Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ: Cuộc chiến không cân sức

Việc nuôi con bằng sữa mẹ là một “cuộc chiến” với “thù trong, giặc ngoài” đầy uy lực mà “vũ khí” hiểu biết của mẹ thì lại quá thô sơ.
Sau khi hai mẹ con tôi ôm nhau sống sót qua được gần 5 tháng, được một vài người khen là giỏi khi biết bé bú sữa mẹ hoàn toàn, tôi muốn tâm sự đôi chút về “cuộc chiến” của hai mẹ con.
Thù trong: Sự thiếu hiểu biết của gia đình và người thân
Tôi sinh mổ. Từ lúc nằm trong bệnh viện đã bị mẹ ruột suốt ngày đi theo hỏi: “Con có đủ sữa cho nó không? Không thì cho nó bú thêm sữa hộp đi” và điều này trở thành nỗi ám ảnh của bà trong suốt gần hai tháng đầu tiên.
Lâu lâu bà lại hỏi tôi, có khi lại kéo bà hàng xóm vào nói cho có uy tín: "Bà A nói muốn con nít sổ sữa phải cho nó uống sữa hộp mới được”. Tôi thì quả quyết: “Sữa mẹ là tốt nhất. Con không cần con của con mập bằng con ai hết, con chỉ muốn nó khỏe mạnh cứng cáp thôi”.
Sau đó thì đến bà nội, cứ chơi với bà một lúc thì bé khóc, bà nói: “Nó đói bụng đó. Sao nó đói hoài vậy? Cho bú thêm sữa ngoài đi”.
Tôi chắc chắn rằng ngày xưa mình bú mẹ 100% và chồng tôi cũng thế. Các mẹ đều đã trải qua những nhọc nhằn của việc nuôi con mọn, nhưng các mẹ đâu phải chịu cái áp lực tâm lý của việc “không có sữa nuôi con”, đơn giản là vì nuôi con bằng sữa mẹ là chuyện tự nhiên và hiển nhiên từ ngàn đời chứ không phải là một lựa chọn như ngày nay.
Nhiều bà mẹ chắc sẽ thấy quen thuộc với những ví dụ tôi vừa nêu và cũng nhiều mẹ đang hoang mang: "Có nên cho trẻ bú sữa hộp khi mà cả đại gia đình xúm vô gây áp lực thay vì khuyến khích và hỗ trợ để trẻ được bú mẹ?".
Việc chân lý bị nghi ngờ này thật đáng buồn, vì suy cho cùng, ai cũng vì muốn tốt cho trẻ nhưng lại không hiểu rõ cái gì mới là tốt thực sự.
Giặc ngoài: Sự quảng cáo rầm rộ của các loại sữa công thức
Thử hỏi xem bây giờ có ai không biết hoặc không nghe đến các loại sữa bổ sung DHA làm trẻ thông minh, mặc dù họ cũng không biết DHA là cái gì. Làm sao có thể nghi ngờ được các ông bà bác sĩ mặt mũi sáng láng với nụ cười từ tâm trong quảng cáo khẳng định về sự ưu việt của các loại sữa?
Ai dám đặt câu hỏi về mấy chục chất dinh dưỡng được ghi trên vỏ các hộp sữa khi chúng được viện này viện nọ (trong quảng cáo) nghiên cứu kỹ lưỡng? Hơn nữa, các loại sữa này lại được khuyến khích, khuyên dùng rộng rãi trên truyền hình, báo chí thế kia mà.
Không biết có ai kịp nghe câu: “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” được đọc nhanh như điện ở đầu mỗi quảng cáo sữa trên truyền hình không? Có bao giờ mọi người thắc mắc “Vì sao sữa mẹ tốt như vậy mà ít thấy ai nói không?”.
Theo dòng thời sự, gần đây chắc mọi người cũng nghe nói đến việc áp giá trần cho các loại sữa hộp trên thị trường và một vài hãng sữa đã “ăn gian” bằng cách giảm giá và giảm luôn cả khối lượng hộp sữa hoặc một vài cách luồn lách khác để bảo toàn lợi nhuận.
Đương nhiên mọi người sẽ yên tâm hơn vì nghĩ rằng quyền lợi của người tiêu dùng đang được bảo vệ và sẽ tiếp tục mua sữa công thức. Có mấy ai vì chuyện này mà chột dạ - sữa công thức được quảng cáo như một phát minh tuyệt vời đầy “tình người” nhưng bản chất vẫn là một sản phẩm được sản xuất để đem lại lợi nhuận.
1341647796-ngu-trua.jpg
Tôi không có ý nói sữa công thức là không tốt, vì không có nó thì bao nhiêu trẻ mồ côi đã không được nuôi sống, bao nhiêu trẻ có mẹ bệnh tật đã không được nuôi lớn, tôi chỉ đau lòng khi cảm nhận rằng có cả một thế hệ đang nghi ngờ sữa mẹ chỉ vì sữa mẹ không được quảng cáo như các loại sữa công thức.
Thật kinh ngạc khi một quảng cáo thương mại chỉ trải qua thời gian vài thập kỉ đã có thể bào mòn niềm tin của con người vào một chân lý tốt đẹp đầy tính nhân văn – nuôi con bằng sữa mẹ - đã có từ ngàn đời.
Vũ khí thô sơ của mẹ - sự hiểu biết để chiến thắng sợ hãi
Sữa mẹ là tốt nhất. Tại sao? Xin nhớ rằng các công thức để sản xuất sữa hộp đều cố gắng mô phỏng sữa mẹ và theo như quảng cáo thì các nhà sản xuất sau mấy chục năm phát triển vẫn không ngừng cố gắng làm như vậy.
Vậy thì cái gì là tốt nhất? Vậy nếu mẹ không có sữa hay hết sữa cho con thì làm thế nào?
Sự thật là chỉ có 2-5% phụ nữ có vấn đề với việc sản xuất sữa cho con, còn lại là do cho bú không đúng cách mà dẫn đến cái “sợ” trên. Lúc tôi được chuyển từ phòng hồi sức về phòng hậu sản, có cô y tá đã hướng dẫn mỗi lần bú thì pha cho bé 30ml sữa hộp.
Tôi vẫn cho bé bú mẹ, trừ khi phải truyền kháng sinh thì chứng kiến cảnh hai cha con đánh vật với nhau và bình sữa 30ml. Sau này khi biết rằng dạ dày trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên chỉ bằng hòn bi, tôi đã giận mình biết bao...
Còn vấn đề sữa mẹ không đủ chất vì mẹ ăn uống không đủ chất thì sao? Cơ thể mẹ ưu tiên việc sản xuất sữa cho con nên sẽ làm sao cho sữa đủ chất khi đến với bé, ngay cả khi phải rút hết kho dự trữ trong cơ thể mẹ.
Con cần bao nhiêu sữa, cơ thể mẹ sản xuất đủ bấy nhiêu. Sữa của mẹ Châu Mỹ, mẹ Châu Phi hay mẹ Châu Á như nhau về thành phần. Mẹ nào cũng sợ con mình còi và thường đem cân nặng ra để tính toán. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có tốc độ phát triển khác nhau.
Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đã giới thiệu các biểu đồ theo dõi chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ em trên toàn thế giới mà Việt Nam cũng áp dụng. Theo các biểu đồ này thì hai bé chênh lệch nhau gần 2kg vẫn được xem là hai bé bình thường. Để đánh giá một đứa trẻ có suy dinh dưỡng hay không cần phải dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chỉ có cân nặng.
Khi tôi xuất viện về nhà, bệnh viện phát cho một cuốn sổ theo dõi sức khỏe của bé. Trong phần “Dinh dưỡng cho trẻ” có ghi rõ: “Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài đến 18-24 tháng tuổi”.
Không biết mọi người có xem trọng những lời khuyên như vậy (từ một cuốn sổ vô tri) hay không? Có một số người ghi công cho sữa công thức vì đã cái thiện thể chất và trí tuệ cho thế hệ trẻ ngày nay, một lần nữa, tôi thành thật khâm phục các nhà quảng cáo sữa.
Sự phát triển toàn diện của một người được quyết định bởi rất nhiều yếu tố. Đó là kinh tế phát triển, chế độ dinh dưỡng của mọi người tốt hơn; điều kiện vệ sinh được cải thiện, con người ít bệnh tật hơn; khoa học kỹ thuật bùng nổ, con người dễ dàng làm chủ môi trường sống của mình và phát triển cá nhân hơn...
Tất cả những điều này làm nên một thế hệ mới tiến bộ đồng đều hơn, chứ không phải nhờ uống sữa công thức.
Cân bằng lực lượng – trau dồi kiến thức và củng cố niềm tin
Đọc đến đây hy vọng các bạn cũng đồng ý với tôi phần nào khi tôi gọi việc nuôi con bằng sữa mẹ là một “cuộc chiến” với “thù trong, giặc ngoài” đầy uy lực mà “vũ khí” hiểu biết của mẹ thì lại quá thô sơ – một cuộc chiến không cân sức.
Đây là lần đầu tôi làm mẹ nên hoang mang nhiều thứ lắm. Trong thời đại internet, kiến thức về việc mang bầu, sinh con và nuôi con thì rất nhiều, từ Đông sang Tây, không làm sao mà đọc cho xuể. Tôi cứ đọc “theo tiến độ” và hỏi bác Google mỗi khi thắc mắc cái gì (đương nhiên là nếu nghiêm trọng thì phải đi bác sỹ đàng hoàng).
Tôi chỉ là một người mẹ bình thường với mong muốn đơn giản là nuôi con bằng sữa của mình. Tôi cũng sợ đủ thứ nên cứ tìm đọc cái này cái kia cho bản thân đỡ sợ (sợ quá mất sữa sao). Càng đọc, càng hiểu rõ, tôi càng tức giận và đau lòng khi thấy “trắng đen đảo lộn” – một sản phẩm thương mại như sữa công thức lên ngôi trong khi thức ăn tốt nhất cho trẻ là sữa mẹ thì lại bị nghi ngờ.
Mong rằng ngày càng có nhiều bà mẹ chịu khó tìm hiểu để củng cố niềm tin vào khả năng nuôi con bằng sữa mẹ của mình và tận hưởng niềm vui thấy bé lớn lên từng ngày cứng cáp lanh lợi mạnh khỏe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét