Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Đẻ thường hay mổ đẻ

'Sinh thường hay đẻ mổ': Quyết định mang tính sinh tử

Sinh con tự nhiên ít tốn kém lại tránh được nhiều nguy cơ rủi ro, song bác sĩ Lê Thị Thu Hà ở Bệnh viện Từ Dũ khuyên trong một số trường hợp bất khả kháng sản phụ nên chọn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
> Những tai biến bất khả kháng khi chuyển dạ
> Sản phụ lớn tuổi dễ gặp trở ngại khi sinh con

Các bác sĩ sản khoa cho rằng, ngày nay nhiều sản phụ, người thân và ngay cả bác sĩ thường có tâm lý đề cao thái quá tầm quan trọng của việc sinh thường nên luôn cố gắng bằng mọi cách để sản phụ sinh qua ngả âm đạo. Theo bác sĩ Thu Hà, một số trường hợp bất lợi (có dấu hiệu bất thường) lẽ ra là phải sinh mổ mà bác sĩ vẫn không tiến hành phẫu thuật kịp thời nên đã để lại những hệ lụy đáng tiếc.
Sinh thường. Ảnh: WP.
Việc lựa chọn phương pháp sinh con phải căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể. Ảnh: WP.
Trò chuyện với VnExpress.net, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Phó khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM) nhìn nhận, mỗi phương pháp sinh đều có những ưu và nhược điểm riêng. Vì thế đòi hỏi sản phụ và người thân phải tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn phương pháp nào.
Chẳng hạn, sinh thường có ưu điểm diễn tiến tự nhiên, thời gian nằm viện hậu sản ngắn, chi phí thấp, mẹ không đau nhiều sau sinh nên chăm sóc bé tốt và cho con bú sớm hơn. Sản phụ sinh thường thì sản dịch thoát tốt hơn nên ít bị viêm nội mạc tử cung, không bị dị ứng gây tê, gây mê và nguy cơ từ phẫu thuật: nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan trong bụng như ruột, bàng quang. Tuy nhiên nhược điểm là nguy cơ suy thai, nhất là trong những trường hợp có dây rốn quấn cổ hoặc dây rốn thắt nút, dây rốn sa bên, nguy cơ đờ tử cung gây băng huyết sau sinh do chuyển dạ kéo dài. Vì thế đòi hỏi phải theo dõi thật sát tiến trình chuyển dạ sinh.
Còn đối với sinh mổ có thể chủ động về ngày giờ, ít gặp nguy cơ suy thai khi mổ chủ động. Do đó những trường hợp sinh con "quý" như thụ tinh ống nghiệm, lâu ngày mới có con, mẹ trên 40 tuổi mới có con đầu lòng thì thường được chỉ định mổ chủ động. Phương pháp này cũng có nhược điểm là nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, chi phí nhiều (gấp 4, 5 lần sinh thường), đau nhiều sau sinh, mệt mỏi, dễ bị bế sản dịch gây viêm nội mạc tử cung, nguy cơ dị ứng thuốc tê, thuốc mê, phẫu thuật, nguy cơ nứt sẹo mổ cũ khi mang thai lần kế tiếp. Vì thế nên mổ ở bệnh viện có chuyên môn cao và phẫu thuật viên có kỹ năng mổ lấy thai.
Theo bác sĩ Thu Hà, việc lựa chọn sinh thường hay mổ nên căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Không phải lúc nào cũng sinh thường là tốt hoặc phải mổ mới tốt, trong những trường hợp có chỉ định đẻ mổ mà cố gắng cho sinh thường sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ngược lại khi tiên lượng sinh thường được thì không nên mổ vì những bất lợi của phương pháp này.
Như trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, mang thai lần đầu. Bác sĩ cho biết thai được 39 tuần, ước tính bé cân nặng 3 kg, có thể sinh ngả âm đạo nhưng vì muốn chọn ngày giờ tốt nên gia đình yêu cầu mổ lấy thai. Tuy nhiên do giai đoạn hậu phẫu gặp bất lợi, sản phụ bị nhiễm trùng vết mổ nên đã phải cắt tử cung.
Tương tự sản phụ Lê Thị An 38 tuổi sinh con so. Chị nhập viện khi thai nhi được 38 tuần trong tình trạng thai bị thiểu ối. Sau khi khám, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai nhưng gia đình sản phụ muốn sinh thường để giảm chi phí. Mặc dù đã được tư vấn kỹ nhưng sản phụ vẫn một mực không đồng ý mổ, tự ý bỏ viện và 3 ngày sau thai chết lưu trong tử cung.
Qua kinh nghiệm nhiều năm làm công tác sản khoa, bác sĩ Thu Hà khuyên sản phụ khi thấy có những triệu chứng sau thì không nên sinh thường mà nên mổ lấy thai để đảm bảo an toàn:
Về phía sản phụ:
- Khung chậu hẹp, khung chậu méo, hoặc khung chậu giới hạn và ước lượng cân thai không nhỏ, nứt hoặc vỡ xương chậu trước đó.
- Bị bệnh lý không thể sinh thường được: herpes sinh dục đang tiến triển, sùi mào gà, bệnh tim nặng.
- Tiền sản giật nặng hoặc sản giật nhưng cổ tử cung không thuận tiện để sinh ngả âm đạo.
- Có vết mổ cũ trên thân tử cung: mổ bóc nhân xơ, mổ tạo hình tử cung, mổ lấy thai từ 2 lần trở lên.
- Có những khối u cản đường ra của thai nhi (được gọi là u tiền đạo) như u xơ tử cung nằm thấp, u nang buồng trứng nằm thấp.
Về phía thai, nhau, ối:
- Thai suy.
- Con quý, hiếm (thụ tinh ống nghiệm, lâu ngày mới có con, mẹ trên 40 tuổi mới có con đầu lòng).
- Thai suy dinh dưỡng.
- Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông.
- Thai to (4 kg trở lên)
- Nhau tiền đạo, nhau bong non.
- Ối vỡ lâu nhưng cổ tử cung không mở.
- Thiểu ối nặng hoặc vô ối.
Ngày nay bằng nhiều phương tiện khác nhau như: khám lâm sàng, siêu âm, monitor sản khoa theo dõi tim thai cơn gò, chụp X-quang khung chậu, xét nghiệm máu… bác sĩ có thể đánh giá và tiên lượng cuộc sinh.
Vì thế để giảm thiểu rủi ro, ngay từ giai đoạn trước khi mang thai, chị em cần phải chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe nói chung, tiêm ngừa các bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Khi mang thai cần khám thai định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định bác sĩ. Trong quá trình theo dõi sự phát triển thai nhi, các bác sĩ sẽ đánh giá và tiên lượng cuộc sinh: Nên sinh thường hay sinh mổ, nên sinh ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương.
Xét phương diện khác, chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Thanh Thúy, công tác tại Hội quán các bà TP HCM cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ về y tế thì sự động viên tinh thần của người thân, đặc biệt là người chồng cũng góp phần không nhỏ đến quá trình chuyển dạ của sản phụ.
"Các đấng mày râu đã đồng hành với vợ trong những tháng ngày mang thai, chuẩn bị tất cả kiến thức, tinh thần và vật chất, thì sự có mặt trong giây phút chuyển dạ quan trọng này sẽ mang đến cho vợ một cảm giác yêu thương trọn vẹn. Chỉ cần một nụ hôn nhẹ, một nụ cười biết ơn của chồng, người vợ sẽ quên đi cảm giác đau đớn và mệt mỏi của phút giây vượt cạn", bà Thúy nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét