Bệnh nhi mệt lả, bác sĩ quay cuồng vì quá tải
(Dân trí) - Phòng khám không còn chỗ chen chân, phòng bệnh không còn chỗ nằm, hành lang hết “đất” kê giường, bệnh nhân mệt lả, bác sĩ quay cuồng… với trên 13.000 lượt trẻ khám và điều trị mỗi ngày, hai bệnh viện Nhi rơi vào quá tải nghiêm trọng.
Cảnh chen lấn mua thuốc tại bệnh viện Nhi Đồng 2
Ngày
đầu tuần, dòng người từ các quận huyện và tỉnh thành lân cận ùn ùn bồng
bế trẻ tới hai bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn thành phố. Khu khám bệnh
nhanh chóng lấp đầy chỗ rồi ùn ứ nghiêm trọng. Trẻ nào may mắn mới tìm
được chỗ ngồi chờ tới lượt khám. Nhiều phụ huynh bế con trên tay, mặt
thất thần vì các bé cứ “thi nhau” khóc ngằn ngặt, cảnh chen lấn càng trở
nên ngột ngạt hơn.
“Bệnh
nhi mỗi ngày một đông hơn, chúng tôi đã tăng cường bác sĩ khám và điều
trị hết mức có thể nhưng vẫn không thể nào đáp ứng được nhu cầu. Dù đã
có một khoa vệ tinh tại bệnh viện quận 2 nhưng hiệu quả giảm tải vẫn
chưa khả quan trong khi tại Nhi Đồng 2 quá tải đã lên đến đỉnh điểm”, BS
Phạm Mai Đằng Phó phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2 cho
biết.
Chỉ có những trẻ may mắn mới tìm được chỗ ngồi
Không
muốn bàn về số lượng bệnh nhi mỗi bác sĩ phải khám trong một ngày nhưng
BS Phạm Mai Đằng, chia sẻ: “Quy định thời gian khám cho một bệnh nhân
là 15 phút song trên thực tế việc khám chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 3
phút. Nếu làm một phép tính đơn giản thì việc so sánh “công suất” làm
việc của các bác sĩ nhi Việt Nam thì khó có bác sĩ ở quốc gia nào sánh
được”.
Theo
số liệu thống kê mỗi ngày tại bệnh viện Nhi Đồng 2 đang tiếp nhận điều
trị cho gần 7.000 bệnh nhi, ngày cuối tuần qua số bệnh nhi đến khám cũng
ở mức hơn 6.000. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại bệnh viện
Nhi Đồng 1. Quá tải ở hai bệnh viện đang ở mức từ 130 - 150%. Căng thẳng
nhất diễn ra ở khoa Hô hấp, tại Nhi Đồng 1 hiện có tới gần 300 bé nằm
viện điều trị nội trú trong khi khoa này chỉ đủ chỗ cho 100 bệnh nhi.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 số bệnh nhi hô hấp nội trú cũng lên tới hơn 300
ca mỗi ngày. Trong khi đó các bệnh “truyền thống” như sốt xuất huyết và
tay chân miệng vẫn ở mức cao.
Khu chờ khám bệnh chật như nêm
Theo
phân tích của BS Mai Đằng, bệnh ở trẻ tăng cao là do nhiều yếu tố khác
nhau, trong đó thời tiết mưa nắng thất thường khiến trẻ dễ nhiễm bệnh,
bước vào đầu năm học mới trẻ tập trung đến lớp chỉ cần một bé mắc bệnh
nơi đây sẽ có nguy cơ trở thành ổ bệnh.
Các
chuyên gia y tế nhận định, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến rất
phức tạp trong những tháng tới, sớm nhất thì cũng phải đến cuối tháng 11
bệnh mới bắt đầu giảm. Ngành y tế cần phải có những giải pháp căn cơ,
dài hơi để khống chế dịch. Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân đặc biệt
là đối tượng trẻ em đang có những lỗ hổng khó có thể che đậy tại tuyến
cơ sở. Đây là nguyên nhân chính khiến “căn bệnh quá tải” diễn ra kinh
hoàng trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể tìm được “thuốc giải” .
Hành trình khám bệnh khiến cháu bé khóc lả trên vai bà
Trẻ xếp hàng rồng rắn để được BS khám trong... 3 phút
Nhiều khu vực trong bệnh viện không còn chỗ chen chân
Khu vực điều trị, 3 đến 4 trẻ mỗi giường
Khi hành lang cũng không còn "đất"...
... sân bệnh viện trở thành chỗ lý tưởng
Máy thở, máy lọc máu đang phải hoạt động hết công suất
Vân Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét