Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Viện phí tăng đều ở nhiều tỉnh, thành

Viện phí mới phải dựa trên mức sống và thu nhập thực tế của người dân, đáp ứng yêu cầu của người dân, đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu


 Người nhà chờ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Dũng
Dù gặp phải sự phản đối của không ít đại biểu song đề án viện phí mới vẫn được thông qua tại kỳ họp thứ 4 khóa VIII HĐND tỉnh Quảng Nam với mức thu bằng 70% khung giá quy định của liên bộ Y tế  - Tài chính và áp dụng từ ngày 1-9.
Ảnh hưởng đời sống người dân
Ông Dương Văn Triều, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND Quảng Nam, cho rằng: “Quảng Nam là tỉnh còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân và mức sống chung của người dân còn khá thấp, ngay cả mức giá đang thực hiện cũng đã khiến nhiều đối tượng có thẻ BHYT khó khăn khi cùng chi trả và dịch vụ y tế chưa được nâng cấp tương xứng. Do đó, việc xây dựng giá mới ở mức cao ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của bệnh nhân (kể cả có thẻ lẫn không có thẻ BHYT), nhất là các đối tượng nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội, bệnh nặng, gia đình chính sách”.
Tại TP Cần Thơ, từ ngày 1-8, giá khám bệnh ở  bệnh viện (BV) quận, huyện (hạng 3) có mức thu là 7.000 đồng/lượt khám, tăng hơn 3 lần giá cũ; ở BV Đa khoa TP giá mới 14.000 đồng, tăng gần 5 lần so với giá cũ, tiền giường nằm trước đây thấp nhất là 4.000 đồng/ngày đêm thì nay tăng lên từ 80.000 - 150.000 đồng/ngày đêm. Các kỹ thuật như cắt ruột thừa bình thường giá thu mới là 1,4 triệu đồng (giá cũ là 700.000 đồng), nắn trật khớp vai (bột liền) 160.000 đồng (giá cũ 50.000 đồng)…
Cũng áp dụng viện phí mới từ ngày 1-8 như Cần Thơ và bằng 70% khung giá quy định là tỉnh Cà Mau. HĐND tỉnh Bạc Liêu cũng đã thông qua mức viện phí mới bằng 70% so với quy định của Bộ Y tế song chưa quyết định thời gian áp dụng. Bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, nói: “Dư luận đặt câu hỏi nếu tăng viện phí thì người dân có gánh nổi không? Nhưng không thấy ai đặt ngược lại, nếu không tăng thì BV có gánh nổi không? Viện phí tăng thực chất không mang lại lợi ích gì cho BV ngoài việc có tiền để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, khám chữa bệnh hiện đại để phục vụ tốt hơn cho người bệnh”. Cũng theo bác sĩ Khánh, bất cứ sự tăng giá nào cũng ảnh hưởng đến túi tiền người dân, người bệnh sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn, nhất là bệnh nhân nghèo.
Đà Nẵng, Quảng Ngãi: Đầu năm 2013 mới áp dụng
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới tại các cơ sở y tế tỉnh này đã được phân công cho các bệnh viện trực thuộc soạn thảo, sau đó lãnh đạo Sở Y tế, BHXH tỉnh cùng với Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh sẽ đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các cơ sở y tế, mới tiến hành xét duyệt mức viện phí mới.
Theo nghị quyết về giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước trên địa bàn tỉnh do HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành, viện phí mới sẽ được áp dụng vào ngày 1-1-2013 với mức 66,28% so với khung giá trần của liên bộ Y tế - Tài chính, giá các dịch vụ khám chữa bệnh ở Quảng Ngãi sẽ tăng thấp nhất 0,73 lần, cao nhất 7 lần. Bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nói Quảng Ngãi là một trong 20 tỉnh nghèo nên trước khi áp dụng tăng viện phí, các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải tính toán kỹ mức độ tăng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mức sống của người dân và có điều kiện ràng buộc về chất lượng y tế.
Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết các bệnh viện công của Đà Nẵng vẫn áp dụng mức giá cũ cho 447 dịch vụ y tế. Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng tính toán kỹ việc tăng viện phí để phù hợp với mức thu nhập trung bình chung của người dân, rồi gửi khung giá mới lên Sở Tài chính để thẩm định. Sau đó, Sở Y tế có báo cáo tham mưu UBND TP trước khi trình HĐND TP thống nhất thông qua vào kỳ họp vào tháng 12 tới. Như vậy, phải đến đầu năm 2013, TP Đà Nẵng mới áp dụng viện phí mới.
Theo ông Chiến, mức viện phí mới phải được tính trên cơ sở khung giá cao nhất mà Bộ Y tế đề xuất nhưng đồng thời dựa trên mức sống và thu nhập thực tế của người dân TP, để làm sao phát triển được các dịch vụ y tế, phát triển chuyên môn của ngành và trên hết là đáp ứng yêu cầu của người dân, đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu. Đà Nẵng đang phấn đấu đến cuối năm nay, 100% người dân trên địa bàn có thẻ BHYT. Lúc đó, việc tăng viện phí được áp dụng rộng rãi thì đỡ “gánh lo” cho người dân hơn.
Khánh Hòa: Một trong 4 tỉnh tăng viện phí cao nhất
BHXH tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi HĐND tỉnh này đề nghị việc tăng viện phí phải có lộ trình vì nếu áp dụng mức tăng cao đến 91% thì chi phí dịch vụ y tế sẽ tăng hơn gấp 3 lần, nguy cơ vỡ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là chắc chắn. Ngoài ra, trên 40% người dân của tỉnh Khánh Hòa chưa mua BHYT phải chịu chi phí chênh lệch quá lớn.
Trong tổng số hơn 1.500 danh mục dịch vụ y tế vừa được tỉnh Khánh Hòa ban hành, mức dịch vụ thấp nhất là 3.000 đồng, cao nhất gần 20 triệu đồng (là 1 trong 4 tỉnh có mức tăng viện phí cao nhất nước), thực hiện từ ngày 1-8.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa, việc tăng giá gấp gáp như vậy sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống của những bệnh nhân nghèo. BHXH Khánh Hòa đề xuất từ nay đến cuối năm 2013, với những dịch vụ có mức tăng trên 2 đến 5 lần (so với mức thu cũ) thì chỉ thu 70%; các dịch vụ tăng trên 5 lần thì thu 50%. Ông Lê Văn Thành, Trưởng Phòng Tài chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết 6 tháng đầu năm 2012, bệnh viện đã thất thu viện phí gần 200 triệu đồng vì gần 400 bệnh nhân nghèo trốn viện. “Mức viện phí cũ mà bệnh nhân còn không có tiền để thanh toán, huống hồ là mức viện phí mới…” - ông Thành nhận định.
K.Nam
Kỳ tới: Thu thấp, chất lượng vẫn ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét