Sau sởi sẽ đến tay chân miệng, viêm não Nhật Bản
Theo
quy luật, mùa xuân thường có dịch cúm, sởi, quai bị, thủy đậu. Mùa hè
thường là tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết. Hà Nội đã
xuất hiện rải rác ca mắc tay chân miệng.
Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những
bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng thì cha mẹ nên đưa con đi
tiêm ngay. Vụ dịch sởi vừa qua là bài học xương máu, nếu như tất cả
người dân có ý thức đưa con đi tiêm thì dịch đã không xảy ra.
"Tháng 6-8 sắp tới là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía Bắc, nếu
cha mẹ chủ quan không tiêm cho con thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu gọi sởi là
bão thì viêm não Nhật Bản là siêu bão do mức độ nặng, tỷ lệ tử vong rất
cao, ước tính của thế giới là 20-30%", phó giáo sư Huy nói.
Cúm và sởi đều làm suy giảm hệ miễn dịch, có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh khác. Ảnh minh họa: N.Phương.
|
Cũng theo bác sĩ, đáng nhẽ thời điểm này phía Bắc đã ghi nhận nhiều ca tay chân miệng.
Tuy nhiên, có lẽ do thời tiết lạnh, mưa, ẩm kéo dài nên vì thế các bệnh
cúm, sởi cũng tồn tại lâu hơn, kéo theo đó bệnh tay chân miệng ít đi.
Các ca bệnh tay chân miệng tại phía Bắc không nặng như hàng năm. Dù
vậy, đây cũng chỉ là bắt đầu, không vì thế mà chủ quan. Bệnh rải rác
quanh năm, nhưng thường có 2 đỉnh dịch tháng 3-4 và tháng 9-10. Các bác
sĩ lo sắp tới nghỉ dài ngày, nhiều người đi du lịch, có thể mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác.
Tỷ lệ biến chứng của bệnh tay chân miệng không nhiều, chẳng hạn biến
chứng viêm não chỉ gặp với tỷ lệ 1 trên 1.000 ca bệnh. Việc chăm sóc,
điều trị đơn giản nếu không có biến chứng; quan trọng là giữ vệ sinh,
tránh lây xung quanh. Những trường hợp nhẹ thì chữa tại nhà; nếu sốt cao
trên 39 độ, sốt trên 2 ngày, mệt mỏi, li bì, có biểu hiện run, giật...
thì cha mẹ nên đưa con đi khám lại ngay.
Bên cạnh đó, thủy đậu cũng đang ghi nhận rải rác các ca mắc, chủ yếu nhẹ, trẻ được điều trị tại nhà. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tuần có khoảng 10-15 trẻ đến khám vì thủy đậu.
Thủy đậu là bệnh chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc
gia vì bệnh cảnh lâm sàng không nặng. Phần lớn chỉ cần điều trị tại
nhà, lây lan rất nhanh. Trẻ mắc bệnh thường để lại các nốt phỏng, sau
một thời gian sẽ bay đi. Những trường hợp đã mắc thủy đậu rồi thì không
bị mắc lại nữa vì có miễn dịch 100%. Tiêm văcxin phòng thủy đậu là biện
pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
Theo bác sĩ, những bệnh chưa có văcxin phòng ngừa như tay chân
miệng, sốt xuất huyết... thì người dân cần chú ý phòng theo hướng dẫn
của ngành y. Để phòng bệnh tay chân miệng, cần chú ý “3
sạch”, đó là ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và đồ chơi sạch. Cụ thể, chú ý
giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước (đặc biệt
sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt của người bệnh);
rửa sạch đồ chơi, vật dụng, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn
Cloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi trẻ bị bệnh
cần cách ly 10 ngày.
Với sốt xuất huyết, nên ngủ màn, phát quang bụi rậm quanh nhà... Chú ý
muỗi đốt truyền bệnh sốt xuất huyết có thể đốt cả ban ngày, lúc sẩm tối
và sáng sớm.
Dịch sởi tiếp tục
ghi nhận thêm ca mắc và tử vong. Ngày 28/4, có thêm 35 ca sởi mới, nâng
số mắc sởi lên hơn 3.750 với 128 ca tử vong có liên quan đến bệnh
sởi. Tại Hà Nội, số ca mắc đã chững lại, nhưng vẫn ở mức cao, xu hướng
giảm chưa bền vững. Từ đầu năm đến nay, cả thành phố có hơn 1.400 ca
sởi, trong đó 58 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Từ 10/5, Hà Nội
sẽ tiêm bổ sung văcxin sởi cho trẻ 6-10 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét