BỆNH NHÂN ÐÁI THÁO ÐƯỜNG TYPE 2 CẦN TIÊM INSULIN CÓ PHẢI LÀ BỊ BỆNH NẶNG HƠN?
Tác giả : Thạc sĩ NGUYỄN QUANG BẢY (Khoa Nội tiết - ÐTÐ, BV. Bạch Mai)
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường (ÐTÐ) type 2 thường có quan niệm sai lầm
rằng, nếu họ có thể dùng được các thuốc uống để điều trị ÐTÐ là do bệnh
còn nhẹ, nhưng khi phải điều trị bằng tiêm insulin tức là bệnh đã nặng.
Vì vậy họ thường rất hoảng hốt, lo sợ khi được bác sĩ chỉ định tiêm
insulin để kiểm soát đường máu. Chính sự không hiểu biết đầy đủ hoặc lo
lắng quá mức này mà một số người đã không tuân thủ đúng chỉ định của
thầy thuốc, làm ảnh hưởng kết quả điều trị, dẫn đến nhiều biến chứng
nguy hiểm. Hy vọng bài viết sau đây có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về
vai trò, tác dụng và những lợi ích của điều trị insulin ở các bệnh nhân
ÐTÐ type 2.
1. Những phương pháp điều trị bệnh ÐTÐ
Trong cơ thể, insulin do tụy sản xuất ra - là chất duy nhất có khả năng
làm hạ đường máu. Vì thế bất cứ nguyên nhân gì làm tụy giảm tiết
insulin (ÐTÐ type 1) hoặc insulin tụy được tiết ra với số lượng bình
thường nhưng chất lượng bị sút kém (hay còn gọi là kháng insulin - gặp
trong ÐTÐ type 2) đều làm tăng đường máu. Ðường máu tăng cao là thủ
phạm chính gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy thận, nhồi máu cơ
tim, tai biến mạch máu não, mù lòa... Do đó các biện pháp điều trị ÐTÐ
đều nhằm mục đích đưa đường máu trở về bình thường. Hiện nay có 4
phương pháp chính được sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với nhau để điều
trị bệnh ÐTÐ, đó là:
- Chế độ ăn.
- Tập luyện thể dục thể thao.
- Tiêm insulin. Tùy thời gian tác dụng mà người ta chia ra các loại
insulin nhanh, bán chậm, chậm hoặc hỗn hợp (mixtard - trộn lẫn loại tác
dụng nhanh và bán chậm).
- Dùng các thuốc uống có tác dụng kích thích tụy sản xuất nhiều hơn
insulin (nhóm Sulfamide) hoặc làm tăng tác dụng của insulin (thuốc
Metformin và thuốc nhóm Thiazolidinedion).
Ở các bệnh nhân ÐTÐ type 1, tụy gần như không tiết được insulin nữa nên
việc điều trị bằng tiêm insulin để khống chế đường máu là bắt buộc. Còn
với các bệnh nhân type 2, do tác dụng của insulin bị giảm nên có thể
điều trị bằng cách uống các thuốc nêu trên.
2. Khi nào bệnh nhân ÐTÐ type 2 cần phải tiêm insulin?
Ở đa số các bệnh nhân ÐTÐ type 2, dùng các thuốc uống kết hợp với chế
độ ăn và tập luyện thể thao có thể giữ đường máu ở mức bình thường
trong thời gian dài. Tuy nhiên có một số tình huống bệnh nhân cần được
tiêm insulin, đó là:
a. Thường gặp nhất là các bệnh nhân đã được chẩn đoán ÐTÐ lâu (trên 10
năm), sử dụng các thuốc uống kích thích tụy làm việc nhiều hơn để sản
xuất được lượng insulin lớn hơn nhằm bù đắp sự thiếu hụt về chất lượng
và số lượng insulin (giống như việc bắt một người phải làm việc quá sức
mình). Do đó sau một thời gian dài liên tục phải làm việc quá sức, tụy
bị suy kiệt nặng chỉ sản xuất được lượng rất ít, thậm chí là mất hẳn
khả năng sản xuất insulin nên các thuốc uống, dù với liều tối đa cũng
không còn tác dụng nữa. Ðể có thể khống chế được đường máu, bắt buộc
phải đưa insulin từ ngoài vào. Thời gian tiêm insulin có thể là 2-3
tháng, trong thời gian này tụy được nghỉ ngơi và phục hồi lại khả năng
tiết insulin đủ cho nhu cầu của cơ thể, nhưng cũng có thể cần tiêm kéo
dài nhiều năm, có khi là vĩnh viễn nếu tụy đã bị suy kiệt hoàn toàn,
nhất là ở những người gầy, người có đường máu tăng cao liên tục trong
thời gian dài. Ước tính mỗi năm có khoảng 5% các bệnh nhân ÐTÐ type 2
phải chuyển sang tiêm insulin, nghĩa là sau 10 năm được phát hiện ra
bệnh ÐTÐ thì đã có tới 1/2 các bệnh nhân type 2 phải điều trị bằng
insulin.
b. Khi bệnh nhân bị mắc một số bệnh cấp tính như nhiễm trùng (viêm
phổi, nhiễm trùng bàn chân...) hoặc bị tai biến mạch máu não, nhồi máu
cơ tim... Các bệnh này khiến cơ thể cần nhiều insulin hơn nữa (do tác
dụng của insulin bị giảm nặng), nên dù vẫn uống thuốc liều như cũ, thậm
chí với liều cao hơn cũng không thể ổn định được đường máu. Trong
trường hợp này, các bác sĩ sẽ ngừng hoàn toàn các thuốc uống để tiêm
insulin, thời gian tiêm insulin phụ thuộc vào kết quả điều trị các bệnh
cấp tính mà họ đang mắc, nhưng thường chỉ trong một vài tuần.
c. Nếu bệnh nhân có những biến chứng mạn tính của ÐTÐ như suy gan, suy
thận, suy tim nặng hoặc có các bệnh như viêm gan, xơ gan... thì đó là
chống chỉ định dùng các thuốc uống làm hạ đường máu. Các bệnh nhân này
thường sẽ phải chuyển sang tiêm insulin vĩnh viễn.
Hoặc do bệnh nhân có một số biến chứng nặng khác như biến chứng thần
kinh (tê bì hoặc nóng rát), biến chứng mắt (tổn thương đáy mắt nặng),
cần đưa đường máu về bình thường trong thời gian ngắn nhằm làm giảm các
biến chứng hoặc để can thiệp sớm thì điều trị insulin tạm thời cũng là
cần thiết.
d. Có một số bệnh nhân ÐTÐ type 2 được chẩn đoán muộn hoặc do bỏ điều
trị thời gian khá dài... có đường máu tăng rất cao (khoảng >
18mmol/l) cũng cần điều trị insulin tạm trời vì đường máu cao trong
thời gian dài sẽ ức chế khả năng tiết insulin của tụy, dùng các thuốc
uống sẽ không có tác dụng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiêm
insulin đưa đường máu về bình thường thì tụy lại đáp ứng với các thuốc
uống, và lúc này có thể ngừng tiêm insulin được.
e. Ngoài ra còn phải tiêm insulin cho các bệnh nhân ÐTÐ type 2 trong
một số tình huống đặc biệt như khi có thai, khi phẫu thuật, khi bị hôn
mê do đường máu tăng quá cao...
3. Cách thức tiêm insulin: Khi cần tiêm insulin, các bệnh nhân ÐTÐ type
2 có thể được chỉ định tiêm 2-3 mũi/ngày, thay thế hoàn toàn các thuốc
uống, hoặc chỉ tiêm một mũi vào buổi chiều tối kết hợp và vẫn dùng các
thuốc uống vào ban ngày.
a. Chỉ định tiêm insulin 1 mũi cho các bệnh nhân đã được dùng thuốc
uống (1 hoặc 2, thậm chí 3 loại) ở liều tối đa mà đường máu vẫn còn cao
hơn. Tùy bệnh nhân, các bác sĩ có thể cho tiêm insulin vào trước bữa ăn
tối (bằng insulin bán chậm hoặc mixtard) hoặc tiêm trước khi đi ngủ,
trong khoảng 21-22 giờ (chỉ sử dụng insulin bán chậm).
b. Chỉ định tiêm insulin 2 hoặc nhiều mũi khi bệnh nhân đã dùng thuốc
uống liều tối đa mà đường máu vẫn còn rất cao, hoặc khi bệnh nhân có
các chống chỉ định dùng thuốc uống; Khi bệnh nhân đã được cho tiêm một
mũi insulin vào buổi tối nhưng vẫn không kiểm soát được đường máu. Có
thể sử dụng tất cả các loại insulin nhanh, bán chậm hoặc mixtard.
4. Những lợi ích của việc điều trị insulin cho các bệnh nhân ÐTÐ type 2:
a. Giúp kiểm soát đường máu dễ và nhanh hơn. Tiêm insulin cho phép điều
chỉnh liều thuốc đơn giản, dễ dàng, có thể thay đổi liều thuốc từng 2
đơn vị và thay đổi liều mỗi ngày.
b. Nếu đường máu cao trước khi tập thể dục thể thao, lao động hoặc
trước khi bắt đầu các hoạt động dã ngoại, việc tiêm một mũi insulin để
nhanh chóng đưa đường máu về bình thường sẽ giúp bệnh nhân tránh được
nguy cơ bị nhiễm toan cê-tôn hoặc đường máu tăng quá cao sau khi hoạt
động thể lực nặng.
c. Ðiều trị an toàn hơn vì insulin có thể dùng được cho tất cả những
bệnh nhân ÐTÐ, kể cả khi họ có các biến chứng rất nặng như suy gan, suy
thận, nhồi máu cơ tim... hoặc các bệnh nhân cao tuổi.
d. Kéo dài thời gian dùng được các thuốc uống hạ đường máu. Tiêm
insulin giúp duy trì khả năng tiết insulin của tụy, đáp ứng lâu dài hơn
với các thuốc uống hạ đường máu.
e. Với những bệnh nhân thể trạng gầy, khi tiêm insulin thường có cảm
giác ăn ngon miệng hơn nên có thể tăng cân về mức bình thường.
f. Các bệnh nhân điều trị insulin sau một thời gian thường có cảm giác
thoải mái, dễ chịu, làn da sáng hơn so với khi điều trị bằng các thuốc
uống đơn thuần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tóm lại: Ðiều trị insulin là cần thiết cho nhiều bệnh nhân ÐTÐ type 2,
có khi là tất yếu trong quá trình diễn biến của bệnh nhưng nó hoàn toàn
không đồng nghĩa với việc là bệnh nặng hơn hoặc đã ở giai đoạn cuối -
mà chỉ đơn giản là sự thay đổi phương thức điều trị để đạt được kết quả
tốt nhất mà thôi. Tuy có khi phải tiêm insulin trong thời gian dài,
thậm chí đến cuối đời nhưng cũng có nhiều bệnh nhân chỉ phải tiêm
insulin tạm thời trong thời gian ngắn. Việc lấy thuốc và tiêm insulin
không phải là quá phức tạp, ngoài ra các loại bút tiêm insulin có thể
cũng giúp bạn tiêm được insulin một cách đơn giản và hầu như không đau.
Phòng Khám Mai dịch Sô 9 Ngách 1, Ngõ 58, Trần vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội Đt 0766200777 Phòng khám( Làm việc Từ 8h đến 21h các ngày thứ 2 đến thứ 6 , Thứ 7, Chủ Nhật Làm cả ngày) Đến với phòng khám bạn sẽ được các Bác sỹ đầu nghành chăm sóc, khám bệnh và điều trị với các máy móc hiện đại như , Siêu âm màu 4D, Máy xét nghiệm , Máy điện tim, Nội soi cổ tử cung. Khám các bệnh sản phụ khoa, điều trị vô sinh, Quản lý thai nghén. điều tri các bệnh viêm âm đạo, Viêm lộ tuyến Cổ tử cung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét