Tiểu lắt nhắt
TTCT - Bé T.H.N., 9 tuổi, nhà ở
Phú Yên, nhập viện trong tình trạng bí tiểu cấp. Khai thác bệnh sử cho
thấy bé có tiền căn hay tiểu lắt nhắt, tiểu đau, được chẩn đoán viêm
bàng quang, viêm đường tiết niệu nhiều lần nhưng điều trị không hiệu
quả.Hình ảnh nội soi lấy sỏi - Ảnh: T.A.M.
Các bác sĩ đã dùng những dụng cụ nội soi rất nhỏ cùng với kềm nghiền sỏi chỉ dùng ở trẻ em để phá sỏi và gắp sỏi ra ngoài cho bé. Ca mổ thuận lợi, chỉ mất khoảng 20 phút, thời gian gây mê rất ngắn. Hiện bé ổn định, hết đau, tiểu được và ra về trong ngày.
Do chế độ ăn uống và lối sống
Sỏi thận ở trẻ em là một bệnh khá hiếm, khoảng 1/1.000-1/7.000 trẻ nhập viện được chẩn đoán sỏi thận. Sỏi hình thành liên quan mật thiết tới yếu tố môi trường và di truyền. Bỏ qua yếu tố di truyền thì hiện nay số trẻ em mỗi năm phải đến viện điều trị vì bệnh sỏi thận ngày càng tăng. Thủ phạm chính là do chế độ ăn uống và lối sống hiện nay. Ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, các trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh... cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.
Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch - phẫu thuật viên chính, sỏi đường tiết niệu trẻ em gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn nhưng lại có các triệu chứng rất đặc hiệu như tiểu khó, tiểu ngắt quãng (do sỏi lấp đường ra của nước tiểu) và đi tiểu nhiều lần do cổ bàng quang bị kích thích. Trước đây đối với bệnh lý này các bác sĩ thường phải mổ mở bàng quang lấy sỏi.
Ở các nước phát triển, sỏi niệu ở trẻ hầu như được điều trị bằng các phương pháp ít sang chấn và xâm lấn tối thiểu như nội soi gắp sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và đặc biệt tán sỏi nội soi ngược dòng. Ưu điểm của kỹ thuật tiên tiến này là cho phép tiếp cận sỏi dễ dàng và có thể điều trị hầu hết các viên sỏi ở niệu quản, bàng quang. Tại TP.HCM, kỹ thuật này được áp dụng tương đối rộng rãi ở người lớn, nhưng còn ít ở trẻ em. Hiện kỹ thuật này được áp dụng tại một số bệnh viện có nội soi nhi như Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Với việc áp dụng phương pháp mới này bệnh nhi sẽ ít đau hơn, không có sẹo, tránh được nhiều biến chứng sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và chi phí không cao.
BS TRƯƠNG ANH MẬU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét