Nang tuyến Bartholin
Nang tuyến bartholin là bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ tuổi sinh sản. Hàng năm, phụ nữ bị nang tuyến bartholin chiếm 2% số bệnh phụ khoa.
Áp-xe nang tuyến Bartholin.
Mặc dù việc điều trị đơn giản nhưng vấn đề được quan tâm là sự tái phát và chẩn đoán phân biệt nang tuyến với áp-xe hoặc tổn thương ác tính.
Vị trí của tuyến Bartholin
Tuyến Bartholin là tuyến thuộc cơ quan sinh dục ngoài, nằm ở cửa âm đạo vị trí 4 giờ và 8 giờ. Đây là những tuyến nhỏ nên rất khó để nhìn hay nhận thấy khi tuyến bình thường. Tuyến có dạng hình cầu, đường kính 1cm, được cấu tạo bởi tế bào trụ tiết nhầy.
Chức năng của tuyến là tiết ra chất nhầy vào trong bề mặt môi nhỏ của âm hộ bao quanh âm đạo, giữ cho vùng đó được bôi trơn khi giao hợp và giữ ẩm.
Tại sao có nang tuyến Bartholin?
Sự hình thành nang tuyến là do tắc nghẽn ống tuyến, trong khi tuyến vẫn tiếp tục tiết ra chất nhầy, làm hình thành một nang có thành mỏng. Gọi là nang tuyến Bartholin hay cyst Bartholin.
Sự tắc nghẽn của ống tuyến có thể do nguyên nhân nhiễm trùng và phù nề làm chèn ép ống tuyến, hoặc do chấn thương, nhiễm trùng mãn tính làm tắc miệng ống tuyến.
Chẩn đoán nang tuyến Bartholin
Nang tuyến Bartholin là loại tổn thương dạng nang, kích thước 1,5 – 3cm, thường gặp nhất ở vùng âm hộ. Mặc dù nang tuyến thường chỉ một bên âm hộ và không biểu hiện triệu chứng gì, nên không cần điều trị, nang tuyến có thể tự tiêu đi.
Nang tuyến điều trị, khi nang có sự tăng kích thước, có khi 5 – 10cm hoặc bị nhiễm trùng và gây đau ở vùng âm hộ. Thường gặp lứa tuổi 25 – 45. Xác định nang tuyến Bartholin là một chẩn đoán hoàn toàn lâm sàng.
Phương pháp chẩn đoán đầu tiên và đơn giản nhất là quan sát tổn thương, xác định kích thước, mật độ, độ di động và cảm giác đau khi ấn. Nang tuyến và ống tuyến nằm phía trong và ở phần dưới của môi nhỏ âm hộ.
Chẩn đoán phân biệt nang tuyến Bartholin
Một số bệnh lý vùng âm hộ – âm đạo có triệu chứng gần giống của nang tuyến Bartholin. U mỡ hay nang vùng môi lớn: khối u nằm ngoài vùng âm hộ, xác định khám bằng tay và quan sát tổn thương.
Tụ máu vùng âm hộ: sau chấn thương hay sang chấn vào vùng âm hộ, triệu chứng đau nhức, khối u to, bầm tím rịn máu. Nang tuyến Skene: vị trí nang nằm ngang lỗ niệu đạo, cao hơn tuyến Bartholin 2 – 3cm.
Xử trí nang tuyến Bartholin
Thông thường mở thông túi, có hai phương pháp:
– Rạch bóc nang tuyến, may viền túi làm thông ống tuyến gọi là may thông túi bằng chỉ tan như Chromic 2 ô, giúp tái tạo nang tuyến.
– Bóc chọn nang tuyến may mũi rời bằng chỉ tan. Đây là biện pháp cắt bỏ hoàn toàn nang tuyến. Kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau, kháng viêm. Mẫu mô nang tuyến sau khi bóc ra, cần gởi làm giải phẫu bệnh, để xác định bản chất nang tuyến.
Áp-xe nang tuyến Bartholin.
Khi nang tuyến bị nhiễm trùng thì nang tăng kích thước rất nhanh sau 2 – 4 ngày và gây đau nhiều, kèm theo sốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tuyến Bartholin có thể bị áp-xe mà không cần có tổn thương nang trước đó.
Trước đây, quan niệm phổ biến cho rằng, áp-xe tuyến Bartholin là do hai tác nhân chính là lậu cầu hoặc chlamydia. Ngày nay, với những bằng chứng vi sinh học qua các nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng áp-xe của cơ quan này là do nhiều loại vi khuẩn gây ra.
Brook đã phân lập và báo cáo tổng cộng có đến 67 loại vi khuẩn trong các trường hợp áp-xe tuyến Bartholin.
Xử trí áp-xe tuyến Bartholin
Kháng sinh toàn thân dùng loại kháng sinh như: cefotaxim 1g tiêm tĩnh mạch kết hợp Tobi 80mg tiêm bắp. Dùng giảm đau panadol 0,5g và alpha chymotrpysin.
Sau 24 – 48 giờ. Rạch khối áp-xe của tuyến đặt penrose dẫn lưu. Có thể cắt bỏ hoàn toàn tuyến Bartholin. Tiếp tục thuốc kháng sinh bằng đường uống.
Sự tái phát trong nang tuyến Bartholin và cách phòng ngừa
Khoảng 20% trường hợp nang tuyến và áp-xe tuyến Bartholin bị tái phát và thường do vi trùng bệnh lậu gây nên.
Cần vệ sinh vùng âm đạo sạch sẽ, sử dụng việc tắm ngồi là biện pháp ngăn ngừa tái phát.
Việc phẫu thuật để giữ lỗ thông không bị bít lại, như may thông túi, hay có thể cắt bỏ hoàn toàn tuyến ống Bartholin.
Điều trị triệt để các bệnh lây qua đường tình dục.
Sử dụng bao cao su trong giao hợp nhằm ngăn ngừa sự lây truyền.
Ung thư tuyến Bartholin
Có hai dạng: nguyên phát và thứ phát:
Ung thư nguyên phát tuyến Bartholin là một bệnh lý phụ khoa hiếm gặp, chỉ chiếm 1% ung thư đường sinh dục nữ. Ung thư có triệu chứng điển hình giống như của áp-xe tuyến: khối u âm hộ, có hoặc không có loét và giao hợp đau.
Do bệnh lý thuộc loại hiếm gặp nên các đặc điểm dịch tễ học của các yếu tố nguy cơ vẫn chưa được biết rõ. Độ tuổi trung bình bị ung thư là: 55 – 65 tuổi.
Ung thư thứ phát tuyến Bartholin là dạng ung thư của vùng mô lân cận hoặc từ nơi khác di căn tới. Chẩn đoán ung thư tuyến Bartholin cần sinh thiết mẫu mô làm xét nghiệm giải phẫu bệnh có sự hiện diện tế bào ác tính. Điều trị ung thư tuyến Bartholin: phẫu thuật kết hợp xạ trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét