Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Nạn nạo thai dưới góc nhìn Phật Giáo



Nạn nạo thai dưới góc nhìn Phật Giáo
Bạn tôi đã trót lỡ lầm mang thai với người yêu. Sau khi sự việc xảy ra, người yêu của bạn ấy đã chối bỏ trách nhiệm, còn gia đình thì giận dữ xua đuổi. Quá đau khổ và không biết chia sẻ cùng ai nên bạn ấy đã quyết định trút bỏ giọt máu của mình (thai nhi đã trên 1 tháng tuổi). Giờ đây, bạn ấy rất đau khổ, bị dằn vặt về việc làm của mình, bạn.  Xin cho biết quan điểm của Phật giáo về vấn đề này  và chỉ cho bạn ấy những lời sẻ chia.
CHIA SẺ
Vấn đề một bộ phận không nhỏ nam nữ yêu đương và có quan hệ trước hôn nhân, hiện không còn xa lạ với mọi người trong xã hội ngày nay, nhất là với giới trẻ. Theo các thống kê cho biết, số lượng các ca nạo phá thai ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn là có không ít ca ở tuổi vị thành niên đã để lại nhiều hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm lý, học tập… cho người nạo phá thai.
Bạn ấy có thai trước hôn nhân là một lỡ lầm. Khi bị người yêu bội bạc và gia đình thiếu cảm thông cùng hoàn cảnh khách quan tác động khiến bạn ấy quyết định phá thai lại càng lỗi lầm hơn. Đành rằng bạn ấy thật đáng thương hơn đáng trách nhưng để trị liệu và chữa lành vết thương trong thân thể và tâm hồn bạn ấy quả chẳng dễ dàng.
Quan điểm của Phật giáo về vấn đề nạo phá thai, trước hết, đạo Phật là đạo từ bi, luôn tôn trọng sự sống và bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đạo Phật không phản đối các biện pháp hạn chế sinh đẻ bằng cách ngừa thai nhưng không ủng hộ việc phá thai. Bởi lẽ bào thai là một mầm sống, là sinh mạng, do đó cần được bảo vệ. Phật giáo quan niệm sự sống hay sinh mạng có mặt khi mới bắt đầu thụ thai.
Đức Dalai Lama, khi trả lời về vấn đề này cho các nhà khoa học phương Tây đã khẳng định:“Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người” (Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. tr.11).
Theo giáo lý đạo Phật, hành vi phạm giới sát sanh phải hội đủ năm điều kiện, đó là: Một chúng sanh/ Ý thức hay biết đó là một chúng sanh/ Có ý định giết hại/ Tìm mọi cách để giết/ Kết quả là chúng sanh ấy bị chết. Cứ theo những điều kiện trên thì một bà mẹ (Phật tử) đi phá thai là phạm giới, mắc tội lỗi rất lớn.

Quan niệm của đạo Phật về sát sinh
Theo giáo lý của đức Phật, để cấu thành nên một hành động sát sinh, phải có sự hiện diện của 5 điều kiện sau:
- Đối tượng bị giết phải là một chúng sinh.
- Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.
- Người sát sinh có tác ý giết chúng sinh đó.
- Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết.
- Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.
Ở đây, đơn cử một thí dụ về sự nạo phá thai đã cấu thành nên một hành động giết như thế nào:
- Khi thai nhi đã tượng hình, một chúng sinh đã được tạo ra. Điều này thỏa mãn điều kiện thứ nhất. Mặc dù Phật tử tin rằng, chúng sinh sống trôi lăn trong vòng sinh tử, và tái sinh, nhưng họ coi sát-na của tưởng là sự bắt đầu của đời sống của một con người cụ thể.
- Sau ít tuần, thai phụ trở nên nhận thức được sự hiện hữu của thai nhi. Sự kiện này đáp ứng được điều kiện thứ 2.
- Nếu thai phụ quyết định muốn nạo phá thai nhi ấy, thì quyết định muốn ấy chính là có tác ý giết. Đây là điều kiện thứ 3.
- Khi thai phụ tìm kiếm cách nạo phá thai, thì thai phụ đã tạo ra một cố gắng/nỗ lực giết,  tức đã rơi vào điều kiện thứ 4.
- Cuối cùng, thai nhi bị giết chết vì hành động nạo phá thai ấy. Đây thỏa mãn điều kiện thứ 5.
Vì thế, nạo phá thai là phạm vào giới thứ nhất của đạo Phật – cấm sát sinh, và sự nạo phá thai này tương đương với việc giết một chúng sinh.
Sống quân bình
Các Phật tử đối diện với một khó khăn, ở đó sự phá thai cần đến y học can thiệp để cứu lấy sinh mệnhh của thai phụ. Vì vậy, trong trường hợp này, chắc chắn sẽ phải có một sinh mệnh bị hủy diệt dù muốn hay không muốn nạo phá thai.
Đối với những trường hợp như thế, khía cạnh đạo đức của nạo phá thai sẽ dựa trên những tác ý của từng trường hợp đang tiến hành.
Nếu quyết định nạo phá thai trong những trường hợp ấy bị mất đi lòng từ, và sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cẩn thận, thì dù hành động nạo phá thai có thể là bất thiện, nhưng việc làm gây tổn hại về phương diện đạo đức này sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất vì đã có sự tác ý thiện xen vào.
Phá thai vì lợi ích của thai nhi
Có những trường hợp không nạo phá thai, dẫn đến việc sinh con bằng những điều kiện y học mà khiến cho thai nhi đau khổ.
Trong trường hợp này, tư tưởng của Phật giáo truyền thống trở nên bất cập. Các Phật tử đang tranh luận về trường hợp này như sau:
Nếu thai nhi đã gặp phải trở ngại quá lớn mà nó phải chịu nhiều khổ đau, thì nạo phá thai khả dĩ chấp nhận được.
Đức Dalai Lama nói:
“Dĩ nhiên, theo quan điểm của Phật tử,  phá thai là một hành động sát sinh và tiêu cực nói chung. Thế nhưng, nó cũng dựa  vào từng  trường hợp.
Nếu thai nhi không sinh sẽ bị chậm phát triển, hoặc nếu sự sinh nở sẽ sinh ra những vấn đề nghiêm trọng cho cha mẹ, thì những trường hợp này có thể là ngoại lệ. Tôi nghĩ, sự nạo phá thai được chấp nhận hay không chấp nhận tùy thuộc vào mỗi trường hợp”. (Dalai Lama, Thời báo New York, 28/11/1993)

Trách nhiệm cá nhân
Các Phật tử nghĩ rằng, họ phải tự chịu trách hoàn toàn về những gì mà họ đã làm và về những hậu quả mà nó đưa tới cho họ.
Vì vậy, quyết định phá thai là một quyết định có tính cách cá nhân rất cao, và là một quyết định vốn đòi hỏi sự xem xét hết sức cẩn thận, đầy tình người về các vấn đề vốn liên quan đến đạo đức, và chấp nhận gánh lấy bất cứ gánh nặng hậu quả nào mà nó mang đến..
Những hậu quả có tính đạo đức của quyết định cũng sẽ dựa vào động cơ và tác ý nằm sau một quyết định, cũng như vào mức độ lưu tâm đến hậu quả mà nó mang lại.
Một người sau khi phá thai xong, bị đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu. Dẫu sao thì sự phát tâm sám hối của bạn ấy vẫn là điều tốt, còn hơn là tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình. Sám hối theo Phật giáo là ăn năn với lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và nguyện không tái phạm lỗi ấy ở tương lai. Sai lầm sống buông thả theo dục vọng khi chưa cưới hỏi hay không sử dụng các biện pháp ngừa thai đã khiến bạn ấy chịu nhiều khổ đau. Và giờ đây bạn ấy đã ăn năn, hối hận thật nhiều về sự nông nổi, bất cẩn và lối sống buông thả của mình. Sau khi đã ăn năn, quan trọng hơn là nguyện không tái phạm lại việc ấy. Đó là cách sám hối thiết thực nhất.
Đạo lý của dân tộc Việt là cố gắng giữ gìn sự trinh nguyên cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay phần lớn có xu hướng “hiện đại” và “thoáng” hơn trong tình yêu thì điều cực kỳ quan trọng là cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Nếu được giáo dục tốt về giới tính, tiền hôn nhân và luôn ý thức về an toàn tình dục nói chung thì chắc chắn hậu quả của việc nạo phá thai sẽ được giảm thiểu.
Chúng ta đều biết phá thai là giải pháp bất đắc dĩ, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý và hạnh phúc gia đình về sau. Không ít những trường hợp nạo phá thai đã dẫn đến tử vong, vô sinh; nhiều thiếu nữ sau khi phá thai đã tự tử và nhiều phụ nữ luôn ray rứt, bị trầm cảm, ám ảnh về chuyện phá thai đến suốt đời. Chúng ta cần tiết chế dục vọng, nhất là ý thức rất rõ về nhân quả để đề phòng, ngăn ngừa mọi tình huống xấu khi đang còn là nguyên nhân, trước khi xảy ra hậu quả. Nói cách khác, đối với những ngừoi đang yêu thì quan trọng là” ngừa bệnh hơn chữa bệnh”, do đó thực tập Chánh Niệm rất quan trọng trong mọi hành vi của cuộc sống hàng ngày. Chánh niệm là có ý thức về việc mình làm trong giây phút hiện tại, đồng thời thấy được nguyên nhân và hậu quả của hành động đó.
( Tổ Tư Vấn báo Giác Ngộ)

Ca sinh tư IVF thành công tại Hà Nội.. Trình đọ Bác sỹ Vn ngang tầm thế giới

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng!

08:42:58 01/12/2014

“Nói về mức độ hiếm và khó trong chăm sóc, điều trị thì ca sinh tư này thuộc hàng nhất từ trước đến nay tại bệnh viện”, PGS.TS Trần Danh Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ. Ông cũng là người trực tiếp điều trị và mổ cho trường hợp sản phụ sinh tư hi hữu tại bệnh viện này vào ngày 27/11 vừa qua.

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 1
Sản phụ Vũ Thị Phương Hoa đang được chăm sóc tại khoa Sản 2 (Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Lưng chạm tường, bụng ra đến mép giường

Chia sẻ cùng PV một ngày sau khi sản phụ Vũ Thị Phương Hoa (SN 1984, tại Hà Nội) sinh thành công 4 cháu bé (gồm 3 trai, 1 gái), PGS.TS Trần Danh Cường không giấu được niềm vui: “Trường hợp sinh đôi, sinh ba tại bệnh viện không ít, nhưng sinh tư thành công như sản phụ Hoa thì phải gọi là hiếm! Bởi bản thân một người mang tới 4 thai với vết sẹo mổ đẻ cũ trên tử cung tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ tai biến”.

Cách đây 6 năm, chị Phương Hoa đã trải qua một lần sinh bằng phương pháp mổ. “Một người mang 1 thai với vết sẹo mổ cũ đã có nguy cơ vỡ tử cung do vết sẹo giãn ra. Chị Hoa còn mang tới 4 thai, tử cung căng hết mức, nguy cơ cao đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều này đòi hỏi việc theo dõi, chăm sóc hết sức chu đáo”, PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Trước đó, như các báo đã thông tin, sau 4 năm tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ sinh sản bất thành, tháng 4/2014, vợ chồng chị Hoa đã nhờ đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Điều bất ngờ là khi sang tháng thứ 4, khi chị Hoa tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã phát hiện 3 phôi nhưng có 4 thai đang phát triển tốt. Từ tuần thai thứ 25, chị Hoa nhập viện và điều trị tại Khoa Sản bệnh lý (Sản 1) do PGS.TS Trần Danh Cường làm Trưởng khoa.

Nói về sự khó khăn trong quá trình chăm sóc, theo dõi cho sản phụ đặc biệt này, PGS.TS Trần Danh Cường nhớ lại: “Bạn cứ tưởng tượng, chị Hoa vốn người nhỏ bé, lại mang đa thai, khi nằm nghiêng trên giường, lưng chị chạm tường nhà, còn bụng vượt quá cả mép giường. Chị di chuyển cũng rất khó khăn, bản thân bác sĩ khi siêu âm, đo nhịp tim cũng khó bởi chị không thể nằm ngửa”.

Cũng theo PGS.TS Trần Danh Cường, suốt 8 tuần thai phụ Hoa điều trị tại Khoa Sản bệnh lý, trong các tua trực, đặc biệt là trực đêm, các bác sĩ đã luôn hướng dẫn cho thai phụ và người nhà tự theo dõi khi có vấn đề phải báo ngay cho kíp trực. “Nếu không phát hiện được cơn co tử cung chuyển dạ, thai phụ rất dễ bị vỡ tử cung. Nỗi “ác mộng” này luôn khiến tất cả chúng tôi sợ “nơm nớp”, nếu vết sẹo mổ cũ nứt, toàn bộ thai nhi sẽ tụt ra ngoài. Do đó, chúng tôi phải siêu âm cổ tử cung hàng tuần cho bệnh nhân, xem vết sẹo thường xuyên để đánh giá mức độ giãn, mỏng, sức chịu đựng của tử cung khi 4 thai nhi có sự phát triển rất tốt từng tuần”, PGS.TS Trần Danh Cường nhớ lại.

20 nhân viên y tế cho một cuộc mổ đẻ

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 2
Bốn cháu bé đang được theo dõi, chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Mặc dù sản phụ được chăm sóc, theo dõi rất chu đáo, nhưng các bác sĩ tại Khoa Sản bệnh lý cũng rất lo lắng và xác định các nguy cơ tai biến khi tiến hành mổ đẻ cho trường hợp rất đặc biệt này. Yêu cầu phối hợp nhịp nhàng và kín kẽ là điều cần được đảm bảo. Trước khi sản phụ chuyển dạ, các bác sĩ đã đề nghị phòng mổ luôn túc trực sẵn sàng bất cứ lúc nào. Bàn đón bé phải rộng hơn bình thường với nhiều khay với 4 người đón bé liên tục. Khoa Sơ sinh cũng chuẩn bị các phương án hồi sức để việc đón bé sinh non được chu đáo, tuyệt đối đảm bảo các cháu không thiếu oxy. Phương pháp gây mê cũng phải đặc biệt vì sản phụ không nằm ngửa được, phải nằm nghiêng. Do thai quá to, phải nhờ tới một nhân viên y tế giữ bụng, sản phụ mới ngửa người để bác sĩ mổ chính lia được nhát rạch đầu tiên.

“Một nguy cơ khủng khiếp khác chúng tôi cũng đề phòng, đó là đờ tử cung. Với các trường hợp sinh non, đa thai, sản phụ dễ bị chảy máu nhiều, tử cung căng giãn quá mức không co lại được, sẽ đe dọa tính mạng sản phụ. Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị tất cả các thuốc tăng co tử cung được phép sử dụng cho đẻ để tử cung co chặt tối đa, tránh chảy máu nhiều”, PGS.TS Trần Danh Cường cho hay.

Với sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp nhịp nhàng của gần 20 nhân viên y tế, chỉ sau hơn 30 phút, phòng mổ đã vang lên tiếng khóc của 4 em bé. Một bé nặng 1,8kg, 2 bé nặng 1,7kg, bé còn lại nặng 1,6kg. Đối với sản phụ Hoa, vết sẹo tử cung vẫn còn nguyên, không hề nứt, giãn. Tử cung co chặt, mất máu rất ít.

“Khủng” hơn cả nền sản khoa tiên tiến như Pháp

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 3
Khi vừa chào đời, các bé phải thở bằng máy hỗ trợ hô hấp nhưng nay 4 bé đã có thể tự thở với sự hỗ trợ ôxy.

PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, ở Pháp – một nước tiên tiến về kỹ thuật sản khoa - với trường hợp mang 3 thai, các bác sĩ có thể giúp giữ và chăm sóc tới 32-33 tuần, nhưng với 4 thai thì giữ tới 30-31 tuần là kinh khủng! Thậm chí, từ tuần thứ 28-29, họ đã mổ bắt thai, bởi điều kiện tại đó có thể nuôi được, trong khi điều kiện nước ta chưa thể. Do đó, việc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc, điều trị, giữ 4 thai phát triển tốt tới hết tuần 32 là một thành tích trong chăm sóc sản khoa. Đồng thời ghi nhận thành quả của sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa sản phụ – người nhà – bác sĩ – các khoa phòng trong bệnh viện.

Qua sự kiện này, PGS.TS Trần Danh Cường cho rằng khi mang đa thai, dọa sinh non… các thai phụ không nên quá sợ sệt. Bởi Bệnh viện luôn có đầy đủ, sẵn sàng các phương tiện, thuốc men để giữ thai với các loại thuốc ngang tầm thế giới. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Danh Cường cũng chia sẻ, xem xét tỷ lệ thành công không thể tính chung trên quần thể, mà phải đánh giá từng ca riêng biệt cụ thể, với việc cán bộ y tế đã mang niềm hạnh phúc đến từng gia đình.

Chia sẻ cảm xúc cá nhân khi lần đầu tiên chăm sóc, điều trị, mổ đẻ thành công ca sinh tư hi hữu tại bệnh viện tuyến đầu ngành sản, PGS.TS Trần Danh Cường mỉm cười: “Bạn cứ tưởng tượng, suốt 8 tuần thai phụ nằm tại Khoa, mỗi buổi sáng giao ban, khi đi buồng, thấy chị Hoa vẫn tươi tỉnh trả lời bác sĩ, các chỉ số bình thường, chúng tôi mới tạm yên tâm qua ngày hôm đó! Rồi cảm giác hồi hộp đo đếm, chờ đợi từng tuần, cảm giác hạnh phúc khi thấy thai phụ tươi cười “mách” được 31-32 tuần thai, cảm giác đón thành công 4 cháu bé, “mẹ tròn con vuông”, có lẽ tôi không bao giờ quên được. Bởi cách đây 10 năm, tại Khoa Sản bệnh lý cũng có một ca mang 4 thai nhưng không giữ được do trang thiết bị, thuốc điều trị hồi đó chưa đầy đủ, hiện đại như bây giờ”.

Chào đời khi mới được tròn 32 tuần tuổi, hiện cả 4 cháu bé đã có thể tự thở được với sự hỗ trợ của thở oxy. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bé được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tích cực và có thể xuất viện lần lượt. Thông thường, khi bé đạt cân nặng trên 2kg sẽ có thể xuất viện. Khoảng 7-10 ngày nữa, các bé có thể nằm cạnh mẹ.


Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 4

“Đây là một trường hợp may mắn! Nhưng khách quan, tôi rất khâm phục sự chịu đựng, ý chí, sự chuẩn bị tâm lý thoải mái, bình tĩnh tuyệt vời của sản phụ Vũ Thị Phương Hoa từ lúc biết mình mang 4 thai đến lúc vào bàn đẻ. Đặc biệt, sản phụ và người nhà có niềm tin tuyệt đối đối với tay nghề của các nhân viên y tế chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi đón thành công ca sinh tư hi hữu và khó khăn này”.

PGS.TS Trần Danh Cường (Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương)