Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Thay đổi cách sinh hoạt để nhanh có thai

Những cách tự nhiên để sớm có “tin vui”
(Dân trí) - Nếu là do những nhân thực thể hay môi trường dưới đây, bạn hoàn toàn có thể cải thiện được khả năng thụ thai của mình.
1. Hạn chế sử dụng cafein
Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tiêu thụ hơn 300mg caffein mỗi ngày sẽ bị giảm khả năng thụ thai. Rất may là một ly cà phê cỡ trung bình chỉ chứa khoảng 50mg cafein, do đó chị em vẫn có thể nhâm nhi 1 ly cà phê vào buổi sáng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trà búp, trà xanh, sôcôla và một số loại sođa cũng chứa cafein. Do đó, cần tính toán để hạn chế tối đa lượng cafein được hấp thụ vào cơ thể.

Đặc biệt, với những phụ nữ đang muốn làm thụ tinh ống nghiệm thì ngưỡng tiêu thụ cafein cho phép còn thấp hơn nhiều. Chỉ cần 50mg cafein (tương đương với 1 ly cà phê) cũng đã có thể ảnh hưởng bất lợi đến tỷ lệ thụ thai ống nghiệm thành công.
2. Giảm cân nặng thừa
 

Béo phì có thể ức chế sự rụng trứng và làm thay đổi nồng độ các hoóc-môn. Hơn nữa, nó cũng dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh tim và cao huyết áp. Vì vậy, béo phì cũng có tác động tiêu cực tới khả năng thụ thai và có thể dẫn tới các biến chứng trong thai kỳ. Hơn nữa, phụ nữ béo phì cũng ít khả năng thành công với việc điều trị vô sinh.
3. Tăng đủ cân
Chỉ số khối cơ thể BMI trong khoảng 18,5-24,9 được cho là bình thường và khỏe mạnh. Bất cứ ai có BMI < 18,5 thì đều được cho là quá gầy.
Phụ nữ quá gầy sẽ giảm đáng kể khả năng sinh sản vì ít có khả năng rụng trứng. Một số phụ nữ quá gầy còn bị mất kinh hoàn toàn, một số khác thì có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Hiện tượng ra máu kinh hàng tháng không hoàn toàn có nghĩa là bạn có khả năng sinh sản tốt vì rất có thể ra máu kinh mà không rụng trứng.
4. Thử châm cứu
 

 
Tạp chí Fertility and Sterility số ra tháng 5/2006 đã đăng 2 nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thụ thai tăng lên đáng kể ở những phụ nữ được điều trị bằng châm cứu kết hợp với thụ tinh ống nghiệm. Nghiên cứu đầu tiên cho thấy phụ nữ được điều trị bằng châm cứu tăng gấp 2 lần khả năng thụ thai thành công. Nghiên cứu thứ 2 chứng minh châm cứu trước khi cấy phôi giúp tăng 50% tỷ lệ đậu thai khi thụ tinh ống nghiệm.

5. Đi bộ 30 phút mỗi ngày
Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày là một bài tập đơn giản, không tốn kém song lại giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và những bệnh có thể ảnh hưởng không tốt tới khả năng thụ thai cũng như các biến chứng trong thai kỳ. Hơn nữa, luyện tập đều đặn giúp duy trì trọng lượng cơ thể bình thường, tăng tuần hoàn máu tới khung xương chậu và các cơ quan sinh sản. Do đó, đi bộ đều đặn 30 mỗi ngày giúp tăng khả năng thụ thai thành công ở phụ nữ.
 6. Vượt qua trầm cảm
 

Trong khi một số chuyên gia tin rằng trầm cảm không gây ra tình trạng vô sinh thì vượt qua trầm cảm lại có thể giúp tăng khả năng thụ thai.
 
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Y Harvard tiến hành đã cho thấy những phụ nữ tiến hành thụ tinh ống nghiệm song đồng thời cũng tham gia vào một chương trình kéo dài 10 tuần giúp cải thiện suy nghĩ đã tăng gấp 2 lần khả năng mang thai thành công.
7. Chế độ ăn lành mạnh
Để tối đa hóa cơ hội thụ thai và có thai kỳ khỏe mạnh thì phụ nữ nên ăn theo một chế độ ăn lành mạnh giàu ngũ cốc nguyên cám, đậu nành, rau, quả tươi, các loại hạt, dầu ăn có lợi cho sức khỏe như dầu ô liu, thịt nạc hay các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ…
8. Kiêng rượu
 

Phần lớn chuyên gia sản khoa đều đồng ý rằng uống 1 hoặc 2 ly rượu mỗi tuần sẽ không ảnh hưởng tới khả năng mang thai song uống quá nhiều rượu rõ ràng là có tác động không tốt. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đan Mạch năm 2003 cho thấy uống 6-7 ly rượu mỗi tuần làm giảm khả năng thụ thai của phụ nữ.
 
9. Tránh xa thuốc lá
Hút thuốc lá gây tổn hại cho trứng, giảm khả năng thụ thai thành công và phụ nữ hút thuốc lá có thể bị mãn kinh sớm hơn vài năm so với người không hút thuốc lá. Hơn nữa, hút thuốc lá cũng có tác động tiêu cực tới nồng độ hormon do đó làm giảm khả năng sinh sản.

Phụ nữ hút thuốc lá cũng dễ bị sảy thai, gặp các biến chứng trong thai kỳ và thường sinh con nhẹ cân hơn. Do đó, những phụ nữ hút thuốc lá nên bỏ thuốc ngay hôm nay để tăng khả năng thụ thai.

Chữa bệnh hói đầu

Đột phá trong chữa hói đầu


Các chuyên gia thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên Tokyo (Nhật Bản) vừa tìm ra cách thức mới làm cho tóc mọc trở lại, giúp mở ra một hướng đi chưa từng có cho phương pháp chữa chứng hói đầu được kỳ vọng là hiệu quả hơn các phương pháp hiện nay.







Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Takahi Tsuji đứng đầu đã tiến hành thử nghiệm cấy các nang lông được tạo ra từ tế bào gốc vào da các con chuột trưởng thành và nhận thấy lông của chúng sau đó đã mọc thành nhiều chu kỳ như bình thường. Theo nhóm nghiên cứu, các nang tóc được chế tạo bằng công nghệ sinh học có cấu trúc phát triển và hình thức kết nối với các mô xung quanh như bình thường.

"Từ một lượng nhỏ tóc lấy từ khu vực tóc dày, bằng việc sử dụng công nghệ sinh học, chúng tôi sẽ tạo ra được rất nhiều nang tóc. Khi số lượng nang tóc đã đủ, chúng tôi có thể phẫu thuật cấy ghép vào da, giúp tóc bệnh nhân mọc trở lại” - Giáo sư Takashi Tsuji nói. Với thành công này, các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm ra nhiều phương pháp chữa bệnh hói đầu mới và hiệu quả hơn hiện nay. Bác sĩ Akio Sato - đồng tham gia nhóm nghiên cứu nói: “Hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau chữa hói đầu, song một số phương pháp mang lại hiệu quả không cao. Một biện pháp khá phổ biến là chuyển các nang tóc từ khu vực tóc dày đến khu vực tóc thưa, điều này sẽ cần tới tiểu phẫu vài lần, mặc dù vậy thì biện pháp này vẫn ít hiệu quả”. Phương pháp mới với thành công bước đầu có thể tạo ra các nang lông trong da bằng công nghệ sinh học, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ mở ra phương pháp điều trị mới mang tính đột phá.
(Theo Antđ/Reuters)


Phòng ung thư vú

Phòng ung thư vú: Những giải pháp dễ thực hiện


Phụ nữ nào cũng lo ngại ung thư vú sẽ ghé thăm mình. Thay vì ngồi chờ trong lo lắng, hãy hành động ngay từ hôm nay theo các cách đơn giản sau.






Chỉ 2-3 ly rượu, bia/ tuần
Cồn (có trong bia, rượu) dù được tiêu thụ với hàm lượng nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống rượu và ung thư vú đặc biệt rõ rệt và mạnh mẽ ở 70% các khối u được biết đến như tác nhân kích thích tố.
Do vậy, hầu hết các bác sỹ đều khuyến cáo nên hạn chế bia, rượu đến mức tối đa nhất có thể.
Tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần
Khi luyện tập thể dục, duy trì nhịp tim ở mức chuẩn cho ít nhất 20 phút luyện tập không nghỉ. Đi bộ cũng rất tốt nhưng những bài tập có một chút cường độ cao ra nhiều mồ hôi sẽ thật sự giúp tim khỏe mạnh và giảm nguy cơ ung thư.
Duy trì trọng lượng ở mức vừa phải
Nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì, thừa cân (đặc biệt nếu qua thời mãn kinh) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2008 bởi các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Texas, béo phì làm giảm tỷ lệ sống sót khi đã mắc bệnh ung thư vú và tăng cơ hội cho bệnh này phát triển và hoành hành.
Tự kiểm tra vú hàng tháng
Nên tham khảo hướng dẫn phù hợp từ bác sỹ và có kỹ thuật để kiểm tra vú thường xuyên. Tự phát hiện khối u trước khi để máy chụp X-quang phát hiện qua ảnh. Quan sát thấy sự thay đổi trên cơ thể là rất quan trọng.
Thực hiện chụp X-quang tuyến vú 1 lần/năm sau tuổi 40
Phát hiện khối u sớm sẽ tăng cơ hội sống sót cho chính bạn. Tỷ lệ 5 năm sống sót sẽ là 98% nếu phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu tiên và tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 27% nếu các khối u đã ở giai đoạn di căn.
Theo dantri/Health

Mãn kinh sớm và chứng loãng xương

Mãn kinh sớm có liên quan với chứng loãng xương


Phụ nữ mãn kinh sớm tăng gấp gần 2 lần khả năng bị loãng xương sau này.







Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng phụ nữ mãn kinh sớm tăng gấp gần 2 lần khả năng bị loãng xương sau này.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Đại học Skane, Thụy Điển nhận xét rằng những phụ nữ này cũng tăng nguy cơ bị gãy xương và tử vong.
Trong nghiên cứu này các tác giả đã chọn 390 phụ nữ ở Bắc Âu trong năm 1977 và chia họ ra 2 nhóm: một nhóm gồm những phụ nữ mãn kinh trước 47 tuổi và nhóm còn lại gồm những phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh khi ≥47 tuổi.
Sau 29 năm chỉ còn 198 phụ nữ vẫn tiếp tục nghiên cứu và tại thời điểm này họ đã 77 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã đo lại mật độ xương của các đối tượng tham gia và thấy rằng 56% số phụ nữ mãn kinh sớm bị loãng xương so với chỉ 30% ở những phụ nữ mãn kinh muộn.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những phụ nữ mãn kinh sớm có nguy cơ gãy xương do loãng xương và tử vong cao hơn.
Nghiên cứu được đăng ngày 25/4 trên tạp chí International Journal of Obstetrics and Gynecology.

Ra máu trong giai đoạn đầu mang thai





bác sĩ ơi ! em có thai được 1 tháng nhưng mấy ngày lại bị ra 1 ít huyết, em co đi siêu âm nhưng bác sĩ nói thai khoẻ không thấy gì bất thường hết . vậy em có nên lo lắng không ? (nguyen thi bich thuy)
Trả lời:
Ra máu ở giai đoạn đầu mang thai có thể khiến nhiều thai phụ lo lắng, nhưng thực ra nó là hiện tượng khá phổ biến. 

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, bạn có thể bị ra máu đôi chút trong một hay hai ngày do trứng đã thụ tinh làm tổ ở thành tử cung. Sau đó, khi nhau thai dính vào thành tử cung, bạn cũng có thể ra ít máu. Đôi khi một số thai phụ bị mềm cổ tử cung và cũng bị chảy máu trong thời kỳ đầu mang thai.

Các hóc-môn thai kỳ làm ẩn đi các chu kỳ hóc-môn thông thường, nhưng đôi khi xảy ra sự sai lệch trong một chu kỳ nào đó. Vì thế một số phụ nữ sẽ thấy chảy máu vào kỳ kinh thông thường của mình.

Chảy máu cũng có thể do viêm nhiễm âm hộ hoặc tử cung hoặc do một khối u (lành) gây ra, hoặc có thể xuất hiện sau khi giao hợp. Bạn nên gặp bác sĩ, có thể bạn cần siêu âm sớm để xác định nguyên nhân chảy máu.

Trong đa số trường hợp không thể tìm được nguyên nhân gây chảy máu ở giai đoạn đầu của thai kỳ, thế nhưng bạn yên tâm thai nhi vẫn phát triển đủ tháng và em bé sinh ra vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!
Bs.Thuocbietduoc
(Lưu ý: Chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ)

Từ khóa: ra máu ở giai đoạn đầu mang thai, ra máu ở đầu thai kỳ



Ne0_tergynal va polygynax


Thông tin tư vấn về thuốc điều trị viêm âm đạo




Tôi bị ra khí hư màu trắng như bã đậu nhưng không nhiều và rất ngứa, tôi đi khám và soi tươi ở Bệnh viện GTVT Hà Nội thì được kết luận viêm âm đạo và viêm cổ tử cụng bác sỹ kê đơn thuốc cho tôi dùng 02 loại thuốc Neo- tergynan liều 05 viên đặt và thuốc polygynax 06 viện, bác sỹ dặn đặt mõi tối 01 viên, mỗi ngày đặt một loai. Tôi muốn hỏi tại sao phải dùng 02 loại như vậy và dùng thuốc nào hiệu quả hơn (Kiều Thị Trâm)
Trả lời:
1. Neo-terrgynan:  thuốc điều trị đa năng các bệnh phụ khoa.

Neo-Tergynan có thành phần công thức phối hợp nhiều hợp chất, do đó có tác động điều trị tại chỗ viêm âm đạo do nhiều nguyên nhân khác nhau như do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nhiều mầm bệnh cùng lúc. Thuốc được phối hợp :

- Metronidazole: diệt Trichomonas, Gardnerella vaginalis và vi khuẩn kỵ khí ;

- Neomycine sulfate : kháng sinh có tác động trên nhiều mầm bệnh sinh mủ ở âm đạo ;

- Nystatine : kháng nấm ;

Tỷ lệ mắc bệnh viêm âm đạo do Trichomonas hoặc do Candida albicans tăng đáng kể từ vài năm nay. Các bệnh này thường phối hợp với nhiều mầm bệnh thông thường khác làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Do đó cần có một phương thức điều trị phối hợp cùng lúc diệt Trichomonas, kháng nấm và kháng khuẩn ; Neo-Tergynan đáp ứng được yêu cầu này.

Neo-Tergynan có thành phần tá dược bảo đảm cho thuốc thấm tốt qua niêm mạc âm đạo và ổn định ở pH sinh lý.

CHỈ ĐỊNH

Viêm âm đạo do các vi khuẩn sinh mủ thông thường.

Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis.

Viêm âm đạo do Trichomonas.

Viêm âm đạo do nhiễm nấm đặc biệt là Candida albicans.

Viêm âm đạo do nhiễm đồng thời Trichomonas và nấm men.

Viêm âm đạo do các tác nhân phối hợp.

TÁC DỤNG NGOẠI Ý

Buồn nôn, nôn, chán ăn, miệng có vị kim loại.

Rất hiếm: chóng mặt, nhức đầu, ngứa, mề đay, viêm lưỡi, viêm tụy có thể phục hồi.

LIỀU LƯỢNG VÀ CÁCH DÙNG

Trước khi đặt thuốc, nên nhúng toàn bộ viên thuốc trong nước trong khoảng 20 đến 30 giây và sau khi đặt thuốc, bệnh nhân nên ở tư thế nằm trong khoảng 15 phút.

Đặt 1 hoặc 2 viên/ngày, trong 10 ngày liên tiếp

2. Polygynax viên nang đặt âm đạo dùng để điều trị tại chỗ các bệnh về phụ khoa.

Thành phần:
Neomycin (sulphat): 35000IU; Polymyxin B (sulphat); 35000IU; Nystatin: 100000IU.
Tá dược: Tefose 63, dầu đậu nành đã được hyđro hoá (hydrogenat soy oil), sillicon 1000, gelatin, glycerin, nước tinh khiết.

Chỉ định:
Trị liệu: Polygynax được dùng để điều trị huyết trắng do bất kỳ nguyên nhân nào:
- Vi trùng thông thường.
- Nấm Candida albicans.
- Các vi sinh vật gây bệnh phối hợp.

Phòng ngừa:
- Trước khi phẫu thuật ở phần dưới của đường sinh dục
- Trước khi sanh
- trước và sau điện đông cổ tử cung.
- Trước khi thăm dò bên trong tử cung

Chống chỉ định: Dị ứng với các thành phần của thuốc.

Cẩn thận: Không nên điều trị kéo dài vì nguy cơ các vi sinh vật đề kháng chọn lọc và sự bội nhiễm

Tác dụng ngoại ý: Phản ưngs dị ứng tại chỗ đặc biệt là trong trường hộp kéo dài trị liệu.
Hãy thông báo cho bác sĩ biết các tác dụng không mong muốn gặp phải trong khi sử dụng thuốc này.

Liều dùng: 1 Viên vào buổi tối trong 12 ngày

Cách dùng: Viên nang đặt âm đạo. Đặt viên thuốc sâu vào âm đạo trước lúc đi ngủ.
Bạn đã được các bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh và kê đơn, nếu bạn có thắc mắc gì trong quá trình điều trị thì bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để có sự tư vấn tốt nhất!
Chúc bạn sức khoẻ.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Bệnh nhân chết do xe cấp cứu bị kẹt

n

Cấp cứu tắc đường, bệnh nhân chết oan

Đèn ưu tiên xoay tít, còi rú từng đợt nhưng cuối cùng chiếc xe cứu thương chở bé trai bị xuất huyết não từ Đồng Nai về TP HCM phải dừng hẳn. Phía trước, dòng xe kẹt kéo dài. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân tử vong.

Cái chết của bé giữa tháng 3 vừa qua khiến bố mẹ (đều là bác sĩ) chỉ còn biết gạt nước mắt đưa con về quê lo hậu sự chứ không biết đổ lỗi cho ai.
"Biết trách ai đây khi tài xế xe cứu thương đã làm hết cách; cô y tá trên xe cũng đã cố hết sức. Chỉ tiếc là tại sao con mình không bị biến chứng ban sáng mà lại trở nặng đúng vào giờ kẹt xe", bố bé lặng lẽ nói.
Dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn áy náy, anh Hùng - tài xế của chiếc xe cứu thương chở cháu bé cho biết, nếu không kẹt xe, đoạn đường ngoài 30 km từ huyện Thống Nhất của Đồng Nai về đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM, ước tính chỉ mất khoảng 30-40 phút.
"Hôm đó tại đoạn ngã tư Thủ Đức, xe của tôi đã không có đường thoát nên đành phải chờ. Cả phụ huynh, y tá lẫn người cầm lái đều nóng lòng. Sau gần một giờ đồng hồ thoát khỏi điểm kẹt, chưa kịp đến bệnh viện thì bé đã qua đời", bác tài xế nhớ lại.
Chiều 27/4 trên xa lộ Hà Nội đoạn quận 9, TP HCM, hai xe cấp cứu chở bệnh nhân, một của Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, một của Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức chết cứng giữa dòng tắc đường. Ảnh: Thiên Chương
Một trường hợp khác, bé trai 3 tuổi ở quận 9 ăn phải trứng cóc nên ngộ độc. Bệnh nhân nguy kịch, bệnh viện địa phương không thể cứu chữa nên chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tuy nhiên đến cầu Sài Gòn thì bị kẹt xe.
"Khi bé đến được bệnh viện thì đã rơi vào tình trạng ngưng tim ngưng thở. Dù cố gắng hết sức song chúng tôi vẫn không thể nào cứu được bé", một bác sĩ cho biết.
Cũng tại khu vực cầu Sài Gòn, nơi thường xuyên xảy ra kẹt xe ở giờ cao điểm, mới đây chiếc xe cấp cứu chuyển bệnh từ huyện Tân Phú, Đồng Nai, đã phải loay hoay gần một giờ mới vào được đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Trên xe là hai bệnh nhi bị ngộ độc trứng cóc. Khi đến bệnh viện, một trong 2 bé đã qua đời, bé còn lại thoi thóp và theo nhận định của các bác sĩ, chỉ cần chậm vài phút nữa là không thể cứu sống.
Cùng rơi vào cảnh vừa lo lắng vừa ôm người thân nằm trên xe cứu thương bất động mà dòng kẹt càng ngày càng kéo dài, chiều ngày 1/5, chị Hoa nhà ở Tân Thạnh, Long An, uất ức nói: "Nếu không bị kẹt xe có lẽ em tôi đã không qua đời".
Người phụ nữ kể, em trai của chị bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, chuyển đến bệnh viện địa phương sơ cứu nhưng do tình trạng não xuất huyết dưới màng cứng nên được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Thật xui xẻo khi trên đường cấp cứu thì tắc đường, xe không làm sao qua được. Còn khoảng 20 km nữa đến bệnh viện thì em tôi đã trút hơi thở cuối cùng", chị Hoa nói.
Có người thân đang điều trị tại khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Hồ Thị Thu nhà ở Long Thành, Đồng Nai, cũng bức xúc "bệnh tai biến mạch máu não nguy hiểm, nhưng nếu chiều hôm ấy trên đường đi cấp cứu không bị kẹt xe thì bố tôi chưa chắc đã bệnh nặng như thế này". Bố của chị đang phải nằm bất động trên giường bệnh.
Các bác sĩ của khoa cũng thừa nhận, với "thời gian vàng" cấp cứu của chứng tai biến mạch máu não, nếu nhập viện sớm hơn 30 phút, bệnh nhân đã có thể được can thiệp để không phải sống đời sống thực vật.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai thừa nhận, tình trạng xe cấp cứu bị tắc đường ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân không còn lạ hiện nay. Thay vì chỉ mất 45 phút để đến TP HCM, lắm lúc xe cứu thương của bệnh viện phải mất từ một giờ đến hai giờ đồng hồ bởi kẹt xe.
"Điều này rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân vốn đang nguy kịch, bởi chỉ có người bệnh tình rất nặng mới được chuyển viện", ông Nơi nói.
Bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cũng cho biết, hiện tượng kẹt xe cấp cứu vào những giờ cao điểm là không thể tránh khỏi.
"Chúng tôi đã chữa trị hầu hết các trường hợp cấp cứu, song với những ca bệnh tim mạch mà bệnh viện chưa có máy chụp can thiệp mạch máu xóa nền, bệnh nhân buộc phải được chuyển lên tuyến trên. Trong trường hợp này, thời gian cấp cứu cho người bệnh được tính bằng phút. Nếu kẹt xe quá lâu thì mất thời gian vàng, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân", bác sĩ Hưng nói.
Nhiều bệnh nhân đến khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM trong tình trạng muộn, một trong những nguyên nhân do kẹt xe. Ảnh minh họa: Thiên Chương.
Bác sĩ Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì cho rằng, không phải cứ trường hợp nào nhập viện muộn thì bác sĩ cũng truy hỏi nguyên nhân, nhưng chuyện đến cấp cứu chậm vì kẹt xe vẫn xảy ra.
Thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nhân chuyển viện trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng, ngạt nước, rắn cắn, ong đốt, tai nạn giao thông thuộc nhóm có thể tử vong trên đường cấp cứu nếu bị kẹt xe quá lâu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bác sĩ Tiến, vì bệnh nhân có thể ngưng tim ngưng thở do suy hô hấp hoặc các biến chứng suy gan suy thận cấp. Ngoài ra, trang thiết bị và cán bộ y tế trên xe cấp cứu cũng không đủ để xử trí nếu sức khỏe bệnh nhân có dấu hiệu xấu dần.
Nhằm hạn chế tình trạng người bệnh tử vong vì kẹt xe khi cấp cứu vào giờ cao điểm, theo bác sĩ Tiến, bệnh viện tuyến dưới cần hội chẩn trước với bệnh viện sẽ tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến trước khi ra y lệnh. Trên đường đi, trên xe cấp cứu cần trang bị thêm bình ôxy, máy theo dõi nhịp tim. Trong trường hợp bệnh nhân quá nặng, thay vì điều dưỡng đưa đi thì phải là bác sĩ.
Nói về thực trạng này, hầu hết các bác sĩ tuyến cuối tại TP HCM đều cho rằng, việc tăng cường trang thiết bị điều trị và nhân lực cho bệnh viện các tỉnh, bệnh viện cửa ngõ thành phố là điều cần thiết.
"Việc làm này về lâu dài sẽ giải quyết được tình trạng bệnh nhân từ tỉnh ngoài cứ phải vào thành phố để cấp cứu. Tăng cường trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ cho bệnh viện tuyến dưới sẽ giảm bớt việc chuyển viện cho người bệnh. Người bệnh vừa không gặp nguy hiểm; bệnh viện tuyến trên lại không rơi vào tình trạng quá tải", một bác sĩ nó

Bệnh chân tay miệng

BỆNH TAY - CHÂN - MIỆNG  (08/03/2012 )
 
ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH
Bệnh Tay – chân - miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên việc mỗi người dân phải tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.
1. Tác nhân gây bệnh
 Bệnh tay chân miệng gây ra do các vi rút thuộc nhóm vi rút đường ruột, trong đó vi rút EV 71 có thể gây các biến chứng nặng và dẫn đến tử vong,
Vi rút có thể tồn tại nhiều ngày ở điều kiện bình thường và nhiều tuần ở nhiệt độ 4oC. Tia cực tím, nhiệt độ cao, các chất diệt trùng như formaldehyt, các dung dịch khử trùng có chứa Clo hoạt tính có thể diệt vi rút.
2. Nguồn bệnh, thời kỳ ủ bệnh và thời kỳ lây truyền
*Nguồn bệnh: Là người mắc bệnh, người mang vi rút không triệu chứng.
* Thời kỳ ủ bệnh: Từ 3 đến 7 ngày.
* Thời kỳ lây truyền: Vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng. Vi rút có khả năng đào thải qua phân trong vòng từ 2 đến 4 tuần, cá biệt có thể tới 12 tuần sau khi nhiễm. Vi rút cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 tuần. Vi rút cũng có nhiều trong dịch tiết từ các nốt phỏng nước, vết loét của bệnh nhân.
3. Đường lây truyền
 Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hoá: nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi rút từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người - người qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém; thiếu nhà vệ sinh; thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
4. Tính cảm nhiễm
Mọi người đều có thể cảm nhiễm với vi rút gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi.
5. Các triệu chứng chính và hướng điều trị của bệnh Tay – chân –miệng
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
5.1. Điều trị ngoại trú và có theo dõi của y tế cơ sở
Khi bệnh nhân chỉ có các triệu chứng: Loét miệng có thể có hoặc không có kèm theo tổn thương da.
- Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
            - Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ theo hướng dẫn của cán bộ Y tế.
            - Vệ sinh răng miệng.
            - Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
            - Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
            * Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu sau:  Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sau cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.
            + Sốt cao ≥ 390C.
            + Thở nhanh, khó thở.
            + Giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều.
            + Đi loạng choạng.
            + Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
            + Co giật, hôn mê.
5.2. Điều trị nội trú tại Bệnh viện
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu chuyển bệnh nặng: sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối đặc biệt kèm theo dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao, giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh... cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở Y tế để điều trị kịp thời.
ĐĐiều tri bệnh nhân theo hướng dẫn tại Quyết định số 2554  /QĐ-BYT ngày  19/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế
6. Phòng bệnh
Bệnh Tay - chân - miệng lây truyền theo đường tiêu hóa và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên việc mỗi người dân phải tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết. Thực hiện 3 sạch: ăn (uống) sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòinước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
- Tổ chức các đội tự quản tại chỗ các tịa các thôn, bản, tổ dân phố (phối hợp ban, ngành, đoàn thể) để hàng ngày kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình, đặc biệt gia đình bệnh nhân và những gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi.
7. Xử lý phòng chống lây nhiễm
* Nếu bệnh nhân được điều trị tại nhà theo quy định
Người bệnh được điều trị tại nhà phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh. Hướng dẫn người nhà theo dõi bệnh nhân, khi thấy trẻ có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như giật mình, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (≥39,5oC), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
- Đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại hộ gia đình
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín.
- Hướng dẫn hộ gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên trong gia đình, đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi, nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnhphải thông báo ngay cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.
- Khuyến cáo những thành viên trong hộ gia đình bệnh nhân không nên tiếp xúc, chăm sóc trẻ em khác và không tham gia chế biến thức ăn phục vụ các bữa ăn tập thể.
* Xử lý tại nhà trẻ, mẫu giáo
- Thực hiện triệt để các biện pháp chung phòng bệnh, theo đúng nguyên tắc 3 sạch.
- Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
- Đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học.
- Cô nuôi dậy trẻ/thầy cô giáo cần theo dõi tình trạng sức khỏe cho trẻ hàng ngày. Khi phát hiện trong lớp, trong trường có trẻ nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo cho gia đình và cán bộ y tế để xử lý kịp thời.
- Tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo.Thời gian đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.
Bệnh tay – chân – miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, nên việc mỗi người dân phải tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết để phòng bệnh và tránh lây lan ra cộng đồng.

Nhận biết sớm bệnh chân tay miệng

Chưa năm nào dịch tay chân miệng nóng như năm nay với hơn 20.000 ca mắc, 56 trường hợp tử vong. Đáng nói, dấu hiệu bệnh rất điển hình nhưng nhiều người vẫn nhầm với các bệnh có phát ban khác, nên không theo dõi chặt để kịp thời phát hiện biến chứng.
Vì thế, Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng, áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế và cũng hướng dẫn người dân tự theo dõi để phát hiện khi con có dấu hiệu nghi ngờ, kịp thời đưa bé đi khám bệnh và theo dõi nguy cơ biến chứng.
Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết, phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh có biểu hiện loét miệng, các bệnh có phát ban da.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng từ từ 3-7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
 
Dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là phát ban dạng phỏng nước ở trong miệng, trong lòng bàn tay, lòng bàn chân...
Sau đó đến giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh:
- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
- Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
- Ngoài ra trẻ vẫn có sốt nhẹ, nôn. Còn những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, cũng có những trẻ mắc bệnh nhưng không có những dấu hiệu điển hình như trên. Theo đó, dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.
Các bệnh có biểu hiện loét miệng
Viêm loét miệng (áp-tơ) thì vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát. Ngoài ra ở chân, tay không xuất hiện các nốt phỏng như bệnh tay chân miệng.
Các bệnh có phát ban da
Sốt phát ban biểu hiện là các ban màu hồng xen kẽ ít, dạng sẩn và bệnh nhân thường có hạch sau tai.
Với bệnh dị ứng, toàn thân trẻ nổi ban hồng đa dạng nhưng không có nốt phỏng nước điển hình như tay chân miệng.
Với bệnh viêm da mủ thì các ban đỏ và có mủ đục.
Với bệnh thuỷ đậu, dấu hiệu điển hình là xuất hiện phỏng nước rải rác toàn thân. Còn với tay chân miệng thì ban phỏng nước xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.
 
Cũng là ban phỏng nước nhưng thủy đậu thì ban mọc rải rác toàn thân
Với bệnh nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, người bệnh có biểu hiện xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử trung tâm.
Với sốt xuất huyết Dengue, biểu hiện là xuất hiện các chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc.
 
Biểu hiện của sốt xuất huyết là các chấm xuất huyết bầm máu
Để phòng bệnh tay chân miệng, cần thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Đồ chơi, vật dụng trẻ hay cầm nắm của trẻ cần được thường xuyên rửa sạch với xà phòng, dung dịch diệt khuẩn, phơi khô. Lau sàn nhà mỗi ngày bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
Còn khi phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám. Trong trường hợp được chỉ định theo dõi tại nhà, cần tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.H

Tiêm Insulin

BỆNH NHÂN ÐÁI THÁO ÐƯỜNG TYPE 2 CẦN TIÊM INSULIN CÓ PHẢI LÀ BỊ BỆNH NẶNG HƠN?

Tác giả : Thạc sĩ NGUYỄN QUANG BẢY (Khoa Nội tiết - ÐTÐ, BV. Bạch Mai)
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường (ÐTÐ) type 2 thường có quan niệm sai lầm rằng, nếu họ có thể dùng được các thuốc uống để điều trị ÐTÐ là do bệnh còn nhẹ, nhưng khi phải điều trị bằng tiêm insulin tức là bệnh đã nặng. Vì vậy họ thường rất hoảng hốt, lo sợ khi được bác sĩ chỉ định tiêm insulin để kiểm soát đường máu. Chính sự không hiểu biết đầy đủ hoặc lo lắng quá mức này mà một số người đã không tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc, làm ảnh hưởng kết quả điều trị, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết sau đây có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về vai trò, tác dụng và những lợi ích của điều trị insulin ở các bệnh nhân ÐTÐ type 2.
1. Những phương pháp điều trị bệnh ÐTÐ

Trong cơ thể, insulin do tụy sản xuất ra - là chất duy nhất có khả năng làm hạ đường máu. Vì thế bất cứ nguyên nhân gì làm tụy giảm tiết insulin (ÐTÐ type 1) hoặc insulin tụy được tiết ra với số lượng bình thường nhưng chất lượng bị sút kém (hay còn gọi là kháng insulin - gặp trong ÐTÐ type 2) đều làm tăng đường máu. Ðường máu tăng cao là thủ phạm chính gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa... Do đó các biện pháp điều trị ÐTÐ đều nhằm mục đích đưa đường máu trở về bình thường. Hiện nay có 4 phương pháp chính được sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với nhau để điều trị bệnh ÐTÐ, đó là:

- Chế độ ăn.

- Tập luyện thể dục thể thao.

- Tiêm insulin. Tùy thời gian tác dụng mà người ta chia ra các loại insulin nhanh, bán chậm, chậm hoặc hỗn hợp (mixtard - trộn lẫn loại tác dụng nhanh và bán chậm).

- Dùng các thuốc uống có tác dụng kích thích tụy sản xuất nhiều hơn insulin (nhóm Sulfamide) hoặc làm tăng tác dụng của insulin (thuốc Metformin và thuốc nhóm Thiazolidinedion).

Ở các bệnh nhân ÐTÐ type 1, tụy gần như không tiết được insulin nữa nên việc điều trị bằng tiêm insulin để khống chế đường máu là bắt buộc. Còn với các bệnh nhân type 2, do tác dụng của insulin bị giảm nên có thể điều trị bằng cách uống các thuốc nêu trên.
2. Khi nào bệnh nhân ÐTÐ type 2 cần phải tiêm insulin?

Ở đa số các bệnh nhân ÐTÐ type 2, dùng các thuốc uống kết hợp với chế độ ăn và tập luyện thể thao có thể giữ đường máu ở mức bình thường trong thời gian dài. Tuy nhiên có một số tình huống bệnh nhân cần được tiêm insulin, đó là:

a. Thường gặp nhất là các bệnh nhân đã được chẩn đoán ÐTÐ lâu (trên 10 năm), sử dụng các thuốc uống kích thích tụy làm việc nhiều hơn để sản xuất được lượng insulin lớn hơn nhằm bù đắp sự thiếu hụt về chất lượng và số lượng insulin (giống như việc bắt một người phải làm việc quá sức mình). Do đó sau một thời gian dài liên tục phải làm việc quá sức, tụy bị suy kiệt nặng chỉ sản xuất được lượng rất ít, thậm chí là mất hẳn khả năng sản xuất insulin nên các thuốc uống, dù với liều tối đa cũng không còn tác dụng nữa. Ðể có thể khống chế được đường máu, bắt buộc phải đưa insulin từ ngoài vào. Thời gian tiêm insulin có thể là 2-3 tháng, trong thời gian này tụy được nghỉ ngơi và phục hồi lại khả năng tiết insulin đủ cho nhu cầu của cơ thể, nhưng cũng có thể cần tiêm kéo dài nhiều năm, có khi là vĩnh viễn nếu tụy đã bị suy kiệt hoàn toàn, nhất là ở những người gầy, người có đường máu tăng cao liên tục trong thời gian dài. Ước tính mỗi năm có khoảng 5% các bệnh nhân ÐTÐ type 2 phải chuyển sang tiêm insulin, nghĩa là sau 10 năm được phát hiện ra bệnh ÐTÐ thì đã có tới 1/2 các bệnh nhân type 2 phải điều trị bằng insulin.

b. Khi bệnh nhân bị mắc một số bệnh cấp tính như nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng bàn chân...) hoặc bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Các bệnh này khiến cơ thể cần nhiều insulin hơn nữa (do tác dụng của insulin bị giảm nặng), nên dù vẫn uống thuốc liều như cũ, thậm chí với liều cao hơn cũng không thể ổn định được đường máu. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ ngừng hoàn toàn các thuốc uống để tiêm insulin, thời gian tiêm insulin phụ thuộc vào kết quả điều trị các bệnh cấp tính mà họ đang mắc, nhưng thường chỉ trong một vài tuần.

c. Nếu bệnh nhân có những biến chứng mạn tính của ÐTÐ như suy gan, suy thận, suy tim nặng hoặc có các bệnh như viêm gan, xơ gan... thì đó là chống chỉ định dùng các thuốc uống làm hạ đường máu. Các bệnh nhân này thường sẽ phải chuyển sang tiêm insulin vĩnh viễn.

Hoặc do bệnh nhân có một số biến chứng nặng khác như biến chứng thần kinh (tê bì hoặc nóng rát), biến chứng mắt (tổn thương đáy mắt nặng), cần đưa đường máu về bình thường trong thời gian ngắn nhằm làm giảm các biến chứng hoặc để can thiệp sớm thì điều trị insulin tạm thời cũng là cần thiết.

d. Có một số bệnh nhân ÐTÐ type 2 được chẩn đoán muộn hoặc do bỏ điều trị thời gian khá dài... có đường máu tăng rất cao (khoảng > 18mmol/l) cũng cần điều trị insulin tạm trời vì đường máu cao trong thời gian dài sẽ ức chế khả năng tiết insulin của tụy, dùng các thuốc uống sẽ không có tác dụng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiêm insulin đưa đường máu về bình thường thì tụy lại đáp ứng với các thuốc uống, và lúc này có thể ngừng tiêm insulin được.

e. Ngoài ra còn phải tiêm insulin cho các bệnh nhân ÐTÐ type 2 trong một số tình huống đặc biệt như khi có thai, khi phẫu thuật, khi bị hôn mê do đường máu tăng quá cao...
3. Cách thức tiêm insulin: Khi cần tiêm insulin, các bệnh nhân ÐTÐ type 2 có thể được chỉ định tiêm 2-3 mũi/ngày, thay thế hoàn toàn các thuốc uống, hoặc chỉ tiêm một mũi vào buổi chiều tối kết hợp và vẫn dùng các thuốc uống vào ban ngày.

a. Chỉ định tiêm insulin 1 mũi cho các bệnh nhân đã được dùng thuốc uống (1 hoặc 2, thậm chí 3 loại) ở liều tối đa mà đường máu vẫn còn cao hơn. Tùy bệnh nhân, các bác sĩ có thể cho tiêm insulin vào trước bữa ăn tối (bằng insulin bán chậm hoặc mixtard) hoặc tiêm trước khi đi ngủ, trong khoảng 21-22 giờ (chỉ sử dụng insulin bán chậm).

b. Chỉ định tiêm insulin 2 hoặc nhiều mũi khi bệnh nhân đã dùng thuốc uống liều tối đa mà đường máu vẫn còn rất cao, hoặc khi bệnh nhân có các chống chỉ định dùng thuốc uống; Khi bệnh nhân đã được cho tiêm một mũi insulin vào buổi tối nhưng vẫn không kiểm soát được đường máu. Có thể sử dụng tất cả các loại insulin nhanh, bán chậm hoặc mixtard.
4. Những lợi ích của việc điều trị insulin cho các bệnh nhân ÐTÐ type 2:

a. Giúp kiểm soát đường máu dễ và nhanh hơn. Tiêm insulin cho phép điều chỉnh liều thuốc đơn giản, dễ dàng, có thể thay đổi liều thuốc từng 2 đơn vị và thay đổi liều mỗi ngày.

b. Nếu đường máu cao trước khi tập thể dục thể thao, lao động hoặc trước khi bắt đầu các hoạt động dã ngoại, việc tiêm một mũi insulin để nhanh chóng đưa đường máu về bình thường sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ bị nhiễm toan cê-tôn hoặc đường máu tăng quá cao sau khi hoạt động thể lực nặng.

c. Ðiều trị an toàn hơn vì insulin có thể dùng được cho tất cả những bệnh nhân ÐTÐ, kể cả khi họ có các biến chứng rất nặng như suy gan, suy thận, nhồi máu cơ tim... hoặc các bệnh nhân cao tuổi.

d. Kéo dài thời gian dùng được các thuốc uống hạ đường máu. Tiêm insulin giúp duy trì khả năng tiết insulin của tụy, đáp ứng lâu dài hơn với các thuốc uống hạ đường máu.

e. Với những bệnh nhân thể trạng gầy, khi tiêm insulin thường có cảm giác ăn ngon miệng hơn nên có thể tăng cân về mức bình thường.

f. Các bệnh nhân điều trị insulin sau một thời gian thường có cảm giác thoải mái, dễ chịu, làn da sáng hơn so với khi điều trị bằng các thuốc uống đơn thuần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tóm lại: Ðiều trị insulin là cần thiết cho nhiều bệnh nhân ÐTÐ type 2, có khi là tất yếu trong quá trình diễn biến của bệnh nhưng nó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc là bệnh nặng hơn hoặc đã ở giai đoạn cuối - mà chỉ đơn giản là sự thay đổi phương thức điều trị để đạt được kết quả tốt nhất mà thôi. Tuy có khi phải tiêm insulin trong thời gian dài, thậm chí đến cuối đời nhưng cũng có nhiều bệnh nhân chỉ phải tiêm insulin tạm thời trong thời gian ngắn. Việc lấy thuốc và tiêm insulin không phải là quá phức tạp, ngoài ra các loại bút tiêm insulin có thể cũng giúp bạn tiêm được insulin một cách đơn giản và hầu như không đau.