Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

Hỗ trợ phôi thoát màng là gì?

Ở người, bình thường trứng và tinh trùng thụ tinh để tạo thành hợp tử trong vòi trứng. Sau đó, hợp tử sẽ đi theo vòi trứng vào buồng tử cung. Trong quá trình di chuyển vào buồng tử cung, hợp tử bắt đầu phân chia thành phôi. Sau khi đến tử cung phôi tiếp tục phát triển trong tử cung trong vài ngày nữa, đến khoảng ngày thứ 7 sau khi thụ tinh phôi bắt đầu làm tổ vào tử cung để phát triển thành thai nhi trong tử cung.
Trong quá trình di chuyển, phôi được bảo vệ bằng một màng bảo vệ bên ngoài gọi là màng trong suốt, tên khoa học là zona pellucida ZP. Do đó để có thể tiếp xúc với tử cung để bám vào để làm tổ, vào khoảng ngày thứ 6 sau thụ tinh, phôi phải chui ra khỏi lớp màng bảo vệ này (xem hình minh họa), hiện tượng làm tổ mới có thể xảy ra. Hiện tượng này giống như gà con phải chui ra khỏi vỏ trứng để có thể tiếp tục sống và phát triển.
Phoi_thoat_khoi_mang_bao_xung_quanh
Trong thụ tinh trong ống nghiệm, mặc dù phôi đã được nuôi cấy thành công và trưởng thành bên ngoài cơ thể, khi cấy vào tử cung, khả năng bám vào nội mạc tử cung làm tổ của phôi chỉ đạt trung bình 20%. Một trong những lý do được đưa ra để giải thích là, trong điều kiện nhân tạo, lớp màng trong suốt bị cứng chắc bất thường hoặc không mỏng đi trong quá trình phôi phát triển. Điều này làm cho phôi không thể thoát ra ngoài và bám vào nội mạc tử cung để làm tổ.
Dựa trên giả thuyết đó, các nhà khoa học phát triển các kỹ thuật làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt bên ngoài phôi, giúp phôi dễ thoát ra ngoài và làm tổ vào tử cung hơn. Nhờ đó giúp cải thiện tỉ lệ thành công khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Các phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng được thực hiện và chứng minh hiệu quả lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1990, do Tiến sĩ Cohen thực hiện. Cho đến nay, hầu hết các trung tâm TTTON trên thế giới đều thực hiện kỹ thuật này để giúp làm tăng khả năng làm tổ của phôi sau TTTON.
Hiện nay, trên thế giới có 4 phương pháp được áp dụng để hỗ trợ phôi thoát màng:
  • Làm mỏng màng trong suốt bằng acid Tyrode: phổ biến nhất
  • Làm mỏng màng trong suốt bằng tia laser: ít phổ biến hơn phương pháp trên
  • Làm mỏng màng trong suốt bằng men pronase: hiện nay ít thực hiện
  • Làm thủng màng trong suốt bằng cơ học: hiện nay ít thực hiện
Các phương pháp trên đều có mục đích chung là làm mỏng hoặc làm thủng màng trong suốt bao quanh phôi trước khi chuyển phôi vào tử cung. Điều này sẽ giúp phôi sau khi vào buồng tử cung sẽ phát triển và thoát ra khỏi màng trong suốt dễ dàng hơn, khả năng làm tổ và phát triển thành thai cao hơn. Phác đồ thực hiện hỗ trợ thoát màng và tay nghề của chuyên viên về phôi học đóng vai trò rất quan trọng lên tỉ lệ thành công của kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng.

Những bệnh nhân có lợi nhiều nhất từ kỹ thuật này

Các báo cáo trên thế giới cho thấy rằng mặc dù kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng được thực hiện rộng rãi cho tất cả các trường hợp, trong một số trường hợp, tỉ lệ có thai có thể cải thiện rất nhiều nhờ hỗ trợ phôi thoát màng, như:
  • Bệnh nhân thất bại nhiều lần mặc dù chất lượng phôi tốt
  • Bệnh nhân chuyển phôi trữ lạnh
  • Bệnh nhân ít phôi, lớn tuổi
  • Bệnh nhân có phôi có màng trong suốt dày bất thường
  • Bệnh nhân thực hiện kỹ thuật trưởng thành trứng trong ống nghiệm (IVM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét