Viêm lộ tuyến tử cung vì "yêu" quá mạnh
Kết quả khám phụ khoa khiến Thảo sửng sốt: Hóa ra
chính thói quen quan hệ tình dục một cách mạnh mẽ của chồng chính là
yếu tố khiến cô bị bệnh ở vùng kín.
|
Lấy chồng được hơn một năm, dù nhà chồng luôn giục
giã chuyện sinh con và cả hai vợ chồng cũng đều cố gắng nhưng Thảo (Văn
Quán, Hà Đông, Hà Nội) vẫn không có thai.
Đi khám phụ khoa, cô mới biết mình bị viêm lộ
tuyến tử cung. Thảo rất ngạc nhiên vì cô không bị đau hay ngứa ở vùng
kín, chỉ gần đây ra khí hư nhiều hơn bình thường và cô đã khắc phục
bằng cách dùng băng vệ sinh hằng ngày.
Bác sĩ cho biết tình trạng viêm lộ tuyến của Thảo
còn ở dạng nhẹ, mới chớm. Và điều khiến Thảo ngạc nhiên nhất là: chồng
cô chính là thủ phạm gây bệnh. Trong quá trình sinh hoạt tình dục, anh
thường “hoạt động” mạnh khiến niêm mạc âm đạo và cổ tử cung bị tổn
thương, lâu dần gây viêm và lan rộng ra, dẫn đến viêm lộ tuyến tại cổ
tử cung.
Theo bác sĩ Lê Thuý Mùi, nguyên Trưởng khoa Sản
Bệnh viện 354, đây là một dạng viêm nhiễm rất phổ biến ở những phụ nữ
đã có sinh hoạt tình dục. Tỷ lệ mắc bệnh càng cao ở những phụ nữ đã qua
sinh đẻ, có tiền sử viêm nhiễm bộ phận sinh dục nhiều lần, kéo dài,
điều trị không dứt điểm.
Có thể hình dung tình trạng viêm lộ tuyến với vùng
cổ tử cung có bề mặt đỏ, sần sùi. Khi soi qua máy, bác sĩ sẽ thấy lớp
tế bào bề mặt cổ tử cung đã bị tổn thương, viêm loét làm lộ ra các
tuyến, là một lớp đệm có nhiều mạch máu. Bình thường lớp đệm này nằm ẩn
phía dưới và được các lớp tế bào niêm mạc bề mặt cổ tử cung bảo vệ. Khi
các lớp tế bào niêm mạc bong đi, nó sẽ lộ ra và là môi trường thuận lợi
cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Có thể kể đến một số nguyên nhân gây bệnh như:
thay đổi đột ngột môi trường bên trong âm đạo (do xịt rửa sâu, dị ứng
các loại nước rửa vệ sinh), nạo hút thai làm tổn thương niêm mạc tử
cung, hoạt động tình dục quá thô bạo, sinh đẻ nhiều, viêm nhiễm cơ quan
sinh dục kéo dài...
Như trường hợp của Thảo, theo bác sĩ Thuý Mùi, do
không được chữa trị kịp thời những tổn thương ở niêm mạc vùng kín do
"hoạt động" mạnh mẽ của chồng, vi khuẩn xâm nhập làm vùng tổn thương
lan rộng, gây lộ tuyến ở dạng nhẹ. Vùng lộ tuyến này sẽ kích thích tiết
ra nhiều khí hư (còn gọi là huyết trắng) hơn bình thường. Ngoài ra chưa
có biểu hiện nào khác nên người bệnh khó nhận biết được.
Gây khó khăn cho quá trình thụ thai
Mức độ viêm lộ tuyến nặng hay nhẹ được đánh giá
thông qua sự tổn thương của tế bào ở mức độ nông hay sâu. Lộ tuyến nông
là vùng tổn thương có thể xuất hiện trên diện rộng nhưng lớp tế bào
liên kết ở bề mặt chưa hết hẳn. Còn lộ tuyến sâu là khi các lớp tế bào
đã mất hết, lớp đệm phía dưới lộ hẳn lên bề mặt. Để đánh giá thật chính
xác mức độ tổn thương, bác sĩ chuyên khoa phải soi cổ tử cung và làm
xét nghiệm tế bào. Từ kết quả thu được, bác sĩ mới đưa ra hướng điều
trị, can thiệp phù hợp đối với từng bệnh nhân.
Nếu bệnh còn ở giai đoạn nhẹ, mới chớm, bệnh nhân
có thể được chỉ định đặt thuốc theo đơn. Điều quan trọng là phải tái
khám sau khi kết thúc đợt điều trị để xem bệnh đã khỏi hoàn toàn hay
chưa, nếu cần thiết thì phải đặt một liều thuốc bổ sung. Phải tuyệt đối
kiêng quan hệ tình dục khi đang điều trị.
Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được chỉ
định diệt tuyến bằng tia laze, đốt nhiệt hoặc phải tiến hành thủ thuật
khoét chóp cổ tử cung.
Hiện phương pháp được nhiều người lựa chọn và cho
hiệu quả tốt nhất là chiếu tia hồng ngoại, với ưu điểm liền sẹo nhanh,
không tác động quá sâu xuống các lớp niêm mạc nhạy cảm bên dưới, ít gây
biến chứng như xơ hóa, dính tử cung và các tổn thương sâu.
Sau khi điều thành công, bệnh nhân vẫn có thể thụ
thai bình thường. Viêm lộ tuyến tử cung tuy không ảnh hưởng trực tiếp
đến khả năng thụ thai nhưng lại là một trong những yếu tố gián tiếp làm
cho quá trình này gặp khó khăn. Tình trạng viêm nhiễm này kéo dài có
thể gây tắc vòi trứng, dính tử cung… Việc ra nhiều khí hư, vùng kín
luôn ẩm ướt sẽ gây nhiễm vi khuẩn, nấm ngứa..., cản trở tinh trùng vào
gặp trứng.
Có thể dẫn đến ung thư
Chị Việt Lê (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) năm nay 36
tuổi, có một con. Khi định sinh thêm, chị đi khám phụ khoa và biết mình
bị viêm lộ tuyến tử cung. Tuy nhiên do chủ quan, chị Lê có điều trị
nhưng không tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Có đợt đặt thuốc, vì bận
bịu, chị bỏ dở nên bệnh mãi không khỏi. Gần đây nhất, đi khám lại, Lê
mới lạnh người khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm: chị đã bị ung
thư.
Theo bác sĩ Thuý Mùi, các trường hợp bị viêm lộ
tuyến nặng thường do người bệnh không kiên trì điều trị dứt điểm. Các
lớp tế bào viêm lộ tuyến quá lâu ngày không được phục hồi nên bị biến
đổi cấu trúc và dễ dàng dẫn đến ung thư. Vì thế, chị em (nhất là ở độ
tuổi sinh đẻ) khi thấy dấu hiệu bất thường như ngứa ngáy khó chịu, ra
nhiều khí hư ở vùng kín thì phải lập tức đi khám chuyên khoa để sớm
phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Nếu bị viêm nhiễm kéo dài, cần
điều trị tích cực, dứt điểm cho bệnh khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ Thuý Mùi cũng băn khoăn: mặc dù đã được
tuyên truyền khá nhiều nhưng đến nay, đa phần phụ nữ Việt Nam vẫn ngại
đi khám phụ khoa định kỳ, chỉ khi nào quá ngứa ngáy, khó chịu hay có
biểu hiện bệnh rõ ràng mới đến bác sĩ. Nhiều trường hợp ung thư chỉ
xuất phát từ một viêm nhiễm nhỏ. Do đó, chị em nên chủ động đi khám phụ
khoa 6 tháng một lần đối với phụ nữ chưa có gia đình và ba tháng một
lần với phụ nữ đã có gia đình.
PHÒNG KHÁM PHỤ SẢN 112, PHỐ MAI DỊCH CHUYÊN ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM LỘ TUYẾN ĐIỆN THOẠI TƯ VẤN : 0466741651
Theo Báo Đất Việt