Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Lộ tuyến cổ tử cung, điều trị sao cho dứt bệnh?

Lộ tuyến cổ tử cung, điều trị sao cho dứt bệnh?

GiadinhNet - Em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, em uống theo đơn bác sĩ một thời gian em thấy biểu hiện bệnh không giảm mà vẫn như trước. Xin bác sĩ tư vấn giúp em, hướng điều trị bệnh?

Em năm nay 24 tuổi, đã có chồng và có con. Trước em bị sùi mào gà nhưng đã được điều trị. Đợt này em hay có biểu hin đi tiểu rất nhiều lần trong ngày và ra khí hư nhiều. Kiểm tra vùng kín thì thấy bên trong có một cụ u sờ vào thì thấy có rất nhiều chất nhầy tiết ra. Em đi khám và được biết em bị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Bác sĩ kê đơn cho em uống và tiêm. Uống được một thời gian em thấy biểu hiện bệnh không giảm mà vẫn như trước. Xin bác sĩ tư vấn giúp em, hướng điều trị bệnh? Em có cần bổ sung thêm thuốc gì nữa không?
Nguyen Thi Hanh (chunhoi37@gmail.com
Lộ tuyến cổ tử cung, điều trị sao cho dứt bệnh? 1
Ảnh minh họa
Chào bạn!
Trước hết, với biểu hiện đi tiểu nhiều lần trong ngày bạn cần đi khám tiết niệu để biết được chính xác bệnh.
Trường hơp viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bác sĩ thường chỉ định thuốc chống viêm tại chỗ để lộ tuyến hết viêm, đôi khi kết hợp cả thuốc uống nếu lộ tuyến bị nhiễm nấm hoặc các tác nhân lây qua đường tình dục khác. Sau khi điều trị hết viêm, các biện pháp như đốt điện, đông lạnh, lazer sẽ được áp dụng để diệt lộ tuyến (thường được thực hiện vào ngày thứ 2 – 5 sau khi sạch kinh). Trước khi đốt, các bác sĩ sẽ soi cổ tử cung hoặc làm phiến đồ âm đạo để phát hiện những bất thường của tế bào tử cung.
Ở một số trường hợp, lộ tuyến cổ tử cung có thể gây vô sinh, và có thể dẫn đến ung thư. Ngoài ra, bị lộ tuyến kèm viêm cổ tử cung, nếu kéo dài, sẽ làm cho cổ tử cung to và dài ra, nên nhiều khi tưởng lầm là sa dạ con. Vì vậy việc điều trị sớm lộ tuyến là rất cần thiết. Bạn đã đi khám và được chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung, nếu điều trị vẫn không giảm thì bạn nên đến khám chuyên khoa Sản – Phụ khoa tại các cơ sở y tế uy tín khác để được chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị chính xác nhất.

Tiêm bổ sung miễn phí vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi trên toàn quốc, riêng khu vực miền Bắc tính đến 27/4/2014 ghi nhận 10.262 trường hợp sốt phát ban nghi sởi trong đó 2.507 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi, 25 trường hợp đã tử vong.
Bộ Y tế đã quyết định tiêm bổ sung vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại một số tỉnh nguy cơ cao bao gồm thủ đô Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi trên địa bàn toàn thành phố chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng.
Trẻ được tiêm đợt này là những trẻ có mốc sinh từ 6/2004 đến tháng 4/2012 chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi toàn Thành phố.
Riêng trẻ đủ 2 tuổi đã được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong tháng 3 và 4/2014 không cần tiêm trong đợt này.
Chương  trình sẽ được triển khai đồng loạt tại tất cả các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn thành phố từ 10 - 14/5/2014.

Muốn tránh thai sau khi quan hệ không bảo vệ

Muốn tránh thai sau khi quan hệ không bảo vệ

Em và bạn gái vừa có quan hệ lần đầu nhưng không sử dụng biện pháp an toàn.
Trong quá trình giao hợp, em đã kiềm chế được và xuất ra bên ngoài. Cả hai đều rất lo lắng về điều này. Liệu bạn gái em có mang thai không? Còn em có gặp vấn đề về xuất tinh sớm vì "cho ra" rất nhanh không? Liệu có vấn đề gì về sức khỏe sinh sản không? Kính mong chuyên mục tư vấn giúp em và biện pháp xử lý để phòng tránh thai sau khi quan hệ lần đầu này như thế nào? (Van)
1360201342-tinh-duc1-9145-1398755459.jpg
Ảnh minh họa: The Health.
Trả lời:
Chào anh,
Anh và bạn gái vừa phát sinh quan hệ giao hợp ngả âm đạo mà không sử dụng biện pháp tránh thai bằng thuốc hay bao cao su, chỉ áp dụng cách thức dân gian là "cho ra ngoài". Giờ đây, 2 người đang lo lắng về khả năng mang thai.
Thực tế việc áp dụng cách "cho ra ngoài" cũng là một biện pháp tránh thai mang tên "xuất tinh ngoài". Tuy nhiên biện pháp này cho tỷ lệ thất bại khá cao, hay nói một cách đơn giản là không "thực sự an toàn". Những giải thích cho ý này như:
- Trong dịch tiết sinh dục nam giới trước khi xuất tinh vẫn có một lượng tinh trùng, hay do tinh trùng còn sót lại trong niệu đạo (nếu quan hệ gần với lần xuất tinh trước chẳng hạn)...
- Lúc ấy đòi hỏi nam giới có khả năng kiểm soát "xuất tinh" rất tốt để tránh vương một ít tinh dịch trong âm đạo (do rút ra không kịp). Trong trường hợp nam giới kiểm soát xuất tinh tốt và thực hiện biện pháp này một cách hoàn hảo, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn vào khoảng 4%, nghĩa là cứ 100 cặp có khoảng 4 cặp thất bại.
Do vậy, nếu đôi nào muốn đạt hiệu quả tránh thai tuyệt đối thì không nên áp dụng biện pháp này. Thay vào đó là những biện pháp tránh thai hiệu quả khác như dùng thuốc ngừa thai, bao cao su chẳng hạn.
Quay lại tình huống của anh, có thể tạm xem đây là một lần "trót lỡ". Nếu 2 người muốn nâng cao khả năng tránh thai thêm, có thể sử dụng thuốc viên khẩn cấp và cần sử dụng sớm, trong thời gian không quá 72 giờ. Hiện ở các hiệu thuốc tây đều có bán thuốc này với giá cả không quá mắc.
Sau đó, cũng cần theo dõi kinh nguyệt của bạn gái anh để phát hiện sớm biểu hiện trễ kinh, dấu hiệu nghi ngờ có thai. Vì bất kỳ phương pháp tránh thai nào cũng có tỷ lệ thất bại nhất định, và thuốc viên tránh thai khẩn cấp cũng vậy.
Cần lưu ý rằng, thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ nên sử dụng trong một lần "trót lỡ" chứ không phải là biện pháp tránh thai mang tính lâu dài. Vì sử dụng liên tục loại thuốc này không chỉ làm giảm hiệu quả tránh thai vốn có mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ sinh sản của chị em.
Anh chị cần thống nhất và tìm cho mình một biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả. Hãy tham khảo ý kiến của y bác sĩ hay nhân viên phòng kế hoạch hoá gia đình để được tư vấn tốt nhất.

Sau sởi sẽ đến tay chân miệng, viêm não Nhật Bản

Sau sởi sẽ đến tay chân miệng, viêm não Nhật Bản

Theo quy luật, mùa xuân thường có dịch cúm, sởi, quai bị, thủy đậu. Mùa hè thường là tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết. Hà Nội đã xuất hiện rải rác ca mắc tay chân miệng.
Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng thì cha mẹ nên đưa con đi tiêm ngay. Vụ dịch sởi vừa qua là bài học xương máu, nếu như tất cả người dân có ý thức đưa con đi tiêm thì dịch đã không xảy ra. 
"Tháng 6-8 sắp tới là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía Bắc, nếu cha mẹ chủ quan không tiêm cho con thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu gọi sởi là bão thì viêm não Nhật Bản là siêu bão do mức độ nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%", phó giáo sư Huy nói.
soi99-8005-1398742170.jpg
Cúm và sởi đều làm suy giảm hệ miễn dịch, có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác. Ảnh minh họa: N.Phương. 
Cũng theo bác sĩ, đáng nhẽ thời điểm này phía Bắc đã ghi nhận nhiều ca tay chân miệng. Tuy nhiên, có lẽ do thời tiết lạnh, mưa, ẩm kéo dài nên vì thế các bệnh cúm, sởi cũng tồn tại lâu hơn, kéo theo đó bệnh tay chân miệng ít đi. 
Các ca bệnh tay chân miệng tại phía Bắc không nặng như hàng năm. Dù vậy, đây cũng chỉ là bắt đầu, không vì thế mà chủ quan. Bệnh rải rác quanh năm, nhưng thường có 2 đỉnh dịch tháng 3-4 và tháng 9-10. Các bác sĩ lo sắp tới nghỉ dài ngày, nhiều người đi du lịch, có thể mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác.
Tỷ lệ biến chứng của bệnh tay chân miệng không nhiều, chẳng hạn biến chứng viêm não chỉ gặp với tỷ lệ 1 trên 1.000 ca bệnh. Việc chăm sóc, điều trị đơn giản nếu không có biến chứng; quan trọng là giữ vệ sinh, tránh lây xung quanh. Những trường hợp nhẹ thì chữa tại nhà; nếu sốt cao trên 39 độ, sốt trên 2 ngày, mệt mỏi, li bì, có biểu hiện run, giật... thì cha mẹ nên đưa con đi khám lại ngay.
Bên cạnh đó, thủy đậu cũng đang ghi nhận rải rác các ca mắc, chủ yếu nhẹ, trẻ được điều trị tại nhà. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tuần có khoảng 10-15 trẻ đến khám vì thủy đậu. 
Thủy đậu là bệnh chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia vì bệnh cảnh lâm sàng không nặng. Phần lớn chỉ cần điều trị tại nhà, lây lan rất nhanh. Trẻ mắc bệnh thường để lại các nốt phỏng, sau một thời gian sẽ bay đi. Những trường hợp đã mắc thủy đậu rồi thì không bị mắc lại nữa vì có miễn dịch 100%. Tiêm văcxin phòng thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. 
Theo bác sĩ, những bệnh chưa có văcxin phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết... thì người dân cần chú ý phòng theo hướng dẫn của ngành y. Để phòng bệnh tay chân miệng, cần chú ý “3 sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Cụ thể, chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly 10 ngày.
Với sốt xuất huyết, nên ngủ màn, phát quang bụi rậm quanh nhà... Chú ý muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết có thể đốt cả ban ngày, lúc sẩm tối và sáng sớm. 
Dịch sởi tiếp tục ghi nhận thêm ca mắc và tử vong. Ngày 28/4, có thêm 35 ca sởi mới, nâng số mắc sởi lên hơn 3.750 với 128 ca tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Tại Hà Nội, số ca mắc đã chững lại, nhưng vẫn ở mức cao, xu hướng giảm chưa bền vững. Từ đầu năm đến nay, cả thành phố có hơn 1.400 ca sởi, trong đó 58 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Từ 10/5, Hà Nội sẽ tiêm bổ sung văcxin sởi cho trẻ 6-10 tuổi.

Chị ruột mang thai hộ em gái

Chị ruột mang thai hộ em gái

Thực hiện hóa trị ung thư cổ tử cung là lúc Siobhan Terry đau đớn khi biết mình không thể tiếp tục sinh con. Nhưng ước mơ làm mẹ thêm một lần nữa của cô đã được chị gái biến thành sự thực.
Siobahn Terry và chị gái Ellie Fairfax lớn lên trong gia đình có 4 người con tại Backenham, Đông Nam London (Anh). Tình cảm giữa hai chị em vốn thân thiết từ lâu lại càng thêm gắn bó kể từ khi Terry phát hiện bệnh ung thư vào cuối năm 2012 trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Vì khối u phát triển rất nhanh chóng, Terry được yêu cầu hóa trị liệu ngay lập tức để giữ lại tính mạng. Nhưng việc điều trị đồng nghĩa với việc cô không thể tiếp tục thiên chức làm mẹ. Ý định giữ trứng đông lạnh cho Terry cũng không thể thực hiện vì thời gian quá gấp, bất cứ trì hoãn nào đều có thể nguy hiểm tới tính mạng.
“Có thêm một đứa con nữa luôn là khao khát của vợ chồng tôi”, người mẹ 31 tuổi chia sẻ. Cô và chồng đã có với nhau một bé gái được 2 tuổi tên Saoirse.
Hai chị em Terry và Ellie chụp ảnh cùng nhau trong thời gian người chị mang thai. Ảnh: mirror.co.uk
Hai chị em Terry và Ellie chụp ảnh cùng nhau trong thời gian người chị mang thai. Ảnh: mirror.co.uk
Đau khổ khi biết tin này, song vợ chồng cô không hề tính tới hành động bất ngờ của người chị gái. Ellie đã không ngần ngại đề nghị mang thai hộ ngay khi biết em gái sẽ chết nếu không được điều trị. “Chị Ellie ôm lấy tôi và tôi hoàn toàn sửng sốt khi chị ấy từ tốn nói 'chị sẽ mang thai hộ em'”, Terry xúc động nhớ lại.
Sau hai tháng thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của em rể, Ellie phát hiện mình đã mang thai. “Thật trùng hợp vì tin vui tới ngay vào ngày sinh nhật em gái tôi. Tôi đã hào hứng báo tin khi chúng tôi đang đi dạo trong công viên với bé Saoirse”.
Cô Terry đã điều trị thành công ung thư vào tháng 8 năm ngoái và đang đếm ngược tới ngày lâm bồn của chị gái vào tháng tới. Khi ấy, Ellie sẽ trao đứa con đầu tiên - một bé trai cho em gái mình.
Chị em gái vốn đã rất thân thiết với nhau từ thuở nhỏ. Ảnh: mirror.co.uk
Chị em gái vốn đã rất thân thiết với nhau từ thuở nhỏ. Ảnh: mirror.co.uk
“Mẹ và tôi sẽ ở bên cạnh Ellie khi chị ấy sinh. Tôi hoàn toàn không có ý định giấu diếm thằng bé về việc nó đã ra đời như thế nào, chắc chắn nó sẽ lớn lên hạnh phúc bên cả đại gia đình”, Terry cho biết. Cô cũng bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới chị gái Ellie, người đã biến ước mơ thành sự thật.
Về phần mình, người chị chia sẻ: “Phải chứng kiến em gái chiến đấu mỗi ngày với ung thư đã rất khó khăn. Nhưng khi biết em ấy không thể mang thai được nữa lại càng buồn hơn. Quyết định này đến với tôi hoàn toàn dễ dàng và tự nhiên. Về mặt sinh học, đứa bé là con tôi, nhưng tôi chẳng ngần ngại gì khi trao bé cho em gái bởi tôi cảm thấy Terry mới chính là mẹ của bé”.
Hai chị em gái này đang kể lại câu chuyện của bản thân để nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung cho cộng đồng.

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Những căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất

Những căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất

Những căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất

Hiện nay, có khoảng trên 20 căn bệnh lây qua đường tình dục, nhưng phổ biến hơn cả là các bệnh lậu, giang mai, HIV/AIDS, sùi mào gà, viêm gan virut và viêm âm đạo do trùng roi.

1. Bệnh lậu

- Bệnh lậu do một loại vi khuẩn hình cầu, ghép với nhau từng đôi, trên kính hiển vi cho hình ảnh giống như hạt cà phê, được gọi là song “cầu khuẩn lậu"

- Bệnh được truyền từ người có bệnh sang người lành chủ yếu thông qua quan hệ tình dục, gây tổn thương chủ yếu tại bộ phận sinh dục nhưng cũng có thể ở mắt (trẻ sơ sinh bị nhiễm vi khuẩn lậu của mẹ khi đẻ), ở mồm và ở hậu môn.

- Thời gian ủ bệnh (từ lúc nhiễm vi khuẩn đến khi phát bệnh) ngắn: 2-6 ngày.

- Triệu chứng chính là đái dắt, đái đau, đái buốt (nam giới rõ rệt và mức độ rầm rộ hơn nữ giới), có mủ chảy ra từ lỗ đái. Phụ nữ ra nhiều khí hư. Có thể sốt mệt mỏi. Vi khuẩn lậu có thể lan xa hơn trong đường sinh dục gây viêm mào tinh hoàn, túi tinh, tuyến tiền hệt, đường dẫn tinh ở nam giới, gây vô sinh nam; có thể gây viêm, ứ mủ tại ống dẫn trứng, viêm buồng trứng, viêm tiểu khung ở nữ, cũng rất dễ dẫn đến vô sinh nữ.

- Hiện nay một số thuốc có thể chữa khỏi bệnh lậu nhanh chóng với một liều duy nhất nhưng phải do thầy thuốc chuyên khoa da liễu điều trị vì có nhiều thuốc chữa lậu đã bị vi khuẩn kháng thuốc, không còn tác dụng. Ngoài người bệnh ra, việc điều trị cần phải tiến hành cho tất cả những người có quan hệ tình dục với người đó.


2. Bệnh giang mai

- Bệnh giang mai do một loại vi khuẩn hình xoắn như lò xo gọi là xoắn khuẩn giang mai gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục và bệnh tích ban đầu (vết loét giang mai) cũng chủ yếu tại đây. Nếu không được điều trị thì các giai đoạn sau của giang mai bệnh sẽ lan ra toàn thân và trong các phủ tạng.

- Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 đến 4 tuần, sau đó bệnh giang mai diễn biến theo ba giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 - Rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Biểu hiện chính là vết loét giang mai tại bộ phận sinh dục như ở quy đầu (với nam), môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung (với nữ). Vết loét có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng và kèm theo nổi hạch 2 bên vùng bẹn, cứng và cũng không đau. Vết loét này có thể tự biến đi sau 6 đến 8 tuần lễ kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh nhưng thực sự là vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển với những biểu hiện khác.

+ Giai đoạn 2 – Thường bắt đầu sau khi có vết loét từ 6 đến 9 tháng, chủ yếu biểu hiện bằng các tổn thương trên da với các nốt ban màu hồng như hoa đào (đào ban), vết sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc.

+ Giai đoạn 3 - Giang mai phát triển trong các phủ tạng như não, gan, cơ bắp tim mạch..: gây nên các bệnh cảnh khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm giang mai.

- Giang mai ở phụ nữ có thể gây sảy thai, làm thai chết trong tử cung, gây thai dị dạng và có thể gây giang mai bẩm sinh cho thai ngay khi còn trong bụng mẹ.

- Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng có thuốc điều trị khỏi hẳn với hiệu quả cao, miễn là phải được phát hiện sớm và điều trị đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. 

3. Bệnh HIV AIDS

- AIDS là bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải do virut (còn gọi là siêu vi khuẩn) có tên là HIV gây nên. Virut HIV được truyền từ người bệnh sang người lành qua các đường tình dục, tiêm chích, truyền máu (có mang mầm bệnh) và từ mẹ sang con (khi mang thai, trong khi đẻ và khi cho con bú).

- Người bị nhiễm HIV thời gian đầu không hề có triệu chứng gì, từ 3 đến 6 tháng sau nếu làm xét nghiệm máu mới phát hiện là có HIV nhưng cơ thể người này vẫn bình thường. Phải vài năm sau, có khi phải tới 10-15 năm bấy giờ bệnh AIDS mới phát ra gây tử vong cho người bệnh. Điều nghiêm trọng là ngay khi chưa phát bệnh, HIV trong máu và trong các dịch cơ thể của người bệnh (như tinh dịch, dịch tiết âm đạo...) vẫn có thể truyền sang cho người lành làm cho người đó nhiễm HIV và cũng sẽ trở thành nạn nhân của AIDS trong tương lai.

- HIV/AIDS hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi bệnh; cũng chưa có thuốc phòng ngừa; vì vậy vấn đề quan trọng nhất là phải tự phòng tránh bằng cách không để bị nhiễm HIV do tiêm chích, do truyền máu và do quan hệ tình dục không an toàn (quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình, với gái bán dâm, không dùng bao cao su hoặc dùng nhưng không đúng cách).

4. Bệnh sùi mào gà

- Đây là bệnh do một loại virut thuộc nhóm HPV gây ra. Bệnh tích chủ yếu ở bộ phận sinh dục, biểu hiện bằng các nốt sùi mọc ra dưới da hay trong niêm mạc đường sinh dục.


- Các nốt sùi này có thể mọc ở ngoài da của bộ phận sinh dục nam và nữ. ở phụ nữ, sùi mào gà còn mọc trong âm đạo hoặc cổ tử cung. Nụ sùi có thể nhỏ như đầu đanh ghim, có thể to như hạt đỗ, hạt ngô và khi nằm sát nhau ghép lại có khi sùi to như hoa "súp lơ". Sùi mào gà không đau, không ngứa, khi có nhiều nụ sùi có thể ẩm ướt dễ nhiễm khuẩn và khi ấy tổn thương tiết dịch, hôi, dễ chảy máu và gây đau.

Điều trị sùi mào gà có thể dùng thuốc bôi tại chỗ, có thể đốt thương tổn bằng điện, laser hay áp lạnh tại các khoa da liễu hay khoa phụ sản.

5. Bệnh viêm gan virut

- Virut gây viêm gan có nhiều loại nhưng phổ biến hiện nay virut gây bệnh qua đường tình dục là các virut B và C. Hai virut này gây bệnh toàn thân (sốt, vàng da, mệt mỏi, chán ăn, gan to…) do gan của người bệnh bị thương tổn. Ngoài đường lây qua quan hệ tình dục, viêm gan virut B và C còn lây qua đường tiêm chích, truyền máu và từ mẹ sang con giống như với HIV/AIDS.

- Cần biết là có những người bị nhiễm virut mà vẫn bình thường, không có biểu hiện bệnh (gọi là người lành mang mầm bệnh) nhưng nguy hiểm ở chỗ họ vẫn có thể lây nhiễm sang người khác qua quan hệ tình dục hoặc có sự tiếp xúc của máu hai người với nhau (tiêm chích bằng bơm tiêm có dính máu của người mang mầm bệnh, truyền máu người có mầm bệnh cho người lành). Người nhiễm virut viêm gan có nguy cơ bị viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan.

- Bệnh viêm gan do virut chưa có thuốc chữa nhưng ở nước ta đã chế tạo được vacxin phòng bệnh viêm gan B; hiện nay vacxi này đã được tiêm cho trẻ ngay từ khi mới sinh và có thể tiêm cho bất cứ ai muốn phòng ngừa để khộng bị nhiễm virut viêm gan B.

6. Bệnh viêm âm đạo do trùng roi

- Viêm âm đạo ở phụ nữ có thể do nhiều mầm bệnh khác nhau gây nên như viêm do vi khuẩn thông thường, viêm do nấm và viêm do ký sinh trùng roi (loại Trichomonas). Trong các loại đó, viêm âm đạo trùng roi là loại bệnh lây lan qua đường tình dục.

- Trùng roi là một loại ký sinh trùng đơn bào, ở đầu và đuôi có những sợi nhỏ dài như cái roi, nhờ đó nó di động được dễ dàng trong khí hư nên gọi là trùng roi. Trùng roi có thể sống ký sinh trong đường sinh dục nam và nữ nhưng ở nam giới ít có triệu chứng nên khó phát hiện và là nguồn lây thường xuyên cho phụ nữ.

- Phụ nữ bị viêm âm đạo do trùng roi thường có cảm giác ngứa ngáy bên trong âm đạo, khí hư loãng, tanh và có bọt, lấy khí hư soi trên kính hiển vi sẽ thấy trùng roi đang cử động.

- Bệnh có thể điều trị bằng thuốc uống và thuốc đặt tại chỗ nhưng cần phải chưa cho cả người có quan hệ tình dục với người bệnh thì mới tránh được tái nhiễm.

Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh

Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh

Sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là biện pháp kiểm tra đơn giản, dễ áp dụng, có độ chính xác tương đối cao để phát hiện những dị tật mà trẻ có thể mắc phải trong thời gian thai kỳ hoặc sau khi sinh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, trong chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020, chương trình SLTS và SLSS được coi là nội dung ưu tiên hàng đầu.

Loại bỏ 95% ca bất thường

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh. Còn theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), mỗi năm, ước tính nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó khoảng 22-30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Nếu thai phụ được SLTS kết hợp với SLSS sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Cụ thể là sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị thalamemia (tan máu bẩm sinh thể nặng); 1.400 trẻ bị bệnh down; 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh; 10.000 -20.000 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh - Tin tức - Bảo vệ trẻ em - Làm cha mẹ - Những điều cần biết khi mang thai
Khi mang thai, các bà mẹ nên đến bệnh viện để được các bác sĩ khám và tư vấn thông tin cần thiết trong quá trình dưỡng thai
Đánh giá của các bác sĩ chuyên ngành cho thấy, một số bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh có thể giúp cho trẻ phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế, số bà mẹ mang thai đến kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế khá cao nhưng hầu như bỏ qua thời kỳ sàng lọc, can thiệp và phát hiện sớm đối với các dị tật thai nhi. Mặt khác, việc triển khai lấy mẫu máu gót chân trẻ sau khi sinh 24 giờ tại các bệnh viện để phát hiện dị tật lại không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều bà mẹ. Bởi họ cho rằng, trẻ mới sinh còn non yếu, nếu bị lấy máu sẽ rất đau đớn. Nhưng họ không biết rằng, SLTS và SLSS sẽ giúp ngành y tế can thiệp sớm, hạn chế tối đa dị tật, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường.
Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa, việc SLTS sẽ giúp các cặp vợ chồng biết chính xác 80-90% thai nhi của mình khỏe mạnh hay có vấn đề gì bất thường. Bên cạnh đó, việc SLSS bằng phương pháp lấy máu gót chân trẻ sau sinh 24 giờ có thể tầm soát được bệnh suy giáp trạng bẩm sinh (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone khiến trẻ bị đần độn, chân tay không phát triển, thường tử vong trước tuổi trưởng thành), bệnh tăng sản tuyến thượng thận (một kiểu thiếu hụt enzyme gây sản xuất hormone nam bất thường, khiến trẻ có bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ) và bệnh thiếu men G6PD (bệnh huyết tán bẩm sinh do hồng cầu bị vỡ gây ra vàng da, thiếu máu).

Khẩn trương vào cuộc

Với mục tiêu phát hiện, can thiệp và điều trị sớm bệnh tật, rối loạn chuyển hóa di truyền ngay trong bào thai và sơ sinh, giảm người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, năm 2013, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội triển khai Đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại 29/29 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố.
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, trẻ sinh ra không may bị tật nguyền hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Do đó, mục tiêu của đề án không chỉ giúp phát hiện những dị tật bẩm sinh, rối loạn di truyền, chuyển hóa trước và sau sinh mà còn tránh được những hậu quả nặng nề từ những căn bệnh khác để lại khi trẻ sinh ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Để triển khai, thực hiện hiệu quả, trong 8 tháng năm 2013, Chi Cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản trung ương tổ chức tập huấn 2 lớp kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân, đồng thời cùng Bệnh viện Phụ sản trung ương đào tạo 51 cán bộ siêu âm SLTS cơ bản và nâng cao, thực hiện công tác xét nghiệm mẫu máu gót chân trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, tổ chức 29 lớp tập huấn tuyên truyền viên cấp xã, phường, thị trấn về SLTS và SLSS. Với Đề án tầm soát các dị tật bẩm sinh và các mô hình nâng cao chất lượng giống nòi, Chi Cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã nâng tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám SLTS lên 40,36%; số trẻ được SLSS đạt 20,21%.
Để nâng cao chất lượng SLTS và SLSS, cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp cho phụ nữ mang thai, sản phụ và đối tượng liên quan. Mục tiêu của Chi Cục DS-KHHGĐ Hà Nội là đến cuối năm 2015 sẽ có 98% bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về SLTS và SLSS; 95% phụ nữ có thai được SLTS; 90% số trẻ sơ sinh được SLSS. Chắc chắn rằng, khi mục tiêu này thực hiện thành công thì sẽ giảm được nỗi đau về những đứa bé sinh ra với hình hài, trí tuệ bị khuyết tật.

Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ hai 28-04-2014

Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ hai

3 tháng giữa là khoảng thời gian tăng trưởng quan trọng của bé nhà bạn. Dưới đây 5 điều thú vị bạn nên biết ở giai đoạn này.

Em bé của bạn đã tăng kích thước gấp đôi

Kể từ giai đoạn 3 tháng đầu, bé nhà bạn đã tăng gấp đôi kích thước. Nếu so sánh việc phát triển như vậy của con với tốc độ tăng trưởng bình thường của người lớn chắc chắn bạn sẽ hoàn toàn ngạc nhiên. Từ một phôi thai nhỏ bé xíu, nay con đã dài gần 26 cm và các bộ phận khác cũng có một số bước tiến đáng kinh ngạc trong việc phát triển.

Lông mi của bé xuất hiện

Nghe có vẻ không phải là một điều gì đó lớn lao, nhưng thực tế việc thiên thần nhỏ bé của bạn đang phát triển sớm những lông mi nhỏ bé hoàn hảo ấy chính là một điều kỳ diệu. Bạn thì mới đang ở nửa chặng đường thai nghén, nhưng những bộ phận nhỏ bé nhất đã hoàn thành nhiệm vụ của chúng.
Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ hai - Mẹ mang thai - Bà bầu cần biết - Những điều cần biết khi mang thai - Sự phát triển của thai nhi

Con ngủ theo chu kỳ

Em bé nhà bạn đã phát triển một chu kỳ ngủ thường xuyên – lúc tỉnh lúc thức. Có lẽ, bạn sẽ nhận ra những lúc cảm thấy rất buồn ngủ cho dù không phải bạn đang muốn ngủ, phải không?

Con có thể nghe thấy

Một sự phát triển đáng kinh ngạc xuất hiện sớm nhất vào tháng thứ tư của bé – khả năng nghe. Và ở tuần 25, em bé đã thực sự biết phản ứng lại với âm thanh từ giọng nói của bạn. Vì vậy, ngay bây giờ bạn đã có thể bắt đầu thực hành những bài hát ru cho con đấy!

Xuất hiện dấu vân tay và vân chân

Em bé nhà bạn bắt đầu hình thành dấu vân tay và vân chân độc đáo của riêng mình vào cuối giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Ngoài ra, móng tay và móng chân của bé cũng bắt đầu xuất hiện, thậm chí bé có thể làm xước được.

Vắc xin MMR (Vắc-xin sởi, quai bị và rubella) và những điều cần biết

Vắc xin MMR (Vắc-xin sởi, quai bị và rubella) và những điều cần biết

Các khuyến cáo này được tham khảo từ Thông tin Hướng dẫn về Vắc-xin của Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật (Hoa Kỳ) năm 2012 và hiện tại cũng đang được áp dụng tại Việt Nam.

1. Tại sao nên tiêm phòng vắc-xin?

Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh nghiêm trọng. Trước khi có vắc-xin, các căn bệnh này rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em.
Sởi
• Vi-rút sởi gây ra phát ban, ho, chảy nước mũi, ngứa mắt, và sốt.
• Bệnh này có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh (co giật và nhìn chằm chằm), tổn thương não, và tử vong.
Quai bị
• Vi-rút quai bị gây ra sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mất cảm giác ngon miệng, và sưng hạch.
• Bệnh này có thể dẫn đến điếc, viêm màng não (nhiễm trùng màng bọc não và tủy sống), sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, và đôi khi gây vô sinh.
Rubella (bệnh sởi Đức)
• Vi rút rubella gây phát ban, viêm khớp (chủ yếu ở phụ nữ), và sốt nhẹ.
• Nếu một phụ nữ bị rubella trong khi đang mang thai, cô ấy có thể bị sẩy thai hoặc em bé sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Các bệnh này lây lan từ người này sang người khác qua không khí. Quý vị có thể dễ dàng nhiễm bệnh do ở quanh một ai đó đã bị nhiễm bệnh.
Vắc-xin sởi, quai bị và rubella (measles, mumps, and rubella hay MMR) có thể bảo vệ trẻ em (và người lớn) khỏi cả ba căn bệnh này.
Nhờ các chương trình tiêm chủng vắc-xin thành công, những căn bệnh này ở Mỹ cũng như Việt Nam ít phổ biến hơn nhiều so với trước đây. Nhưng nếu chúng ta ngừng tiêm chủng vắcxin, các căn bệnh này sẽ quay trở lại.
Vắc xin MMR (Vắc-xin sởi, quai bị và rubella) và những điều cần biết - Chăm sóc bé - Bảo vệ sức khỏe trẻ em - Chăm sóc trẻ em - Làm cha mẹ - Những điều cần biết sau khi sinh con

2. Ai nên được tiêm vắc-xin MMR và khi nào?

Trẻ em nên được tiêm phòng 2 liều vắc-xin MMR:
– Liều thứ nhất: 12-15 tháng tuổi
– Liều thứ hai: 4-6 năm tuổi (có thể được tiêm sớm hơn, nếu cách liều thứ 1 ít nhất 28 ngày).
Những trẻ từ 9 – 12 tháng tuổi, đang ở trong vùng dịch mà chưa được tiêm vắc-xin MMR thì cần được tiêm phòng một mũi, sau đó tiêm mũi 2 lúc 15 – 18 tháng tuổi, và mũi 3 sau mũi 2 từ 3 – 5 năm.
Người lớn cũng nên được tiêm vắc-xin MMR: bất cứ ai trên 18 tuổi nên tiêm phòng ít nhất một liều vắc-xin MMR nếu chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ, trừ khi họ có thể chứng minh rằng họ hoặc đã được tiêm phòng hoặc đã mắc tất cả ba bệnh này.

3. Một số người không nên tiêm vắc-xin MMR hoặc nên đợi

• Bất cứ ai đã từng bị phản ứng dị ứng đe dọa tới tính mạng với neomycin kháng sinh, hoặc bất kỳ thành phần nào khác của vắc-xin MMR đều không nên tiêm phòng vắc-xin này. Hãy cho bác sĩ biết nếu quý vị có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng nào.
• Bất cứ ai đã từng bị một phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng đối với liều vắc-xin MMR hoặc MMRV trước đó không nên tiêm thêm một liều khác.
• Một số người bị bệnh tại thời điểm dự kiến sẽ tiêm có thể nên chờ cho tới khi họ phục hồi trước khi tiêm vắc-xin MMR.
• Phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc-xin MMR. Phụ nữ mang thai cần phải chủng ngừa nên chờ cho đến sau khi sinh. Phụ nữ nên tránh mang thai trong 4 tuần sau khi tiêm vắc-xin MMR này.
• Hãy báo cho bác sĩ biết nếu người được tiêm vắc-xin:
- Bị HIV/AIDS, hoặc một bệnh khác có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
- Đang được điều trị bằng các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như steroid.
- Bị bất kỳ loại ung thư nào.
- Đang được điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc thuốc.
- Đã từng có số lượng tiểu cầu thấp (chứng rối loạn máu).
- Đã tiêm một vắc-xin khác trong vòng 4 tuần qua.
- Đã được truyền máu hoặc nhận các sản phẩm máu khác mới gần đây.
Bất kỳ nguyên nhân nào kể trên đều có thể là lý do để không được tiêm vắc-xin, hoặc trì hoãn việc tiêm chủng cho đến sau này.

4. Có những rủi ro gì từ vắc-xin MMR?

Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc-xin có khả năng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như các phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Nguy cơ của vắc-xin MMR gây ra tổn hại nghiêm trọng hoặc tử vong là rất nhỏ.
Tiêm vắc-xin MMR an toàn hơn nhiều hơn so với việc bị mắc sởi, quai bị, hoặc rubella.
Hầu hết những người được tiêm vắc-xin MMR không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào với vắc-xin này.
Các vấn đề nhẹ
• Sốt (có 1 trong số 6 người)
• Phát ban nhẹ (khoảng 1 trong số 20 người)
• Sưng hạch ở má hoặc cổ (khoảng 1 trong số 75 người)
Nếu các vấn đề này xảy ra, thường chúng xuất hiện trong vòng 6-14 ngày sau khi tiêm. Các vấn đề này thường xảy ra ít hơn sau liều thứ hai.
Các vấn đề ở mức độ trung bình
• Động kinh (co giật hoặc nhìn chằm chằm) do sốt gây ra (khoảng 1 trong số 3.000 liều).
• Đau nhức và cứng khớp tạm thời, hầu hết ở nữ giới tuổi thiếu niên hoặc người lớn (lên đến 1 trong số 4).
• Số lượng tiểu cầu thấp tạm thời, mà có thể gây ra chứng rối loạn đông máu (khoảng 1 trong số 30.000 liều).
Các vấn đề nghiêm trọng (rất hiếm)
• Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (ít hơn 1 trong số một triệu liều).
• Một số vấn đề nghiêm trọng khác đã được báo cáo sau khi trẻ được tiêm vắc-xin MMR, bao gồm:
- Điếc
- Động kinh, hôn mê, hoặc suy giảm nhận thức dài hạn
- Tổn thương não vĩnh viễn
Các trường hợp này rất hiếm đến mức khó có thể cho rằng liệu các vấn đề này có phải là do vắc-xin gây ra hay không.

5. Điều gì sẽ xảy ra nếu có một phản ứng nghiêm trọng?

Tôi nên theo dõi những gì?
• Bất kỳ tình trạng bất thường nào, như sốt cao hoặc hành vi bất thường. Các dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể bao gồm khó thở, khàn giọng hoặc thở khò khè, phát ban, xanh xao, suy nhược, tim đập nhanh hoặc chóng mặt.
Tôi nên làm gì?
• Hãy gọi cho bác sĩ hoặc đưa bệnh nhân tới khám bác sĩ ngay lập tức.
• Hãy kể lại cho bác sĩ biết điều gì đã xảy ra, ngày và thời gian xảy ra và đã được tiêm vắc-xin khi nào.

6. Tôi có thể tìm hiểu thêm về bệnh sởi và vắc-xin MMR bằng cách nào?

• Hãy hỏi bác sĩ của bạn.
• Hãy gọi điện cho sở y tế địa phương của bạn.

Mẹ bầu ốm nghén nặng có nguy cơ mắc tiền sản giật

Theo kết quả của những nghiên cứu mới gần đây cho biết, nếu mẹ bầu bị ốm nghén nặng ở giai đoạn đầu hoặc giai cuối của thai kỳ có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như có nguy cơ mắc tiền sản giật và có khả năng phải nhập viện trước tuần thai thứ 12 của thai kỳ…
Nghiên cứu này được thực hiện tại bệnh viện Thụy Điển từ năm 1997 đến năm 2009 trên 1.155.033 phụ nữ trước 22 tuần thai và nhận thấy rằng, có 1,1% phụ nữ mang thai bị ốm nghén nặng, thường hay nôn ọe.
Các bác sĩ cũng cho biết, trên thế giới cứ 100 phụ nữ mang thai thì có 2 người mắc chứng bệnh ốm nghén nặng. Các triệu chứng bao gồm: Buồn nôn liên tục, đau đầu và mệt mỏi, ngoài ra là huyết áp thấp và nhịp tim nhanh, hôn mê hoặc nhầm lẫn. Tất cả những triệu chứng này có thể kéo dài đến 5 tháng, thậm chí với một số người, nó có thể kéo dài suốt thai kỳ.
Nguyên nhân chính là vì trong cơ thể những người phụ nữ này có chứa lượng hormone nhạy cảm cao hơn so với những phụ nữ khác.
Mẹ bầu ốm nghén nặng có nguy cơ mắc tiền sản giật - Mẹ mang thai - Bà bầu cần biết - Sức khỏe khi mang thai - Tiền sản giật khi mang thai
Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi.
Thông thường, ở giai đoạn đầu của thai kỳ, các thai phụ có biểu hiện ốm nghén nhẹ như lợm giọng, buồn nôn, sợ những thức ăn mà trước kia họ ưa thích. Thích ăn chua hoặc ngọt tùy người, có khi họ ăn cả những thứ như đồ đất nung, vôi quét tường… ốm nghén làm cho cơ thể thai phụ mệt mỏi xanh xao và hơi ốm nhưng không khiến cơ thể quá gầy yếu.
Triệu chứng ốm nghén sẽ dừng lại ở tuần thứ 14 hoặc 16 của thai kỳ, vậy nhưng một số phụ nữ cho đến tháng thứ 5 vẫn không thể ăn được gì và họ dễ dàng bị nôn ọe dẫn đến sự mất cân bằng điện giải khiến cơ thể bị thiếu năng lượng trầm trọng. Đó là biểu hiện của những người bị ốm nghén nặng.
Do không ăn uống được gì nên cơ thể thai phụ cảm thấy mệt mỏi. Hơn nữa, nôn nhiều làm cho cơ thể bị mất nước kèm theo những triệu chứng như nhịp tim đập nhanh, tiểu tiện ít.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành so sánh những phụ nữ mang thai không có biểu hiện ốm nghén với những phụ nữ có biểu hiện ốm nghén khá nặng và họ nhận thấy rằng, đa số những phụ nữ bị ốm nghén nặng có nguy cơ mắc tiền sản giật và họ có khả năng phải nhập viện trước tuần thai thứ 12 của thai kỳ…
Ngoài ra, hiện tượng nôn mửa có thể khiến các bà bầu dễ bị tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan. Chính vì vậy, khi thấy bản thân có dấu hiệu bị ốm nghén quá nặng thì tốt nhất là các bà bầu nên tới gặp bác sĩ để có lời khuyên thích hợp.
Để phòng ngừa và ngăn chặn những điều không may đối với bà bầu trong quá trình mang thai, thai phụ nên theo dõi thai để phát hiện những triệu chứng nhiễm độc. Cẩn thận nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ. Nếu chậm trễ trong việc phát hiện ra sự nhiễm độc của người mẹ, có thể sẽ dẫn đến những biến chứng như nhau bong non, phong huyết tử cung nhau… dễ khiến thai bị chết lưu trong bụng mẹ.