Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Những điều bạn cần biết về thụ thai

Những điều bạn cần biết về thụ thai

Trong bài này tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc những hiểu biết căn bản và cần thiết về quá trình thụ thai. Những kiến thức này có thể giúp ích cho các cặp vợ chồng chuẩn bị cho mang thai, hay có những trục trặc để có thai, hay cả những người cần tránh thai.

Phần chính của bài viết bao gồm hệ thống sinh sản của nam và nữ, quá trình thụ thai xảy ra như thế nào, các yếu tố chính đóng góp và quá trình thụ thai, và làm cách nào để có thụ thai hay tránh thai khi bạn mong muốn. 

   Thụ thai là một quá trình vừa đơn giản, vừa phức tạp. Đơn giản là bởi vì nó có thể diễn ra hoàn toàn tự nhiên không cần đến những can thiệp hay những nỗ lực đặc biệt. Phức tạp là bởi vì đó là một quá trình tinh tế, bao gồm hàng loạt các sự kiện xảy ra theo một trình tự với sự tham gia của rất nhiều yếu tố. Hiểu biết về quá trình thụ thai giúp bạn xác định thời điểm dễ thụ thai, những thay đổi cần thiết trong cơ thể của bạn để đáp ứng quá trình thụ thai và phát triển tế bào phôi thai.
Hiểu biết cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt
  Khả năng thụ thai của người phụ nữ dựa trên và được dự đoán bởi chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt có những sự thay đổi được tạo ra bởi các hormone nội tiết, những chất được tạo ra từ cơ thể bạn và để kiểm soát một số chức năng nhất định. Mỗi tháng, các hormone này hướng cho tử cung (dạ con) của người phụ nữ phát triển lớp màng bên trong dày và giàu mạch máu để chuẩn bị cho việc thụ thai. Đồng thời các hormone này cũng phát đi tín hiệu cho 1 trứng trở nên chín trong 1 nang noãn nằm ở buồng trứng. Khi trứng chín, các hormone lại phát đi yêu cầu để giải phóng khỏi nang noãn và di chuyển tới một trong hai vòi trứng, là những ống nối giữa tử cung và buồng trứng. Tại đó, trứng có thể gặp tinh trùng và quá trình thụ thai xảy ra.
            Một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trung bình là 28 ngày, bắt đầu từ ngày xuất hiện kinh nguyệt (ngày 1) cho tới ngày xuất hiện kinh nguyệt của chu kỳ tiếp theo. Một chu kỳ kinh nguyệt trong khoảng 23-35 ngày được coi là bình thường. Các chu kỳ kinh nguyệt của bản thân bạn cũng có thể khác nhau theo từng tháng. Bạn nên ghi lại lịch của các chu kỳ kinh nguyệt vì nó cho bạn biết kinh nguyệt của bạn nhìn chung thế nào đồng thời cũng dễ dàng hơn cho dự đoán ngày sinh của thai nhi.
            Rụng trứng thường xảy ra vào khoảng giữa chu kỳ, trên các vòng kinh bình thường, ví dụ ngày thứ 14 của một vòng kinh 28 ngày. Với các vòng kinh bất bình thường, dự đoán ngày rụng trứng khó hơn bởi chỉ có một điều chắc là rụng trứng sẽ xảy ra vào khoảng 14-16 ngày trước 1 kỳ kinh mới. Dấu hiệu báo cho bạn biết ngày rụng trứng có thể là đau tấm tức vùng bụng dưới hoặc lưng, có thể kèm theo căng ngực hay tăng dịch tiết hoặc chất nhày ở âm đạo, hoặc gia tăng ham muốn sinh hoạt tình dục quanh thời điểm rụng trứng. Không phải chu kỳ kinh nào cũng có rụng trứng. Ngay cả trên những phụ nữ khỏe mạnh tuổi 20-30, thường có 1 chu kỳ không có rụng trứng trong 4 chu kỳ.

Chu kỳ kinh nguyệt bình thườngcủa phụ nữ

Khi đã rụng trứng, trứng sẽ di chuyển vào vòi trứng và tới tử cung. Nếu như không có sự thụ thai xảy ra ở tại vòi trứng, cơ thể của bạn sẽ hấp thu trứng không thụ thai đó. Sau đó, lượng hormone trong cơ thể sẽ giảm xuống, và sẽ phát đi tín hiệu cho lớp màng bên trong tử cung chuẩn bị rụng đi. Sự rụng của lớp màng này là một chu kỳ kinh nguyệt mới.
Sự thụ thai
            Thụ thai là quá trình hợp nhất giữa một trứng từ người mẹ và một tinh trùng từ người cha. Mỗi tinh trùng hay trứng đóng góp một nửa cho bộ nhiễm sắc thể của thai nhi.
            Tinh trùng là những tế bào sinh sản của nam giới, nhỏ hơn nhiều so với trứng, được sản xuất từ tinh hoàn nằm trong vùng bìu của nam giới. Khi tinh trùng trưởng thành, chúng sẽ được di chuyển qua các ống dẫn tinh để tới dự trữ tại túi tinh hoặc tuyến tiền liệt. Ở đó, tinh trùng được hòa lẫn với các dịch để trở thành tinh dịch.
            Khi người nam giới đạt đến đỉnh trong lúc giao hợp, tinh trùng được phóng ra từ dương vật thông qua ống niệu đạo. Mỗi lần phóng tinh, hàng chục triệu tinh trùng được giải phóng vào trong âm đạo người phụ nữ. Vì thể, sự cực khoái là một yếu tố sống còn của quá trình thụ thai. Tuy nhiên, người phụ nữ không cần đến cực khoái để mang thai.



     Sau khi vào âm đạo, tinh trùng sẽ bơi qua cổ tử cung vào trong tử cung và tới vòi trứng. Tinh trùng có thể sống trong cơ thể người phụ nữ khoảng 3 ngày hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, đời sống của 1 trứng ngắn hơn, chỉ trong vòng 24 giờ. Vậy nên, nếu sự phóng tinh vào thời điểm trứng rụng hoặc chuẩn bị rụng trong 1-2 ngày sau làm tăng khả năng thụ thai.


Ảnh: Hệ thống sinh sản nữ và sự thụ thai. 

Mỗi tháng, một trứng được giải phóng vào thời kỳ rụng trứng (1) và di chuyển vào trong vòi trứng (2). Nếu người phụ nữ sinh hoạt tình dục vào khoảng thời điểm này, trứng và tinh trùng có thể gặp nhau tại vòi trứng và thụ thai (3). Trứng được thụ tinh di chuyển trong vòi trứng, tới và gắn vào lớp màng bên trong tử cung để phát triển thành thai nhi(4). Trong 8 tuần đầu, được gọi là phôi thai, sau đó gọi là thai nhi.


Nhiều cặp vợ chồng, thậm chí cả những Y bác sĩ chuyên khoa nghĩ rằng việc sinh hoạt tình dục thường xuyên sẽ làm giảm số lượng tinh trùng từ cơ thể người đàn ông và làm cho khó có khả năng có thai khi không có đủ lượng tinh trùng vào thời điểm rụng trứng của người phụ nữ. Quan điểm này là sai lầm. Các tinh hoàn khỏe mạnh thường xuyên sản xuất tinh trùng mới, đồng thời việc sinh hoạt tình dục thường xuyên còn giúp cho việc đổi mới và trưởng thành liên tục các thế hệ tinh trùng kế tiếp. Hoàn toàn không cần thiết phải tiết chế sinh hoạt tình dục với mục đích “để dành” cho ngày rụng trứng. Nghiên cứu chỉ ra rằng áp lực bắt buộc sinh hoạt vào thời điểm nhất định tạo nên căng thẳng tâm lý có ảnh hưởng nhiều đến sự phóng tinh và cả khả năng di chuyển và thụ thai của tinh trùng. Một tâm lý thoải mái, sinh hoạt tình dục hàng ngày hay cách ngày vào bất cứ thời điểm nào cả hai vợ chồng thấy thích hợp xung quanh thời gian có khả năng rụng trứng chính là một trong những biện pháp tốt nhất cho sự thụ thai.
Các hormone trong chu kỳ kinh nguyệt và thai nghén
            Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập chút ít tới các hormone bởi chúng đóng vai trò thiết yếu và nhạy cảm trong chu kỳ kinh nguyệt và thụ thai của người phụ nữ. Các hormone đóng vai trò như người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc hoạt động nhịp nhàng, đồng thời còn hỗ trợ các vị trí bị khiếm khuyết. Các hormone chính bao gồm
-         Estrogen và progesterone. Hai hormone này do buồng trứng chế tiết và giữ nhiệm vụ chính điều hòa quá trình kinh nguyệt. Hai hormone này kích thích sự phát triển của lớp màng bên trong tử cung, làm lớp này dày lên chuẩn bị cho mang thai, đồng thời cũng làm rụng đi khi không có thai. Sau khi trứng đã được thụ thai, hàm lượng của cả hai hormone đều tăng lên rất cao, ngăn cản không cho rụng trứng tiếp theo.
-         Hormone kích thích noãn (FSH) và hormone hoàng thể (LH). Hai hormone này được chế tiết bởi tuyến yên, một tuyến nội tiết nằm ở sàn não. FSH làm cho trứng chín ở buồng trứng và LH làm cho trứng rụng.
-         Hormone rau thai (hCG). Được sản xuất và chế tiết bởi một số tế bào của trứng thụ tinh và bắt đầu phân chia, hormone này xuất hiện rất sớm, chỉ vài ngày sau thụ thai. Xét nghiệm thai sớm chính là xét nghiệm hormone này. Sau đó, rau thai sẽ chịu trách nhiệm sản xuất hormone này.
Làm thế nào biết được thời điểm rụng trứng
            Một điều đơn giản là sinh hoạt tình dục gần thời điểm rụng trứng thì tăng khả năng thụ thai. Nhưng làm thế nào bạn biết được thời điểm rụng trứng? Cho đến nay, không có một phương pháp nào chắc chắn cho bạn biết chính xác là trứng sắp rụng, đã rụng trong một khoảng thời gian bao lâu, tuy nhiên có một số phương pháp có thể có ích
Tính vòng kinh
            
   Đây là phương pháp đơn giản nhất nhưng hiệu quả bằng cách kiểm tra lại lịch ghi chép của bạn về chu kỳ kinh nguyệt. Trước tiên, xem lại chu kỳ kinh nguyệt của bạn thường kéo dài bao nhiêu ngày và dự đoán ngày có kinh sắp tới của bạn. Nếu bạn có một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, cho dù dài hay ngắn, hãy tính ngược lại 14 ngày. Nếu chu kỳ của bạn không đều, hãy lấy con số trung bình của 3 chu kỳ liên tiếp và cũng tính ngược lại khoảng 14 ngày. Khả năng chính xác của biện pháp này khoảng 40-70% tùy theo kinh nguyệt có đều hay không.
Chu kỳ kinh nguyệt và những ngày có khả năng thụ thai

Tỷ lệ thụ thai ở những ngày có sinh hoạt tình dục so với ngày rụng trứng, Nghiên cứu thai nghén sớm tại North Carolina (Wilcox và cộng sự, 1998). Tỷ lệ thụ thai cao nhất khi sinh hoạt tình dục 2 ngày hoặc 1 ngày trước ngày rụng trứng.
Theo dõi nhiệt độ cơ thể
            Do sự hoạt động của hormone, hầu hết phụ nữ có nhiệt độ tăng lên khoảng nửa độ C sau khi rụng trứng trong khoảng 24 giờ. Phương pháp này cũng đơn giản: cặp nhiệt độ của bạn mỗi ngày, vào cùng thời gian, ví dụ như buổi sáng trước khi bạn ra khỏi giường. Đánh đấu nhiệt độ của bạn lên một biểu đồ đồng thời với đánh dấu ngày kinh nguyệt. Sau vài chu kỳ kinh nguyệt, bạn có thể dự đoán tương đối thời điểm rụng trứng. Phương pháp này có độ chính xác khoảng 40-60%.
Đo nhiệt độ cơ thể để dự đoán rụng trứng. Ngày thứ 14, nhiệt độ xuống hơi thấp hơn 1 chút, sau đó đi lên nhanh chóng. Đó là ngày rụng trứng
Nhận thức về thời điểm dễ thụ thai
            Phương pháp này dựa theo sụ cảm nhận những thay đổi trên cơ thể của bạn. Trước hết là những thay đổi trên chất nhày ở cổ tử cung. Vài ngày sau khi hết kinh, hormone sẽ gây ra tăng tiết chất nhày. Khi sắp rụng trứng, chất nhày tiết ra nhiều và trở nên quánh hơn. Để có thể xem rõ ràng, trước khi đi tiểu bạn có thể dùng ngón tay sạch hoặc một miếng giấy vệ sinh lau vào trong âm đạo. Ngay trước khi rụng trứng, chất nhày càng được tăng tiết nhiều, trở nên trong, trơn, và đàn hồi, có thể kéo dài thành sợi. Việc thay đổi chất nhày này khiến cho tinh trùng của nam giới dễ dàng thâm nhập qua cổ tử cung làm cho dễ thụ thai. Ngay sau khi rụng trứng, lượng hormone tăng cao lại khiến cho chất nhày trở nên đặc lại và ít đi để ngăn cản tinh trùng xâm nhập
Chất nhày cổ tử cung vào thời điểm rụng trứng
   Phương pháp này có độ chính xác rất cao, tới 90%. Chúng tôi, cũng như nhiều chuyên gia khác trên thế giới khuyến nghị người phụ nữ sử dụng vì tính đơn giản, dễ nhận biết, và chính xác của nó. Cùng với những cảm nhận khác như căng ngực, đau tức nhẹ và gia tăng ham muốn tình dục, khả năng dự đoán càng chính xác hơn.
Sử dụng bộ xét nghiệm
            Bạn có thể sử dụng bộ xét nghiệm dự đoán rụng trứng tại nhà qua việc thử nước tiểu. Xét nghiệm này để phát hiện nồng độ hormone LH tăng cao trước ngay trước thời điểm rụng trứng. Xét nghiệm này có khả năng dự đoán chính xác ở mức xung quanh 80%, tuy nhiên thường cho kết quả chậm hơn thời điểm rụng trứng thực sự.
Siêu âm nang noãn
            Siêu âm nang noãn, đặc biệt qua đầu dò âm đạo có thể cho dự đoán chính xác khoảng 80% hoặc hơn một chút. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi thực hiện tại cơ sở y tế, thực hiện nhiều lần và phải trên cùng 1 bác sĩ có kinh nghiệm. Thêm vào đó, dự đoán không chính xác nếu buồng trứng có nhiều nang tương đương kích thước hoặc trên các bệnh nhân có buồng trứng đa nang. Các nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp này cũng thường cho kết quả chậm hơn thời điểm rụng trứng thực sự. Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo sử dụng phương pháp này cho mục đích nghiên cứu là chính chứ không phải là biện pháp thường xuyên để dự đoán rụng trứng.
Hình ảnh nang noãn lớn, chuẩn bị rụng trứng qua siêu âm đầu dò âm đạo

Khó thụ thai
            Mất bao lâu để bạn có thể mang thai khi bạn hoàn toàn không sử dụng biện pháp tránh thai nào? Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố ví dụ như tuổi tác, sức khỏe, và tần suất sinh hoạt tình dục, v…v… Trên 70% các cặp vợ chồng có thai trong khoảng 6 tháng đầu. Khoảng 85% cặp vợ chồng có thai trong năm đầu. Và 15% còn lại có các vấn đề về thụ thai hay có thể nói là tình trạng vô sinh. Những cặp vợ chồng không có thai trong năm đầu tiên mặc dù sinh hoạt tình dục thường xuyên cần phải khám và thảo luận với bác sĩ. Rất nhiều cặp vợ chồng như thế có thể có thai mà không cần đến sự trợ giúp y học, vấn đề là tâm lý và thời gian. Ở những người phụ nữ trên 35 tuổi, khi mà khả năng thụ thai giảm đi và thời gian cho sinh sản còn lại ít, có thể gặp bác sĩ chuyên khoa sau 6 tháng không thụ thai.



Tính ngày rụng trứng chuẩn để dễ mang thai

Tính ngày rụng trứng chuẩn để dễ mang thai

Muốn dự đoán ngày rụng trứng để dễ thụ  thai cần có hiểu biết về sinh lý sinh sản, như: Biết sự dao động của các chu kỳ kinh nguyệt dài nhất và ngắn nhất để tính khoảng thời gian dễ thụ thai (còn gọi là cửa sổ dễ thụ thai); Biết đo nhiệt độ của cơ thể hằng ngày để thấy tăng lên vào thời điểm rụng trứng; Biết quan sát và đánh giá niêm dịch cổ tử cung... 


Có thể kết hợp 2 phương pháp đo nhiệt độ và đánh giá niêm dịch cổ tử cung để hỗ trợ cho việc tính ngày rụng trứng. Ngoài ra, cũng cần biết trứng chỉ có thể thụ thai khoảng 24 giờ sau khi rụng, nhưng tinh trùng thường có thể sống được 2-4 ngày kể từ khi xâm nhập vào đường sinh sản nữ.
      
Trứng thường rụng trước kỳ kinh sau 14 ngày (cộng trừ 2), nhưng vì trứng có thể rụng bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh, kể cả trong những ngày hành kinh nên sau khi theo dõi tối thiểu 8 chu kỳ mới có thể xác định được những chu kỳ dài nhất và ngắn nhất, để từ đó xác định cửa sổ dễ thụ thai.
     
Dễ có thai vào những ngày giữa chu kỳ kinh đã được nhiều người nói đến. Tuy nhiên,  ngày nay có nhiều dữ liệu khoa học cho rằng có thể có thai vào bất cứ ngày nào của chu kỳ kinh vì tinh trùng có thể sống trong đường sinh sản nữ tối đa tới 5 ngày, và thời điểm rụng trứng rất khó dự đoán.

 
Ngay từ thế chiến thứ I, một thầy thuốc Đức đã báo cáo có 25 trường hợp thai nghén sau chỉ một lần "quan hệ" khi các binh sĩ nghỉ phép vào những ngày từ 2 đến 30 của chu kỳ kinh. 84 năm sau, với nghiên cứu khác cũng đã cho thấy báo cáo của thầy thuốc Đức nêu trên là hoàn toàn có thể hiểu được.  
      
Ngày nay, một số nghiên cứu ghi nhận chỉ có khoảng 30% phụ nữ dễ thụ thai từ ngày thứ 10 đến 17 của chu kỳ kinh; Hơn 70% phụ nữ có giai đoạn dễ thụ thai trước ngày 10 hay sau ngày 17 của chu kỳ kinh; Và ngay cả với phụ nữ có chu kỳ kinh đều vẫn có thể xảy ra sự cố rụng trứng không đúng như dự kiến.
    
Như vậy, những cặp vợ chồng lành mạnh có thể  sẽ thụ thai khi “quan hệ” không dùng bao cao su và các phương tiện tránh thai khác 2-3 lần/tuần.
     
Tuy nhiên, ngay cả khi "quan hệ" vào những ngày coi là dễ thụ thai thì cũng chưa hẳn sẽ có thai vì có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng như thời gian sống của tinh trùng và trứng, khả năng tiếp nhận của tử cung cũng như các yếu tố cá nhân khác của đôi vợ chồng.   
 
Nếu vẫn không thể có thai mặc dù đã tính ngày rụng trứng và không dùng biện pháp tránh thai nào thì cần gặp thầy thuốc vì còn có nhiều nguyên nhân khác có thể cản trở sự thụ thai.

Phật giáo và vấn đề phá thai: Những tranh luận đạo đức

Phật giáo và vấn đề phá thai: Những tranh luận đạo đức

Xuất bản lần đầu vào năm 1995 (tái bản 2001), “Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học” (Buddhism and Bioethics) là một đóng góp có ý nghĩa của Damien Keown* cho Phật giáo về một đề tài chưa được giới Phật giáo nghiên cứu nhiều trước đó. Nội dung cuốn sách tập trung thảo luận về đạo đức học Phật giáo và liên hệ nó với những vấn đề đạo đức hiện đại như phá thai, hạn chế sinh sản, nghiên cứu phôi thai, trợ tử, việc kéo dài trạng thái sống thực vật.v.v… Cuốn sách cũng bàn đến vấn đề khi nào thì đời sống một con người được xem chính thức bắt đầu, và khi nào cái chết được coi chính thức xảy ra.

 
Keown biện luận rằng đời sống của một con người bắt đầu từ lúc thụ thai, thời điểm theo ông là thức (viññāna) chính thức hiện hữu. Keown xem thức là phần cốt tuỷ nhất trong năm uẩn mà nó cấu thành nên một con người. Với sự cân nhắc và chọn lựa, Keown đã dịch thuật ngữ viññāna thành tinh thần, thay vì thức, và rồi đưa nó đến gần với khái niệm linh hồn của Thiên chúa giáo có nguồn gốc từ Aristotele. Ông cũng đánh đồng viññāna với gandhabba (S. gandharva/antarābhava, thân trung ấm, hoặc trung hữu), thuật ngữ chỉ cho thực thể chuyển tiếp từ đời sống này sang đời sống khác mà nó được Kim Cương thừa chấp nhận trong việc giải thích tái sanh, và được giảng giải cặn kẻ trong Tử thư (Bardo thodol) của Tây Tạng. Dựa trên luận cứ này, Keown kết luận rằng phá thai là trái với đạo đức Phật giáo, phạm vào giới thứ nhất là không được tước đoạt mạng sống.

Quan điểm này của Damien Keown đã không được Michael G. Barnhart** chấp nhận. Dựa trên học thuyết Vô ngã (anatta), Barnhart biện luận rằng, thức, cũng như tất cả các uẩn khác, tất cả đều không phải là những thực thể tương tiếp từ đời sống này sang đời sống khác. Và theo ông, thức có mặt chỉ khi não bộ đã phát triển, cũng có nghĩa rằng nó chưa hiện diện vào thời điểm đầu của một bào thai. Bằng sự lập luận này, Barnhart cho rằng bào thai chưa phải là một con người đúng nghĩa, nên phá thai là làm tổn hại một mầm sống, mà không phải giết người, do đó không phạm vào giới thứ nhất như Keown đã biện luận. (Barnhart [dường như] quan niệm rằng, giới thứ nhất là không giết người cố ý, mà không phải không sát sanh nói chung).

Tuy nhiên, Barnhart cũng cho rằng phá thai là điều không đúng với tinh thần Phật giáo. Nhưng tuy vậy Phật giáo cần khoan dung hơn với vấn đề này, bởi vì đời sống con người hiện tại là quan trọng hơn cả. Phá thai hẳn nhiên là điều không nên khuyến khích; nhưng cũng không nên triệt để ngăn cấm. Quan điểm tương tự có thể tìm thấy nơi cuốn “Thế giới Thứ Bảy của Phật Giáo Thiền” (The Seventh World of Chan Buddhism) của Ni sư Ming Zhen Shakya (người Hoa Kỳ nhưng xuất gia ở Trung Quốc). Ni sư cho rằng, việc ngăn cấm phá thai triệt để sẽ đưa đến nguy hiểm cho những phụ nữ nghèo và thiếu hiểu biết. Bởi vì vấn đề phá thai dù có bị cấm hay không thì nó vẫn xảy ra trong mọi xã hội và trong mọi thời đại. Và khi phá thai bị ngăn cấm, những phụ nữ giàu sẽ tìm đến những nơi hợp pháp để thực hiện điều đó; còn những phụ nữ nghèo và thiếu hiểu biết sẽ gặp rắc rối lớn, và có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu họ thực hiện điều đó một cách lén lút (Ming Zhen Shakya, 1985, tr. 163).

Dưới đây là bài phê bình của Michael G. Barnhart về quan điểm chống phá thai của Damien Keown được đưa ra trong cuốn “Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học.”

* * *

Từ những nguồn tài liệu khác nhau, cho thấy rằng phá thai bị phản đối mạnh mẽ trong truyền thống Phật giáo. Nhưng đồng thời cũng cho thấy rằng phá thai không bị Phật giáo Nhật Bản phản đối, và được một số Phật tử hiện đại ở Mỹ chấp nhận trong một vài trường hợp ngoại lệ.[1] Những nguồn tài liệu đó hầu hết thường viện dẫn rằng ngăn cấm phá thai là của truyền thống Theravāda. Ngược lại, Phật giáo Nhật cũng như những truyền thống mà chúng có giải pháp khoan hòa hơn là thuộc những truyền thống về sau và là những truyền thống thuộc Phật giáo Đại thừa. Bề ngoài, vấn đề dường như không khác với trường hợp của Thiên chúa giáo La Mã, nơi phá thai cho dù bị phản đối bằng những lời lẽ gay gắt nhất bởi những người có thẩm quyền của Giáo hội cậy vào truyền thống Kinh thánh, tuy vậy lại được một số lớn con chiên ngoan đạo thực hiện, và ít nhất cũng được một số những nhà thần học và triết gia bênh vực, là có thể được chấp nhận trong một vài trường hợp.

Như vậy, nếu việc bênh vực phá thai của Thiên chúa giáo tạo nên sự quan tâm, thì việc bênh vực phá thai của Phật giáo cũng thật sự có ý nghĩa, một sự bênh vực được thực hiện bằng một sự hiểu biết đầy đủ mà một người đang bơi ngược lại xu hướng giải thích theo quy ước nhưng vẫn ở bên trong truyền thống. Nói cách khác, tôi không có ý bảo rằng Phật giáo cho phép thực hiện hay ủng hộ sự chọn lựa phá thai, hay quyền của một người khi thực hiện một sự chọn lựa như vậy, khi tôi chỉ ra rằng một sự chọn lựa như vậy có thể được thực hiện theo một phương cách phù hợp với những nguyên tắc Phật giáo. Chính Phật giáo, do đó cần phát biểu nhiều hơn nữa tiếng nói đạo đức về vấn đề này; và hơn nữa, bản chất của việc tranh luận đạo đức có thể có những hàm ý quan trọng cho những vấn đề khác ở trong tình huống tương tự, và mở rộng cơ sở lý thuyết cũng như những luận cứ đạo đức liên quan.

I. Một trong những trường hợp chống phá thai mạnh mẽ nhất theo một quan điểm Phật giáo đã thể hiện rõ nơi cuốn Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học của Damien Keown, một cuốn sách phân tích cực kỳ tỉ mỉ và sâu sắc về những nhánh đạo đức sinh học của Phật giáo.[2] Keown biện luận rằng sự nổi trội của truyền thống Phật giáo là cực lực chống phá thai. Ủng hộ điều này, ông thuyết minh hai tuyến luận cứ. Luận cứ thứ nhất dựa vào việc chống phá thai hầu như nhất quán, đặc biệt ở trong những bản kinh Theravāda, điều Keown xem như là cốt lõi của truyền thống Phật giáo. Ở đây tôi tin ông có luận cứ khá vững chắc mặc dù tôi không chắc lắm việc ông đề cập đến điều mà ông gọi là “trào lưu chính thống Phật giáo” và đồng thời nhấn mạnh vào “thẩm quyền kinh điển.”[3] Luận cứ thứ hai liên quan đến việc giải thích của ông về những nguồn kinh sách này và nối kết chúng với những giáo thuyết căn bản của Phật giáo: tính đồng nhất con người và các uẩn (skandhas), nghiệp và tái sanh, sống và chết.

Tôi thấy thảo luận của Keown về các nguồn kinh sách mà chúng liên quan trực tiếp đến vấn đề phá thai là khá thuyết phục. Ở trong Tam tạng (Pāli), hay ở trong những luận giải của Phật Âm (Buddhagosa), hoàn toàn rõ ràng rằng phá thai được xem là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, như Keown chỉ ra [tr. 92], các trường hợp đề cập đến những phụ nữ tìm kiếm phá thai vì những lý do gây tranh cãi, có lẽ do sự vị kỷ, bao gồm “giấu giếm những chuyện ngoại tình, ngăn chận quyền thừa kế, và sự kình địch trong gia đình giữa các bà vợ chung chồng.” Nói tóm lại, nếu đây là những trường hợp điển hình của việc phá thai, thì tình thế thiên mạnh sang chống lại việc thực hành phá thai. Keown nhận xét nơi phần phụ chú rằng Phật giáo chắc chắn đứng về phía một phụ nữ tìm kiếm sự phá thai để cứu lấy mạng sống của phụ nữ ấy. Tại sao Phật giáo tạo nên một sự ngoại lệ như vậy thì không rõ ràng, đặc biệt y cứ vào những trường hợp mà Keown đưa ra nhằm chống lại việc phá thai. Vì nếu phá thai luôn phạm Giới thứ nhất là không được tước đoạt mạng sống, đặc biệt đời sống phát triển cao về phương diện nghiệp là đời sống của một con người đang phát triển, vậy thì tại sao điều kiện nguy hiểm của người mẹ tạo nên một sự sai khác? Tại sao yêu thích mạng sống này hơn mạng sống khác?
Hẳn nhiên, người ta có thể biện luận rằng phá thai trong những trường hợp như vậy là một hình thức tự vệ. Sự thật Keown dường như thấy rằng sát hại ở trong việc tự vệ thì không phải là trường hợp tước đoạt mạng sống (lại được chỉ ra trong phần phụ lục). Nhưng việc mang thai và những nguy cơ kèm theo cho thấy một loại tình huống hoàn toàn khác với tình huống tự vệ. Trong trường hợp một bào thai, nếu mạng sống của người mẹ lâm nguy, thì không phải vì bào thai có cử chỉ đang tấn công người mẹ. Đúng ra, điều kiện y học của người mẹ khiến cho bà không thể mang một bào thai đến đúng kỳ sinh nở một cách an toàn. Cho dù chính điều kiện y học của bào thai gây nên nguy hiểm cho người mẹ, thì nó không hề giống với một sự tấn công vật lý. Bào thai không có trách nhiệm về điều kiện y học của nó và không hề cố ý làm hại mẹ nó. Do đó câu hỏi tại sao có những ngoại lệ đặc biệt như vậy đối với việc ngăn cấm chung về phá thai vẫn chưa được trả lời. Tương tự, nếu những ngoại lệ như vậy có thể thực hiện, thì tại sao không thực hiện chúng trong những trường hợp khác, những trường hợp có thể ít đe dọa nhưng vẫn còn nhiều nguy hiểm?

Nhưng cho dù việc ngăn cấm phá thai của Phật giáo nguyên thuỷ có hoàn toàn phù hợp hay không, sự thật rằng bằng chứng kinh điển là chống lại việc phá thai. Tuy nhiên, khi đi đến liên hệ việc kết tội phá thai với những suy xét sâu xa hơn của Phật giáo, thì tình huống trở nên kém thuyết phục và có thể tạo nên chỗ tựa trong truyền thống Theravāda cho một sự định giá khác về phá thai. Keown biện luận rằng Giới thứ nhất cấm tước đoạt mạng sống là một phần của việc tôn trọng sự sống, mà sự sống là một trong ba điều tốt cơ bản của Phật giáo: sự sống, trí tuệ và “tình hữu nghị.” Trong khi việc tôn trọng sự sống là không thể phủ nhận được, phá thai luôn phụ thuộc vào vấn đề rằng bào thai có thật sự là một mạng sống theo đúng nghĩa thích hợp hay không, và người ta có thể thách thức Phật giáo hay Keown về điểm này hay không. Tức là, như Keown giải thích hoàn toàn rõ ràng, mặc dù Phật giáo coi trọng sự sống, nhưng không xem tất cả mọi sự sống đều như nhau, và đời sống con người đang ở một giai đoạn phát triển cao về phương diện nghiệp là đặc biệt quan trọng. Bào thai ở mọi giai đoạn phát triển của nó dĩ nhiên là đang sống, nhưng rõ ràng nó không phải là một con người được công nhận ở mọi giai đoạn. Vì chỉ là một bào thai, nó tất nhiên thiếu nhiều thuộc tính mà người ta có thể gán cho nó là con người ngoại trừ hệ thống gene của nó. Do đó, trừ phi người ta khẳng định rằng một số chuỗi gene thật sự là cốt tuỷ của loài người chúng ta, thì người ta không thể nói rằng một cái trừng thụ tinh là một con người phát triển bởi vì nó chỉ là một cái trứng thụ tinh.

Nói cách khác, chúng ta cần có một lý thuyết về những gì cấu thành nên một con người, một đời sống con người, và do đó là một thứ xứng đáng được bảo vệ nhất. Điều này được Keown nỗ lực đưa ra thông qua việc thảo luận về học thuyết ngũ uẩn (skandha) truyền thống và những liên hệ của nó đối với những giai đoạn phát triển phôi thai khác nhau của con người. Với một vài ngoại lệ, điều mà tôi sẽ quay trở lại, Keown biện luận rằng một cái trứng được thụ tinh đã là một con người hoàn chỉnh bởi vì thức (viññāṇa), thành phần cốt tuỷ nhất cho một đời sống đã hiện hữu. Viññāṇa, thường được chuyển dịch là thức, tất nhiên chỉ là một trong năm thành phần (uẩn) của một chúng sanh. Bốn thành phần khác là: sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (suy nghĩ, tư duy), và hành (các trạng thái tâm).[4] Biện luận của Keown về việc xem viññāṇa như là uẩn cốt tuỷ nhất có lẽ được phát biểu rõ nhất trong thảo luận và bác bỏ của ông về khả năng tri giác như là tiêu chuẩn đạo đức căn bản cho việc tôn trọng một chúng sanh. Ông viết: “Thức (viññāṇa), uẩn thứ năm, là yếu tố cơ bản nhất. Tuy nhiên để định rõ viññāṇa, tiêu chuẩn căn cước đạo đức, thì chỉ nói rằng tất cả chúng sanh đều có căn cước đạo đức, bởi vì không thể tách viññāṇa ra khỏi khối thần kinh của một chúng sanh. Không thể nào chỉ ra viññāṇa mà không chỉ ra một sinh vật đang sống, cũng giống như không thể chỉ ra ‘hình thù’ mà không đề cập đến một đối tượng vật chất.”[5]

Tuy nhiên ông bổ sung, có lẽ không nhất quán: “Nói chung, vì không phải viññāṇa cũng không phải uẩn nào khác trong năm uẩn chính nó có thể bao hàm một cách đầy đủ bản chất của một chúng sanh, nên có lý do để nghi ngờ bất cứ quan điểm nào mà nó quả quyết xác định uẩn nào đó trong năm uẩn là phần cốt tuỷ ở nơi bản chất con người.” (Keown 36). Trước đó ông khẳng định rằng “mặc dù cảm thọ và tư tưởng định rõ cấu trúc kinh nghiệm, thì chính…viññāṇa cấu thành nên nó.”

Điều mà tôi hiểu Keown đang biện luận ở đây, rằng viññāṇa là yếu tố quan trọng nhất trong năm uẩn; và điều này ít nhất theo tôi, dường như phi Phật học nhất. Như chính ông chú thích và kinh điển Pāli lập đi lập lại, chính sự kết hợp cả năm uẩn mới cấu thành nên một chúng sanh. Vậy thì tại sao lại nhấn mạnh vào thức? Những lý do được trích dẫn ở trên, theo ý kiến của tôi, là không đứng vững. Rõ ràng rằng, không có thân thể, không có cảm giác, không có tâm hành (trong ý nghĩa của một nghiệp quá khứ), sẽ không có một chúng sanh, ít nhất chúng sanh đó là một con người. Tức là khi thiếu hình hài, cơ thể, có thể người ta có đủ tiêu chuẩn để làm một ngạ quỷ, nhưng các bản kinh Pāli nói rõ rằng “các uẩn” hình thành nên bản ngã một con người, hay ít nhất là ảo tưởng về một bản ngã. “Do đó, Đức Phật chỉ đặt xuống năm uẩn, bởi vì chính năm uẩn này có thể làm cơ sở cho ảo tưởng về một bản ngã hay bất cứ thứ gì liên quan đến một bản ngã.”[6] Do đó, nếu không có sự nối kết của năm uẩn, thì không có cái tưởng về bản ngã; và thêm nữa, do đó không có cơ sở cho điều mà Keown xem như là một cá nhân bản thể tách ra khỏi những đặc tính hiện tượng đa dạng của nó. Nói tóm lại, không thể tách bất cứ uẩn nào ra khỏi “tổng thể thần kinh của một chúng sanh.”

Do đó, xem Keown đã nói gì thêm qua thuật ngữ viññāṇa là thật sự quan trọng. Cách dịch có chọn lựa của ông rằng viññāṇa thực sự không phải là thức mà là tinh thần, điều mà nêu ra tôi nghĩ nếu không trái với tinh thần Phật học thì ít nhất cũng có những liên hệ và hàm ý phản Phật học. Keown loại bỏ việc chuyển dịch viññāṇa là thức theo truyền thống bởi vì “kinh nghiệm viññāṇa ở trong hình thức này [là thức] … thì chỉ là một trong nhiều cách thức của nó. Nó tốt hơn được hiểu như là đang đóng chức năng tại một mức độ sâu hơn và làm nền tảng cho tất cả những khả năng của một cơ thể” (Keown 25). Ông tiếp tục nhận xét rằng viññāṇa phần nào giống với khái niệm linh hồn trong Thiên chúa giáo có nguồn gốc từ Aristole, chính là “Yếu tố tinh thần trong con người mà nó cấu tạo, duy trì và kích hoạt các thành phần vật lý.” Điều này do đó trở thành lý lẽ bào chữa cho việc khẳng định rằng ‘tinh thần’ là một cách dịch hợp lý thuật ngữ viññāṇa.

Thuật ngữ gây nghi ngờ là “tinh thần”, và tôi không nghĩ nó là sai lạc khi đề cập đến viññāṇa ở trong một vài ngữ cảnh như là tinh thần của một con người. Viññāṇa là a-đê-en (DNA) tinh thần mà nó định ra một con người như là cá thể đang tồn tại (Keown 25).

Khá rối rắm, ông so sánh vai trò của viññāṇa với vai trò của dòng điện trong một chiếc máy tính để làm sáng tỏ loại duy linh đang hình thành mà ông có trong đầu. Một dòng điện chạy qua chiếc vi tính và sự hiện hiện diện vô hình của nó ở trong mỗi phần chức năng. Khi nguồn điện được nối, nhiều hoạt động phức tạp có thể xảy ra; khi nguồn điện bị cắt đi thì máy tính vẫn là một chiếc máy tính nhưng chỉ là một đống linh kiện vô dụng. Giống như dòng điện, viññāṇa trao cho cơ thể thực hiện chức năng của nó (Keown 27).

Lý do tôi thấy sự liên hệ này gây khó hiểu là ngoài sự “hiện diện vô hình”, thì điện cũng hiện diện hoàn toàn rõ ràng. Điện là một hiện tượng vật lý, không phải hiện tượng tinh thần. Và nếu viññāṇa phải được hiểu trên một kiểu thức như vậy, thì không chỉ nó không còn có tính cách tinh thần nữa mà cũng không còn thực hiện mục đích chức năng trong việc giải thích “Yếu tố tinh thần trong con người mà nó cấu tạo, duy trì và kích hoạt các thành phần vật lý.” Điện có thể giúp một chiếc máy tính hoạt động, nhưng nó không hề nhận thức được những thành phần vật lý của nó. Keown dường như đang nuôi dưỡng hai khái niệm viññāṇa phần nào khác nhau. Nó là cái có thực gần giống như linh hồn của Aristole mà nó đặc thù và cấu thành nên một cá nhân bản thể tiến lên cùng với chiếc thang nghiệp đi đến giác ngộ sau cùng. Cuối cùng, những gì tôi nhận thấy phi Phật học về một sự giải thích như vậy thì không phải là sự pha trộn hầu như đối chọi về những đặc tính tâm lý và vật lý, mà là mục đích mà sự lai ghép này bị buộc vào và mối liên hệ của nó với khái niệm linh hồn. Việc Keown có ý muốn thực hiện một sự nối kết như vậy là rất rõ ràng, đặc biệt khi ông nhận xét rằng viññāṇa do đó được hiểu như “là kẻ mang căn cước đạo đức của một con người; trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đời sống này và đời sống kế tiếp… [N]ó có thể được đề cập như là ‘tinh thần’. Một danh xưng thay thế cho viññāṇa trong trạng thái chuyển tiếp giữa các đời sống là gandhabba, mà nó được dịch là ‘thân trung ấm/trung hữu’” (Keown 26). Như vậy, viññāṇa được dành cho việc giải thích trách nhiệm đạo đức cá nhân ngang qua những giai đoạn khác nhau của kiếp sống, từ tái sanh đến Niết-bàn tối hậu.

Tuy nhiên, một sự giải thích về đời sống con người như vậy lại không phù hợp với việc phủ nhận bản ngã (atman) của Phật giáo. Thực ra, lối giải thích của Keown về viññāṇa giống với cách hiểu atman của Vedanta hơn. Ví dụ ở đoạn khác, ông biện luận rằng “căn cước đạo đức” mà ông đề cập thì không phải điều mà Locke xem như là “tính cách con người.” Khái niệm của Keown thì rõ ràng hơn nhiều, trong khi khái niệm của Locke với những đặc tính đi theo của nó về sự hợp lý và sự tự nhận thức là không thích hợp với nhân chủng học Phật giáo. Những đặc tính hay những khả năng như vậy phát triển tại những thời điểm khác nhau trong chu kỳ tiến hoá của một con người; do đó, nếu tất cả những giai đoạn của sự hiện hữu con người là quan trọng về mặt đạo đức bởi vì chúng tương tục về phương diện nghiệp, thế thì một cách hiểu bao quát về con người là cần đến để bình ổn tính toàn vẹn của một đời sống con người như được hiểu. Sức mạnh của khái niệm ngã nằm ở nơi cái nhìn siêu nghiệm của nó về một đời sống con người và ủng hộ một căn cước đạo đức mà nó vượt qua chuỗi mắt xích tái sanh. Nói tóm lại, ngã như được hiểu theo truyền thống chính xác thực hiện những chức năng này: duy trì căn cước đạo đức, trong khi đồng thời không làm thay đổi bất kỳ đặc tính đặc biệt nào của con người, bao gồm sự tự nhận thức cũng như tất cả những đặc tính con người nói chung. Nói cách khác, nếu Keown muốn tìm kiếm một sự chuyển dịch thuật ngữ viññāṇa khác với “thức”, thì thuật ngữ “linh hồn” dường như thích hợp hơn là “tinh thần”.

Tuy nhiên, nói cho chính xác thì một yếu tố hay thực thể như vậy là điều mà học thuyết ngũ uẩn của Phật giáo phủ nhận. Một cá nhân đúng nguyên nghĩa, theo như kinh sách nói, thì giống như một chiếc xe ngựa, không thật sự có. Nếu một chiếc xe ngựa có mặt, một Phật tử sẽ hỏi, “chiếc xe ngựa ấy chính xác ở đâu?”
“Thưa đại vương, nếu ngài đến bằng một chiếc xe ngựa, hãy nói với tôi về chiếc xe ngựa đó… Từ ‘chiếc xe ngựa’ thì không ngoài một ngữ ngôn, danh xưng, một cái tên cho tiện gọi bao gồm cọc xe, trục xe, bánh xe, thân xe.

Tương tự, Nagasena (Na Tiên) thì không ngoài cách gọi, ngữ ngôn, danh xưng, chỉ là cái tên chỉ cho tóc trên đầu, não, hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm tính và thức. Mà ở trong ý nghĩa tuyệt đối không có một cái Ngã được tìm thấy ở đây.”[7]

Nói cách khác, không có atman nào cả, và cũng có thể cho rằng, không có cá nhân bản thể nào cả. Thực tế, “nói cho đúng, khoảng thời gian đời sống của một chúng sanh cực kỳ ngắn, tồn tại chỉ khi một tư tưởng tồn tại.” [8] Những Phật tử, ngay cả những Phật tử Theravāda thời xưa, có thể sống rất an ổn mà không thấy có bất cứ thứ gì có thể làm trở ngại tiến trình hiện hữu, tiến trình luân hồi của họ, và cũng không cần đưa ra “căn cước đạo đức,” sự tương tục bản thể, hay a-đê-en (DNA) tinh thần để giải thích tình trạng hiện hữu của họ. Câu hỏi tiếp theo là viññāṇa hay bất cứ đặc tính nào đó có cần tồn tại để giải thích tính cách con người, hay để giải thích sự tái sanh và nghiệp hay không. Keown dường như nhận thấy rằng một cách hợp lý phải có một điều gì đó và viññāṇa là ứng cử viên tốt nhất.

Giả định rằng chúng ta hiểu tái sanh không phải là sự tái sanh của một con người nào đó mà chỉ là một tiến trình hay một chuỗi tiếp nối. Thì theo cách nhìn này, tất cả mọi hoạt động hay sự kiện chia sẽ một vài hình thức nối kết tuỳ thuộc (paṭiccasamuppāda/duyên sinh). Do đó, tất cả những hành động và sự kiện mà chúng xảy ra bây giờ chia sẻ những sự nối kết bản chất với các hành động và sự kiện trong quá khứ và trong tương lai cùng với một vài yếu tố tự nhiên.

Trong trường hợp con người, những yếu tố này tương ứng với các uẩn. Sắc, thọ .v.v… tất cả biểu hiện những loại tuỳ thuộc khác nhau giữa hiện tượng giới. Bởi vì không có ngã, linh hồn hay cái tôi, chúng ta có thể nhìn vào tiến trình này theo hai cách khác nhau tương ứng với sự khác nhau giữa giác ngộ và vô minh. Một mặt, chúng ta có thể nhìn vào tiến trình như là một tiến trình hoàn toàn rỗng nơi không có thứ gì thực sự xảy ra, hoàn toàn không thủ chấp và do đó thoát khỏi sự trói buộc của tham dục hay sự tham đắm đời sống, và quan trọng hơn, thoát khỏi những mối lo âu về cái chết. Điều này biểu thị con đường giác ngộ mà nó không nghĩ đến việc đầu thai bởi vì không có thứ gì tái sanh cả. Vì thế, Đức Phật khẳng định, cái chết này là cuối cùng của Ngài. Hay, chúng ta có thể nhìn vào tiến trình từ niềm tin rằng một sự vật có sự kéo dài tương tục. Từ quan điểm này, có sự tái sanh như là sự đầu thai, trông mong vào những đời sống tương lai, sự tồn tại của những đời sống quá khứ, và vân vân. Tất yếu chúng ta phải giải thích tiến trình như là lý lịch của một con người, do vì sự tưởng tượng về một bản ngã trở nên cần thiết. Chính điều cuối cùng này nó khiến ta vin vào những khái niệm tương tự với khái niệm của Aristole, như linh hồn, tinh thần hay “a-đê-en tinh thần.”

Sự thực, Keown biết những vấn đề này và biện luận tại nhiều điểm rằng viññāṇa không thật sự là một linh hồn, không phải là một “chủ thể kinh nghiệm” (Keown 26). Ông nói một cách hùng hồn: “Phật giáo không đặt nền tảng đạo đức học của mình nơi một linh hồn hay bản ngã siêu hình, và không cho rằng có bất cứ điều nào như vậy tồn tại. Theo Phật giáo, năm uẩn là những thứ còn lại khi “linh hồn” bị tách ra.” (Keown 28).
Một điều mà tôi muốn nói thêm, là tại sao chúng ta cần phải nói về “a-đê-en tinh thần” hay “căn cước đạo đức” để tạo nên ý nghĩa Phật giáo? Các uẩn này chính chúng dường như cũng dễ bị đặt định và hoàn toàn mâu thuẩn với khái niệm vô ngã. Nói cách khác, tôi sẽ biện luận rằng, giống như tất cả những uẩn khác (sắc, thọ, tưởng, hành), thức (viññāṇa) cũng không tồn tại, không vượt ra khỏi hay hiện diện mãi trong đời sống. Không có uẩn nào trong các uẩn tồn tại bất biến, và đây là điểm cốt tuỷ của học thuyết vô ngã. Do đó tôi không xem viññāṇa ở trong trạng thái tương tiếp với một thứ nào đó, lại càng không phải là gandhabba (thân trung ấm), đơn giản bởi vì nó không tương tiếp.[9]

Keown nói nhiều về vai trò cốt tuỷ của gandhabba ở trong tiến trình thụ thai như được mô tả trong nhiều nguồn kinh Phật khác nhau. Giải thích về sự chuyển tiếp của một thực thể trung gian cùng lúc với những điều kiện sinh học tại thời điểm thụ thai là đưa ra điều trông rất giống với sự giải thích về việc tạo linh hồn. Điều như vậy do đó biện hộ cho khẳng định của Keown rằng, đối với những Phật tử “nơi đa số các trường hợp, đời sống cá nhân được tạo ra qua sự sinh sản hữu tính và bắt đầu nơi sự thụ thai” (Keown 91).[10] Do đó, phá thai là phi đạo đức bởi vì nó tước đi mạng sống và phạm vào Giới thứ nhất là không được sát sanh.

Dưới dạng một biện hộ của Phật giáo về phá thai, khó khăn chính đối với phép phân tích của Keown là liên quan đến cách hiểu của ông về quan điểm sự sống của Phật giáo mà nó gộp phá thai dưới tiêu đề chung là giết người cố ý. Dựa vào hiểu biết của mình về học thuyết vô ngã (anatta), tôi thấy không có lý do để tán thành cách hiểu của Keown về đời sống con người theo quan điểm Phật giáo. Đối với Keown, về mặt sinh học, sinh mạng con người là có ý nghĩa quy phạm bởi vì nó sống được nhờ gandhabba do đời trước truyền lại, như vậy cần thiết xem nó như là một cá nhân về phương diện bản thể.

Một đời sống con người, trong ý nghĩa đạo đức, bắt đầu một cách rõ ràng khi tất cả các uẩn cùng có mặt, và đức Phật cũng như kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ đã giải thích nhiều về chính xác khi nào một điều kiện như vậy xảy ra trong tiến trình phát triển phôi thai. Tôi ngờ rằng hầu như sự nhiệt tình của Keown dành cho việc giải thích của ông xuất phát từ những thứ tương tự sẵn có mà chúng có thể được rút ra từ truyền thống luật tự nhiên của Thiên chúa giáo La Mã và Phật giáo nếu viññāṇa của con người đồng nhất với linh hồn – khi gandhabba xuất hiện bên trong tiến trình phát triển.[11] Tuy nhiên, một sự giả định như quy cho Phật giáo một hình thức tạo linh hồn là điều rất cần phải tránh.

Nếu thức không hề song hành với tiến trình nghiệp từ cá nhân đến cá nhân và thậm chí có thể là hoàn toàn tạm thời bên trong bối cảnh một đời sống cá nhân, thế thì (1) tôi thấy không có lý do để giải thích viññāṇa là thứ gì đó khác với thức hay điều tương đương như vậy, và (2) Phật giáo không cần bắt viññāṇa phải có mặt tại thời điểm cụ thể nào đó trong tiến trình phát triển phôi thai. Tức là, viññāṇa hay thức có mặt mỗi khi con người nói theo thông thường là có mặt. Sự thật, chúng ta nói chung xem thức có mặt chỉ khi, một cách tối thiểu, não bộ phát triển và có thể là sau đó.[12] Như vậy, cho dù một Phật tử cho rằng thức làm nền tảng cho tâm và thân, khiến mọi chúng sanh đều xứng đáng quan tâm đạo đức, thì không rõ một điều như vậy đã xảy ra lần đầu tiên chính xác khi nào.

Thêm nữa, cho dù các nguồn kinh sách xác định thời điểm như vậy có mặt sớm trong tiến trình thụ thai, một Phật tử có thể vẫn đặt nghi vấn về thời điểm được chỉ định ấy chính yếu bởi vì, như tôi đã biện luận, Phật giáo thiếu một lý thuyết bao quát hay một học thuyết có tầm mức sâu mà nó quy định sự hiện diện của thức hay một thực thể trung gian tại bất cứ thời điểm cụ thể nào đó trong tiến trình sinh học của sự phát triển con người.
Sự thật, Keown thừa nhận rằng một Phật tử có thể giữ quan điểm ở trên vì Đức Phật đã xác nhận có vô số điều kiện bao phủ lên sự phát triển một cá thể, một số hoàn toàn thuộc về sinh học. Tức là, ngay cả dựa trên sự phân tích của Keown, Phật giáo về truyền thống tách cơ sở sinh học dành cho sự sống ra khỏi chính đời sống cá nhân. Như vậy, một cái trứng thụ tinh thì người ta có thể cho rằng đó là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ cho một đời sống mới. Tất yếu, người ta cần đến sự hiện diện bổ sung của đầy đủ các uẩn bao gồm viññāṇa để hoàn thiện sự phát triển đời sống con người.

Vai trò của thức được Keown biện luận bằng đoạn kinh “nếu thức bị ‘nhổ’ ra khỏi một người mới sinh, thì sự trưởng thành và phát triển bình thường không thể tiếp tục” (Keown 81). Một cách bất ngờ, sự khẳng định này cũng hình thành cơ sở cho quan điểm của Keown rằng những bệnh nhân ở trong trạng thái sống thực vật thì vẫn là những con người cần được bảo vệ đạo đức và không nên đối xử như là người chết, như được thừa nhận bởi một số người tán thành về một định nghĩa cái chết thần kinh não. Tức là, sự tồn tại sinh học tương tục và ổn định của họ (một số người có thể sống vài thập kỷ) chứng minh sự hiện diện của viññāṇa và do đó là đời sống con người.

Tuy nhiên, một Phật tử tự do có thể khẳng định rằng, trong khi việc đánh mất viññāṇa có thể cắt đứt sự trưởng thành và phát triển, thì viññāṇa được phát triển không nhất thiết ảnh hưởng đến sự phát triển cơ sở sinh học của một đời sống cá nhân. Sự thực, chúng ta có thể biện luận rằng (1) bởi vì sự “nhổ tận” thức ra khỏi người đang mang nó thường liên quan đến thương tích vật lý, dĩ nhiên chúng ta sẽ nghĩ rằng sự trưởng thành và phát triển chấm dứt; hay (2) cho dù viññāṇa là cốt tuỷ cho sự sống của một con người và sự biến mất của nó báo hiệu sự kết thúc của con người, thì không phải rằng chính cái nền sinh học và sự trưởng thành cũng như phát triển của nó báo hiệu sự hiện diện tất yếu của viññāṇa.[13] Tức là, không phải viññāṇa là cốt tuỷ đối với sự sống của cơ thể sinh học. Đặc biệt nếu, như Keown đề xuất, Phật giáo chấp nhận sự hiện diện của nền tảng đời sống vật lý không có sự hiện diện của gandhabba, thế thì tôi không thấy cách Phật giáo có thể bác bỏ khả năng về một sự hiện hữu được kéo dài hơn của cơ sở vật lý đó mà không cần viññāṇa như thế nào. Nền tảng đời sống sinh học có thể được giải thích hữu cơ ở trong hình thức của một cơ thể có chức năng, nhưng điều ấy bản thân nó không phải là một đời sống cá nhân. Tôi thấy không có cơ sở thuyết phục được dựa trên những nguyên tắc Phật giáo nối khớp với những kinh điển nguyên thuỷ, tuyệt đối cần đến quan điểm chống phá thai triệt để dựa trên lý luận rằng ‘đời sống cá nhân bắt đầu tại lúc thụ thai.’

Tôi chấp nhận rằng kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ phần nào có khuynh hướng chống phá thai. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, tôi không chắc nền tảng là ở đó chính yếu bởi không có một học thuyết về sự tạo nên linh hồn. Hơn nữa, cho phép những Phật tử hiện đại đối diện với những vấn đề y học khó hiểu của ngày hôm nay, tôi hoàn toàn không biết chắc giáo lý đã luận ra như thế nào. Ví dụ, việc sinh ra thiếu một phần não, trạng thái sống thực vật và những điều kiện hôn mê khác, mà ở đó những bệnh nhân tồn tại chỉ ở trong một ý nghĩa nhỏ nhất và dựa vào sự trợ sống; chưa tính đến sự phẩu thuật cấy ghép, sự tiến bộ trong di truyền học con người, và vân vân, mà chúng chắc chắn đặt ra một sự thách thức đối với những cách hiểu truyền thống về cơ thể con người. Nhiều trong số những trường hợp này, theo suy nghĩ của tôi, hoàn toàn bị Keown (hay cách chuyển dịch Phật giáo của ông) gạt phăng. Khẳng định rằng những bệnh nhân đang sống trong trạng thái thực vật là vẫn hoàn toàn còn sống[14] thì không đánh giá đúng những phức tạp của các ca bệnh hay của Phật giáo, mà cả hai cho thấy rằng ‘đời sống’ là một hiện tượng ‘duyên sinh’ phức tạp vô cùng.[15]

II. Nếu chúng ta giữ cách dịch/giải thích truyền thống về viññāṇa như là thức, phủ nhận bất kỳ thứ linh hồn, tinh thần, ngã hay cái tôi nào như là hạt nhân tồn tại của con người, hoặc là hạt nhân cho chu kỳ của nhiều kiếp sống hay cho một kiếp sống cá nhân duy nhất, thì chúng ta thấy không có cớ gì, dù là một Phật tử Theravāda, không thể chọn một quan điểm xã hội phóng khoáng hơn đối với vấn đề phá thai cũng như một loạt những vấn đề y sinh khác. Điều này không phải để nói rằng phá thai là một vấn đề kém quan trọng, mà quan điểm ở đây là việc thiếu tôn trọng đời sống hiện tại cần được giảm bớt. Tất nhiên, bởi vì phá thai làm tổn hại đời sống tương lai, nên nó vẫn là một vấn đề hệ trọng về mặt đạo đức, nhưng như vậy chính nó không phạm Giới thứ nhất. Đúng hơn, chừng nào mà thức chưa được nghĩ là có mặt, thì chúng ta đối diện với nền tảng vật chất của một đời sống, chứ không phải là đời sống của một con người.

Theo nhiều cách, lối giải thích quan điểm Phật giáo này sẽ phản ánh điều mà nhà nghiên cứu luân lý sinh vật Bonnie Steinbock gọi là “quan niệm vị lợi”. Theo quan niệm vị lợi, phôi thai và bào thai tiền ý thức thiếu vắng trạng thái đạo đức, cho dù rằng chúng có khả năng trở thành con người…. Sự thật rằng một thực thể sống có khả năng phát triển thành một con người, thì không có nghĩa rằng nó có bất kỳ sự lợi ích nào khi thực hiện điều như vậy. Và vì không có sự lợi ích, một thực thể sống có thể không có đòi hỏi sự chú ý và quan tâm đạo đức của chúng ta.[16]

Tuy nhiên, Steinbock tiếp tục biện luận rằng khả năng con người của chúng ta tạo nên một sự khác biệt đạo đức liên quan đến những sinh vật sống vị lợi. Như vậy, theo quan điểm của bà, một đứa bé được xem là cao quý hơn một con tinh tinh cho dù con tinh tinh được phát triển đầy đủ, trên cơ sở rằng những con tinh tinh không phải là những con người có đạo đức trong bất kỳ ý nghĩa thích đáng nào.[17]

Điều tương tự đối với Phật giáo khi nó nhấn mạnh vào vai trò của thức hay điều đôi khi được gọi là “khả năng phát triển dành cho thức,”[18] như Keown không mệt mõi chỉ ra, là sự có mặt của viññāṇa là then chốt đối với tình trạng hiện hữu của con người. Nếu viññāṇa là thức và làm nền tảng mà trên đó tâm và thân kết hợp, thì sự hiện diện của viññāṇa báo hiệu một giai đoạn có ý nghĩa về phương diện nghiệp, giai đoạn của một đời sống cá nhân mà sự giải thoát hoặc tái sanh là hai khả năng biểu thị sự thắng lợi hay thất bại đạo đức. Như vậy, theo quan điểm Phật giáo, đời sống con người bao gồm một thân thân thể vật lý và những khả năng vận động cảm giác khác nhau, kết hợp với tâm hay trí năng, tất cả đang giỡn đùa một quá khứ có điều kiện nghiệp, điều đó luôn ở trong ngữ cảnh; những cá nhân không hề có sự hiện hữu không có ngữ cảnh. Thức thực sự là nền tảng của tâm và thân.

Thân thể chính nó không phải là tâm, và không có dấu vết chủ nghĩa vật lý hay giản hoả luận trong việc hiểu bản chất con người này. Tuy nhiên, tâm thì luôn luôn sinh diệt; tâm được đồng nhất với những suy nghĩ và những suy nghĩ này thì thoáng qua. Dòng tâm thức, chúng ta có thể nói, là một dòng sông của Heraclite, không bao giờ giống nhau ở hai thời điểm. Thức là khả năng được phát triển cho một dòng chảy như vậy ở trong ngữ cảnh vật lý. Nhưng có phải điều này có nghĩa rằng thức, dòng suy nghĩ tâm thức, sự phức cảm vận động giác quan, hay ngữ cảnh nghiệp của chúng ta chính chúng là cá thể tồn tại? Đúng ra, đến khi những yếu tố như vậy cùng sanh khởi, chúng ta có một con người, và sự vắng mặt vĩnh viễn của một uẩn nào đó là sự mất đi một con người. Rõ ràng, nhìn qua thấy có sự hợp lý trong việc khẳng định rằng không có thân thể chúng ta không thể tồn tại; không có thức chúng ta không thể tồn tại; không có tâm chúng ta không thể tồn tại. Nhưng tất cả chúng hợp lại không tạo ra một điều khác mà chúng ta gọi đó là con người mà nó tồn tại tách rời những đặc tính này, cũng không phải điều mà nó tiếp tục sau đó hay đã tồn tại trước đó. Do đó, nói cho chính xác, mỗi và mọi người chúng ta là vô ngã, mặc dù chúng ta vẫn giữ “căn cước đạo đức” và vì vậy phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.

Phương cách duy nhất trình bày một câu trả lời phần nào có thể chấp nhận được đối với câu hỏi khi nào thì đời sống bắt đầu và khi nào nó kết thúc chắc chắn cần thông qua tiến trình loại suy. Chúng ta có thể nói rằng mỗi chúng ta là một thực thể sống, một thực thể có ý nghĩa đạo đức. Câu hỏi biến thành là chúng ta giống những người khác bao nhiêu. Trong cùng hoàn cảnh, chúng ta xem họ như thế nào? Một bào thai có cấu thành một chúng sanh có ý nghĩa đạo đức hay không? Câu trả lời tuỳ thuộc vào việc chúng ta giống với bào thai cụ thể là bao nhiêu. Chắc chắn, một bào thai thời kỳ cuối thì hiển nhiên không phải là một bào thai ở thời điểm mới bắt đầu.

Phá thai là một vấn đề của lương tâm, và những câu hỏi thích hợp cần nghĩ đến khi suy tính phá thai có thể như sau: Những gì tôi đang tìm cách đạt lấy? Tại sao tôi đang có hay không có đứa trẻ này? Loại đời sống nào thì thích hợp với đứa trẻ này? Làm cách nào tôi cảm nhận về đời sống này, sự sống mới này? Loại khổ đau nào liên quan đến đời sống hay việc phá thai? Tóm lại, tất cả những câu hỏi điển hình mà chúng ta đặt ra là để suy ngẫm khi đối mặt với sự mang thai ngoài ý muốn.

Tất nhiên, là những Phật tử, chúng ta sẽ chấp nhập kết luận rằng một bào thai là một “đời sống”. Dù với bất cứ tình huống gì mà chúng khiến cho việc phá thai trở nên cần thiết, chúng ta không thể biện minh cho việc làm đó. Nhưng đối với chúng ta, không chỉ những bào thai, mà tất cả những hình thức sống khác đều đáng được kính trọng. Chúng ta không thể biến chúng thành những tài sản riêng của chúng ta. Thú vật hay thậm chí lúa gạo cũng đều chia phần sống thiêng liêng. Tuy nhiên, chừng nào mà chúng ta vẫn còn sống thì tất yếu chúng ta còn tiếp tục “tước đoạt” mạng sống của những loài sống khác nhau như vậy. Thậm chí trong bối cảnh cố gắng điều chỉnh những mâu thuẩn và bất bình đẳng nơi xã hội, chúng ta đôi khi phải đánh mất thân thể của mình mà nó là nguồn sống của những đứa trẻ. Giới nữ cần đưa ra điều này như là một trong những vấn đề xã hội, nhưng đồng thời cần phải biết rằng đời sống của con người là đủ thứ vấn đề mà nó không thể quét vôi trắng lên hết được. Đời sống đủ các vết thương và việc làm tổn thương. Ở Nhật, tuy nhiên, luôn có mối đe doạ của tôn giáo thiếu suy xét. Cũng có nhiều phong trào chống hiện đại, và chúng bị làm cho rối tung lên với việc trỗi dậy sự quan tâm về linh hồn người chết.[19]

Tất nhiên, hẳn có tranh luận rằng cách thức xem xét vấn đề như thế này về cơ bản là rời rạc. Chúng ta hoặc cố ý tước đoạt mạng sống hoặc không cố ý, và nếu chúng ta cố ý, thì chúng ta phạm vào Giới thứ nhất của Phật giáo. Câu trả lời mà một Phật tử có thể phát biểu, chẳng hạn như của Ochiai Seiko, “Vâng, chúng ta cần luôn tránh huỷ diệt một đời sống, cho dù đời sống đó vô nghĩa thế nào đi chăng nữa.” Nhưng ‘đời sống’ là một từ đa nghĩa, và việc diệt tiêu một hình thức sống trong việc phục vụ những đời sống khác là tất nhiên bị ngăn cấm trong Phật giáo. Và nếu mục đích của chúng ta không phải kết liễu một đời sống mà để cứu lấy những đời sống khác, thì chúng ta không đề cập đến trường hợp duy nhất là việc cố ý sát hại. Nói cách khác, hành động từ bi sẽ luôn bao hàm việc cân nhắc đầy đủ những điều kiện mà chúng ảnh hưởng đến một tình huống hay hành động. Về quan điểm này, giá trị của Giới thứ nhất là để ngăn cấm việc giết người cố ý mà ở đó mục đích rõ ràng là chấm dứt mạng sống của một con người. Một hành động như vậy không bao giờ có thể là môt hành động từ bi theo cách nhìn Phật giáo.

Tuy nhiên, ở trong những tình huống nan giải như vậy, nơi mâu thuẩn lợi ích là rõ ràng liên quan, người ta sẽ cân nhắc về những vấn đề liên quan đến tình trạng và bản chất của đời sống. Nếu chúng ta nói về các đời sống và những quyền lợi của người mẹ và bào thai, các bào thai và gia đình, hay các bào thai và những cộng đồng (chẳng hạn như ở vào thời điểm đói kém), thì chúng ta trực tiếp bị đối mặt với vấn đề thế đứng đạo đức liên quan đến những loại đời sống khác nhau. Những gì tôi đã biện luận ở đây là rằng bởi vì Phật giáo chấp nhận một sự khác biệt giữa cơ sở sinh học của đời sống và những khía cạnh nhận thức cũng như cảm xúc cao hơn của nó, và nhấn mạnh rằng đời sống một con người cần đến sự nối kết của tất cả những khía cạnh như vậy, nên không người Phật tử nào đánh đồng một bào thai có linh cảm với một con người có tri giác.

Tóm lại, mặc dù Phật giáo khuyến khích hành động từ bi, câu hỏi về từ bi là gì ở trong trường hợp của một phụ nữ mang thai ngoài ý muốn không thể trả lời một cách độc đoán bằng những lời tuyên bố siêu hình về đời sống bắt đầu khi nào. Như vậy, vẫn chấp nhận Phật giáo Theravāda, nhưng chúng ta không cần tuân theo việc chống phá thai triệt để của Keown./.

Michael G. Barnhart - Nguyên Hiệp dịch

Chú thích:
* Giáo sư giảng dạy tại Goldsmiths College, University of London, nghiên cứu Phật học và viết nhiều sách báo về Phật giáo, chủ yếu Phật giáo Theravada. Một vài tác phẩm quan trọng: The Nature of Buddhist Ethics (1992); Buddhism & Bioethics (1995); Buddhism, A Very Short Introduction (1996)…

** Giáo sư giảng dạy tại Kingsborough Community College, The City University of New York, nghiên cứu Phật học, khuynh hướng nghiêng về Phật giáo Đại thừa. Tác phẩm xuất bản: Śūnyatā, Textualism, and Incommensurability (1994); Ideas of Nature in an Asian Context (1997); Reinventing the Wheel: A Buddhist Response to the Information Age (Review) (2001)…

1. Ví dụ, Philip Kapleau hay Robert Aitken mà Ken Jones đã đề cập trong The Social Face of Buddhism (London: Wisdom Publications, 1989). Về quan điểm của Phật giáo Nhật đối với vấn đề phá thai xin xem Liquid Life: Abortion and Buddhism and Japan của William R. LaFleur, (Princeton: Princeton University Press, 1992).

2. Damien Keown, Buddhism and Bioethics (London: Macmillan, 1995).

3. Xem Keown, trang xiv-xv, ở đó ông đưa ra một sự biện hộ cho phương pháp giải thích của ông về Phật giáo. Trong khi rõ ràng không có gì sai với nỗ lực tìm kiếm nền tảng kinh sách của một tôn giáo truyền thống, thì cho thấy (Keown) có chiều hướng là đề cao quá mức Phật giáo Theravāda, bộ phái có khuynh hướng thiên về văn bản và kinh sách hơn Phật giáo Mahāyāna, nơi chúng ta thấy không bám sát vào kinh điển, chẳng hạn như truyền thống Thiền. Vì Phật giáo Đại thừa bao gồm cả hai truyền thống cổ đại lẫn hiện đại, phương pháp của Keown phần nào làm suy yếu khẳng định của ông là chính thức phát biểu cho các Phật tử nói chung.

4. Trong tuyển tập Milindapañha, “There Is No Ego”, như được Henry Clarke Warren dịch trong Buddhism, In Translations (New York: Atheneum, 1974; originally Harvard University Press, 1896), tr. 133.

5. Tất nhiên, điều này không loại trừ khả năng rằng có thể có những hữu tình, có thể không phải là những loài “sống” theo ý nghĩa đầy đủ, chúng thiếu viññāṇa. Cốt lõi việc khẳng định của Keown ở đây đơn giản là rằng nếu người ta có viññāṇa, thì người ta đang sống; điều này không cho ta biết bất cứ thứ gì về trường hợp mà ở đó người ta thiếu viññāṇa. Sự thực, tôi biện luận thêm rằng, chính khả năng như vậy mà việc thực hiện việc phá thai và có lẽ một vài hình thức giúp chết không đau có thể được chấp nhận theo quan điểm Phật giáo.

6. Visuddhi-Magga, Chương xiv, bản dịch tiếng Anh của Warren, tr. 157.

7. Milindapañha, tr. 131-133.

8. Milindapañha, Warren dịch, tr. 234-8. Vấn đề nêu lên trong đoạn văn này là bằng cách nào “tái sanh xảy ra mà không hề có bất cứ sự đầu thai nào.” Câu trả lời về cơ bản là rằng không có thứ gì tương tục từ đời sống này sang đời sống khác, tuy nhiên những đời sống có thể được nối kết nhân quả với nhau “để con người không trốn khỏi nghiếp xấu của mình.” Tức là, dù bạn chết, thì không có nghĩa rằng bạn không không chịu trách nhiệm đối với những hành vi của bạn và những kết quả tương lai của bạn. Nghiệp là có thực cho dù sự hiện hữu cá nhân của một người là vốn giới hạn...

9. So sánh với thảo luận của Gogen ở trong tập sách xuất bản nhiều kỳ Shobogenzo Genjonkoan, ở đó ông nói về củi, ví dụ, “chúng ta không nên giữ quan điểm rằng nó là tro về sau và củi trước đó” (Norman Waddell and Masao Abe, "Shobogenzo Genjokoan," The Eastern Buddhist 5 (October 1972), tr. 129-140). Với Dogen, đây là bản chất của tất cả mọi tiến trình: không một ai cần đến một yếu tố tồn tại và biến đổi để cột chặt tiến trình thành một tổng thể. Một quan điểm như vậy tương phản sâu sắc với miêu tả của Keown về thức như là “bao hàm sinh động bên trong tất cả mọi kinh nghiệm cho dù là vật lý hay trí năng” (Keown 26).

10. Mặc dù ông nhường chỗ cho những trường hợp nơi sự thụ thai xảy ra nhưng không có sự truyền thừa thực thể trung gian, ví dụ trong trường hợp sự hình thành song tinh.

11. Keown cho biết ở đầu cuốn sách, mục đích của ông là để phác thảo và khai triển những điểm giống nhau như vậy, biện luận rằng Phật giáo chính nó là một phương pháp luật tự nhiên về đạo đức học. Xem xi-xī trong phần giới thiệu.

12. Keown xét đến một luận điểm phần nào tương tự với luận điểm mà Louis van Loon đưa ra, xem Keown, 143-144. Van Loon ủng hộ một định nghĩa về cái chết “não bậc cao”, như vậy đánh đồng đời sống một con người với đời sống của bản ngã có ý chí. Keown bác bỏ điều này xem như là không đích thực Phật giáo, biện luận rằng tác ý (cetana) là một chức năng tâm cao hơn viññāṇa và vì vậy có thể vắng mặt dù có sự hiện diện của thức. Tôi cũng phản bác quan điểm của Van Loon là ý chí và thức là giống nhau, thức thì thiết yếu hơn ý chí, do vậy người ta có thể có thức mà không có ý chí.

13. Điều này song song với nỗ lực xác định sự bắt đầu đời sống bằng việc đề cập đến cái chết não. Dù là sự chấm dứt một vài mức độ hoạt động não báo hiệu cái chết, thì không phải sự hiện diện của nó bao hiệu sự sống? Do đó, chúng ta có một tiêu chuẩn không độc đoán đối với vấn đề khi nào đời sống bắt đầu. Vấn đề đối với luận điểm này là rằng hoạt động não chỉ là một điều kiện cần nhưng không phải là một điều kiện đủ đối với đời sống. Xem Baruch Brody, Abortion and the Sanctity of Life (Cambridge, MA: The MIT Press, 1975) và sự bác bỏ của Bonnie Steinbock trong Life Before Birth: The Moral and Legal Status of Embryos and Fetuses (Oxford: Oxford University Press, 1992). Điều này cũng xuất hiện nơi một giải thích vắn tắt trong Ethical Issues in Modern Medicine của John D. Arras và Bonnie Steinbock, ấn bản lần thứ 4. (Mountain View, CA: Mayfield Publishing Company, 1995), tr. 329-43.

14. Keown, tr. 158-68.

15. Đây có thể là điều nguy hiểm khi đi đến xem xét những ca bệnh thay vì những nguyên tắc trong kinh điển thời kỳ đầu để trình bày một quan điểm Phật giáo.

16. Xem Steinbock, trong Steinbock and Arras, tr. 337.

17. Chính Keown làm nổi bật điểm này trong sự phân tích của mình về một trật tự đời sống theo thứ bậc trong Phật giáo. Keown biện luận rằng khả năng để đạt Niết-bàn và giác ngộ là tiêu chuẩn thích đáng. Bởi vì về phương diện này con người vượt xa muông thú, nên đời sống của họ thì hoàn toàn có giá trị lớn hơn. Xem Keown, “Karmic Life,” 46-48.

18. Qua “khả năng được phát triển dành cho thức”, tôi muốn nói khả năng dành cho thức, tất nhiên, điều chúng ta có ngay cả khi ngủ, hoặc khi bất tỉnh.

19. Xem LaFleur, 169 – 170. Mặc dù Phật giáo Nhật là Phật giáo Đại thừa, và Keown đã chỉ ra nhiều sự khác nhau giữa Phật giáo Nhật và những hình thức Phật giáo khác ở châu Á, thì những quan điểm được thể hiện trong đoạn văn này không công khai chống lại bất cứ điều gì của Đại thừa hay Nhật Bản. Những nguyên tắc được trình bày nói chung là rất Phật giáo.

Nạn nạo phá thai dưới góc nhìn Phật giáo

Nạn nạo phá thai dưới góc nhìn Phật giáo

Vấn đề một bộ phận không nhỏ nam nữ yêu đương và có quan hệ trước hôn nhân, hiện không còn xa lạ với mọi người trong xã hội ngày nay, nhất là với giới trẻ. Theo các thống kê cho biết, số lượng các ca nạo phá thai ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn là có không ít ca ở tuổi vị thành niên đã để lại nhiều hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm lý, học tập… cho người nạo phá thai. 


Quan điểm của Phật giáo về vấn đề nạo phá thai, trước hết, đạo Phật là đạo từ bi, luôn tôn trọng sự sống và bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đạo Phật không phản đối các biện pháp hạn chế sinh đẻ bằng cách ngừa thai nhưng không ủng hộ việc phá thai. Bởi lẽ bào thai là một mầm sống, là sinh mạng, do đó cần được bảo vệ. Phật giáo quan niệm sự sống hay sinh mạng có mặt khi mới bắt đầu thụ thai.

Đức Dalai Lama, khi trả lời về vấn đề này cho các nhà khoa học phương Tây đã khẳng định:“Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người” (Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. tr.11).

Theo giáo lý đạo Phật, hành vi phạm giới sát sanh phải hội đủ năm điều kiện, đó là: Một chúng sanh/ Ý thức hay biết đó là một chúng sanh/ Có ý định giết hại/ Tìm mọi cách để giết/ Kết quả là chúng sanh ấy bị chết. Cứ theo những điều kiện trên thì một bà mẹ (Phật tử) đi phá thai là phạm giới, mắc tội lỗi rất lớn.

Quan niệm của đạo Phật về sát sinh

Theo giáo lý của đức Phật, để cấu thành nên một hành động sát sinh, phải có sự hiện diện của 5 điều kiện sau:

- Đối tượng bị giết phải là một chúng sinh.

- Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.
 
- Người sát sinh có tác ý giết chúng sinh đó.
 
- Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết.
 
- Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.
 
Ở đây, đơn cử một thí dụ về sự nạo phá thai đã cấu thành nên một hành động giết như thế nào:
 
- Khi thai nhi đã tượng hình, một chúng sinh đã được tạo ra. Điều này thỏa mãn điều kiện thứ nhất. Mặc dù Phật tử tin rằng, chúng sinh sống trôi lăn trong vòng sinh tử, và tái sinh, nhưng họ coi sát-na của tưởng là sự bắt đầu của đời sống của một con người cụ thể.

- Sau ít tuần, thai phụ trở nên nhận thức được sự hiện hữu của thai nhi. Sự kiện này đáp ứng được điều kiện thứ 2.

- Nếu thai phụ quyết định muốn nạo phá thai nhi ấy, thì quyết định muốn ấy chính là có tác ý giết. Đây là điều kiện thứ 3.

- Khi thai phụ tìm kiếm cách nạo phá thai, thì thai phụ đã tạo ra một cố gắng/nỗ lực giết,  tức đã rơi vào điều kiện thứ 4.

- Cuối cùng, thai nhi bị giết chết vì hành động nạo phá thai ấy. Đây thỏa mãn điều kiện thứ 5.

Vì thế, nạo phá thai là phạm vào giới thứ nhất của đạo Phật – cấm sát sinh, và sự nạo phá thai này tương đương với việc giết một chúng sinh.

Sống quân bình

Các Phật tử đối diện với một khó khăn, ở đó sự phá thai cần đến y học can thiệp để cứu lấy sinh mệnhh của thai phụ. Vì vậy, trong trường hợp này, chắc chắn sẽ phải có một sinh mệnh bị hủy diệt dù muốn hay không muốn nạo phá thai.

Đối với những trường hợp như thế, khía cạnh đạo đức của nạo phá thai sẽ dựa trên những tác ý của từng trường hợp đang tiến hành.

Nếu quyết định nạo phá thai trong những trường hợp ấy bị mất đi lòng từ, và sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cẩn thận, thì dù hành động nạo phá thai có thể là bất thiện, nhưng việc làm gây tổn hại về phương diện đạo đức này sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất vì đã có sự tác ý thiện xen vào.

Phá thai vì lợi ích của thai nhi

Có những trường hợp không nạo phá thai, dẫn đến việc sinh con bằng những điều kiện y học mà khiến cho thai nhi đau khổ.

Trong trường hợp này, tư tưởng của Phật giáo truyền thống trở nên bất cập. Các Phật tử đang tranh luận về trường hợp này như sau:

Nếu thai nhi đã gặp phải trở ngại quá lớn mà nó phải chịu nhiều khổ đau, thì nạo phá thai khả dĩ chấp nhận được.

Đức Dalai Lama nói:

“Dĩ nhiên, theo quan điểm của Phật tử,  phá thai là một hành động sát sinh và tiêu cực nói chung. Thế nhưng, nó cũng dựa  vào từng  trường hợp.

Nếu thai nhi không sinh sẽ bị chậm phát triển, hoặc nếu sự sinh nở sẽ sinh ra những vấn đề nghiêm trọng cho cha mẹ, thì những trường hợp này có thể là ngoại lệ. Tôi nghĩ, sự nạo phá thai được chấp nhận hay không chấp nhận tùy thuộc vào mỗi trường hợp”. (Dalai Lama, Thời báo New York, 28/11/1993)

Trách nhiệm cá nhân

Các Phật tử nghĩ rằng, họ phải tự chịu trách hoàn toàn về những gì mà họ đã làm và về những hậu quả mà nó đưa tới cho họ.

Vì vậy, quyết định phá thai là một quyết định có tính cách cá nhân rất cao, và là một quyết định vốn đòi hỏi sự xem xét hết sức cẩn thận, đầy tình người về các vấn đề vốn liên quan đến đạo đức, và chấp nhận gánh lấy bất cứ gánh nặng hậu quả nào mà nó mang đến...

Những hậu quả có tính đạo đức của quyết định cũng sẽ dựa vào động cơ và tác ý nằm sau một quyết định, cũng như vào mức độ lưu tâm đến hậu quả mà nó mang lại.

Một người sau khi phá thai xong, bị đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu. Dẫu sao thì sự phát tâm sám hối của bạn ấy vẫn là điều tốt, còn hơn là tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình. Sám hối theo Phật giáo là ăn năn với lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và nguyện không tái phạm lỗi ấy ở tương lai. Sai lầm sống buông thả theo dục vọng khi chưa cưới hỏi hay không sử dụng các biện pháp ngừa thai đã khiến bạn ấy chịu nhiều khổ đau. Và giờ đây bạn ấy đã ăn năn, hối hận thật nhiều về sự nông nổi, bất cẩn và lối sống buông thả của mình. Sau khi đã ăn năn, quan trọng hơn là nguyện không tái phạm lại việc ấy. Đó là cách sám hối thiết thực nhất.

Đạo lý của dân tộc Việt là cố gắng giữ gìn sự trinh nguyên cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay phần lớn có xu hướng “hiện đại” và “thoáng” hơn trong tình yêu thì điều cực kỳ quan trọng là cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Nếu được giáo dục tốt về giới tính, tiền hôn nhân và luôn ý thức về an toàn tình dục nói chung thì chắc chắn hậu quả của việc nạo phá thai sẽ được giảm thiểu.

Chúng ta đều biết phá thai là giải pháp bất đắc dĩ, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý và hạnh phúc gia đình về sau. Không ít những trường hợp nạo phá thai đã dẫn đến tử vong, vô sinh; nhiều thiếu nữ sau khi phá thai đã tự tử và nhiều phụ nữ luôn ray rứt, bị trầm cảm, ám ảnh về chuyện phá thai đến suốt đời. Chúng ta cần tiết chế dục vọng, nhất là ý thức rất rõ về nhân quả để đề phòng, ngăn ngừa mọi tình huống xấu khi đang còn là nguyên nhân, trước khi xảy ra hậu quả. Nói cách khác, đối với những người đang yêu thì quan trọng là” ngừa bệnh hơn chữa bệnh”, do đó thực tập Chánh Niệm rất quan trọng trong mọi hành vi của cuộc sống hàng ngày. Chánh niệm là có ý thức về việc mình làm trong giây phút hiện tại, đồng thời thấy được nguyên nhân và hậu quả của hành động đó.


Khám và chẩn đoán hiếm muộn

Khám và chẩn đoán hiếm muộn

Hiếm muộn là gì ?

Hiếm muộn được định nghĩa là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm giao hợp bình thường, không ngừa thai. Người càng lớn tuổi, đặc biệt sau 35 tuổi, khả năng có thai sẽ giảm. Hiện nay người ta có khuynh hướng rút ngắn thời gian chẩn đoán hiếm muộn xuống 6 tháng (thay vì 1 năm) cho những cặp vợ chồng lớn tuổi (trên 35 tuổi). Do đó, bạn nên đi điều trị sớm nếu có vấn đề về hiếm muộn .
 




Tỉ lệ hiếm muộn là bao nhiêu ?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 8-10% cặp vợ chồng có vấn đề liên quan đến hiếm muộn. Tuy nhiên, tỉ lệ hiếm muộn ở một số quốc gia có thể cao hơn do hoàn cảnh và tập quán sinh sống. Ví dụ ở Pháp, một nghiên cứu ước tính có khoảng 18% sồ cặp vợ chồng trong tuổi sinh sảncó vấn đề hiếm muộn.Ở nước ta, theo số liệu điều tra dân số tư những năm 80, tỉ lệ hiếm muộn có thể trên 10%.

Hiếm muộn là bệnh của vợ hay chồng ?

Bạn nên biết hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Tỉ lệ hiếm muộn nguyên nhân do vợ và chồng là tương đương nhau. Theo nhiều số liệu thống kê, nguyên nhân do vợ chiếm 30-40%, do chồng chiếm 30%, do cả vợ và chồng chiếm 15-30% và có khoảng 10% hiếm muộn không rõ nguyên nhân .

Các nguyên nhân gây hiếm muộn – vô sinh thường gặp ?
  • Đối với người vợ thường có các nguyên nhân sau
    -Tổn thương vòi trứng
    -Không có hiện tượng rụng trứng hay rụng trứng không thường xuyên .
    -Lạc nội mạc tử cung
  • Đối với người chồng
    -Thường gặp nhất là bất thường về số lượngvà chất lượng tinh trùng, chiếm đến 90% trường hợp hiếm muộn do nam giới .
Xét nghiệm thường thực hiện khi khám và điều trị hiếm muộn?

Người vợ thường được thực hiện các xét nghiệm sau
- Siêu âm
- Xét nghiệm định lượng nội tiết: tuỳ từng xét nghiệm, phải được làm theo đúng ngày nhất định trong chu kỳ kinh .
- Chụp X quang tử cung- vòi trứng (HSG): thường thực hiện sau khi sạch kinh
- Nội soi chẩn đoán.

Hầu hết tất cả người chồng đến khám hiếm muộn đều phải được thử tinh dịch đồ (phân tích tinh dịch). Đây là xét nghiệm cơ bản và cần thiết để chấn đoán và điều trị cho dù nguyên nhân hiếm muộn là do chồng hay vợ.

Chụp X quang buồng tử cung và vòi trứng (HSG) là gì ?


Đây là xét nghiệm đánh giá hai vòi trứng của người vợ có thông hay không và phát hiện những bất thường khác ở tử cung. HSG thường được thực hiện sau khi sạch kinh hoàn toàn khoảng 2 ngày. khi thực hiên, một thuốc cản quang sẽ được bơm vào buồng tử cung và vòi trứng, nếu vòi trứng thông thuốc sẽ chảy ra ngoài ổ bụngvà được phát hiện khi xem phim chụp X-quang. Tuy nhiên, trong trường hợp có nghi ngờ tổn thương vòi trứng, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện mổ nội soi để chấn đoán tổn thương hoặc thông vòi trứng.

Mổ nội soi ?

Trong chẩn đoán và điều trị hiếm muộn, bác sĩ thường cho chỉ định bạn thực hiện mổ nội soi khi nghi ngờ có tổn thương ở vòi trứng do nhiều bệnh lý khác nhau. Mổ nội soi thường một cuộc mổ nhẹ, thời gian hồi phục nhanh, có thể xuất viện khoảng 2 ngày sau mổ. Sau khi mổ chỉ để lại vài vết sẹo nhỏ khoảng 1cm trên bụng .Trước khi mổ, bạn cần làm một số xét nghiệm để hội chuẩn và hồ sơ nhập viện.
Mổ nội soi giúp cho bác sĩ biết rõ tổn thương của buồng tử cung, vòi trứng, buồng trứng và các tổn thương khác nếu có. Mổ nội soi có thể giúp phục hồi lại chức năngvòi trứngvà điều trị một số bệnh lý khác của tử cung, vòi trứng và vùng chậu .

Tinh dịch đồ ?

Tinh dịch đồ (còn gọi là phân tích tinh dịch) là xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán khả năng sinh sản của nam giới. Tinh dịch đồ cho biết được số lượng và chất lượng tinh trùng có trong tinh dịch, đồng thời nó có thể chẩn đoán được nguyên nhân của các bất thường về tinh trùng. Hầu hết các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn đều cần phải thực hiện tinh dịch đồ.

Tinh dịch được lấy làm xét nghiệm sau 3-5 ngày kiêng giao hợp. Phải lấy tinh dịch bằng tay (như thủ dâm) mới đảm bảo được kết quả chính xác. Nếu lấy mẫu ở nhà phải đem đến phòng xét nghiệm trong vòng 1 giờ sau. Mẫu phải được chứa vào hũ vô trùng và được giữ ấm(<40oC) trước khi thực hiện xét nghiệm.

Hiệu quả của bơm tinh trùng vào buồng tử cung điều trị vô sinh chưa rõ nguyên nhân

Hiệu quả của bơm tinh trùng vào buồng tử cung điều trị vô sinh chưa rõ nguyên nhân

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là một thủ thuật đã được sử dụng từ lâu trong điều trị vô sinh. Hiện nay, mặc dù các kỹ thuât hỗ trợ sinh sản (HTSS) như thụ tinh trong ống nghiệm, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng... đã được áp dụng với tỷ lệ thành công khá cao, kỹ thuật IUI vẫn có chỗ đứng vì chi phí thấp và ít xâm lấn so với những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác. Vấn đề của kỹ thuật IUI là phải sử dụng đúng chỉ định mới có thể đem lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân.



Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỷ lệ thành công và ảnh hưởng của các yếu tố liên quan trong điều trị bơm tinh trùng vào buồng tử cung cho BN vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Tổng cộng có 511 chu kỳ điều trị bơm tinh trùng vào buồng tử cung cho BN vô sinh chưa rõ nguyên nhân được hồi cứu. Tỷ lệ có thai được so sánh trong từng nhóm BN với đặc điểm lâm sàng (tuổi, thời gian vô sinh, loại vô sinh, chu kỳ điều trị) và đáp ứng điều trị (thuốc kích thích buồng trứng, số lượng nang, nội mạc tử cung, số lần bơm tinh trùng) khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số thai lâm sàng sau thủ thuật bơm tinh trùng là 160 (31,3%). Vô sinh nguyên phát và thời gian vô sinh ngắn tương quan với khả năng thành công cao sau bơm (p=0,003 và 0,019), trong khi nội mạc tử cung mỏng làm giảm tỷ lệ đậu thai (p=0,0001). Những yếu tố khác không liên quan có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ có thai lâm sàng sau bơm. Có 2 trường hợp đa thai (song thai), 3 sẩy thai, và 1 quá kích buồng trứng nặng.

Tóm lại, bơm tinh trùng vào buồng tử cung là biện pháp hiệu quả để điều trị vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Cần lưu ý những yếu tố có khả năng ảnh hưởng tỷ lệ thành công để có hướng điều trị phù hợp nhất cho BN.

Theo ivftudu.com.vn

4 căn bệnh khiến ham muốn tình dục tăng đột biến

4 căn bệnh khiến ham muốn tình dục tăng đột biến

Ham muốn tình dục tự dưng tăng đột biến đến mức phát nghiện chắc chắn không còn là điều đáng mừng mà trở thành nỗi ám ảnh.

Dưới đây là 4 nguyên nhân dẫn đến chứng nghiện tình dục này.
 
 
1. Rối loạn lưỡng cực:
 
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh tâm lý, đặc trưng bởi sự thay đổi tâm trạng của chứng hưng cảm hay trầm cảm. Người bị rối loạn lưỡng cực trải qua giai đoạn hưng cảm giống như bị hoang tưởng vào cuộc sống và khả năng của mình, lúc nào cũng thấy tràn đầy sinh lực.
 
Khi chuyển sang giai đoạn trầm cảm lại bị ức chế, buồn vô cớ, bế tắc… Sự mất cân bằng hóa chất, nội tiết trong cơ thể, sai khác lạ trong di truyền là một vài nguyên nhân cơ bản của chứng rối loạn tâm trạng này. Rối loạn lưỡng cực có thể gây tăng ham muốn tình dục trong trạnh thái trầm cảm.
 
2. Chứng tăng năng thượng thận (Hyperadrenalism):
 
Chứng tăng năng thượng thận xảy ra khi các tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hoóc môn, chẳng hạn như aldosterone, corticosteroid, steroid, epinephrine, androgen và norepinepherine. Mức độ nhiễm độc chì, sản xuất hoóc môn adrenocorticotrophic, prednisolone và các khối u ở vỏ thượng thận là một vài nguyên nhân gây tăng ham muốn tình dục đột biến nếu không chữa trị.
 
3. Khối u tuyến tụy:
 
Khi khối u tuyến tụy xuất hiện sẽ tạo ra một lượng lớn hoóc môn như insulin, gastrin, glucagons và ACTH. Các khối u tuyến tụy thường gắn liền với các bệnh nghiêm trọng khác như ung thư, các khối u đường tiêu hóa và các khối u tuyến nội tiết. Hạ đường huyết, lú lẫn, ham muốn tình dục tăng cao là các triệu chứng phổ biến của khối u tuyến tụy.
 
4. Sản sinh nhiều androgen (Hyperandrogenism):
 
Bài tiết quá mức hoóc môn androgen là một triệu chứng của nhiều điều nghiêm trọng gây ra các bệnh như béo phì, vô sinh, rụng tóc, giọng trầm, mụn nhiều, chu kì kinh nguyệt không đều, ham muốn tì

10 lời khuyên cho bạn khi sử dụng bao cao su

10 lời khuyên cho bạn khi sử dụng bao cao su

Sử dụng bao cao su là cần thiết trong tất cả trường hợp quan hệ tình dục. Tuy nhiên, để sử dụng bao cao su đúng cách thì bạn nên tham khảo 10 lời khuyên dưới đây.

Sử dụng bao cao su là cách tốt nhất có tác dụng ngăn ngừa mang thai hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục tới 98% nếu được sử dụng đúng cách. Nếu bạn có xu hướng quan hệ tình dục với nhiều “đối tác” thì việc dùng bao cao su là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, muốn biết sử dụng bao cao su thế nào mới là đúng cách thì bạn nên tham khảo 10 lời khuyên dưới đây:


1. Kiểm tra chứng nhận chất lượng: Luôn luôn ghi nhớ xem xét chứng nhận chất lượng của bao cao su trên bao bì trước khi mua. Nếu nó mang nhãn hiệu CE, bạn có thể yên tâm về chất lượng của nó.

2. Kiểm tra hạn sử dụng: Kiểm tra ngày hết hạn sử dụng được in trên bao bì để chắc chắn sản phẩm đó có bảo vệ bạn được tối đa nhất có thể.

3. Mang theo trong những ngày nghỉ: Hầu hết mọi người, người đi du lịch, đi nghỉ hoặc ra nước ngoài đều có thể phải đối mặt với vấn đề ngôn ngữ liên quan, văn hóa, ở những nơi không quen thuộc. Để tránh bất kỳ khó khăn trong việc mua bao cao su ở những nơi này, bạn nên mang chúng theo ngay từ ở nhà. Điều này sẽ đảm bảo rằng bạn có thể yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ của bạn.

4. Sử dụng trước khi có tiếp xúc trực tiếp: Luôn luôn đảm bảo rằng bạn đeo bao cao su trước khi bất kỳ tiếp xúc vật lý giữa dương vật và âm đạo hoặc hậu môn để ngăn chặn việc truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các virus khác.

5. Dùng bao cao su khi “cậu nhỏ” đã “chào cờ”: Đeo bao cao su khi dương vật đã cương cứng đầy đủ sẽ bảo vệ tốt hơn so với việc đeo nó vào lúc dương vật đang ở trạng thái bình thường.


6. Dùng bao cao su mọi lúc: Sử dụng bao cao su trong bất kỳ lần quan hệ tình dục nào là trách nhiệm của mỗi người. Cho dù chỉ một lần “gặp gỡ” mà không có bao cao su cũng có thể dẫn đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai.



7. Thay bao cao su thường xuyên: Nếu bạn có cuộc “giao ban” dài với “đối tác” thì tốt nhất sau 30 phút nên thay bao cao su một lần, nếu không, nguy cơ rách sẽ tăng lên gấp đôi. Hậu quả kéo theo là các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn. Bạn cũng có thể thay bao cao su sau khi xuất tinh và tiếp tục “hiệp hai”.

8. Không dùng nhiều bao cao su cùng lúc: Sử dụng đồng thời hai bao cao su cùng lúc sẽ làm tăng cọ xát với nhau và gây ra ma sát dẫn đến rách và không đạt mục đích sử dụng. Điều này đúng ngay cả trong trường hợp dùng cả hai bao cao su nam hoặc một bao cao su nam và một bao cao su nữ.

9. Lưu trữ: Hầu hết bao cao su làm từ mủ cao su, nên rất nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng, do đó nên lưu trữ chúng trong một nơi mát và tối. Nếu bạn sống ở một nơi nóng và ẩm ướt, tốt hơn nên để chúng trong tủ lạnh, đặc biệt là vào mùa hè. Luôn luôn cho bao cao su được sử dụng trong bao bì lá của nó và bỏ vào thùng rác để giữ lịch sự và vệ sinh.

10. Dùng dầu bôi trơn: Không sử dụng các sản phẩm dầu như kem dưỡng ẩm, kem bôi và các loại dầu cơ thể để bôi trơn âm đạo hoặc hậu môn trong khi sử dụng bao cao su. Những sản phẩm dầu có thể làm hỏng bao cao su, dẫn đến dễ rách và rò rỉ tinh trùng. Điều này sẽ làm hỏng toàn bộ mục đích của việc sử dụng bao cao su.

  Sử dụng bao cao su là cần thiết ngay cả trong trường hợp quan hệ tình dục qua đường miệng để ngăn chặn các nhiễm trùng lây truyền nếu chẳng may bạn bị loét miệng hoặc chảy máu nướu răng. Nếu nghi ngờ bao cao su đó đã hỏng, nên bỏ đi và thay bằng bao cao su khác, tránh rủi ro cho mình và cho người khác.