Đi chợ… tinh trùng
Hiện nay, những người vô sinh,
hiếm muộn ngày càng tăng. Khoa học phát triển như là một phép màu kỳ
diệu mang đến cho gia đình họ tiếng nói trẻ thơ. Việc hiến trứng,
tinh trùng đã được pháp luật công nhận, nhưng vì sự tế nhị của nó, và
cũng vì nhu cầu kinh tế của nhiều người mà một việc làm nhân đạo đã biến
thành những hành vi mua bán trắng trợn như ngoài chợ. Từ đó hình thành
thị trường “đen”, mua bán tinh trùng chui và kéo theo đó là những hệ lụy khó lường.
Nhộn nhịp chợ… tinh trùng
(Ảnh có tính chất minh họa)
“Tôi
năm nay 24 tuổi, cao 1m7, nặng 60 kg, trình độ kỹ sư, có công ăn việc
làm ổn định, sức khỏe tốt (là vận động viên thể thao bán chuyên nghiệp).
Do gia đình có vấn đề khó khăn đặc biệt về kinh tế (em trai bị tai nạn)
nên tôi muốn bán tinh trùng của tôi cho người có nhu cầu. Mọi chi tiết
xin liên hệ số điện thoại 012498… hoặc email kieu…@gmail.com”; “Em tên
N. là sinh viên trường Đại học G, sinh năm 1990, sức khỏe tốt, cao 1m68,
nặng 70kg. Vì tiền đóng học phí, em cần bán tinh trùng cho các gia đình
hiếm muộn…”; “Cao 1m71, nặng 73kg, hiện đang công tác tại cơ quan trên
địa bàn Hà Nội. Tôi muốn bán tinh trùng cho những cặp vợ chồng nào hiếm
muộn con và thật cần tinh trùng với ý định nghiêm túc. Liên hệ điện
thoại 012630… Hãy gọi cho tôi bằng máy bàn để tôi kiểm chứng…”.
Đó
là hàng loạt những tin rao bán tinh trùng dễ dàng bắt gặp trên
Internet, nhất là các diễn đàn mạng chuyên biệt dành cho nam giới, phụ
nữ hay người hiếm muộn. Sau một hồi nghiên cứu, tôi ghi lại một vài
thông tin liên lạc kèm các chỉ số sức khỏe, đặc điểm của người bán rồi
bốc máy. Cuộc gọi đầu tiên không liên lạc được, cuộc thứ hai, thứ 3 vẫn
tò tí te… Đang định dừng lại vì nghĩ rằng có thể chỉ là mấy cái tin của
những kẻ rỗi hơi muốn trêu đùa ai đó nhưng cuộc điện thoại cuối cùng vào
một số máy đăng tin mới nhất thì chuông đã đổ. Đầu dây bên kia, nam
thanh niên trả lời điện thoại với giọng điệu thăm dò dường như biết chắc
người gọi với mục đích gì.
Tôi hiểu ra có lẽ anh ta chỉ dùng số
máy này vào việc rao bán tinh trùng. Tôi trình bày sơ qua hoàn cảnh của
mình, rằng vợ chồng tôi cưới nhau đã nhiều năm mà không có con. Đi khám
thì biết là chồng gần như không có tinh trùng nên hai vợ chồng đã bàn
bạc quyết định tìm người hiến và cũng ngỏ ý hỏi han về hoàn cảnh, trình
độ của anh ta. Thanh niên này cho biết mới ra trường ở một trường đại
học khá lớn và chưa tìm được việc làm, lại nợ một khoản tiền lãi ngày
nên cần tiền gấp. Tuy khẳng định mình mới bán tinh trùng lần đầu nhưng
nghe cách nói chuyện sành sỏi của anh ta thì có vẻ không phải vậy. Anh
ta cho biết có hai cách cho tinh trùng, một là trực tiếp quan hệ với
người phụ nữ cần tinh trùng. Nhưng cách này rất hãn hữu, vì thường người
mua không đồng ý. Cách thứ hai là “bơm tươi”, anh ta sẽ xuất tinh vào
các bao cao su chuyên dụng rồi sẽ được bơm trực tiếp vào tử cung của
người phụ nữ tại một cơ sở y tế nào đó. Mọi chi phí xét nghiệm sẽ do
người mua chịu trách nhiệm.
Rời
chợ tinh trùng
trên mạng, chúng tôi đã thử dạo một vòng quanh các bệnh viện phụ sản
lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Hóa ra,
việc
mua bán tinh trùng
ở ngoài cũng không khó khăn gì nhiều, thậm chí chỉ cần ngỏ lời là những
người bán nước, người làm “xe ôm”, người bán hàng rong, đánh giày… đã
hiểu ngay ra vấn đề, thậm chí còn nhiệt tình chỉ rõ cho chúng tôi đường
đi nước bước. Đa phần họ khi thấy tình trạng bệnh nhân hiếm muộn ngày
càng gia tăng, nhu cầu mua bán tinh trùng ngày càng cao nên đã nhanh
chóng nắm bắt cơ hội và trở thành “cò” tinh trùng. Một “cò” trong câu
chuyện vui với tôi đã nói thẳng: “Cái nguồn tinh trùng nó là vô hạn, lại
rất dễ lấy nên giờ bọn thanh niên, nhất là sinh viên nó bán nhiều lắm.
Thấy lợi thì người ta làm thôi. Có thằng nó còn đi bán buôn nữa cơ”.
Chợ trứng tạm thời im ắng
Không
giống như tinh trùng, trứng cần trải qua một thời gian mới có thể “bán”
được. Cộng thêm vào đó, thời gian qua, báo chí cũng đã nói đến tình
trạng này nên những người bán trứng có phần nào e dè. Trong vai một giáo
viên đến từ Hải Phòng, lấy chồng đã nhiều năm mà chưa có con vì trứng
không có noãn, tôi tìm đến trước cửa phòng khám 56 phố Hai Bà Trưng vì
nghe nói ở đây có những đường dây bán trứng. Người phụ nữ bán nước chè
nhìn dáng điệu mệt mỏi của tôi hỏi đến đây khám gì, tôi nghĩ mình có thể
đã “bắt” được đối tượng cần tìm. Tôi trình bày là đi khám ở Bệnh viện
Phụ sản Hà Nội, bác sỹ bảo trứng tôi có vấn đề, nhưng vì bệnh viện không
có trứng nên bản thân phải tự ra ngoài đi tìm. Nghe các bệnh nhân khác
mách ở đây có người bán trứng nên tôi tìm đến đây.
Người phụ nữ
sau một hồi phân trần rằng không biết, không quen ai bán trứng, cuối
cùng sau một hồi thăm dò thái độ, vẻ tin chúng tôi là người có nhu cầu
thật nên cẩn thận bảo tôi cho xem chứng minh thư để biết chắc quê quán,
hộ khẩu trước đã. Rồi chị bảo tôi để lại số điện thoại, nếu gặp ai bán
thì chị mách cho chứ ngay lúc này thì không được vì giờ người đi cho
trứng cũng ít lắm. Thứ nhất vì báo chí phản ánh nhiều nên những người
bán trứng ngại, họ không bán nữa. Thứ hai, vì cận Tết, những người điều
trị vô sinh, hiếm muộn cũng đã về nhà hết nên những người bán trứng theo
đó cũng về gần hết rồi. Thêm vào đó, việc cho trứng mất nhiều thời gian
hơn vì cho trứng thực chất là hình thức kích thích trứng rụng gấp nhiều
lần bình thường bằng cách tiêm thuốc (mỗi chu kỳ kinh nguyệt, bình
thường chỉ rụng 1 quả trứng, còn nếu tiêm thuốc kích thích thì có thể
rụng tới 15-20, thậm chí 30 quả trứng). Người cho trứng sẽ được gây mê
rồi chọc trứng qua đường âm đạo.
Một năm, người cho trứng được
kích trứng tối đa là 2 chu kỳ. Chị cũng phân bua với tôi rằng, việc làm
của chị là nhân đạo, làm phúc, biết thì giới thiệu thôi chứ không phải
“cò” như một số báo chí đã nêu. Dù không giúp được gì cho tôi nhưng chị
cũng vẫn hẹn, nếu gặp đối tượng thì chị sẽ thông báo. Khi tôi hỏi về giá
cả, người đàn ông ngồi bên cạnh tôi (không biết là “cò” hay người cùng
cảnh) cho biết: “Cách đây vài tháng, giá đã lên tới 30 triệu đồng/ca.
Nếu khách mua muốn tìm người bán là sinh viên, chỉ số IQ cao, giá sẽ còn
cao hơn nữa. Bây giờ, phải mất khoảng 35-40 triệu đồng, không kể tiền
thuốc và xét nghiệm. Mà muốn có phải tìm nguồn và thương lượng trước”.
Mua trứng không thành công, chúng tôi chuyển vai sang người bán trứng và
được biết nếu giao dịch thành công mỗi lần chọc trứng, tôi được nhận
10-12 triệu. Chọc được 2 quả, có thể gia chủ sẽ trả thêm tiền, tùy vào
chất lượng trứng.
Tâm lý e ngại
Tâm lý người Việt chưa dành nhiều chỗ cho việc
hiến trứng
và tinh trùng dù đây là một hành động nhân đạo. Sự ngại ngần, xấu hổ
cũng như ý thức cộng đồng chưa cao dẫn đến việc phát sinh một số nhu cầu
bán tinh trùng chui như hiện nay. Thực tế, những người “dũng cảm” hiến
tặng tinh trùng, trứng thường phải giấu người thân vì rất khó nhận được
sự đồng tình. Thường nếu không may anh chị em ruột bị hiếm muộn thì chị
em gái có thể cho nhau trứng, nhưng rất hiếm trường hợp anh em trai của
chồng cho chị em dâu tinh trùng, vì nhiều vấn đề tế nhị và nhạy cảm.
Một
trong các nguyên nhân khiến người dân e ngại với việc hiến tinh trùng
là vì người ta chưa thực sự nghe và nghĩ nhiều đến hiến tinh trùng. Nếu
có nghĩ đến thì họ cũng có không ít điều để cân nhắc, và phần lớn cảm
thấy việc này có thể đem lại nhiều phiền toái (phải qua nhiều khâu kiểm
tra, xét nghiệm, lo lắng về sự yên ổn của gia đình trong tương lai…) nên
không sẵn sàng cho. Nhiều người cho rằng có thể cho đi một quả thận
hoặc cho máu chứ không muốn cho tinh trùng, cho trứng. Bởi không như
hiến máu và hiến nội tạng để cứu chữa người bệnh, hiến tinh trùng và
trứng là tạo cơ hội cho ra đời một con người.
Thế nên, bất kỳ ai cũng băn khoăn là “giống” của mình được cho ai? Sau này ai đảm bảo sẽ không nảy sinh những
hệ lụy.
Anh Nguyễn Hải Nam (Thanh Xuân – Hà Nội) khẳng định: “Hiến máu, hiến
nội tạng lại là một vấn đề khác nhưng tinh trùng thì rất khó. Chả nhẽ
con mình lại để người khác nuôi? Sau này ra đường có mâu thuẫn gì không
khéo bố con lại đánh nhau”. Còn Nguyễn Việt Bách, một sinh viên Đại học
Bách khoa, thì băn khoăn: “Tôi nghĩ có ngân hàng tinh trùng để lưu trữ
thì tốt. Nhưng nếu cho tinh trùng thì nhỡ ra sau này con cái mình gặp
nhau, yêu nhau, hay thậm chí lấy nhau thì chả hóa ra loạn luân sao?”.
Chị Nguyễn Thị Hà (Mỹ Đình – Hà Nội) thì nêu quan điểm về việc cho
trứng: “Tôi không thể hiến cho ai trứng được, vì dù gì nó cũng là đứa
con sinh học của tôi. Nếu cho trứng, suốt đời tôi sẽ phải dằn vặt xem
con mình đang do ai nuôi, nó sướng hay khổ… Tôi không thể làm được”.
“Ngân hàng” thì thiếu
Bác
sĩ Tô Minh Hương, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Hiện
nay, ở Việt Nam tỷ lệ người vô sinh khá cao (chiếm 36%). Trong khi,
người hiến trứng thì rất ít (1 tháng có khoảng 100 trường hợp đến khám
thì chỉ khoảng 10 người tìm được người hiến). Người hiến lại gặp không
ít khó khăn về thời gian, thủ tục, điều kiện như: chích thuốc kích thích
liên tục mỗi ngày trong thời gian từ 2 đến 4 tuần; nằm trong độ tuổi từ
18 đến 35; đã có gia đình và ít nhất một con khỏe mạnh, con nhỏ nhất
lớn hơn 12 tuổi; chưa từng cho trứng; không mắc các bệnh lý nội khoa,
bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh lý di truyền; xét nghiệm HbsAg,
HIV, BW âm tính, xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng
bình thường; không có tiền căn phẫu thuật trên buồng trứng, tử cung,
không có khối u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung; không đang cho con bú;
không đang sử dụng nội tiết tránh thai… Hơn thế nữa, một ca điều trị
hiếm muộn cũng lên đến 30-40 triệu đồng, và bảo hiểm không thanh toán”.
Đây
là khó khăn trong điều trị vô sinh cho nữ giới. Nhưng đây lại là cơ hội
cho việc mua bán trứng bên ngoài phát triển, bởi người cần thì nhiều,
người hiến thì ít. Bác sỹ Hương cũng nói thêm, ở Việt Nam, bệnh viện
không có nguồn hiến trứng. Bệnh viện cũng không giới thiệu người cho
trứng mà tự bệnh nhân phải tìm người cho. Thực tế, có rất nhiều bệnh
nhân sau khi tìm được người hiến trứng rồi, khi duyệt hồ sơ người hiến
lại rút lui. Điều đó cũng dễ hiểu vì tâm lý của người Á Đông. Y học rất
cần đến sự hiến trứng bởi việc tiếp nhận các phụ nữ hiến trứng còn ít,
hơn thế nữa, trứng hiến tặng chỉ giữ được trong 24h, không bảo quản lâu
như tinh trùng nên không có ngân hàng trứng như ngân hàng tinh trùng
(tinh trùng của nam giới hiến tặng, nếu sử dụng không hết có thể bảo
quản trong ngân hàng, về sau dùng cho người khác vẫn được). Tuy nhiên,
việc tiếp nhận trứng của người hiến, người bán cần có cả đạo đức của
người tiếp nhận và người hiến, người bán để tránh những rủi ro sau này
khi đứa trẻ chào đời.
Hiện nay cả nước có gần 20 trung tâm hỗ trợ
sinh sản và nhiều nơi đã xây dựng ngân hàng lưu giữ tinh trùng, để giúp
các cặp vợ chồng chữa vô sinh mà chồng không có “con giống”, nhưng các
ngân hàng này luôn ở trong tình trạng khan hiếm, cầu luôn vượt cung hàng
trăm lần vì không có người hiến tặng. Tại Trung tâm công nghệ phôi, Học
viện Quân y 103, mỗi năm có vài trăm người là các cặp vợ chồng hiếm
muộn do chồng, hoặc phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân đến xin tinh trùng để
thụ tinh. Để có nguồn tinh trùng, trung tâm phải vận động người hiến để
cung cấp cho bệnh nhân nhưng không phải lúc nào ngân hàng này cũng có
sẵn nguồn. Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ,
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội… ngân hàng tinh trùng cũng thiếu
trầm trọng, luôn có hàng trăm hồ sơ xếp hàng chờ. Việc tìm nguồn trứng
cũng khan hiếm không kém vì các bệnh viện không có nguồn trứng hiến, mà
do người có nhu cầu tự tìm. Việc khan hiếm này cũng là tình trạng chung
của nhiều nước, không riêng Việt Nam.
Nguồn cung cấp tinh trùng
cho các ngân hàng nói trên là những người tự nguyện hiến (chỉ chiếm
khoảng 1 đến 2% trong tổng số người cho), theo nguyên tắc bí mật, tự
nguyện, vô danh. Vì lý do tế nhị, các trung tâm hỗ trợ sinh sản, bệnh
viện không thể phát động phong trào hiến tinh trùng hay hiến trứng nhân
đạo rầm rộ như hiến máu hay hiến các bộ phận khác. Thế nên kho lưu trữ
tinh trùng tại các cơ sở này thường không đáp ứng được nhu cầu. Còn ở
Học viện Quân y, Trung tâm Công nghệ Mô phôi đã bước đầu thu được một số
mẫu tinh trùng vô danh nhờ biện pháp tuyên truyền trực tiếp. Giáo sư
Trần Văn Hanh, người phụ trách trung tâm cho biết, đối với công tác xin
hiến tinh trùng, phải sử dụng biện pháp truyền khẩu trực tiếp, vừa kín
đáo, tế nhị vừa đầy đủ thông tin và có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên,
với phương pháp này, tuyên truyền viên phải làm việc với từng người nên
hiệu quả không đáng kể.
Việc hiến tinh trùng hay trứng được coi
là một việc làm nhân đạo, đem lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng hiếm
muộn. Nhưng hiện đầu vào rất ít, nhất là nguồn trứng – tinh trùng hiến
tự nguyện, không có ràng buộc kinh tế. Chính điều này dẫn đến thị trường
“đen” hoạt động khá sôi động và không lường được hậu quả.
Thị trường “đen” và những hệ lụy
Những
năm gần đây, chuyện các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái ngày càng nhiều.
Mong muốn có con, và tìm mọi cách chạy chữa để có con là nguyện vọng
của nhiều người. Trong các cuộc tiếp xúc với các “cò” trứng, tinh trùng,
chúng tôi luôn nhận được những câu rào đón kiểu “chúng tôi làm phúc,
giúp đỡ thôi mà”. Nhưng thực tế, các “cò” này thường móc nối với rất
nhiều đối tượng chuyên cho trứng, cho tinh trùng với “hồ sơ” đầy đủ như
chiều cao, cân nặng, trình độ… Theo quy định những người cho tinh trùng
chỉ được phép cho, hiến 1 lần duy nhất nhưng thực tế những đối tượng này
thường do nhu cầu kinh tế mà đã nhiều lần bán tinh trùng. Điều này là
vi phạm pháp luật. Hơn nữa nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng sau này,
nhất là hôn nhân cận huyết thống do người Việt Nam chưa có thói quen xét
nghiệm AND trước khi kết hôn.
Trên thực tế, việc hiến, cho tặng
tinh trùng và trứng người không còn xa lạ và đã được luật định. Theo
Nghị định về sinh con theo phương pháp khoa học, quy định người hiến là
người đã có con, chỉ được hiến một lần, miễn phí…. để đảm bảo những rắc
rối có thể xảy ra sau này. Luật quy định đứa trẻ sinh ra từ nguồn trứng
và tinh trùng được hiến hay cho tặng sẽ là con của người mang thai chứ
không phải của người hiến hay cho trứng và tinh trùng, đứa trẻ sinh ra
cũng không có quyền đòi thừa kế đối với người cho trứng hay tinh trùng.
Người nhận noãn hay tinh trùng không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và
hình ảnh của người hiến. Cả bên hiến, cho và bên nhận tinh trùng, trứng
đều phải thống nhất với nhau điều này trước khi tiến hành mọi thủ tục để
đảm bảo tính bí mật, hợp pháp và tránh xảy ra tranh chấp quyền nuôi con
và thừa kế sau này. Việc hiến hay cho tặng trứng, tinh trùng hoàn toàn
là việc làm mang ý nghĩa nhân đạo. Nhưng do nhu cầu của người muốn có
trứng, tinh trùng quá cao, trong khi “ngân hàng” của các bệnh viện thì
lại thiếu nên dẫn đến việc mua bán tinh trùng, trứng chui, không tuân
thủ đúng các quy định của pháp luật. Chính điều này đã biến một hành
động nhân đạo thành phạm luật và tiềm ẩn nhiều hậu quả cho xã hội…
Theo
điều tra của nhóm phóng viên An ninh Thủ đô cuối tuần, thị trường tinh
trùng “đen” hoạt động hết sức tinh vi. Thậm chí có cả những đường dây
móc nối giữa người mua, người bán trứng, tinh trùng. Không ít cơ sở còn
“nuôi” cả một đội quân thanh niên trẻ khỏe theo phương thức trả tiền bồi
dưỡng sức khỏe hàng tháng để ăn uống tẩm bổ và làm “nguồn” cung cấp
tinh trùng khi cần thiết. Điều đó cho thấy việc mua bán tinh trùng hiện
nay đã vượt quá xa, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Việc hợp thực hóa mua bán thành những bản cam kết hiến tặng thì đã đành,
nhưng thực tế đã có trường hợp cho tinh trùng hơn một lần sẽ dẫn đến
những hậu quả hết sức nghiêm trọng sau này.
Luật Hiến, ghép mô,
tạng cấm tuyệt đối việc mua bán tinh trùng, trứng người, bởi đây không
phải là một thứ hàng hóa. Luật thừa nhận việc hiến tặng, xin cho, và bên
nhận sẽ thanh toán mọi chi phí chứ tuyệt đối không được mua bán. Hai
bên cho, nhận này cũng phải có hồ sơ xin cho và xin nhận hợp pháp. Thế
nhưng, trên thực tế, việc mua bán bất hợp pháp này vẫn diễn ra, và rất
hiếm bị phát hiện vì việc này thường hết sức bí mật, và luôn được hợp
thức hóa. Một khi đã hình thành thị trường mua bán tinh trùng, những nhà
làm luật cũng cần xem xét sớm đưa việc trao đổi, mua bán trứng người
vào luật, được sự quản lý chặt chẽ của ngành y tế.
Theo quy định
của pháp luật thì mỗi người chỉ hiến tinh trùng một lần với lý lịch được
kiểm tra rõ ràng để tránh nguy cơ hôn nhân cận huyết, ảnh hưởng đến
giống nòi. Ngoài ra, người hiến tinh trùng phải đảm bảo các yêu cầu về
sức khỏe (không có bệnh về di truyền, truyền nhiễm), có trí tuệ tốt, ba
đời gần đây không có người thân ruột thịt mắc bệnh di truyền, và dưới 35
tuổi. Các mẫu tinh trùng sẽ được đánh mã số, kèm theo các thông số của
người cho (không ghi tên) như chiều cao, cân nặng, trình độ… giúp người
xin tinh trùng chọn được mẫu phù hợp nhất. Tương tự, với người hiến
trứng cũng chỉ được hiến một lần.
Theo ANTD