Kỷ niệm 100 năm ngày sinh "ông tổ" ngành phẫu thuật gan Việt Nam
(Dân trí) - Tại Bệnh viện Trung ương Huế trong
sáng 10/5 đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm và hội thảo nhân 100 năm ngày
sinh của GS. Viện sĩ, BS Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng
(10/5/1912-10/5/2012) - "ông tổ" ngành phẫu thuật gan Việt Nam
GS.VS.BS.AHLĐ Tôn Thất Tùng là danh nhân y học, một
tri thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh đã giã biệt chúng ta cách
đây 30 năm, nhưng nhân dân Việt Nam, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam và
bạn bè thân thiết trên thế giới vẫn ghi nhớ mãi hình ảnh Giáo sư với tấm
lòng tôn kính và biết ơn nhà bác học tài năng, một thầy thuốc kiệt xuất
và một nhà giáo đức độ, mẫu mực.
Giáo sư đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh
hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Hồ Chí Minh và Giải thưởng Hồ Chí
Minh về Khoa học & Kỹ thuật. Giáo sư từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y
tế 15 năm (từ 1947 đến 1961), Đại biểu Quốc hội liên tục 6 khóa liền (từ
khóa II đến khóa VII).
Chân dung Giáo sư - Viện sĩ - Bác sĩ - Anh hùng lao động Tôn Thất Tùng
Xuất thân trong 1 gia đình quan lại ở Huế, Giáo sư
là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu
thuật hiện đại về gan. Các công trình của GS Tôn Thất Tùng là nguồn gốc
cho nhiều tiến bộ lớn sau này của ngành phẫu thuật gan. Chính Giáo sư đã
có công lao lớn trong việc tạo dựng và phát triển phương pháp phẫu
thuật gan hiện đại trên toàn thế giới. Thậm chí đến hiện nay, tên của
Giáo sư cũng như những công trình của Giáo sư vẫn được vinh danh trong
mọi hội nghị về phẫu thuật gan.
Theo GS. Yves Lecompte, nhân chứng về sự phát triển
Y học Việt Nam trong thế kỷ qua, người đã cùng GS. Tôn Thất Tùng đưa
phẫu thuật tim vào Việt Nam đã có nhận xét: “Anh Tùng đã nhờ tôi giúp
anh triển khai kỹ thuật mổ tim hở tại Hà Nội. Vào thời điểm đó (1974), ý
tưởng của anh thật điên rồ. Song anh cứ nài nỉ tôi và thuyết phục tôi
rằng đây là cơ hội duy nhất để thúc đẩy nền ngoại khoa của Việt Nam có
bước nhảy vọt để tiếp cận nền y học của hiện đại, trên con đường thẳng
tiến sáng tạo và rằng đó cũng là mục tiêu của anh kể từ khi kết thúc
thời kỳ đô hộ Pháp. Tôi đã đồng ý. Và mọi việc đã thành công ngoài mong
đợi.
Giáo sư lúc còn trẻ
Sự cống hiến của GS. Tôn Thất Tùng còn là những
nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực giải phẫu gan và những hệ
quả rút ra từ đó cho kỹ thuật phân chia mạch máu trong gan. Đây là 2 kỹ
thuật ngoại khoa rất phức tạp không những được Giáo sư hoàn thành mà còn
liên kết được 2 kỹ thuật này trong điều kiện hết sức khó khăn tại Việt
Nam bấy giờ.
“Đặc biệt, trong phẫu thuật thế giới, số người được
Huân chương vàng Lannelongue (Huân chương giải thưởng dành cho những
nhà phẫu thuật tài năng nhất trên thế giới của Viện Hàn lâm Y học Pháp)
như Giáo sư Tôn Thất Tùng còn quá hiếm, hiếm hơn cả số nhà vật lý được
giải thưởng Nobel hay số nhà toán học được giải thưởng Fieds” - lời của
cố GS. Hồ Đắc Di.
Từ năm 1946, Tôn Thất Tùng là bác sĩ chữa bệnh cho
Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo sư rất được Bác Hồ yêu quý. Chính Bác Hồ là
người đã đặt tên cho con trai đầu lòng của Giáo sư - Tôn Thất Bách,
người sau này cũng đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực y học, từng
là Phó giáo sư, Viện sĩ, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội giai đoạn 1991-2004.
GS.
Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ
Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng
(10/10/1954)
Là một trong những người đầu tiên xây dựng Trường Y
ngay từ sau Cách mạng tháng Tám trở về từ chiến khu Việt Bắc, Giáo sư
đã cùng những người học trò của mình xây dựng lại Bệnh viện Việt Đức -
Trung tâm ngoại khoa lớn nhất miền Bắc. 2 trong số nhiều học trò ưu tú
của giáo sư sau này đã gặt hái được thành công vẻ vang trong con đường
của người thầy đi trước là PGS.TS.Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện
Việt Đức cùng tập thể đã được nhận giải Nhân tài Đất việt 2012 lĩnh vực Y
học do báo Dân trí tổ chức với
đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép thận, gan, tim lấy từ người cho chết
não” và GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trưởng
nhóm đề tài “Triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não
tại bệnh viện Trung ương Huế”. Bên cạnh đó, dù thời gian gắn bó với quê
hương Huế không nhiều, nhưng Giáo sư vẫn giữ được giọng nói Huế, phong
cách Huế, luôn quan tâm đến Huế và đã đào tạo được đội ngũ bác sĩ có tài
năng cho Huế.
Giáo
sư Tôn Thất Tùng (tóc bạc) cùng các con và vợ chụp ảnh cùng gia đình
Giáo sư Bùi Duy Tâm. Từ trái qua: Tôn Thất Bách, Bùi Duy Linh, Bùi Duy
Việt Hà, Tôn Thất Tùng, Bà Bùi Duy Tâm (Đỗ Thị Việt Hương), Bà Tôn Thất
Tùng (Vi Nguyệt Hồ), Tôn Nữ Ngọc Trân, Bùi Duy Thiện, Bùi Duy Việt Hồng,
Tôn Nữ Hồng Tâm
Ngoài ra, Giáo sư là một trong những
nhà khoa học sớm nhìn thấy nỗi đau da cam sau chiến tranh và sớm triển
khai nghiên cứu khắc phục hậu quả của nó. Trong năm 1980, Ủy ban 10/80
nghiên cứu tác hại chất độc da cam của Việt Nam được thành lập và Giáo
sư là Chủ tịch điều hành.
Trong ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư,
tại khuôn viên Bệnh viện Trung ương Huế đã đồng thời diễn ra lễ khánh
thành bức tượng chân dung Giáo sư Tôn Thất Tùng. Đây là bức tượng đầu
tiên trong dự án con đường Danh nhân y học do Bệnh viện làm trong thời
gian tới.
Tượng chân dung cố GS. Tôn Thất Tùng tại khuôn viên Bệnh viện Trung ương Huế
Đại Dương