tra các vấn đề về ngực và khung chậu. Nếu bạn có nguy cơ cao về ung thư cổ tử cung, hãy hỏi bác sĩ về việc kiểm tra HPV.
- Kiểm tra mắt: 30, 40 tuổi
Bắt đầu ở tuổi 35, bạn hãy đi xét nghiệm bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể. Có thể đi khám sớm hơn nếu bạn cảm thấy thị lực của mình giảm sút.
- Chụp hình ngực: 40 tuổi
Bắt đầu từ năm 40 tuổi, bạn nên làm điều này hằng năm. Nếu trong gia đình từng có người bị ung thư vú, hãy xem độ tuổi mà họ mắc bệnh và đi kiểm tra trước độ tuổi đó ít nhất 5 năm một lần. Nếu nghi ngờ bạn có nguy cơ cao, bác sĩ có thể đề nghị chụp MRI để xem hình ảnh chi tiết về các mô ngực của bạn.
5. Mỗi 2 - 3 năm
- Khám sức khỏe toàn diện: độ tuổi 20, 30, 40 tuổi
Nhiều phụ nữ cho rằng mỗi năm đi khám phụ khoa một lần là đủ. Tuy nhiên, khám phụ khoa không thể phát hiện được các loại bệnh khác, bao gồm cả bệnh tim, thủ phạm số 1 giết chết phụ nữ. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần phải kiểm tra nhịp tim, huyết áp, chiều cao và cân nặng của bạn xem có nằm trong ngưỡng an toàn không.
- Xét nghiệm Pap: 30, 40 tuổi
Xét nghiệm Pap còn gọi là phết tế bào cổ tử cung hay phết tế bào âm đạo là một xét nghiệm để phát hiện ung thư cổ tử cung. Đây làmột bệnh lý ác tính rất thường gặp ở phụ nữ.
- Kiểm tra bệnh đái tháo đường: 40 tuổi
Khi bạn 45 tuổi, đừng quên đi khám mức đường trong máu. Cần đi khám sớm hơn nếu bạn đang thừa cân, có tiền sử gia đình về bệnh này hoặc đang muốn có thai.
6. Mỗi 5 năm
- Lập hồ sơ đầy đủ về lipid: 20, 30, 40 tuổi
Bắt đầu ở tuổi 20, bạn hãy làm một cuộc thử nghiệm về lipid - lipid bao gồm cholesterol, triglycerides, lipoprotein mật độ cao (HDL) và lipoprotein mật độ thấp (LDL). Nếu các mức này cao, bạn cần đi khám thường xuyên hơn.
- Kiểm tra tuyến giáp: 30, 40 tuổi
Hơn 8/10 người mắc bệnh tuyến giáp là phụ nữ và vì các triệu chứng của nó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên hay bị bỏ qua (như đau nhức, mệt mỏi, tăng cân) và bạn sẽ khó nhận ra mình đang có nguy cơ bị mắc bệnh này. Vì vậy, từ 35 tuổi trở nên, bạn cần đi kiểm tra hàm lượng hoóc-môn tuyến giáp của mình.