Dịch vụ ra nước ngoài khám chữa bệnh: tương lai sẽ ra sao?
www.saga.vn
- Theo báo cáo Thương mại về dịch vụ y tế của Bộ y tế, có khoảng 30,000
người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh trong năm 2009, chi hết hơn 1 tỷ
đô la Mỹ cho dịch vụ này. Con số này cho thấy nhu cầu khám chữa bệnh ở
nước ngoài là khá lớn và đây cũng là một thị trường lớn cho các công ty
cung cấp các dịch vụ y tế và các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh ở nước
ngoài.
Bùng nổ dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài
Trước nhu cầu đang ngày càng lớn, các dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, chủ yếu là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của từ các công ty du lịch, các bệnh viện đến các hãng hàng không. Những nhà cung cấp dịch vụ này hoặc hoạt động độc lập, hoặc hợp tác với nhau để cung cấp các dịch vụ cho những bệnh nhân Việt muốn khám chữa bệnh ở bệnh viện nước ngoài, đặc biệt là ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các công ty du lịch và văn phòng đại diện của các bệnh viện nước ngoài đều có trách nhiệm xử lý các thủ tục giấy tờ, sắp xếp chỗ ở, phiên dịch và các hướng dẫn khác.
Thông thường, các công ty du lịch cung cấp các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh, các công ty du lịch này liên kết với các bệnh viện ở nước ngoài, cung cấp cho bệnh nhân Việt Nam thông tin về các bệnh viện và gợi ý họ lựa chọn bệnh viên phù hợp. Lựa chọn này chủ yếu dành cho những trường hợp không phải cấp cứu, bệnh nhân chỉ có nhu cầu khám sức khỏe định kì hoặc các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong vài năm trở lại đây, số lượng các bệnh viện nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam ngày càng gia tăng, những văn phòng này có nhiệm vụ quảng bá cho bệnh viện, nhận hồ sơ bệnh án, gửi về bệnh viện ở nước ngoài sau đó đưa ra chỉ dẫn cho bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể được bệnh viện dùng máy bay chuyên dụng chở tới bệnh viện ở nước ngoài. Bà Nguyễn Bích Ngọc, quản lý văn phòng đại diện bệnh viện Raffles Singapore tại Hà Nội cho biết, Raffles đánh giá Việt Nam là thị trường chiến lược lớn thứ 3, chỉ sau Nga và Indonesia.
Vì sao người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh
Bác Thể, một bệnh nhân đã từng sang Hoa Kỳ khám bệnh vào năm 2007 cho hay, “Tôi đã có cuộc phẫu thuật chữa căn bệnh ung thư tại một bệnh viện ở Việt Nam, tuy nhiên, sau đó tôi đã sang Hoa Kỳ để kiểm tra lại vì thành thật mà nói, tôi không tin tưởng các thiết bị y tế ở Việt Nam.” Thực tế, việc thiết thiết bị y tế và kém chuyên môn là những nguyên nhân quan trọng nhất mà các bệnh nhân Việt Nam thường đưa ra để giải thích cho việc lựa chọn các bệnh viện nước ngoài. Tuy nhiên, những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam lại có quan điểm khác. Theo Tiến sĩ Võ Văn Bản- Phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, hầu hết các bệnh hiện nay đều có thể chữa ở Việt Nam. Bác sĩ William Mc Naull từ Family Medical Practice cũng đồng ý với điều này, “Tôi rất ấn tượng với các bác sỹ Việt Nam, bao gồm cả những bác sĩ tôi cùng làm việc tại phòng khám và cả những bác sỹ bên ngoài.” Rõ ràng là cả các bệnh viện trong nước và ngoài nước đều có chuyên môn cao nhưng chỉ các bệnh viện nước ngoài biết cách quảng bá cho chuyên môn của mình, cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh viên và tạo dựng lòng tin với người Việt Nam.
Có sự khác biệt lớn trong việc đầu tư vào marketing giữa các bệnh viện trong nước và bệnh viện ở nước ngoài. Trong khi các bệnh viên nhà nước hoàn toàn không đầu tư một chút nào vào marketing vì bản thân các bệnh viện đó đã luôn trong tình trạng quá tải và một vài bệnh viện tư đã bắt đầu quan tâm đến marketing và quảng cáo nhưng đầu tư còn hạn chế thì các bệnh viện nước ngoài đã thực sự thể hiện được sự vượt trội của họ trong lĩnh vực này. Điển hình như bệnh viện Raffles Singapore đưa ra mô hình bệnh viện khách sạn, với ý tưởng tạo một không gian khách sạn trong bệnh viện để giảm bớt áp lực và căng thẳng cho bệnh nhân.
Bác sỹ Bản cũng cho rằng dịch vụ y tế ở Việt Nam còn thiếu sự đồng bộ và chuyên nghiệp, “Toàn bộ quá trình từ các bước chuyên môn như bác sỹ, y tá đến các bước hành chính như đăng kí và thanh toán đều cần phải chuyên nghiệp. Thiếu y tá, thủ tục phức tạp là những vấn đề phổ biến ở các bệnh viện Việt Nam.” Bác sỹ William cho biết, “Nếu một bệnh nhân Việt Nam đang ở trong tình trạng bệnh phức tạp, cần ý kiến của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì bệnh nhân đó sẽ phải tự mình tới gặp các bác sỹ khác nhau để khám chữa. Nói cách khác, hệ thống y tế ở Việt Nam không được đồng bộ, gây khó khăn cho bệnh nhân.”
Nói về tương lai của thị trường dịch vụ y tế tại Việt Nam, bác sỹ Bản cho rằng, “nhu cầu ra nước ngoài khám chữa bệnh sẽ dần giảm do sự phát triển của các bệnh viện tư, bao gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.” Nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao của tầng lớp người Việt có thu nhập cao đang là một cơ hội cho các nhà đầu tư vào dịch vụ y tế tại Việt Nam. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đang lên kế hoạch mở rộng sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam. Cùng với việc mở rộng này, bác sỹ Bản cho biết bệnh viên sẽ tiếp tục đầu tư vào marketing và quảng cáo. Hiện tại, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đang hợp tác với website Saga.vn, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam để tạo một website chuyên về sức khỏe trong nỗ lực mang hình ảnh bệnh viện tới nhiều người Việt Nam hơn.
Bên cạnh việc mở rộng và xây mới các bệnh viện tư tại Việt Nam, có thông tin rằng chính các nhà cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài cũng đang cân nhắc về việc chuyển sang cung cấp dịch vụ y tế ở ngay tại Việt Nam. Cả Family Medical Practice lẫn Raffles Singapore đều đang có kế hoạch xây dựng bệnh viện quốc tế với đầy đủ dịch vụ ở Việt Nam, thậm chí Family Medical Practice đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng.
Việc tăng cường đầu tư tư nhân trong lĩnh vực y tế có thể sẽ thu hút bệnh nhân tới các dịch vụ y tế trong nước. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này vì thế cũng sẽ nóng lên, các bệnh viện tư không những cần phải có đội ngũ y bác sỹ và nhân viên tốt mà còn cần học hỏi những khái niệm và tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài đang trong giai đoạn phát đạt nhưng có thể dịch vụ này sẽ giảm dần trong những năm tới do dần chuyển hóa cách thức hoạt động và do cả sự phát triển dịch vụ y tế tư ở Việt Nam. Đây là một tin tốt đối với các bệnh nhân Việt Nam có thu nhập cao khi họ vẫn có thể tận hưởng các dịch vụ y tế tiêu chuẩn quốc tế ngay tại các thành phố lớn ở Việt Nam.