'Không phải cứ sản phụ tử vong đều do bác sĩ'
Không phủ nhận sản phụ tử vong do yếu tố chuyên môn,
tuy nhiên theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Việt Thanh, nguyên Vụ phó Sức khỏe
bà mẹ (Bộ Y tế), cần phân tích một cách khoa học từng trường hợp trước
khi đưa ra kết luận.
Nhận định về tình trạng liên tục xảy ra các trường hợp
sản phụ tử vong, Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Việt Thanh, nguyên Giám đốc Sở Y
tế TP HCM cho biết, tai biến sản khoa dẫn đến tử vong mẹ hoặc con là
điều không thể tránh khỏi trong chuyên ngành sản.
Theo ông Vụ phó Sức khỏe bà mẹ trẻ em, tại Việt Nam,
tỷ lệ sản phụ tử vong trong thai kỳ và hậu sản khoảng 70 trường hợp
trong 100.000 trẻ được sinh ra. Tỷ lệ này phụ thuộc vào từng vùng miền
và tỉnh vùng sâu vùng xa có tỷ lệ tử vong cao hơn (khoảng 150 trường hợp
trong 100.000 trẻ được sinh ra).
|
Sản phụ ở Hưng Yên tử vong khiến gia đình nạn nhân phẫn nộ. Ảnh: Hương Nguyên |
"Không thể lý giải tại sao tai biến lại xảy ra dồn dập
trong thời gian qua. Cũng có thể do chuyên môn của bác sĩ, tuy nhiên
không thể quy chụp chung mà cần phải phân tích một cách khoa học từng
trường hợp cụ thể để có thể đánh giá", tiến sĩ Thanh nói.
Theo ông Thanh, 3 trường hợp tử vong tại TP HCM sau
khi tìm hiểu nguyên nhân thì đều là những tai biến hiếm gặp và khả năng
gây tử vong rất cao.
Tiến sĩ Thanh cũng cho biết, trước mắt, Vụ Sức khỏe bà
mẹ trẻ em đã yêu cầu Sở Y tế của các tỉnh thành có sản phụ tử vong báo
cáo từng trường hợp cụ thể để trình Bộ Y tế.
"Tại TP HCM, chúng tôi cũng đã yêu cầu Bệnh viện Từ Dũ
tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa đặc biệt là công tác
cấp cứu sản khoa cho các bệnh viện tuyến dưới tại khu vực phía Nam. Cùng
với Từ Dũ là Bệnh viện Hùng Vương phối hợp với Trung tâm Sức khỏe sinh
sản tổ chức hướng dẫn tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện
tuyến mình phụ trách", ông Thanh nói
Ngoài việc chỉ đạo chuyên môn, Sở Y tế TP HCM cũng yêu
cầu Thanh tra Sở kiểm tra, thanh tra thường xuyên liên tục các cơ sở y
tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ
sinh.
Nói về các tai biến sản khoa, tiến sĩ Vũ Thị Nhung,
nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, người gắn bó cả đời với ngành sản
cho rằng, rất nhiều bệnh lý mà bác sĩ giỏi vẫn không thể xử lý được.
Lấy ví dụ các trường hợp sản phụ bị thuyên tắc ối,
thuyên tắc phổi hay các bệnh lý cấp không có biểu hiện trước đó, bà
Nhung khẳng định việc cứu sản phụ và thai nhi thành công không phải dễ.
Từ ngày 19/4 đến 29/5,
chưa kịp nhìn mặt con, ít nhất sản phụ ở Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Ngãi,
Bắc Ninh và TP HCM đã lần lượt tử vong.
Ngày 19/4 mẹ con sản phụ Mai Thị Lành, 39 tuổi ngụ ở
Long Khánh, Đồng Nai, tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai dù
trước đó mẹ trong tình trạng khỏe mạnh. Nguyên nhân được xác định là do
bị thuyên tắc ối.
Khẳng định đây là bệnh lý hiếm gặp và tỷ lệ tử vong
cao, tuy nhiên theo hội đồng y khoa do Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thành lập,
nếu sản phụ được chăm sóc theo dõi mạch và huyết áp thường xuyên, đặc
biệt là lúc chuyển dạ, rồi mổ lấy thai nhi sớm thì ít ra cũng sẽ cứu
được con.
Ngày 20/4, sau hai ngày nhập viện vì có dấu hiệu vỡ ối
và chuyển dạ sản phụ Lê Thị Hương (23 tuổi) tử vong tại Bệnh viện Đa
khoa Quảng Ngãi. Theo gia đình, nhập viện ngày 18/4, Hương được bác sĩ
thăm khám xác định thai 37 tuần tuổi. Do chưa đủ ngày nên sản phụ được
lưu lại phòng chờ sinh. Đến trưa 19/4, chị Hương khó thở. Các bác sĩ
khoa sản hội chẩn với khoa nội tim mạch và quyết định chuyển vào phòng
mổ đẻ. Sau đó chị được đưa về phòng hồi sức tích cực và đến sáng 20/4
thì tử vong.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho rằng khả
năng sản phụ Hương chết do phù phổi cấp và hẹp van tim hai lá. Tuy nhiên
theo gia đình, trong quá trình khám thai kỳ, chị Hương không được cảnh
báo về bệnh tim. Gia đình cũng bức xúc vì trước đó yêu cầu bệnh viện đẻ
mổ nhưng không được đồng ý.
Cùng ngày 20/4, sản phụ sinh năm 1981, trú tại thôn
Vân Nội - xã Hồng Tiến - huyện Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên và thai nhi
cũng đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên. Chị Hạnh được người
nhà đưa vào bệnh viện sáng 19/4 và có hiện tượng chuyển dạ tối cùng
ngày. Khoảng 22h, thấy Hạnh có biểu hiện mệt hơn, đau bụng nhiều, gia
đình yêu cầu mổ, tuy nhiên bác sĩ cho rằng sản phụ có thể sinh thường.
Sáng 20/4, chị Hạnh sinh bé trai nặng 4 kg, nhưng bé
đã tử vong sau đó. Khoảng hơn một giờ sau chị Hạnh trở mệt vì chứng máu
không đông. Người nhà ký giấy đồng ý cắt dạ để ngăn chảy máu nhưng dù
cấp cứu tích cực, sản phụ vẫn qua đời. Uất ức vì cho rằng nếu cho sinh
mổ thì sản phụ và bé không chết, cả nhà chị Hạnh đã lao vào hành hung
bác sĩ khiến bệnh viện náo loạn.
Tại Bắc Ninh cũng trong ngày 20/4, chị Loan được gia
đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Kinh Bắc khi có biểu hiện sắp sinh. Đến
0h30 21/4, chị có hiện tượng tím tái người, sùi bọt mép và được cấp cứu.
Tuy nhiên sau khoảng hơn 30 phút sau thì cả hai mẹ con chị Loan đều tử
vong.
Ngày 29/4, gia đình sản phụ Ngô Thị Hồng Thu, 30 tuổi ở
Hóc Môn, TP HCM cũng đã bức xúc vì cho rằng các bác sĩ Bệnh viện Đa
khoa Khu vực Hóc Môn chậm trễ trong xử trí đã khiến hai mẹ con tử vong.
Sản phụ nhập viện, ngày 28/4 người nhà yêu cầu bệnh viện sinh mổ nhưng
các bác sĩ không đồng ý do chẩn đoán chị Thu vẫn có đủ điều kiện để sinh
thường. Đến ngày 29/4, cổ tử cung của sản phụ mở nhưng cơn gò kém nên
các bác sĩ quyết định kích sinh. Tuy nhiên trong lúc chuyển dạ, chị Thu
đột ngột khó thở, hạ huyết áp. Các bác sĩ lập tức cấp cứu nhưng vẫn
không thể cứu được hai mẹ con.
Ngày 2/5, chị Nguyễn Thị Thúy Trang, 29 tuổi, ngụ
huyện Thống Nhất chuyển dạ, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cao
su Đồng Nai. Sau khi khám và thử máu, các bác sĩ đã kết luận sản phụ có
thể sinh bình thường. Chiều cùng ngày, chị Trang sinh cháu trai nặng
3,8 kg, tuy nhiên bà mẹ này có biểu hiện đơ tử cung, một biến chứng
trong sinh khiến mất máu liên tục.
Chồng bệnh nhân sau đó được bác sĩ nhờ đến Bệnh viện
đa khoa khu vực Long Khánh cách đó vài cây số để mua 2 đơn vị máu. Khi
anh về thì vợ đã trở nặng và được chuyển sang Bệnh viện đa khoa khu vực
Long Khánh, tử vong sau đó. Ở trường hợp này, hội đồng khoa học cho rằng
êkip bác sĩ của bệnh viện đã xử trí cầm máu không khẩn trương, truyền
bù máu không hợp lý và không có quyết định chuyển viện sớm.
4 ngày sau khi sản phụ Trang ở Đồng Nai qua đời, tại
Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, sản phụ Lê Thị Nguyệt, 33 tuổi, tử vong. Cái
chết của chị Nguyệt khiến đình sản phụ này phẫn nộ vì trước khi nhập
viện, chị vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Ngày 26/5, tại TP HCM, một sản phụ khác, chị Nguyễn
Thị Trang 32 tuổi, ở quận Tân Bình cũng đã tử vong tại Bệnh viện Nhân
Dân Gia Định sau khi sinh bé trai nặng 2,8 kg. Chị Trang được đưa đến
bệnh viện chờ sinh ngày 25/5. Sáng hôm sau, bác sĩ chỉ định mổ lấy thai.
Đến khoảng 14h, gia đình được bệnh viện báo tin sản phụ đang trong tình
trạng nguy kịch.
Theo đại diện Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, do gia đình
không đồng ý cho giải phẫu tử thi nên không thể xác định nguyên nhân
gây tử vong. Tuy nhiên căn cứ vào các triệu chứng của sản phụ, bác sĩ
chẩn đoán nguyên nhân tử vong do thuyên tắc phổi.
Trường hợp gần đây
nhất là chị Bùi Lê Bảo Dung, 37 tuổi ở TP HCM, bị xuất huyết sau sinh
tại Bệnh viện Từ Dũ hôm 18/5 và tử vong ngày 29/5 khi được chuyển sang
cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia đình cho biết chị Dung khám thai kỳ
đầy đủ và hoàn toàn khỏe mạnh trước khi đến bệnh viện sinh. Đến ngày
18/5 thì Dung xuất huyết ra mồm và mũi kèm co giật. Sau nhiều lần hội
chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ nghi ngờ sản phụ bị chứng viêm gan, suy
gan cấp.