Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Biến chứng thần kinh thực vật

Một biến chứng thường gặp trên nam giới của bệnh đái tháo đường type 2 là rối loạn chức năng cương dương.
Thế nào là  Rối loạn cương dương?
Rối loạn cương dương là tình trạng không có khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng của dương vật đủ để giao hợp. Rối loạn cương dương, còn được gọi là bất lực, không phải là tình trạng thất bại trong hoạt động tình dục thoáng qua mà ở một số thời điểm trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân như uống rượu quá nhiều, stress….
Nếu dương vật  không thể đạt được hay duy trì tình trạng cương cứng hơn 75% thời gian trong khi tìm cách quan hệ tình dục thì được gọi là rối loạn cương dương.
 Rối loạn cương dương cũng không phải là tình trạng giảm ham muốn tình dục hoặc các rắc rối gặp phải khi xuất tinh và cực khoái.
Nếu không điều trị, rối loạn cương dương có thể tạo ra căng thẳng cho cả 2 vợ chồng . Rất nhiều người đàn ông bị rối loạn cương dương trở nên trầm cảm nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống của họ, bao gồm cả sức khỏe , công việc, cuộc sống...
 Rối loạn cương dương và bệnh Đái tháo đường
Bất kỳ đấng nam nhi nào cũng có thể bị rối loạn cương dương. Tuy nhiên, bệnh nhân đái tháo đường chiếm tỉ lệ cao hơn:
Ước tính có đến 80% nam giới mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới bị rối loạn cương dương, so với khoảng 22-25% nam giới không có bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ chính xác là rất khó để ước tính vì nhiều người đàn ông quá xấu hổ để thừa nhận bản lĩnh đàn ông của mình không còn bản lĩnh hay không nói chuyện với bác sĩ về vấn đề này.
Rối loạn cương dương thường xuyên gặp sau tuổi 65. Ở nam giới mắc bệnh  đái tháo đường, Rối loạn cương dương có xu hướng xảy ra sớm hơn, khoảng 10 hoặc 15 năm so với người bình thường.
Bệnh nhân đái tháo đường ở độ tuổi 30 hay trẻ hơn cũng có thể bị rối loạn cương dương
Nguyên nhân
Liệt dương có thể do nhiều nguyên nhân, cả về thể chất và tâm lý.
  • Đường huyết tăng cao gây tổn thương cả mạch máu và thần kinh chi phối cơ quan sinh dục gây nên rối loạn cương dương
  • Những bệnh lý khác như bệnh tim, gan, phẫu thuật hay chấn thương cũng có thể gây ra rối loạn cương dương .
  •  Trầm cảm, căng thẳng và lo lắng quá nhiều về hoạt động tình dục đều có thể can thiệp vào chức năng cương cứng bình thường, cho dù bạn bị bệnh đái tháo đường hay không.
  • Thuốc: Một số thuốc ,ví dụ như thuốc điều trị tăng huyết áp, có thể gây ra rối loạn cương dương tạm thời.
Đái tháo đường và rối loạn cương dương
Khi bị đái tháo đường, các yếu tố nguy cơ chính của rối loạn cương dương là:
  • Biến chứng thần kinh ngoại biên
  • Biến chứng mạch máu
  • Đường huyết không được kiểm soát tốt.
Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến chức năng tình dục như thế nào?
Đối với nam giới bị đái tháo đường, chức năng tình dục bình thường có thể bị rối loạn vì những nguyên nhân liên quan đến tổn thương thần kinh và  mạch máu.

Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương hệ thống dây thần kinh khắp cơ thể, bao gồm cả dương vật. Do vậy, ngay cả khi có kích thích và ham muốn tình dục nhưng tín hiệu thần kinh vẫn không truyền tới dương vật được. ( gọi là trên bảo dưới không nghe) .
Thêm vào đó, bệnh nhân đái tháo đường không được kiểm soát đường huyết tốt, có thể ức chế sản xuất nitric oxide. Do thiếu nitric oxide, áp lực máu trong thể hang không tăng lên đủ mạnh để đóng các tĩnh mạch dương vật, làm cho máu thoát ra khỏi thể hang và không duy trì sự cương cứng được.
 Quá trình xơ vữa động mạch, một bệnh lý rất thường gặp cùng với bệnh đái tháo đường, có thể gây hẹp động mạch cung cấp máu cho dương vật, gây ra rối loạn cương dương.
Làm thế nào để điều trị rối loạn cương dương
  • Kiểm soát đường huyết 
Điều trị tốt bệnh đái tháo đường sẽ giảm nguy cơ rối loạn cương dương, kiểm soát tốt đường huyết cũng có thể làm cho tình trạng rối loạn cương dương không trầm trọng thêm, và trong nhiều trường hợp, có thể giúp hồi phục cuộc sống tình dục của bệnh nhân.
  • Nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Đừng ngại ngùng khi nói về vấn đề tế nhị này với bác sĩ.
Bác sĩ sẽ xác định xem Rối loạn cương dươnglà kết quả của bệnh đái tháo đường hay là do bệnh khác gây nên .
  • Tránh thuốc lá.
Hút thuốc lá, làm hẹp các mạch máu , có thể gây ra rối loạn cương dươnghay làm nặng thêm rối loạn chức năng cương dương. Hút thuốc cũng làm giảm nồng độ nitric oxide trong máu , là chất cho phép tăng lượng máu chảy tới dương vật giúp giúp dương vật cương cứng
  • Tránh uống quá nhiều rượu.
Cánh đàn ông cho rằng uống rượu vào sẽ làm cho mình mạnh mẽ hơn và lâu xuất tinh hơn.
Tuy nhiên, khi uống rượu quá nhiều - hơn hai ly một ngày - có thể làm tổn thương các mạch máu của và làm trầm trọng thêm mức độ rối loạn cương dương.
  • Khám chuyên khoa : Nam khoa.
Các bác sĩ chuyên về nam khoa sẽ đánh giá chính xác nguyên nhân và mức độ rối loạn cương dương. Khoa nam khoa của Bv Bình Dân là nơi tin cậy để bạn gởi gắm nỗi buồn của mình.
  • Điều trị nguyên nhân đưa đến lo âu căng thẳng.
Trầm cảm có thể gây ra rối loạn cương dương. Càng lo lắng về vấn đề trên bảo dưới không nghe càng làm cho cấp dưới lì lợm hơn.
Stress có thể làm giảm khả năng ham muốn tình dục và sự cương cứng .
Giải quyết công việc và sắp xếp thư giãn, chọn những phương pháp hữu hiệu  như thiền hoặc yoga ….
 Nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm xem nguyên nhân gây stress, khi giải quyết vấn đề stress ổn thỏa, tình hình sẽ khá hơn. Đoi khi bạn cần phải khám chuyên khoa tâm thần nếu stress quá lâu và phức tạp.
  • Tập thể dục thường xuyên.
Thường xuyên tập thể dục có thể làm tăng lưu lượng máu, cải thiện tinh thần , giảm năng lượng thừa của cơ thể, và giảm bớt căng thẳng.
Đi bộ hàng ngày là phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện
  • Thuốc điều trị :
Có thể dùng thuốc để điều trị rối loạn cương dươngcho bệnh nhân đái tháo đường. Những thương hiệu có ở Việt Nam bao gồm Viagra, Cialis và Levitra. Tuy nhiên, những thuốc này cần phải có chỉ định bác sỹ, đặc biệt nếu bạn có vấn đề về tim mạch đi kèm.
 Đôi khi những thuốc này cũng không hiệu quả trong việc điều trị rối loạn cương dương trên bệnh nhân đái tháo đường, cần phối hợp thêm những thuốc khác.
 Khám chuyên khoa Nội tiết để được tư vấn và điều trị. Phòng khám Tiểu đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét