Một người Hà Nội chết do ăn tiết canh lợn
|
Bệnh liên cầu khuẩn lợn thường tăng mạnh trong mùa nắng nóng. Ảnh minh họa: N.P. |
Bệnh nhân nam 51 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội, đã tử
vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Trước đó, bệnh nhân
có ăn tiết canh lợn.
> Bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn tăng ca ở phía Bắc
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 5/9, bệnh nhân
có biểu hiện sốt cao, kèm theo rét run, đau đầu, nôn, xuất huyết dưới da
ở ngực, tay và 2 chân. Gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện 354 điều
trị. Nhập viện một ngày không đỡ, bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 6/9, xuất hiện thêm các tử ban ở tứ chi và toàn
thân, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Khi đó,
tình trạng sức khỏe đã rất nặng, hôn mê, chấm xuất huyết toàn thân,
bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết do liên cầu khuẩn lợn.
Hai ngày sau, bệnh diễn biến nặng lên, gia đinh xin đưa bệnh nhân về nhà và đến ngày hôm sau thì tử vong.
Liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh, ở người biểu hiện 3
thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng
thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ.
Bệnh lây qua đường ăn uống và tiếp xúc, giết mổ, chăm
sóc. Nếu lợn nhiễm khuẩn (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng), trong
máu và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Nếu không được nấu chín
kỹ (tiết canh, nem chua, nem chạo…), người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh
rất cao (vi khuẩn sống được 10 phút ở nhiệt độ 60oC).
Để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm,
chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết
thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn
sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt
lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc,
nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi
có biểu hiện sốt cao (40-41oC), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử
dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh
viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
Bệnh không thành dịch, chỉ rải rác quanh năm. Tuy
nhiên, không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn.
Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.