Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Mào gà sinh dục nữ: Bệnh thầm lặng - biến chứng khó lường

Mào gà sinh dục nữ: Bệnh thầm lặng - biến chứng khó lường
Theo kết quả công bố tại buổi hội thảo khoa học kỹ thuật da liễu các tỉnh thành phía nam, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa qua, trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh mào gà (HPV) chiếm 62%; đối tượng mắc bệnh rất đa dạng, gồm công nhân, học sinh, sinh viên, tài xế…
Đáng lo ngại, trong đó 76% số bệnh nhân từng tiếp xúc hơn một bạn tình trong vòng sáu tháng và 68% không sử dụng bao cao su. Bệnh do virút HPV và được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; ở nữ giới bệnh có liên quan đến ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo...
Bệnh sùi mào gà sinh dục, hay còn gọi mụn cơm sinh dục, có tên khoa học là Genital Warts hay Condylomata Acuminata, là bệnh được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh sùi mào gà được lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường sinh hoạt tình dục và lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh, khi xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp với da hay niêm mạc, có thời gian ủ bệnh từ 1 - 8 tháng, sau đó kích thích tăng sinh tế bào đáy dẫn đến sự hình thành những tổn thương ở biểu mô có hình dạng sùi lên như hoa súp lơ hay cái mào gà, gặp nhiều nhất ở người có bộ phận sinh dục thường ẩm ướt, viêm âm hộ - âm đạo, suy giảm miễn dịch hoặc đi kèm bệnh hoa liễu khác.
Ảnh minh họa
Về triệu chứng, mào gà sinh dục thường không biểu hiện gì đặc biệt, diễn tiến âm thầm, không đau, không ngứa, biểu hiện là sẩn sùi kích thước 1mm đến vài chục milimét, thậm chí đến hàng trăm milimét, bề mặt sần sùi, màu hồng hoặc đỏ, mềm, ẩm ướt, có thể có cuống, sờ vào không đau, nhưng dễ chảy máu. Vị trí thường gặp ở âm hộ - âm đạo, cổ tử cung, quanh lỗ tiểu, bẹn, tầng sinh môn, hậu môn. Với triệu chứng âm thầm, nên người bệnh khi nhận biết thường là bệnh đã lâu và kéo dài.
Mào gà sinh dục có liên quan mật thiết đến ung thư sinh dục, trong đó phổ biến là ung thư cổ tử cung và âm hộ. Về cơ chế gây ung thư của mào gà, các nhà khoa học thấy rằng, sau khi sáp nhập vào bộ gen tế bào ký chủ thì vùng gen E6, E7 điều khiển tổng hợp protein E6, E7; các protein này gắn kết và vô hiệu hóa chức năng của protein điều hòa tăng trưởng tế bào pRb dẫn đến sự phân chia tế bào liên tục một cách bất thường và hậu quả là phát sinh ung thư.
Về điều trị, giải pháp tốt cho điều trị hiện nay là đốt các sang thương bằng laser CO2. Việc loại các sang thương bằng điều trị bằng laser CO2 hay đốt điện chỉ loại bỏ được các nốt sùi chứ không tiêu diệt được virút, sau đó các sang thương cũng dễ phát triển trở lại, vì vậy vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị cho đến khi hết hẳn. Cần nhớ rằng, do thời gian ủ bệnh của virút kéo dài đến 8 tháng, nên nhất thiết phải theo dõi đến hết thời gian ủ bệnh mới xác định bệnh khỏi hẳn, tức là sau 8 tháng. Ngoài phương pháp trên, đối với các tổn thương sùi mào gà ở âm hộ, âm đạo có thể chấm dung dịch trichloactic acid, chấm đến khi nốt sùi chuyển màu trắng là được, tuyệt đối không chấm dung dịch trichloactic acid lên những nốt sùi ở cổ tử cung hay trong lỗ hậu môn, vì không kiểm soát được mức độ tổn thương loét niêm mạc do thuốc. Có thể dùng dung dịch podophyllotoxine 20 - 25% bôi lên những nốt sùi nhỏ lẻ ở âm hộ, bôi thuốc để từ 1 - 3 giờ phải rửa sạch để tránh loét xuống phần da lành, tuần bôi 1 lần. Thuốc này cũng không được bôi vào các sang thương ở trong âm đạo, cổ tử cung và trong hậu môn. Đối với phụ nữ mang thai, trường hợp tổn thương nhiều ở âm hộ - âm đạo cũng rất nguy hiểm vì những đám sùi sẽ chảy máu khó cầm khi đẻ đường dưới hoặc khi thai nhi lọt qua âm đạo sẽ bị lây nhiễm.
Việc phòng bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu, tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin ngay ở tuổi thanh thiếu niên, hoặc người lớn chưa có quan hệ tình dục, có nghĩa là cần tiêm trước khi có quan hệ tình dục đầu tiên. Hiện nay nước ta đã thực hiện được xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HPV và có vắc-xin tiêm phòng, hai loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung là gardasil của Công ty Merch - MSD của Mỹ và Cervaris của GlaxoSmithKline của Anh được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Vắc-xin được chỉ định cho bé gái và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi, dùng với 3 liều trong 6 tháng, liều thứ 2 cách liều thứ nhất 2 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ nhất là 6 tháng, sau chích tạo miễn dịch bảo vệ được 4 - 5 năm. Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân như rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước và xà phòng thích hợp trước và sau khi quan hệ tình dục.
Việc dùng bao cao su có thể dự phòng được bệnh sùi mào gà và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, virút gây bệnh này cũng có thể xâm nhập vào vùng da và niêm mạc khác ngoài bộ phận sinh dục.
Phụ nữ mang thai bị sùi mào gà cần tích cực điều trị trước khi sinh con, vì virút này có thể từ đường sinh dục của mẹ xâm nhập vào đường hô hấp của trẻ sơ sinh, gây tử vong, bệnh sùi mào gà có thể gây cho thai phụ có thể liên quan đến nguy cơ ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn; chảy máu khó cầm nguy hiểm đến tính mạng; nguy cơ phải mổ lấy thai; nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con trong khi sinh đẻ. Vì vậy, việc điều trị khỏi bệnh cho thai phụ trước khi sinh con là rất quan trọng, giúp thai phụ tránh được những mối nguy hiểm này. Bên cạnh việc chích ngừa thì khám phát hiện bệnh định kỳ hàng năm, bằng khám da liễu hay phụ khoa, ở đó sẽ được phủ lên bề mặt dung dịch acid acetic 3% sẽ dễ dàng chẩn đoán, đặc biệt là những sùi mào gà mới và sang thương còn nhỏ.
Bs.CKI. Trần Quốc Long
Theo Sức khỏe & đời sống

Bệnh lậu, chlamydia và thuốc trị

Bệnh lậu, chlamydia và thuốc trị
Lậu và chlamydia thường gây nhiễm ở cổ tử cung của phụ nữ và đường tiết niệu nam giới. Đây là hai bệnh thường đi kèm với nhau. Ngoài ra, bệnh cũng có thể thấy ở trực tràng và vùng hầu họng. Nếu không được điều trị sớm và dứt điểm, bệnh sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm. 
Vi khuẩn gây bệnh 
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (GC) và chlamydia, do vi khuẩn Chlamydia trachomatis (CT) là những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh lây truyền qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn; mầm bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi sinh, gây bệnh đáng kể ở trẻ. 
Cả hai vi khuẩn trên đều có thể gây nhiễm ở niệu đạo, vùng hầu họng, trực tràng ở cả nam lẫn nữ; gây nhiễm mào tinh hoàn ở nam, cổ tử cung, tử cung và 2 ống dẫn trứng ở nữ. Bệnh nhân nữ không được điều trị, lậu và chlamydia sẽ gây ra viêm phần phụ (PID), sẹo vòi trứng, vô sinh hoặc thai ngoài tử cung. 
Hai vi khuẩn này còn có thể gây thương tổn ở những bộ phận khác; N. gonorrhoeae gây nhiễm trùng lan tỏa ở da, khớp và các hệ thống khác. Nhiễm lậu cầu và chlamydia tạo thuận lợi cho việc lây truyền HIV sang bạn tình. 
                                             
           
         
             
 Một tế bào bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia trachomatis.
 
 Dấu hiệu nhận biết 
Tùy vào vị trí nhiễm bệnh (như hầu họng, niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng). Triệu chứng không phải lúc nào cũng gặp ở tất cả bệnh nhân. 
Bệnh nhân nữ thường thấy tiết dịch ở âm đạo, đau khi quan hệ tình dục, tiểu đau hoặc nóng rát, đau ở bụng hoặc hố chậu, lở họng, lở miệng, tiết dịch ở trực tràng, khó chịu ở hậu môn. 
Bệnh nhân nam có thể thấy mót tiểu hoặc tiểu lắt nhắt, tiết dịch niệu đạo, viêm đỏ niệu đạo, tiểu són - đau rát, sưng đau tinh hoàn, tiết dịch ở trực tràng, khó chịu ở hậu môn… 
Những người có quan hệ tình dục không an toàn (có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục qua đường miệng, hậu môn và tiền sử mắc lậu và chlamydia) có nguy cơ cao mắc bệnh hơn. 
Cần loại trừ các bệnh khác có triệu trứng gần giống như: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm hậu môn, viêm phần phụ, viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích thích, thống kinh. 
Thuốc điều trị 
Do vi khuẩn gây bệnh lậu kháng kháng sinh nhóm fluoroquinolone thường gặp ở các quốc gia như Mỹ, các đảo quốc ở Thái Bình Dương, châu Á và Anh, do đó Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo không dùng fluoroquinolones để điều trị lậu ở những người đồng tính nam (MSM) hoặc những bệnh nhân thuộc những vùng miền nêu trên trừ phi đã kiểm tra độ nhạy cảm với kháng sinh để có hướng điều trị. Tương tự, sự đề kháng của lậu cầu với azithromycin cũng đang trỗi dậy và chỉ dùng azithromycin để điều trị lậu cho những bệnh nhân có chống chỉ định với các thuốc khác. 
Do thường gặp nhiễm bộ đôi vi khuẩn nên bệnh nhân đã được chẩn đoán nhiễm lậu cầu hoặc chlamydia cần được điều trị cho cả hai loại vi khuẩn này, trừ phi đã xác định được là chỉ nhiễm có một loại. Tái nhiễm dễ xảy ra nếu tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Cần điều trị cho bạn tình của bệnh nhân trong vòng 60 ngày trước và sau chẩn đoán. Bệnh nhân cần kiêng giao hợp trong vòng 7 ngày điều trị. 
Tuân thủ điều trị là cần thiết cho việc điều trị thành công. Để bệnh nhân dễ tuân thủ điều trị, nên chỉ định loại thuốc dùng liều duy nhất/ngày. Ngoài ra, cần xem xét các vấn đề khác là tình trạng kháng thuốc, chi phí điều trị, cơ địa dị ứng thuốc và thai nghén. 
Điều trị lậu cầu 
Các hướng dẫn điều trị hiện nay nhấn mạnh việc sử dụng ceftriaxone, nếu có thể được, cho nhiễm lậu cầu ở bất kỳ vị trí nào và azithromycin hoặc doxycycline để cải thiện tỷ lệ chữa dứt điểm, giảm nguy cơ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng cephalosporin. Cần chú ý, nhiễm lậu cầu ở vùng hầu là khó điều trị hơn so với những nơi khác. Bệnh nhân có phơi nhiễm với lậu cầu ở vùng hầu họng nếu có thể, nên được điều trị bằng ceftriaxone. 
Điều trị chlamydia 
- Azithromycin uống liều duy nhất. 
- Doxycycline uống ngày 2 lần trong 7 ngày. 
Có thể thay thế erythromycin, erythromycin ethylsuccinate, ofloxacin, levofloxacin uống trong 7 ngày. 
Lưu ý: Bệnh nhân uống đầy đủ liều lượng thuốc đã được chỉ định. Uống thuốc sau khi ăn nếu có buồn nôn, báo ngay cho bác sĩ nếu nôn hoặc không thể uống được thuốc. 
Bạn tình của bệnh nhân từ 60 ngày trước đó cần được xét nghiệm các mầm bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị càng sớm càng tốt với một phác đồ kháng lậu cầu và chlamydia có hiệu quả, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Bệnh nhân cần báo cho bạn tình của mình là họ cần được kiểm tra và điều trị, nếu không sẽ có thể xảy ra tái nhiễm. 
Bệnh nhân tránh quan hệ tình dục cho đến khi đã chữa khỏi nhiễm trùng (ít nhất là 7 ngày). 
Thực hành tình dục an toàn. Sử dụng bao cao su mỗi lần tiếp xúc tình dục để ngăn ngừa tái nhiễm với lậu cầu hoặc chlamydia, ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và ngăn chặn lây nhiễm HIV cho bạn tình. 
  Bs. Đồng Ngọc Khanh
Theo Sức khỏe & đời sống

Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư âm đạo

Dấu hiệu phát hiện sớm ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp, hình thành trong các tế bào âm đạo của phụ nữ. Trong giai đoạn đầu, bệnh này thường không có bất kỳ triệu chứng gì đáng chú ý nên rất khó chẩn đoán.      
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Cần chú ý phát hiện sớm để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.       
Các triệu chứng ung thư âm đạo       
Chảy máu âm đạo bất thường: chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ tình dục hoặc ở những phụ nữ đã mãn kinh là triệu chứng đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh ung thư âm đạo. Tuy nhiên, chảy máu sau mãn kinh và sau khi quan hệ cũng có thể là triệu chứng của các bệnh phụ khoa khác.     

       
         
       
Siêu âm đầu dò âm đạo giúp phát hiện bệnh       
Tiết dịch âm đạo: mặc dù dịch âm đạo là hiện tượng phổ biến thường gặp ở nhiều chị em và cũng không cần quá quan tâm, nhưng dịch âm đạo bất thường, có mùi khó chịu hoặc có màu máu, lẫn với máu lại có thể là triệu chứng của ung thư âm đạo. Điều này là cực kỳ hiếm, và có nhiều khả năng do sự bất thường đáng lo ngại nào đó. Vậy nên, tốt nhất nếu thấy triệu chứng này, chị em cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.       
Thay đổi thói quen đi tiểu: nếu nhận thấy là mình đi tiểu nhiều hơn bình thường thì chị em cần tìm hiểu nguyên nhân của nó. Hiện tượng này có thể do uống nhiều nước, uống đồ uống có caffein, hoặc do nhiễm trùng đường tiểu.       
Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng những bệnh trầm trọng hơn. Nếu cảm thấy đau khi đi tiểu hoặc tiểu ra máu, chị em cần hết sức chú ý, bởi đây cũng có thể là biểu hiện của ung thư âm đạo. Mặc dù bằng mắt thường có thể rất khó phát hiện nước tiểu có lẫn máu, nhưng chị em có thể để ý nếu thấy nước tiểu màu hồng hồng hoặc có vệt máu ở đáy quần lót.
Đau vùng chậu: khung chậu đau thường là khi bệnh ung thư âm đạo đã bắt đầu lây lan. Đau vùng chậu có thể là đau hay cảm thấy áp lực và tức ở vùng bụng dưới rốn. Bạn có thể cảm thấy đau liên tục hoặc thi thoảng mới đau. Nhiều phụ nữ bị đau vùng chậu mô một cách âm ỉ, có lúc đau quặn lên.
Rối loạn tiêu hóa: nguyên nhân của nhiều bệnh trong đó có ung thư âm đạo. Khi ung thư âm đạo tiến triển, phụ  nữ có thể bị táo bón mãn tính, phân đen mùi khó chịu và có cảm giác như thể ruột chưa được hoàn toàn thông sau khi đi “ngoài”.
Phòng ngừa   
Thực hành tình dục an toàn có thể làm giảm nguy cơ ung thư âm đạo. Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tiêm vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung có thể giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư khác liên quan đến cổ tử cung như ung thư âm đạo. Bạn nên tiêm vắc-xin này trước 26 tuổi vì sẽ phát huy được cao nhất hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin.
Kiểm tra khung xương chậu có thể giúp chẩn đoán âm đạo và ung thư khác.
Bs. Thu Phương
Theo Sức khỏe & đời sống

Lợi ích và tác hại của việc xét nghiệm ung thư vú

Lợi ích và tác hại của việc xét nghiệm ung thư vú
 
Xét nghiệm sàng lọc ung thư. (Nguồn: radioaustralia.net.au)
 
 
Các nhà khoa học thuộc trung tâm nghiên cứu Ung thư vú châu Âu ngày 13/9 cho  biết chương trình xét nghiệm ung thư vú tại khu vực này ngày càng mang lại nhiều  cơ hội cứu sống những phụ nữ mắc bệnh, nhưng cũng đang tạo ra những tác hại nhất định.
   
Trong bảng Đánh giá tổng quát đầu tiên về chương trình chẩn đoán ung thư vú, các nhà nghiên cứu cho biết cứ 1.000 phụ nữ ở độ tuổi từ 50-69 tuân thủ việc kiểm tra ung thư vú 2 năm/lần thì có từ 7-9 người được cứu sống bằng các liệu pháp  kịp thời, nhờ phát hiện những khối u bất thường ngay từ giai đoạn đầu.
 
 Tuy nhiên, chương trình nhân rộng này cũng đã dấy lên những tranh cãi trên toàn  cầu về việcchẩn đoán sai, khiến nhiều phụ nữ phải thực hiện chu trình điều trị  không cần thiết và gây tổn hại cho cơ thể.
   
Cũng trong số 1.000 phụ nữ tiến hành xét nghiệm thì có tới bốn người "nằm ngoài sự chẩn đoán", có nghĩa là máy phát hiện ra khối u nhưng thực tế khối u đó hoàn toàn lành tính.
   
Giáo sư Stephen Duffy chuyên về Xét nghiệm ung thư thuộc trường đại học London, Queen Mary- một trong hai người dẫn đầu nghiên cứu trên cho biết mối nguy hiểm từ việc chẩn đoán sai ở một số phụ nữ gần như còn tồi tệ hơn cái chết.
   
Theo thống kê, cứ 1.000 phụ nữ được xét nghiệm, thì có tới 170 phụ nữ có ít nhất một lần được gọi tới để thực hiện các xét nghiệm sinh thiết trước khi nhận được kết quả âm tính với ung thư vú.
   
Những trường hợp được xác định có khối u phải trải qua những liệu pháp điều trị xấm lấn không cần thiết, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và thể chất.
   
Với kết quả nghiên cứu trên các nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo rằng phụ nữ nên xem xét kỹ những lơi ích và tác hại của việc xét nghiệm trước khi đưa quyết định của mình.
   
Theo dữ liệu Globoc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ung thư vú hiện là căn bệnh phổ biến nhất của phụ nữ trên toàn thế giới, với khoảng 1,38 triệu phụ nữ được  chẩn đoán mắc bệnh trong năm 2008.
   
Tại châu Âu, bao gồm các quốc gia không thuộc liên minh châu Âu, có tới 425.000 trường hợp mới mắc bệnh và 129.000 trường hợp đã tử vong trong năm 2008.

Theo Vietnamplus

Sự khác biệt của bệnh lậu giữa nam và nữ

Sự khác biệt của bệnh lậu giữa nam và nữ
Bệnh lậu được biết từ lâu, nhưng mãi đến năm 1897 mới được Neisser tìm ra, có tên khoa học là Neisseria Gonorrhoeae. Đây là bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt. 
Vi khuẩn lậu có hình hạt cà phê xếp thành từng cặp nên còn gọi là song cầu, có chiều dài 1,6µm, rộng 0,8µm. Trên kính hiển vi, vi khuẩn bắt màu gram âm. Lậu cầu rất yếu khi ra ngoài cơ thể, và chết nhanh ở nhiệt độ  thường; ngược lại sống rất mãnh liệt ở môi trường ẩm của cơ thể, cho nên giao hợp vẫn là cách lây bệnh chủ yếu. Tuy nhiên, lậu cầu cũng có thể lây qua vật  dụng dùng chung. 
Ở điều kiện sinh lý bình thường, giữa nam và nữ có sự khác biệt về giải phẫu ở đường niệu đạo. Niệu đạo của nữ giới tương đối ngắn so với nam giới, khoảng 3cm, vì vậy bệnh lậu ít rầm rộ hơn, có nhiều tuyến quanh niệu đạo là nơi ẩn náu của vi khuẩn như tuyến Skène, tuyến Bartholine ở 1/3 trước của môi lớn và môi bé. Niệu đạo của nam giới chia làm 2 phần gồm niệu đạo trước và niệu đạo sau, được ngăn cách bởi cơ thắt niệu đạo, có chiều dài từ 14 - 16cm; niệu đạo trước có nhiều hang, là nơi trú ẩn của lậu cầu; niệu đạo sau càng phức tạp hơn cũng có nhiều ngóc ngách, xuyên qua tuyến tiền liệt, thông với túi tinh, ống dẫn tinh, mào tinh và tinh hoàn. Ngoài ra, còn có tuyến Morgagni và tuyến Littr cũng thuận lợi cho lậu cầu sinh sôi và phát triển.  
  
Sự khác biệt của bệnh lậu giữa nam và nữ 1
  ảnh minh họa
 
Sau khi lậu cầu xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo, vi khuẩn có khuynh hướng ưa thích tế bào mô bì trụ ở niêm mạc đường tiết niệu, đưa đến phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhân đến để thực bào, từ đó trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, được thoát ra ngoài theo nước tiểu màu trắng hơi vàng gọi là tiểu ra mủ, lậu cầu tiếp tục phát triển và đi dọc theo chiều dài của niệu đạo, đi đến đâu gây viêm đến đó. 
Về triệu chứng, bệnh lậu ở nam và nữ có khác nhau, do niệu  đạo của nam giới dài, giai đoạn cấp tính lậu ở nam giới có tính chất rầm rộ, còn ở nữ thì âm thầm dễ bỏ qua, vì thế là nguồn lây nhiễm rất đáng quan tâm. Thời gian ủ bệnh trung bình 3 - 5 ngày, nhưng có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng, triệu chứng thường âm thầm, không rõ. Theo thống kê, có khoảng 97% số ca bệnh không có triệu chứng, chỉ có 3% còn lại mới có triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, khó chịu, nếu không điều trị bệnh sẽ đi vào giai đoạn mãn tính không có biểu hiện gì đặc biệt, mà thường chỉ có huyết  trắng, hoặc có những biểu hiện của biến chứng như viêm tuyến Bartholin, tuyến Skene, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm bàng quang, viêm vùng chậu, viêm trực tràng. Viêm ống dẫn trứng có thể dày dính, gây thai ngoài tử cung, hoặc tắc tai vòi gây vô sinh. 
Về điều trị, lậu cầu cứ 15 phút phân chia một lần do đó lan nhanh.Vì vậy, cần điều trị càng sớm càng tốt, điều trị đúng thuốc - đủ liều; điều trị cả với người tiếp xúc sinh lý. Thuốc hiện nay được chọn ưu tiên là spectinomycine với tên biệt dược là Trobicin hay Kirin, 4g - tiêm bắp một liều  duy nhất; trường hợp bệnh mãn tính, tiêm liên tiếp 2 ngày, với nữ giới thì dùng liều gấp đôi nam giới. Nếu không tiện tiêm thuốc có thể chọn giải pháp uống  nhưng thường tỉ lệ thành công sẽ thấp hơn, thuốc thường dùng azithromycin (Zithromax) 250mg x 4 viên uống liều duy nhất. Nếu điều trị đúng thuốc, đủ liều thì triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần sẽ giảm nhanh sau 24 - 48 giờ, riêng tiểu ra mủ sẽ hết chậm hơn sau 48 - 72 giờ. Các triệu chứng chung sẽ biến mất hoàn toàn sau 5 - 7 ngày. 
Về phòng bệnh, cho đến hôm nay, dùng bao cao su được xem như là phương tiện duy nhất để phòng bệnh lậu, tuy nhiên đó chưa phải là phương pháp đảm bảo tuyệt đối. 
BS.CKI. Trần Quốc Long
Theo Sức khoẻ & Đời sống

U sợi tuyến vú

U sợi tuyến vú
U sợi tuyến vú thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 18 - 40. Đa phần các u này đều lành tính, không chuyển thành ung thư. 
Nguyên nhân sản sinh khối u 
Thông thường các tiểu thùy ở tuyến vú tự nhiên phì đại ra trong thời kỳ trưởng thành, dậy thì ở nữ và đa phần là lành tính. Nhưng sẽ có một số khối u đặc, nhạy cảm với nội tiết tố, nhất là estrogen, có nguồn gốc từ các cấu trúc cơ thượng mô nằm lân cận các ống sữa bên ngoài các tiểu thùy. Khối u này xâm lấn vào các mô chung quanh, đẩy những mô này sang một bên mà không xâm lấn chúng. 
Dấu hiệu nhận biết 
U sợi tuyến vú điển hình thường có hình tròn hoặc phân thùy dạng dài, giới hạn rõ, mật độ chắc, đường kính khoảng 1 - 5cm, di động tương đối nên có thể dịch chuyển đôi chút, khi ấn lên vùng da lân cận sẽ thấy độ cộm rõ rệt. Những khối u này thường được phát hiện tình cờ. Nhưng cũng có trường hợp sau mổ cắt bỏ khối u tuyến sợi vài tháng hoặc vài năm lại phát hiện khối u ở ngay vú đó hoặc thậm chí ở vú khác. 
   
U sợi tuyến vú 1
   
Cấu tạo tuyến vú. 
Người bệnh có thể có vài khối u lớn nhỏ khác nhau ở một vú, cũng có khi ở cả hai vú. Các khối này lại thường không đau, chỉ khi tới kỳ kinh mới có thể cảm thấy hơi đau hoặc thấy khối u hơi lớn lên.  
Điều trị như thế nào? 
Khi được chẩn đoán bị u sợi tuyến vú, đừng quá lo lắng vì đây là một loại u lành và sau khi phẫu thuật bóc tách có thể tái lại tùy theo cơ địa mỗi người. Hiện tại nếu các u sợi tuyến < 2cm và không đau thì bác sĩ chỉ cần theo dõi bằng khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh khi đã xác định chính xác bằng sinh thiết nhờ kim nhỏ (FNAC). 
U này tự giới hạn khi tuổi càng lớn. Nếu u sợi >3cm thì có thể tiểu phẫu, mổ theo đường quầng vú để giữ độ thẩm mỹ.  
     
U sợi tuyến vú 2
 
  Cần kiểm tra vú thường xuyên để phát hiện sớm u sợi tuyến vú. Ảnh:  TL   
Phương pháp mới nhất điều trị u tuyến sợi vú 
Hiện nay có 2 phương pháp điều trị u tuyến sợi vú không để lại sẹo xấu như việc phẫu thuật lấy u. Đó là phương pháp đốt bằng nhiệt lạnh hay đốt bằng sóng cao tần. Bác sĩ sẽ sử dụng  đầu dò siêu âm để xác định chính xác vị trí của khối u rồi đưa nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao trực tiếp vào khối u làm phá hủy tế bào khối u. 
Phương pháp này chỉ cần gây tê tại chỗ là đủ. Song lưu ý, đốt nhiệt lạnh thì khối u không mất ngay lập tức mà nó sẽ teo dần theo thời gian. Việc sử dụng phương pháp điều trị nào cần có sự tư vấn kỹ càng của bác sĩ chuyên khoa để tránh xảy ra tai biến. 
  BS. Hồng Nhung
Theo Sức khoẻ & đời sống
 

Khoa học cơ bản về vắc xin HPV

Khoa học cơ bản về vắc xin HPV
ThS. BS. Lê Quang Thanh
Giám đốc - BV Từ Dũ
Sự phát hiện vai trò gây bệnh ung thư cổ tử cung của những chủng HPV nguy cơ cao và sự ra đời của vắc xin phòng chống lây nhiễm HPV là một thành tựu của khoa học. Đây là một vũ khí lợi hại trong chiến lược phòng chống ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Chính thành tựu này là bước tiến vĩ đại để đẩy lùi căn bệnh ác tính, hiểm nghèo, có tỉ lệ biến chứng và tử vong cao ở phụ nữ.
Bài tổng quan này, giới thiệu khái quát về cơ chế và lý luận khoa học của vắc xin phòng chống lây nhiễm HPV và hướng phát triển tương lai để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, kể cả việc hướng tới một loại vắc xin có khả năng điều trị hiệu quả khi cơ thể đã bị nhiễm HPV.
Nghiên cứu HPV hiện đại
Gần đây, trọng tâm của những nghiên cứu về Human Papiloma virus (HPV) khởi đầu bằng những tiến bộ của ngành sinh học phân tử, giúp phân tích dễ dàng acid nucleic, mà đáng kể nhất là kỹ thuật nhân bản ADN.
Đã có rất nhiều nghiên cứu quan trọng về sinh học của HPV, đặc biệt là những nghiên cứu trên động vật vào những năm đầu của thế kỷ trước. Tuy nhiên, nghiên cứu về HPV nói chung đều phải hồi cứu bởi lý do là những virus này không thể phát triển trong hệ thống cấy tế bào chuẩn, điều này có nghĩa là trong nhiều năm việc mô tả virus phụ thuộc vào mẫu lâm sàng được lấy từ tổn thương là nơi virus có thể phát triển tự nhiên. Thật không may mắn, khả năng nhân rộng HPV trong phòng thí nghiệm rất thấp, do đó không có khả năng chuẩn hóa những phân tích về hóa sinh và lý sinh học. Vì vậy, không giống với nhiều virus khác, những thực nghiệm vi sinh học kinh điển như mô tả chu kỳ phát triển của virus không thể thực hiện được. Hầu hết hơn 100 chủng HPV lần đầu tiên được định danh trên cơ sở AND, được định danh và nhân bản từ những mẫu lâm sàng và do khả năng phát triển cực kém nên nhiều HPV không bao giờ có thể có được dưới dạng phân mảnh mà chúng ta chỉ có bộ gen của nó. Trong chu trình được gọi là vi sinh học phản hồi (reverse virology), protein của virus được xác định từ những gen được mã hóa. Những protein này sau đó được tạo nên qua những kỹ thuật sinh học. Những kỹ thuật sinh học cũng cho phép sản xuất ra những phân mảnh giống virus (VLP) và đó chính là thành phần hoạt tính của vắc xin HPV hiện nay.
Vắc xin HPV thế hệ thứ hai
Do những vắc xin hiện nay chỉ chứa HPV-16 và 18 nên về mặt lý thuyết chỉ ngăn ngừa được 70% ung thư cổ tử cung. Ngay cả khi có sự bảo vệ chéo với những loại HPV liên quan, vẫn còn tối thiểu 20% những trường hợp ung thư cổ tử cung không được ngăn ngừa do thiếu miễn dịch chống những chủng HPV khác gây ung thư. Do đó những nỗ lực trên toàn thế giới đều tập trung để giải quyết tồn tại này. Hướng khả thi nhất là thêm những VLP của những chủng HPV có khả năng gây ung thư hiếm gặp hơn (1-2% các trường hợp). Cho đến lúc này vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự kiệt quệ của hệ miễn dịch khi dùng vắc xin HPV chứa 4 thành phần HPV-6, -11, -16 và -18, mặc dù vẫn chưa rõ nếu thêm những thành phần VLP khác thì có ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch của các chủng khác không. Tuy nhiên, thật không có lợi khi vắc xin có phổ rộng nhưng lại mất hiệu quả chống HPV-16 và 18.
Những chọn lựa khác đối với vắc xin đa chủng loại bao gồm sử dụng protein L2 để chủng ngừa, protein L2 cũng đã được chứng minh là ít đặc hiệu theo chủng so với protein L1. Tuy nhiên, protein này chỉ tạo nên kháng thể nồng độ thấp khi cho kết hợp trong phức hợp VLP (chứa 360 thành phần L1 và chỉ một ít thành phần L2) hoặc là protein tinh khiết. Một phương thức khác là kết hợp nhiều thành phần của L2. Chiến lược của phương pháp này là kết hợp thành phần miễn dịch cao VLP với phản ứng chéo L2. Tuy nhiên, nói chung sự ứng dụng của vắc xin HPV tổng hợp chống nhiều chủng vẫn rất khó khăn do hiệu quả chống lại những chủng mà chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ gây ung thư cổ tử cung rất khó chứng minh bởi vì cần một mẫu nghiên cứu lớn và theo dõi lâu dài.
Mặc dù, hãng Merck Sharp and Dome (MSD), nhà sản xuất vắc xin hiện nay (Gardasil) tài trợ cho chương trình ‘kỹ thuật phù hợp với sức khỏe’ (PATH) thực hiện dự án tại Peru, Việt Nam, Uganda và Ấn Độ, vẫn rất cần nhiều nỗ lực để đạt được những hiệu quả mong muốn. Nhưng vấn đề chính vẫn khó giải quyết đó là giá thành cao, những nhà nghiên cứu đang khảo sát việc sử dụng E.Coli và thực vật cấy ghép với giá thành rẻ hơn. Sự ổn định của vắc xin cũng vẫn là một vấn đề khó (vắc xin hiện tại cần phải trữ lạnh liên tục). Một giải pháp có thể được sử dụng là những đơn vị của VLP (capsomeres) mà nó có thể được giữ ở nhiệt độ phòng và được pha chế trước khi tiêm.
Viễn cảnh tương lai của những vắc xin có tác dụng điều trị hoặc kết hợp vừa dự phòng và điều trị   
Mặc dù có một số nỗ lực để sản xuất vắc xin điều trị ung thư hoặc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ hoặc quanh trực tràng, nhưng tới nay vẫn chưa thành công được như VLP dự phòng. Mặc dù cơ chế của kiểm soát miễn dịch đối với nhiễm HPV vẫn chưa được hiểu rõ, quan điểm hiện nay trong cộng đồng khoa học là đối với tiêm chủng điều trị thì những protein của virus nằm trong tế bào bị nhiễm bệnh là mục tiêu tấn công của cơ chế miễn dịch được thực hiện bằng những tế bào T. Lý do làm hạn chế sự thành công là do những tổn thương đích quá ‘phát triển’, nó tạo ra cơ chế để thoát khỏi hệ miễn dịch như là che giấu phân tử vi sinh thoát khỏi hệ miễn dịch hoặc chủ động ức chế sự tấn công của hệ miễn dịch, chính vì vậy mà cơ chế miễn dịch bị vô hiệu. Chúng ta có thể có cơ hội thành công hơn trong giai đoạn rất sớm sinh ung, nói cách khác khi có nhiễm HPV mà chưa có dấu hiệu bất thường về tế bào học hoặc dấu hiệu lâm sàng. Vấn đề này cũng rất quan trọng đối với vắc xin dự phòng bởi vì vắc xin hiện tại do MSD (Gardasil) cũng như là Glaxo Smith Kline (GSK) (Cervarix) chỉ là dự phòng và do đó không có tác dụng đối với những phụ nữ đã bị nhiễm HPV. Do đó, vắc xin kết hợp có tác dụng vừa điều trị được tình trạng đang nhiễm HPV và dự phòng tái nhiễm sau này là niềm mơ ước bởi vì những phụ nữ này thường còn trẻ và do đó có nguy cơ cao bị nhiễm HPV đường sinh dục. Sự bảo vệ không chỉ là một mục tiêu đối với thành phần thứ 2 của vắc xin (ví dụ chỉ ngăn ngừa HPV-18 nếu đã loại bỏ được HPV-16) mà còn là vấn đề hiệu quả trên cùng một loại virus, bởi vì sự tiếp xúc không phải luôn luôn tạo nên miễn dịch. Do đó, vấn đề cần thiết là chế tạo một vắc xin mà nó không chỉ tạo nên kháng thể  trực tiếp chống lại cấu trúc protein, như vắc xin dự phòng hiện nay, mà còn phải kích hoạt hệ miễn dịch tấn công chống lại những tế bào đã bị nhiễm bệnh. Những ứng cử viên đã được công bố cho vắc xin hai chức năng là VLP mà có thể thỏa mãn hai điều kiện là thực nghiệm thành công trên động vật và có kết quả tốt trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Khái niệm này cần phải được nghiên cứu thêm trước khi có khẳng định rõ ràng về hiệu quả.
Tổng hợp từ tạp chí “HPV today”

Tác dụng “ngạc nhiên” của thuốc tránh thai

Tác dụng “ngạc nhiên” của thuốc tránh thai
Hầu như ai cũng hiểu viên thuốc tránh thai (TTT) là một trong những phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn. Nhưng còn rất nhiều điều… ngạc nhiên khi bạn chịu khó bớt chút thời gian tìm hiểu về TTT..
Các dạng thuốc TTT
TTT được phân ra nhiều loại. Thứ nhất là các chế phẩm phối hợp: dạng viên, uống vào ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt và uống liên tiếp khoảng 20 - 22 ngày, dừng lại 6 - 7 ngày. Dạng này ít tác dụng phụ nhất và có thể kiểm soát được chu kỳ kinh. Thứ hai là dạng cấy: được cấy dưới da hoặc dưới cơ, có các chỉ định đặc biệt. Thứ ba là TTT liều thấp, có chứa progestagen, dạng viên uống liên tục, tác dụng là ngăn cản tinh trùng vào cổ tử cung. Thứ tư là TTT khẩn cấp: Là thuốc dùng uống 2 viên trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ.
 
Không nên sử dụng quá 4 viên trong cùng chu kỳ và không nên lạm dụng vì có thể dẫn tới vô sinh nếu dùng quá nhiều. Có dạng còn được sử dụng để điều hoà kinh nguyệt hay khắc phục chứng nam hóa do buồng trứng sản xuất quá nhiều androgen.
Tác dụng phụ của TTT
Các hormon trong TTT có thể gây các tác dụng phụ như: rong huyết (trong 1-2 chu kỳ kinh đầu), giảm khẩu vị, buồn nôn (thường hết sau 3 tháng), nhức đầu, trầm cảm, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, xuất tiết nhiều ở âm đạo, viêm đường tiết niệu, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi, bệnh hen nặng hơn, dễ mắc các bệnh do virut. Tất cả những tác dụng phụ này thường không nghiêm trọng, nhưng bạn cũng cần báo cho thầy thuốc biết để tìm cách giảm bớt.
Tuy nhiên, có một điều mà chị em còn băn khoăn là hầu hết khi dùng TTT do tác dụng nhẹ của hormon nam trong quá trình chuyển hóa của viên thuốc nên chị em đều bị tăng cân. Một lưu ý nhỏ là nếu dùng TTT thường xuyên thì bạn nên được thầy thuốc định kỳ kiểm tra huyết áp vì nguy cơ này tăng lên theo tuổi và thời gian dùng thuốc. Vì thế, nếu phụ nữ mắc bệnh tăng huyết áp không nên sử dụng phương pháp tránh thai này.
Những hormon trong viên thuốc là oestrogen và progesterone thường làm tăng kích thước vú, nhưng vú sẽ lại nhỏ đi sau vài chu kỳ kinh hoặc sau khi ngừng thuốc. Viên TTT có hàm lượng hormon càng cao thì càng dễ làm tăng kích thước vú.
Nhiều người khi dùng TTT bị ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, nhưng không phổ biến và không kéo dài. Khi ngừng dùng thuốc, mọi việc lại đâu vào đấy. Do đó, nếu bạn thấy mất kinh kéo dài hay rối loạn kinh nguyệt quá mức bình thường thì nên đi khám phụ khoa ngay.
Bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi kết hợp các loại thuốc kháng sinh hoặc vitamin C này với nhau vì một số kháng sinh như rifampicin, amoxillin, metronidazol, tetracyclin, isoniazid… có thể sẽ làm giảm hiệu quả của TTT. Còn vitamin C có thể làm ra máu ít, rải rác giữa kỳ kinh. Nếu uống vitamin C nhiều hơn 1.000mg/ngày thì nên dùng trước hoặc sau khi dùng TTT ít nhất 4 giờ.
Sử dụng TTT như thế nào?
Mỗi ngày, bạn uống một viên (theo thứ tự ghi trên vỉ thuốc) vào một thời điểm cố định trong ngày để duy trì sự ổn định của nồng độ hormon trong cơ thể. Có thể uống viên thứ nhất vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Nếu quên một viên thì ngày hôm sau phải uống luôn hai viên để bù và chỉ được phép quên 2 lần. Nếu quên đến lần thứ ba, bạn phải sử dụng các biện pháp tránh thai khác vì lúc này thuốc không có tác dụng nữa. Tuy vậy, bạn vẫn phải uống cho đến hết vỉ thuốc vì nếu ngừng, nồng độ hormon tụt xuống, niêm mạc tử cung bong ra sẽ gây chảy máu giữa kỳ.
Không có giới hạn về thời gian cho việc sử dụng viên tránh thai. Một phụ nữ có thể dùng nó an toàn từ khi có đời sống tình dục cho đến khi mãn kinh, nếu bạn không nằm trong nhóm chống chỉ định. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có những triệu chứng đau nhiều, sưng nề chân, nhức đầu nặng, chóng mặt, có cảm giác yếu mệt, tê bì, giảm thị lực, có vấn đề về giọng nói, đau ngực hay khó thở, đau bụng... khi dùng TTT thì nên ngưng và hỏi bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, những người hút thuốc lá trên 15 điếu mỗi ngày, từ 35 tuổi trở lên; bị tăng huyết áp, có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay tạo thành cục máu; có tiền sử bị ung thư vú, tử cung hay gan; mắc bệnh gan, thận, nội tiết; những người đang có thai hoặc nghi ngờ có thai; nhức đầu có nguyên nhân thực thể; chảy máu đường sinh dục bất thường chưa rõ nguyên nhân; hàm lượng cholesterol quá cao, mắc bệnh tiểu đường... nên cân nhắc dùng TTT và tốt nhất hãy tới bác sĩ sản khoa để được tư vấn nhằm chọn được loại phù hợp.
Bs.Trần Thị Thủy
Theo Sức khỏe & đời sống

Cách chăm sóc sản phụ sau sinh mổ

Cách chăm sóc sản phụ sau sinh mổ

Nếu cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng, sản phụ nên dùng thuốc giảm đau vì thuốc không ảnh hưởng tới chất lượng sữa. Ngày đầu sau sinh, sản phụ nên ăn loãng, sau đó mới có thể ăn đặc.
sinh-mo-9207-1398559641.jpg
Ảnh: drupal.in-cdn.net
Trong buổi sinh hoạt mới đây của CLB Mẹ và Bé (Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe TPHCM), tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa hậu sản Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sinh mổ không phải lựa chọn đầu tiên của các bác sĩ, và chỉ được chỉ định khi mẹ hoặc thai nhi có nguy cơ về sức khỏe. Việc hồi phục sau sinh mổ lâu và khó khăn hơn so với sinh thường, sản phụ mất máu nhiều hơn, chi phí cao hơn và nguy cơ bị nhiễm trùng hậu sản cũng cao hơn… Vì vậy, bác sĩ lưu ý, các bà mẹ sinh mổ cần phải cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt hay chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực, nhất là khi vừa đau với vết mổ vừa phải chăm sóc con cái.
1. Chăm sóc vết mổ
Trong tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ, cho các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng, nhiễm trùng. Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những thuốc này không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa, vì vậy các bà mẹ đừng ngại yêu cầu bác sĩ cung cấp thuốc nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng.  Các vết mổ đang trong quá trình lành gây đau đớn, kết hợp với tử cung đang co thắt để trở về trạng thái ban đầu có thể gây ra cảm giác choáng váng và kiệt sức.
Sang tuần thứ hai, nếu khâu bằng chỉ không tiêu thì sẽ bác sĩ xem xét vết mổ, nếu khô sạch thì cắt chỉ. Thông thường, bác sĩ sẽ cắt chỉ sau 5 ngày nếu mẹ mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày nếu mổ lần hai trở lên. Nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ. Thời gian này, mẹ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng. Không nên thoa các loại thuốc kháng sinh, hay đắp lá trầu, tỏi giã lên vết mổ.
Bác sĩ Thu Hà cũng lưu ý, có những người cơ địa lồi, thậm chí 4 tháng sau khi cắt chỉ, mới nhú sẹo lồi. Sẹo lồi là vết mổ sau khi liền sẽ lồi hẳn ra khỏi mặt da, có màu sậm hoặc hơi tím, khi đụng vào có thể đau hoặc ngứa và tồn tại mãi với thời gian. Các mẹ có thể dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi cắt chỉ được một tuần trở đi. Nếu thoa thuốc sớm có thể gây nhiễm trùng.
2. Dinh dưỡng, chế độ ăn
Sản phụ không được phép ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ vì lúc này, dưới tác động của thuốc dùng trong ca phẫu thuật, nhu động ruột của bạn đang ở mức rất thấp, đường ruột ứ ra nhiều khí, dạ dày hoạt động yếu. Thức ăn đưa vào sẽ rất khó tiêu hóa, gây đầy hơi, táo bón, khiến cơ thể càng mệt mỏi, lâu hồi phục.
Trong ngày đầu vừa sinh, các bà mẹ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi xì hơi (trung tiện) mới bắt đầu ăn đặc, và nên ăn những đồ mềm, lỏng.
Sau đó, các bà mẹ ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, đồng thời uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Tình trạng táo bón đầy hơi vẫn tồn tại sau mổ 3-5 ngày do ảnh hưởng của thuốc tê. Lưu ý không dùng các loại thực phẩm dễ gây tiêu chảy hoặc dị ứng, gây sẹo lồi (thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống...) Nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín.
Đặc biệt, trong quá trình liền vết mổ thì các vitamin A, B, C (cam, quýt, bưởi cà rốt) có vai trò kiểm soát viêm nhiễm; Vitamin K và các yếu tố vi lượng như canxi, kẽm, sắt, đồng (có trong trứng sữa) có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ; Protein là nguyên liệu chính tạo ra tế bào mới hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ. Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể khoảng 200 g thức ăn có chứa protein như thịt, cá, sữa, đậu…
3. Vận động nghỉ ngơi
Sau sinh, việc di chuyển khiến các mẹ đau đớn nhưng đừng vì vậy mà nằm nhiều trên giường. Ngay sau khi ống thông tiểu được lấy ra, sản phụ đã có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại. Trước đó, các mẹ vẫn có thể cử động tay chân nhẹ nhàng hoặc ngồi dậy.
Lười vận động sau khi sinh mổ làm cho nhu động ruột chậm hồi phục, từ đó dẫn đến chứng táo bón rất khó chịu ở chị em sản phụ. Đồng thời đây cũng là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng làm hình thành các cục máu đông ở chân, tay và gây viêm phổi sau phẫu thuật (do nằm một chỗ, phổi bị ứ đọng). Việc vận động đi bộ ngắn giúp các chức năng bình thường của cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc biến chứng sau phẫu thuật như dính ruột, viêm tắc tĩnh mạch…
Tuy nhiên, đối với những chị em đã trải qua giai đoạn chuyển dạ quá khó trước khi quyết định sinh mổ hoặc cuộc mổ khó khăn mất nhiều máu thì cần phải nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng trước khi di chuyển, nếu không dễ gặp nguy hiểm do té, ngã, ngất.
Còn các mẹ siêng vận động cũng nên nhớ rằng, dù tập thể dục rất tốt và thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau sinh, nhưng nếu sinh mổ thì vẫn cần từ 4-6 tuần sau sinh mới được tập luyện trở lại.
4. Cho con bú
Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú ngay càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều dinh dưỡng nhất, chứa nhiều chất đề kháng nhất cung cấp các chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Quan niệm không dám cho con bú ngay sau sinh mổ vì sợ có hại cho bé, sữa không kịp về hay sữa còn chứa thuốc gây tê ảnh hưởng đến trẻ khá phổ biến ở chị em sản phụ. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể cho con bú ngay sau một giờ đầu sau sinh mổ bằng hình thức gây tê. Với những sản phụ sinh mổ bằng hình thức gây mê toàn thân, thời điểm thông thường có thể cho bé bú sau khoảng 4-6 tiếng đồng hồ, khi thuốc gây mê bớt tác dụng. Cho bé bú sớm không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử, tăng sức đề kháng cho bé mà còn giúp tử cung của mẹ mau phục hồi, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Để tránh ảnh hưởng của vết mổ, các mẹ nên nhờ người thân trợ giúp để đỡ bé ở tư thế thoải mái nhất cho cả hai mẹ con.
5. Vệ sinh
Ngay sau khi sinh, mẹ đã có thể rửa mặt, súc miệng, chải răng mỗi ngày. Mẹ nên chọn bàn chải mềm, tránh chảy máu răng.
Để tránh hiện tượng bí tiểu sau sinh, chị em nên tập đi tiểu từ 2 đến 3 giờ sau khi rút ống thông tiểu. Nếu nửa ngày đầu còn yếu, chị em có thể dùng bô ngay tại chỗ, sang ngày thứ hai có thể vào nhà vệ sinh.
Nên lau rửa thân thể bằng nước ấm và lau khô người. Sang tuần thứ hai thì có thể tắm rửa bình thường, tránh làm ướt vết mổ, không chà mạnh lên vết mổ.
6. Những dấu hiệu cần lưu ý trong thời gian hậu phẫu
Sốt là phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể sốt do mặc ấm quá mức, nằm than, thiếu nước. Vì vậy mẹ cần uống nhiều nước, nếu mùa nóng nên mặc quần áo thoáng mát, có thể nằm điều hòa, nhưng nên có những phút tắt điều hòa mở cửa cho phòng thông thoáng.
Sản dịch: Dù bạn sinh mổ, sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường và đây là dấu hiệu cho thấy tử cung đang hồi phục tốt. Trong 3 hoặc 4 ngày đầu, sản dịch có màu đỏ tươi, sau đó lượng máu dần dần bớt đi và chuyển qua màu hồng, màu nâu khi nội mạc tử cung co lại. Đến khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi hay sản dịch có màu đỏ tươi trở lại, cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Vết mổ sưng đỏ, đau hoặc tiết dịch: Vết mổ là vết thương, do vậy cần giữ khô sạch để tránh nhiễm trùng. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Bí quyết để nhanh có bầu khi vợ chồng ít gặp nhau

Bí quyết để nhanh có bầu khi vợ chồng ít gặp nhau

Em và chồng có ý định sinh em bé thứ hai từ 10 tháng nay. Chồng em công tác xa nhà, tháng về một lần. 
Chúng em đã tính rất nhiều cách nhưng kết quả là chưa đạt được. Làm sao để có con khi hai vợ chồng ở cách xa nhau, thưa bác sĩ? (Vũ Hảo)
asian-couple-in-bed-Copy-JPG_1398750785.
Ảnh minh họa: Shanghai.talkmagazines.
Trả lời:
Xác suất thụ thai ở người phụ nữ sẽ cao hơn nếu cuộc giao hợp rơi vào ngày rụng trứng. Vì vậy bạn cần tính được ngày rụng trứng của mình. Một chu kỳ kinh được tính từ ngày hành kinh đầu tiên đến trước ngày hành kinh của chu kỳ sau. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, tuy vậy có người có chu kỳ ngắn hơn, cũng có người có chu kỳ dài hơn.
Người ta thường cho rằng trứng rụng vào giữa chu kỳ kinh, điều này chỉ đúng với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày. Từ ngày rụng trứng đến ngày cuối cùng của chu kỳ kinh thường là 14 ngày với phần lớn phụ nữ. Trong khi đó từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh đến ngày rụng trứng lại dài ngắn khác nhau tùy theo vòng kinh dài hay ngắn. Vì vậy, ngày dự kiến rụng trứng kể từ ngày hành kinh đầu tiên bằng số ngày của chu kỳ kinh trừ đi 14 ngày.
Một số triệu chứng giúp em có thể nhận biết ngày rụng trứng của mình là: 1. Dịch âm đạo (khí hư) nhiều hơn và loãng hơn bình thường (giống như lòng trắng trứng). 2. Nhiệt độ cơ thể hơi cao hơn bình thường. 3. Vú cương đau. 4. Tăng ham muốn tình dục. 5. Có phụ nữ có chút máu lẫn trong khí hư. Xác định được ngày rụng trứng của mình, vợ chồng em nên đặt kế hoạch để gần gũi nhau, khả năng có thai sẽ cao hơn nhiều em ạ.
Chúc cho vợ chồng em sớm có em bé!
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Thủy
Chuyên gia về Đào tạo và Dịch vụ Sức khỏe Sinh sản của Tổ chức Concept Foundatio