Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Ca hiến gan cứu mẹ tiến triển tốt

Ca hiến gan cứu mẹ tiến triển tốt

Hai ngày sau ca mổ lấy và ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), sức khỏe của cả người cho và nhận gan đều tiến triển tốt. Bác sĩ cho biết đã cắt 2/3 gan của con trai để ghép cho người mẹ.
> Ghép thành công gan con trai cho mẹ

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tấn Cường, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy cho biết, cả hai đang được chăm sóc đặc biệt trong phòng cách ly và đều tỉnh táo. Chỉ 2 giờ sau phẫu thuật, con trai đã tỉnh táo, có thể cười và nói chuyện cùng người thân, còn mẹ anh tỉnh lại sau gần một ngày phẫu thuật.
"Các chỉ số sinh tồn gồm mạch, huyết áp, nhịp thở ổn định, đến hôm nay người cho gan đã được rút ống thông dạ dày để có thể uống nước, uống sữa, ăn súp. Người nhận gan đã có thể tự thở mà không cần đặt nội khí quản", bác sĩ Cường nói.
Hai mẹ con được bác sĩ cho nhìn nhau sau khi mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hai mẹ con được bác sĩ cho nhìn nhau sau khi mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo các bác sĩ, trong kíp mổ, các chỉ số máu, chức năng gan, miễn dịch chống thải ghép đều diễn tiến thuận lợi. Tuy vậy cả hai vẫn phải được theo dõi tình trạng sức khỏe chặt chẽ trong phòng cách ly để chống nhiễm trùng.
Trong phẫu thuật, êkíp bác sĩ đã lấy 630 gram lá gan của nam sinh viên 22 tuổi để ghép cho mẹ anh, chiếm 2/3 thể tích nội tạng này của người trưởng thành, tuy nhiên gan có thể tự tái tạo hoàn thiện trong vòng 6-8 tuần sau.
"Nếu mọi việc thuận lợi, người cho gan sẽ phải nằm hồi sức thêm khoảng 10 ngày còn người nhận phải hồi sức khoảng 2 tuần. Dự kiến sau 2 tháng, bệnh nhân có thể xuất viện nhưng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc ức chế miễn dịch và theo dõi tình trạng thải ghép", bác sĩ Cường cho hay.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, người được ghép gan là nữ bệnh nhân 52 tuổi ở Đăk Nông bị xơ gan. Người cho tạng là con trai 22 tuổi của bà. Đây là cách duy nhất để cứu bệnh nhân.
Tại Việt Nam, tính đến nay đã có 24 trường hợp ghép gan, trong đó có 16 trẻ và 8 người lớn. Trong số 8 ca ghép gan cho người lớn, đây là ca thứ ba ghép gan từ người cho còn sống, các ca còn lại ghép từ bệnh nhân chết não.
Tiến sĩ Cường cho biết, so với ghép thận từ người cho còn sống thì ghép gan gặp nhiều trở ngại hơn bởi người cho gan dễ gặp biến chứng. Điều này khiến người cho gan e dè hoặc người bệnh không muốn nhận của người thân gặp nguy hiểm khi cho.
Trong những năm gần đây, khả năng cắt lấy gan người sống ghép cho người bệnh tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản được thế giới đánh giá cao bởi thành công vượt bậc. Tại Bệnh viện Asan, nơi vừa phối hợp với các bác sĩ Chợ Rẫy thực hiện ghép gan, mỗi năm có khoảng 350 trường hợp lấy gan người sống để ghép.
"Việc lấy gan người sống ghép cho bệnh nhân còn nhiều rào cản về chi phí ghép, song mở ra một nguồn nội tạng để cứu người", bác sĩ Cường nói.
Trong trường hợp vừa phẫu thuật, khi nghe tin mẹ được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chọn ghép gan, hai con của bệnh nhân (một gái một trai) đều xung phong hiến gan cứu mẹ. Qua nhiều xét nghiệm, cậu trai 22 tuổi hiện là sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM được chọn.
Trước khi phẫu thuật, chàng trai được các bác sĩ tư vấn tất cả tình huống xấu nhất của việc cắt gan. Bằng tình yêu mẹ, sinh viên năm 4 vẫn sẵn sàng lên bàn mổ.
Thiên Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét