Tín hiệu đáng mừng của 2 bệnh nhi đi cấp cứu bằng máy bay
(Dân trí) - Rất nhiều chuyên gia y tế trong và
ngoài nước đang hết sức chú ý đến 2 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh hiểm
nghèo đang được Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Cả 2 em bé đều có
những dị tật phức tạp…
Bé Lữ Trà My, 2 tuổi rưỡi, bị dị
dạng tim bẩm sinh phức tạp và bé Trần Hải Quân, 2 tuổi, bị khối ung bướu
ở mặt. Cả 2 bệnh nhi đang trong giai đoạn nguy hiểm về tính mạng, tuy
nhiên Bệnh viện Nhi đồng 1 (nơi điều trị bé My ) và Bệnh viện Nhi đồng 2
(nơi điều trị bé Quân) không đủ điều kiện chữa trị cho 2 bé do thiếu
trang thiết bị.
Các tổ chức thiện nguyện đã lên kế hoạch giúp 2 bé ra nước ngoài chữa
trị. Tuy nhiên phương án này cuối cùng không khả thi do bé Lữ Trà My
sức khỏe quá yếu, không thể bay đường dài do em bị nhiễm trùng phổi, bị
loét ở phần lưng vì nằm quá lâu. Ngoài ra, nếu vận chuyển xa thì bé My
cần có các trang thiết bị hỗ trợ cấp cứu như bình ô xy, máy thở…
Đang trong lúc bế tắc thì GS. TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh
viện Nhi Trung ương khẳng định có thể giúp được việc chữa trị cho 2 bé. 2
bé đã được vận chuyển bằng đường máy bay để bệnh viện trực tiếp điều
trị từ ngày 19/7.
Hình ảnh bé Lữ Trà My đáng thương với đủ thứ dây nhợ trên người do em bị dị dạng tim bẩm sinh
Về trường hợp dị dạng tim bẩm sinh của bé Trà My, chẩn đoán cho thấy
tâm thất trái bị thiểu sản nặng, 2 động mạch bị đảo ngược và xuất phát
từ cùng 1 thất phải. Bệnh nhân sống được nhờ có những lỗ thông giữa các
buồng tim làm cho máu trong các buồng tim được trộn lẫn với nhau làm gia
tăng nồng độ oxy trong máu.
Động mạch chủ ở quả tim của bé Trà My bị hẹp một đoạn dài ở phần
cung làm cản trở máu đi ra nuôi cơ thể, máu không đi ra động mạch
chủ được phải chuyển hướng đi lên động mạch phổi làm tăng lưu lượng tuần
hoàn phổi dẫn đến suy tim, tăng áp động mạch phổi, viêm phổi... Ngoài
ra bé còn bị nhiễm trùng phổi, bị loét lưng do nằm lâu.
Chứng dị dạng tim bẩm sinh của bé Trà My hết sức phức tạp và cần rất nhiều lần phẫu thuật để cứu mạng sống
Ngay trong ngày 20/7, tức là chỉ chưa đầy 24h tiếp nhận bé Trà My,
các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành ca phẫu thuật đầu tiên.
Điều đáng nói là quá trình mổ cho bé luôn cần đến máy hỗ trợ tim và
phổi để duy trì tính mạng, vì sức khỏe của bé quá yếu. Theo nhận định
của các chuyên gia, việc phẫu thuật cho bé Trà My thực sự phức tạp vì
quá trình phẫu thuật khó khăn, quá trình điều dưỡng sau mổ lại càng khó
khăn hơn rất nhiều. Giữ được mạng sống cho bé Trà My trong quá trình mổ
và sau mổ là một thử thách rất lớn cho ê-kip phẫu thuật ở Bệnh viện Nhi
Trung ương.
Thông tin PV Dân trí nắm được, sau ca phẫu thuật ngày 20/7, sức khỏe
của bé Trà My vẫn đang được kiểm soát tốt. Các bác sĩ tiếp tục theo dõi
sức khỏe em sau mổ và hi vọng mọi chuyện sẽ tốt lành để tiếp tục có
những phác đồ điều trị trong thời gian tới.
Về trường hợp của bé Trần Hải Quân, gặp khối ung bướu ở mặt cũng là
một thử thách không nhỏ dành cho các chuyên gia y tế đầu ngành.
Bé Trần Hải Quân bị khối u lymphangioma ở 2 bên má và cổ, dù đã qua 2 lần phẫu thuật nhưng không thành công
Theo chị Ngô Thị Hải Yến, mẹ của bé Quân, ngay từ khi trong bào thai,
bé Quân đã được chẩn đoán có khối u Lymphangioma ở 2 bên má. Khối u
lymphangioma bên trái ở má và cổ nặng hơn. Từ khi được sinh ra, phải hơn
1 năm sau bé Trần Hải Quân mới được bác sĩ mổ khối u. Tuy nhiên ca mổ
không thành công, ngược lại tình trạng bệnh của bé càng nặng hơn.
Cũng sau khi mổ, bé Quân thường hay bị nhiễm trùng do việc truyền
dẫn thức ăn qua ống xông gây ra. Em cũng thường xuyên phải thở ống. 20
tháng có mặt trên cõi đời thì cũng là từng ấy ngày bé Quân phải nằm viện
điều trị. Tháng 04/2007, gia đình xin phép được mang Quân về nhà để dễ
bề chăm sóc. Tuy nhiên, về nhà vài ngày thì Quân thường xuyên trở lại
bệnh viện cấp cứu vì rớt ống, tắt thở, khó thở, ngộp, sốt, sức khỏe rất
yếu…
Sau khi tiêm Bleomycine, hiện tại bé Quân đã không còn nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên em cần được theo dõi trong vài tuần tới
Đầu tháng 07, sau nhiều lần rơi ống thở, ra vào cấp cứu, các bác sĩ
quan sát thấy bé Quân có thể thở không cần ống nên quyết định rút ống
ra. Em chỉ còn ống dẫn thức ăn. Đồng thời tình trạng sức khoẻ cháu yếu
hẳn, xuống ký, thở rất khó nên mọi người liên hệ với GS. TS Nguyễn Thanh
Liêm ở Viện Nhi TƯ. Sau khi gửi hồ sơ bệnh án ra, mùng 10/07, GS Liêm
khẳng định có phương án chữa trị bằng cách chích Bleomycine và phẫu
thuật.
Ngày 20/7, cùng với việc phẫu thuật bé Trà My, bé Trần Hải Quân đã
được các bác sĩ Viện Nhi Trung ương chích Bleomycine và phẫu thuật.
Thông báo mới nhất từ GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, hiện tại sức khỏe của bé
Trần Hải Quân đã không còn nguy hiểm, mặc dù vẫn còn một vài vấn đề của
khối u cần phải xử lý. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi trong vài tuần
tới để quyết định có tiếp tục chích Bleomycine điều trị cho em hay
không.
Những tín hiệu đáng mừng từ việc điều trị bước đầu cho 2 bé Lữ Trà
My và Trần Hải Quân đang được rất nhiều chuyên gia y tế hàng đầu trong
và ngoài nước theo dõi sát sao. Và nếu việc điều trị thành công hai bệnh
nhi mắc bệnh hiểm nghèo, sẽ thêm một minh chứng để chứng tỏ với thế
giới y học của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, đáng ghi nhận.
Thế Nam