Nên bán hay cổ phần hóa các bệnh viện?
TTCT - Cổ phần là một xu thế tất yếu trong
mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ và nhiều mặt hoạt động khác
của xã hội cũng như các ngành kinh tế và dịch vụ khác, việc cổ
phần hóa (CPH) những bệnh viện công để chuyển từ hoạt động theo
kiểu bao cấp sang hình thái hoạt động dịch vụ, biến ngành y tế
thành ngành kinh tế và đây là một thay đổi rất lớn trong tư duy
của lãnh đạo.
Những thầy thuốc và cả người dân đều hi vọng
rằng nếu được CPH, các bệnh viện và cơ sở y tế công lập hiện nay
sẽ hoạt động tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn về chất lượng
dịch vụ và thu nhập cho nhân viên. Nhưng đó chỉ là hi vọng, vì
với cách CPH ồ ạt như hiện nay điều này chưa chắc trở thành hiện
thực.
Muốn CPH có hiệu quả, chúng ta phải nhìn vào bộ
máy quản lý và lãnh đạo của mỗi cơ sở y tế. Chúng ta quen hoạt
động với hình thức bao cấp đã quá lâu rồi, giám đốc được cấp
trên bổ nhiệm, trưởng khoa cũng được bổ nhiệm... Do đó, chúng ta
chưa chọn được người có tài để có thể lãnh đạo và quản lý bệnh
viện trong cơ chế thị trường. Tình trạng bình mới rượu cũ sẽ làm
nản lòng các nhà đầu tư thật sự. Hiện nay hầu như có rất ít
người đầu tư vào thị trường bệnh viện vì tỉ lệ lời trên đồng vốn
bỏ ra rất thấp, thời gian lấy vốn kéo dài.
Ở một số bệnh viện đã CPH hoặc sắp sửa CPH,
hiện tượng đầu cơ cổ phần đã tràn lan và gây nhiều bất ngờ cho
nhiều người. Vì phần lớn cổ phiếu bán cho nhân viên bệnh viện
đều được họ bán sạch ra thị trường chứng khoán, kể cả thị trường
không chính thức, và người lao động chẳng còn sở hữu một chút gì
ở bệnh viện mà họ công tác nên tình trạng làm việc theo kiểu bao
cấp lại xảy ra.
Như vậy, về lý thuyết CPH là giải pháp tốt nhất
cho các bệnh viện nhưng trong thực tế nó chưa phải là cái đũa
thần cho nền y tế Việt Nam, cho những người làm y tế và cho mọi
người dân.
Nên bán bớt bệnh viện cho tư nhân là điều nghe
có vẻ là nghịch lý (và chưa chắc đã được dư luận chấp nhận)
nhưng sẽ tốt hơn. Việc này đã được rất nhiều nước trên thế giới
thực hiện thành công. Tại sao vậy? Rõ ràng là khi bán bệnh viện
cho tư nhân và các tổ chức tư nhân, họ sẽ dễ dàng tái cơ cấu và
tổ chức lại hoạt động của bệnh viện.
Do đồng tiền của chính mình bỏ ra, họ sẽ không
ngại ngần trong việc mời những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực
kinh doanh bệnh viện, những chuyên gia giỏi về tài chính và
những nhà quản lý giỏi trong lĩnh vực cổ phần. Lúc đó mọi chức
danh và nhiệm vụ trong bệnh viện từ giám đốc đến các thầy thuốc
chuyên môn đều qua một kỳ thi tuyển, và mọi người đều có quyền
thi tuyển nếu đạt đủ điều kiện mà nhà tuyển dụng đặt ra.
Việc này rất khó làm khi Nhà nước còn nằm giữ
hơn 51% cổ phần của bệnh viện, chưa kể đến một việc khác rất khó
thực hiện được là phần tiền nào trong bệnh viện để làm công tác
xã hội, phục vụ người nghèo và các đối tượng thuộc diện chính
sách. Có người cho rằng sẽ sử dụng phần lời của Nhà nước để làm
y tế phục vụ trong chính bệnh viện. Nhưng để có lời trong hoạt
động kinh doanh của bệnh viện trong một số năm đầu tiên khi vừa
mới thoát ra khỏi hoạt động bao cấp như hiện nay không phải là
dễ, và chắc gì điều này sẽ được những người đầu tư khác nắm giữ
49% cổ phần của bệnh viện đồng ý.
Tất nhiên, Nhà nước chỉ nên giữ lại 20% các
bệnh viện công để phục vụ công tác an dân, phục vụ những bệnh
nhân nghèo, những đối tượng chính sách và những trường hợp bệnh
khó điều trị. Các bệnh viện này hoạt động nhờ kinh phí của Nhà
nước, bảo hiểm y tế cũng như nguồn đóng góp từ các hoạt động
nhân đạo. Trong khi trước đây kinh phí của Nhà nước dồn cho 100
bệnh viện thì nay chỉ phải lo cho 20 bệnh viện, chắc chắn là sẽ
hiệu quả hơn nhiều, kể cả việc tăng thu nhập của nhân viên y tế
trong các bệnh viện này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét