Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Ca cúm gia cầm thứ tư trong năm gây lo ngại tại Campuchia

Ca cúm gia cầm thứ tư trong năm gây lo ngại tại Campuchia

Áp phích nhằm nâng cao nhận thức về cúm gia cầm tại Bộ Y tế tại Phnom Penh.
CỠ CHỮ
Hai người Campuchia đã chết vì cúm gia cầm trong năm 2013, gây lo ngại vào lúc khởi đầu năm mới. Từ Phnom Penh, thông tín viên VOA Robert Carmichael gửi về bài tường thuật sau đây.

Một bé gái 2 tuổi người Campuchia đang ở trong tình trạng nguy kịch tại Phnom Penh sau khi nhập viện vì nhiễm virut H5N1 còn gọi là cúm gia cầm hay cúm gà.

Ông Sonny Inbaraj Krishnan, nhân viên phụ trách thông tin cho Tổ chức Y tế Thế giới ở Phnom Penh nói diễn biến này khiến giới chuyên môn về y tế lo ngại.

Ông Krishnan cho biết đây là ca thứ tư về H5N1 nơi người. Năm ngoái đã có 3 ca, do đó trong vòng 1 tháng của năm mới mà đã có tới 4 ca, và đó là một điều đáng lo ngại.

H5N1 có thể lây truyền qua người từ gia cầm bị nhiễm, đã được phát hiện lần đầu nơi con người vào năm 1997 ở Hong Kong. Loại virut này rất nguy hiểm, tính đến nay đã gây thiệt mạng khoảng 360 người trên toàn thế giới, hơn phân nửa số người này được xác nhận là nhiễm virut.

Các nạn nhân mới nhất ở Phnom Penh là một bé gái 15 tuổi, đã chết cách đây 1 tuần lễ, và một người đàn ông 35 tuổi chết hôm thứ tư tuần trước. Một em nhỏ bị ốm hồi đầu tháng này thì đã hồi phục.

Vào cuối tuần qua, các giới chức đã tiêu hủy hơn 4.000 gà vịt ở ngôi làng của nạn nhân 15 tuổi.

Tuy nhiên, các chứng bệnh khác như sốt dengue và sốt rét làm nhiều người chết hơn so với H5N1, vì thế ông Krishnan được hỏi vì sao có sự lo ngại về cúm gia cầm.

Ông Krishnan giải thích mối lo ngại cụ thể là virut H5N1 này có thể trải qua một quá trình được gọi là tái kết hợp và tái phân loại với một loại virut gây cúm khác, và quá trình này có thể gây ra một loại virut mới có khả năng lây truyền giữa người và người.

Campuchia là một quốc gia chủ yếu là nông nghiệp, và mỗi làng xã đều nuôi gà vịt. Nhân viên bộ Y trế đang theo dõi những người có tiếp xúc với các bệnh nhân nhiễm bệnh và các toán công tác thuộc bộ nông nghiệp đang thử nghiệm gà vịt tại các làng xã bị nhiễm bệnh và tiêu hủy gia cầm bị bệnh.

Hôm thứ sáu vừa qua, Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng đã kêu gọi phụ huynh đoan chắc là con em họ rửa tay thường xuyên và tránh xa gia cầm bệnh hay chết. Ông cũng khuyến cáo trẻ em bị khó thở nên được đưa ngay tới chẩn y viện gần nhất.

Ông Krishnan nói các đài phát thanh và truyền hình đang truyền tải thông điệp đó.

Theo ông Krishnan, kể từ tuần này sẽ truyền đi các bản tin ngắn trên đài phát thanh và truyền hình thông báo cho dân chúng cách thức bảo vệ bản thân và gia đình tránh bệnh cúm giá cầm. Nhất là phải cẩn thận đừng để cho trẻ em chơi với gà vịt, và điều quan trọng nhấty là phải rửa tay sạch sẽ.

Campuchia lần đầu tiên báo cáo các ca bệnh H5N1 vào năm 2005 khi có 4 người thiệt mạng. Tính đến nay, năm tệ nhất là 2011, khi có 8 người nhiễm bệnh và cả 8 người đều chết.

Khu vực y tế yếu kém của nước này là một trở ngại và có phần chắc là lý do phần nào gây ra tỷ lệ tử vong gần 90 phần trăm - tức là 21 người chết trong số 24 người nhiễm bệnh. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là khoảng 60 phần trăm.

Ông Krishnan thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo chớ nên rút ra quá nhiều kết luận từ sự kiện này, và nêu ra điểm là con số mẫu bệnh còn nhỏ. Nhưng theo ông, có những yếu tố địa phương gây phức tạp cho vấn đề. Khi có người bị bệnh, nơi đầu tiên mà thân nhân đưa họ đến thường là nhà bán thuốc ở địa phương hay một chẩn y viện tư nhân. H5N1 có thể gây tử vong trong vòng chưa đầy 1 tuần lễ sau khi nhiễm bệnh, vì thế để mất đi vài ngày vì điều trị không hiệu quả và chẩn đoán sai có thể gây chết người.

Ông Krishnan nói các ca bệnh trở nên tệ hại hơn và khi các chẩn y viện hay nhà thuốc tây ở địa phương không còn kê toa thuốc được nữa thì lúc đó người nhà mới đem đứa trẻ hay người bệnh đến bệnh viện, và khi đến bệnh viện thì cơ may sống sót rất ít.

Một trở ngại sắp tới nữa là Tết âm lịch, bắt đầu vào ngày 8 tháng 2. Ðây là lúc gà vịt được chuyên chở nhiều đến các chợ, và nâng cao rủi ro gia cầm nhiễm bệnh có thể lây truyền bệnh. Giới chuyên môn y tế hy vọng các nỗ lực thông tín đang được xúc tiến sẽ mang lại kết quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét