Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Tổng thống Syria giành lại thế thượng phong?

Tổng thống Syria giành lại thế thượng phong?

Pháp luật & Xã hội - 41 phút trước 357 lượt xem
(PL&XH) - Theo báo mạng "Tin Trung Đông", chưa đầy 1 tháng nữa cuộc khủng hoảng Syria sẽ bước sang năm thứ hai. Lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người đồng cấp Syria Bashar al-Assad ra đi là vào ngày 18-8-2011.
Trước đó, ngày 28-5-2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi ông Assad ra đi. Các nước Arab cũng đã nhiều lần có những tuyên bố tương tự. Tuy nhiên, đến nay Tổng thống Assad vẫn tiếp tục tại vị và có vẻ như đang giành lại thế thượng phong trước quân nổi dậy.

Cán cân quyền lực thay đổi

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây khẳng định "sự ra đi của ông Assad là điều không thể." Trong khi đó, ông Ali Akbar Velayati, trợ lý cấp cao của nhà lãnh đạo tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei, tuyên bố "Assad là một giới hạn đỏ". Tại Moscow, Tehran, Damascus và Beirut, nhiều người cho rằng những gì xảy ra tại Syria là biểu hiện của một cuộc chiến tranh lạnh quy mô toàn cầu và một trong hai phe tại Syria sẽ không giành được chiến thắng trừ phi các bên liên quan tìm ra một giải pháp chính trị quan trọng.

Trong khi đó, quan điểm của các nước Arab về cuộc chiến Syria đã thay đổi. Quốc vương Jordan Abdullah II đã công khai tuyên bố ít nhất trước hai người, gồm nhà báo Abdel Bari Atwan của nhật báo Arab "al-Quds al-Arabi" và nhà văn Jorrdan Nahed Hattar rằng ông Assad sẽ tiếp tục tại vị và cán cân quyền lực tại Syria đang thay đổi. Các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Syria và Saudi Arabia đã làm thay đổi mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Dù các nỗ lực này vẫn chưa mang lại nhiều kết quả song đây là một sự khởi đầu tốt đẹp. Nhiều người trong Chính phủ Saudia Arabia có những ý kiến khác biệt về việc can thiệp vào Syria.

Những người được tiếp xúc với ông Assad mới đây đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo này dường như chẳng tỏ ra lo lắng chút nào. Trái ngược hoàn toàn với những tin đồn, tại cung điện của mình, ông Assad đề cập đến tình hình trong nước hiện nay như thể là cán cân quyền lực đang thay đổi theo chiều hướng có lợi cho mình. Tổng thống Assad khẳng định Chính phủ của mình sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ngay cả khi cuộc chiến tranh còn tiếp tục kéo dài. Ông cũng khẳng định rằng cuộc chiến này không còn là chuyện giữa quân Chính phủ và phe đối lập mà là chuyện giữa một quốc gia và "quân khủng bố."

Tổng thống Syria bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào chế độ và lực lượng quân đội của mình. Ông Assad cũng cho biết chưa bao giờ nghi ngờ sự cam kết của đồng minh Nga trên cấp độ quốc tế và của đồng minh Iran trên cấp độ khu vực. Ông trò chuyện bằng một giọng điệu tự tin: "Tôi đã nói ngay từ đầu rằng liên minh chiến lược với Nga sẽ không thay đổi trước mọi biến động. Nhiều người nghĩ rằng tôi đã nói quá". Quan hệ liên minh Nga-Syria được khởi đầu vào đầu năm 2007 và không ngừng được tăng cường để trở thành một bức tường thành chống lại bất kỳ nỗ lực nào tấn công Syria từ cả bên trong lẫn bên ngoài Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Assad không tỏ ra lo lắng trước những bước tiến của lực lượng vũ trang đối lập. Theo phân tích của ông, quân đội Chính phủ có thể giành thắng lợi trong các trận chiến sắp tới. Các phương tiện truyền thông đối lập nói rằng các cơ quan an ninh Syria gần như sắp sụp đổ, dựa trên phần diện tích lãnh thổ mà quân nổi dậy đang nắm giữ. Tuy nhiên trên thực tế, đặc điểm phân bố dân cư không cho phép quân đội Chính phủ tiếp tục ở lại các khu vực mà họ đã giành chiến thắng. Thay vào đó, họ tiến hành các chiến dịch tiêu diệt phiến quân trước khi rút lui. Sau đó, các lực lượng phiến quân khác lại kéo tới lấp chỗ trống. Ông Assad cho rằng "môi trường thân thiện đối với quân nổi dậy đã thay đổi hoàn toàn". Người dân đang giúp quân đội xác định vị trí ẩn náu của phiến quân. Gần đây, hàng trăm phiến quân đã bị tiêu diệt nhờ sự giúp đỡ của người dân.

Tổng thống Assad đang rất tự tin.
Những lý do lạc quan của ông Assad

Thái độ lạc quan của Tổng thống Assad được cho là xuất phát từ một số yếu tố quốc tế và khu vực sau: Thứ nhất, Mỹ thực sự quan ngại về tổ chức Jabhat al-Nusra và các nhóm thánh chiến Hồi giáo khác vốn đang gây tổn hại cho phe đối lập Syria được phương Tây ủng hộ. Ngoài ra, quân đội Syria dù đã có một vài vụ đào tẩu trong gần hai năm qua, những không có khả năng tan rã.

Thứ hai là sự can dự của Pháp tại Mali, vụ bắt cóc người phương Tây tại Algeria và thất bại của Pháp trong việc giải thoát các con tin tại Somalia đã làm thức tỉnh các nước phương Tây. Trong những ngày qua, Paris, Washington, London và một số quốc gia Arab đã tăng cường tiếp xúc nhằm thúc đẩy các biện pháp chống lại làn sóng thánh chiến. Pháp cho rằng một số nước Arab phải chịu trách nhiệm về việc đã cổ vũ cho phong trào thánh chiến mang hơi hướng al-Qaeda. Trong khi đó, nhiều nước khác cũng lên tiếng cáo buộc những kẻ đã vũ trang cho lực lượng al-Qaeda tại Libya.

Thứ ba, thỏa thuận không chính thức giữa Mỹ và Nga về nhiều điểm liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria đã dẫn đến một số thay đổi cơ bản trong chính sách của chính quyền Obama. Thỏa thuận này chủ yếu dựa vào Thỏa thuận Geneva về sự chuyển tiếp chính trị ở Syria được các cường quốc thông qua vào cuối tháng 6-2012. Theo đó, cuộc khủng hoảng Syria cần phải được giải quyết giữa chính quyền và phe đối lập. Moscow sẽ không bao giờ chấp nhận việc ông Assad buộc phải rời bỏ quyền lực do áp lực. Trong những tuần gần đây, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã lên tiếng khẳng định với các đồng sự châu Âu rằng Tổng thống Assad vẫn được rất nhiều người ủng hộ tại Syria và do vậy đủ tư cách ra ứng cử và có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, Iran cũng thẳng thừng tuyên bố rằng sẽ không có chuyện ép buộc ông Assad phải từ bỏ quyền lực.

Thứ tư là vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng tại Syria đang suy giảm mặc dù Ankara tiếp tục có những tuyên bố chống lại ông Assad. Dường như mối quan hệ giữa chế độ Syria và cộng đồng người Kurk ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện rất nhiều. Ancara cũng đang có những mối bận tâm riêng về an ninh do Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc loại bỏ ông Assad.

Thứ năm là những thay đổi có thể diễn ra tại Saudi Arabia và Qatar. Saudi Arabia đang chuẩn bị cho kỷ nguyên tiếp theo của Quốc vương Abdullah bin Abdul Aziz al Saud với việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Trong khi đó, có tin đồn rằng Qatar cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh sức khỏe của Quốc vương Hamad Bin Khalifa Al Thani không được tốt.

Theo các tin đồn, Syria đã ký kết một thỏa thuận tái thiết với Nga, trong đó bao gồm cả lĩnh vực dầu khí. Những sự giúp đỡ này đã phần nào giúp Syria khắc phục khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Tại các khu vực đã ổn định, ví dụ như Homs, điều kiện sống của người dân đang được cải thiện. Chính phủ Syria cũng đang nuôi hy vọng giải quyết mọi việc tại Aleppo và bảo vệ TP này khỏi các cuộc đụng độ mới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét