Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Phạt tiền phòng khám Trung Quốc như 'nước đổ đầu vịt'

Phạt tiền phòng khám Trung Quốc như 'nước đổ đầu vịt'

15 triệu đồng là số tiền mà một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc ở quận 11, TP HCM, đóng phạt khi bị phát hiện mắc nhiều sai phạm. Số tiền này chỉ bằng chi phí mà họ thu từ 1 đến 2 bệnh nhân chữa phụ khoa hoặc cắt trĩ.
> 'Không thể cứ sai phạm là đóng cửa phòng khám TQ'

Cuối năm 2011, phòng khám đa khoa Đầm Sen, quận 11, bị phát hiện hàng loạt sai phạm về hồ sơ, sổ sách, có bác sĩ Trung Quốc hành nghề nhưng chưa chứng minh được bằng cấp. Sở Y tế đã xử phạt phòng khám này hơn 15 triệu đồng. Ngày 20/6, cơ sở này lại bị bắt lỗi tương tự.
Tương tự, phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc ở Phú Nhuận từng bị phạt 15 triệu đồng do sai phạm; đến hôm 19/6 lại bị phát hiện hoạt động ngoài chức năng cho phép, có sử dụng bác sĩ Trung Quốc nhưng không trình được bằng cấp.
Một phòng khám ở quận 5 sử dụng “bác sĩ” Trung Quốc để điều trị nhưng không trình bằng cấp hành nghề, bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt 2 lần với số tiền gần 30 triệu đồng. Thế nhưng khi tái kiểm tra, cơ sở này vẫn có nhiều sai phạm.
Giá điều trị trọn gói cho một bệnh nhân mắc trĩ, bệnh phụ khoa cần can thiệp bằng máy móc tại các phòng khám cổ truyền Trung Quốc không dưới 10 triệu đồng. Ảnh: Thiên Chương.
Theo các trưởng phòng y tế của một số quận huyện, thực trạng trên cho thấy, so với doanh thu phòng khám, số tiền nộp phạt vi phạm không bõ bèn gì.
Theo bác sĩ Vũ Anh Sơn, Trưởng phòng Y tế quận 10, mức xử phạt hành chính từ 15 đến 20 triệu đồng là không cao và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phòng khám từng bị xử lý vẫn "ngựa quen đường cũ".
Một bác sĩ trưởng phòng y tế quận giấu tên cho rằng, chỉ cần từ 1 đến 2 bệnh nhân đến mổ trĩ hoặc chữa viêm phụ khoa thì phòng khám đã đủ tiền đóng phạt. Bác sĩ này cũng cho biết, nếu xử phạt đúng theo Nghị định số 96 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh” thì mức phạt có thể cao hơn. Tuy nhiên dù cao thì hình thức này vẫn chưa đủ tính răn đe.
“Cần có các biện pháp xử lý mạnh hơn, nghiêm khắc hơn. Bởi so với số tiền mà các phòng khám thu được từ bệnh nhân thì tiền đóng phạt là quá nhỏ. Các cơ sở này có thể không sợ và tiếp tục sai phạm theo kiểu bất chấp”, bác sĩ này nói.
Luật sư Trịnh Thanh, Văn phòng luật sư Người nghèo tại TP HCM, cho biết, hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn trong giấy phép; sử dụng bác sĩ nước ngoài không đăng ký; cho mượn giấy phép hoạt động, quảng cáo không đúng sự thật, không đúng chuyên môn đều có thể bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại về dân sự cho bệnh nhân (nếu có thiệt hại).
"Trường hợp gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, hoặc tính mạng của bệnh nhân thì chủ cơ sở hoặc bác sĩ, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại còn có thể bị xử lý hình sự với mức 1-15 năm tù", ông Thanh nói.
Cũng theo luật sư Thanh, Nghị định 96 đã quy định tương đối đầy đủ những hành vi vi phạm, biện pháp xử phạt hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh, như: phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn đến vô thời hạn.
"Việc tước giấy phép là một biện pháp khả thi khiến đối tượng bị phạt sợ hơn cả, vì thất thu, mất khách và có thể dẫn đến phá sản”, ông Thanh nêu quan điểm.
Máy ngưng hoạt động là chiêu mà các phòng khám ứng phó với thanh tra. Ảnh: Thiên Chương.
Bác sĩ Phạm Kim Bình, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM thừa nhận chuyện các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố Trung Quốc tái phạm nhiều lần dù đã bị xử phạt.
"Cũng chính vì điều này, kể từ nay, chúng tôi sẽ kiên quyết hơn trong xử lý. Cụ thể đợt này, chúng tôi đề nghị xử phạt phòng khám 141 Phan Đăng Lưu hơn 40 triệu đồng và rút giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tế", ông Bình nói.
Cùng với mức độ và hình thức xử phạt chưa đủ răn đe, việc kiểm tra không thường xuyên của cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tự do hoạt động.
Theo bác sĩ Phạm Kim Bình, mỗi năm Sở đều có hai đợt kiểm tra các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên toàn thành phố có đến hơn 14.000 cơ sở nên việc này không thể triệt để. Ngoài ra, do các phòng khám chưa bị kiểm tra đoán được thông tin nên tìm cách đối phó.
Cũng theo ông Bình, do số lượng phòng khám tư quá đông nên Sở đã phân cấp quản lý cho các phòng y tế quận huyện thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra. Song, tổng kết công tác thanh tra hằng năm đều cho thấy, lượng cơ sở khám chữa bệnh bị phát hiện sai phạm là chưa cao. Cụ thể, năm 2011, kiểm tra 581 cơ sở thì chỉ có 93 cơ sở vi phạm.
Lý giải điều này, đại diện các phòng y tế cho rằng họ chưa có quyền đầy đủ. Bác sĩ Vũ Anh Sơn, Trưởng Phòng y tế quận 10 cho biết, ngoài 2 đợt kiểm tra theo chỉ đạo từ Sở, hoặc từ đơn thư khiếu nại từ Sở chuyển xuống, còn lại, phòng y tế quận huyện không có quyền tự kiểm tra các phòng khám. Các thanh tra viên cũng không ai có thẻ thanh tra.
"Đó là chưa kể các phòng khám muốn hoạt động thì đều đã có giấy phép hợp pháp. Chỉ nhìn bằng cảm tính khó lòng biết họ vi phạm như thế nào, mức độ vi phạm ra sao. Chúng tôi nếu muốn kết luận sai phạm thì phải bắt tận tay", ông Sơn nói.
Phân tích nguyên nhân khiến phòng khám rởm vẫn còn tồn tại, ngoài mức phạt quá nhẹ, việc kiểm tra chưa thường xuyên, nhiều bác sĩ giấu tên còn cho rằng có trách nhiệm của phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân (Sở Y tế TP HCM).
"Là đơn vị trực tiếp cấp phép và quản lý, lẽ ra trong hậu kiểm sau cấp phép, nếu phát hiện các phòng khám sai phạm, phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân phải sớm báo Thanh tra Sở để xử lý. Đằng này, nhiều phòng khám dù được cấp phép vẫn ngang nhiên vi phạm, mãi đến khi báo chí hoặc người bệnh tố giác thì thanh tra mới biết", một bác sĩ nói.
Trao đổi với VnExpress.net liên quan đến việc quản lý phòng khám tư nhân, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết đã yêu cầu kiểm tra lại các phòng khám để tổng hợp báo cáo theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét