Thực trạng đau lòng của hệ thống bệnh viện tại Việt Nam
Chất lượng phục vụ của hệ thống y tế tại Việt
Nam là một đề tài đang gây nhức nhối trong công luận và là một bài toán
đau đầu cho giới hữu trách. Đó cũng là chủ đề của loạt thảo luận trên
Tạp chí Thanh Niên bắt đầu từ tuần này. Trong cuộc trao đổi hôm nay bàn
về tình trạng đáng báo động của các cơ sở y tế và bệnh viện công trong
nước có sự tham gia của hai bạn trẻ trong nước và hai bác sĩ trẻ đang tu
nghiệp tại hai nước tiên tiến ở Châu Á và Châu Âu là Nhật và Hà Lan.
Hình: AFP
Một bệnh nhi tại bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Thành Nguyễn: Tôi là Thành hiện đang ở Sài Gòn.
Kim Thu: Tôi là Kim Thu ở Đồng Nai.
Bác sĩ Hiệu: Tôi là Hiệu đang nghiên cứu về não ở Hà Lan.
Bác sĩ Phụng: Tôi là Phụng, đang là bác sĩ lâm sàng,
tức bác sĩ điều trị ở bệnh viện Shizuka, Nhật Bản, khoa tim mạch nhi.
Trước đây, mình công tác ở Bệnh viện nhi đồng TPHCM khoảng 5 năm. Mình
nhận học bổng của Nhật và qua đây được 7 tháng rồi.
Trà Mi: Cảm nhận của các bạn về hiện trạng các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe trong nước thế nào?
Thành Nguyễn: Đa số các bệnh viện ở Việt Nam hiện
nay đều quá tải, chất lượng khám chữa bệnh rất thấp. Có hai dạng: khám
bệnh theo dịch vụ và khám bệnh thường. Nghĩa là ai có tiền thì khám
trước, không có tiền phải ngồi chờ, khiến những người bệnh nhẹ vào bệnh
viện trở nên nặng hơn.
Trà Mi: Ghi nhận của Thành về hệ thống
bệnh viện trong nước thứ nhất là quá tải, thứ hai là chất lượng kém, và
thứ ba là bệnh ít vô bệnh viện bệnh nhiều hơn. Ý kiến Thu thế nào?
Kim Thu: Tôi đã đi nhiều bệnh viện, nhận thấy tình
trạng giống như Thành nói. Tháng 2 vừa qua tôi có đi nuôi mẹ ở bệnh viện
Thống Nhất trước là bệnh viện Thánh Tâm, quốc lộ 1. Vô đó thấy rất bức
xúc. Thái độ của y bác sĩ tại đây rất thờ ơ trước sinh mạng của con
người. Họ không có lương tâm. Khi đưa người cần cấp cứu vì tai nạn giao
thông vào, mặt mày bệnh nhân máu me mà những người trong phòng trực cấp
cứu vẫn ngồi ngoài bàn thờ ơ như không có chuyện gì, vì họ chờ tiền.
Không có tiền đóng là họ không cấp cứu, nằm đó chờ chết thôi. Người ta
bị tai nạn đáng lý không chết, nhưng vô bệnh viện gặp bác sĩ không có
lương tâm thì phải chết thôi. Không ai hướng dẫn cho mình biết phải đem
nạn nhân đang cần cấp cứu đó vào phòng nào. Hôm 1/4 vừa rồi Thu tới bệnh
viện nhi ung bướu Sài Gòn, thấy rất tội nghiệp. Bệnh nhân
nằm dưới gầm giường rất nhiều
vì phía trên đã đầy. Không nằm dưới gầm giường thì đâu có chỗ đâu mà
nằm. Qúa tải đến mức như vậy. Những đứa trẻ vô thuốc mà cứ co ro nằm
dưới gầm giường. Người thân cũng nằm dưới đó. Bệnh ít thành bệnh nhiều
vì trong đó mất vệ sinh, rất ô nhiễm. Bụi rớt xuống cục nào cục nấy to
như ngón tay, không thể nào tưởng tượng nỗi. Bệnh viện phải là nơi sạch
sẽ nhất, thoáng mát cho người bệnh hít không khí trong lành. Nhưng mà ở
đây, các bệnh nhi hít toàn những bụi bặm, sao mà khỏe được. Vô đó bức
xúc lắm, không thấy một y bác sĩ nào hết, từ đầu dãy tới cuối dãy.
Trà Mi: Đây là trung tâm điều
trị lâu dài, như một nơi lưu trú, nên không có y bác sĩ túc trực đông
đảo thường xuyên như những nơi khác chăng? Mình có thông cảm được điều
đó chăng?
Kim Thu: Không phải. Nguyên tắc bệnh viện là phải có
người trực và phải trực theo ca. Tới thăm cả buổi cũng chẳng thấy ai
hết. Dọc hành lang đường đi bệnh nhân nằm hết. Họ che ngoài hiên hành
lang bệnh viện để ở tạm, hết cả dãy nhà như vậy. Rất thương tâm và đau
lòng trước những cảnh như vậy.
Trà Mi:
Chị Thu ghi nhận cảnh các bệnh
nhi phải nằm dưới gầm giường vì bệnh viện quá tải, không đủ giường bệnh.
Ở đây có một vị bác sĩ nhi khoa từ trong nước mới ra nước ngoài tu
nghiệp thêm, bác sĩ Phụng. Bác sĩ có chia sẻ điều này không hay chăng
đây chỉ là một hình ảnh thôi chứ không phải là hình ảnh tiêu biểu cho
các bệnh viện trong nước?
Kim Thu: Cũng vậy à. Như bệnh viện nhi ở Đồng Nai,
tháng 2 năm nay, Thu có vào thăm một em bé bị gãy tay, cũng đông giống
vậy. Hai trẻ nằm một giường. Mình phải đăng ký phòng đặc biệt thì mới có
2 giường cho 2 trẻ thoải mái, 400 ngàn/ngày, tức là có tiền thì sẽ có
phòng chứ không có gì hết.
Bác sĩ Phụng: Rất chia sẻ tâm sự của Thành và Thu.
Mình đã đi nhiều bệnh viện trong thành phố. Vấn đề quá tải diễn ra ở hầu
hết các bệnh viện trung ương vì sự tập trung không đồng đều. Tất cả
người dân đều tập trung hết lên các bệnh viện tuyến thành phố trong khi
bệnh viện ở tuyến tỉnh và huyện lại rất trống. Ai từng đến các bệnh viện
ở Việt Nam đều thấy chuyện bệnh nhân nằm ở hành lang chật đến nỗi bác
sĩ không có đường đi. Nếu họ không nằm hành lang phải chấp nhận nằm 2, 3
bệnh nhân một giường thì bệnh có thể truyền nhiễm từ người này sang
người kia. Có những trường hợp lây nhiễm chéo đã xảy ra.
Trà Mi: Bệnh nhân bị các căn bệnh nan y
như ung bướu cần phải nằm điều trị lâu dài mà tình trạng bệnh viện như
thế chắc tình trạng của họ chỉ có kém đi…
Bác sĩ Phụng: Tôi không nghĩ vậy. Nếu vậy thì bệnh viện tuyến trung ương đã không bị quá tải.
Trà Mi: Ý kiến của bác sĩ Phụng, các bạn có chia sẻ không?
Thành Nguyễn: Mình đi rất nhiều bệnh viện và thấy đa
số các bệnh viện nội việc khám bệnh thôi là rất đông. Vào một môi
trường ai cũng bệnh, đôi khi bệnh mình ít, nhưng nhìn thấy bệnh nhân
đông, cộng thêm cảm giác mệt mỏi làm cho bệnh của mình càng nặng thêm
nữa.
Trà Mi: Các bệnh viện trung tâm tuyến
trung ương bệnh nhân đông như vậy làm bệnh nhân bực mình trước các bất
cập, khiến bệnh có thể tệ đi, tại sao mọi người lại cứ đổ tới các bệnh
viện đó?
Thành Nguyễn: Tại vì mình không có lựa chọn nào khác
tốt hơn thì mình phải chấp nhận thôi. Bệnh viện ở tuyến nhỏ không có
bác sĩ nhiều để khám, không đủ nhân lực, không đủ thiết bị y tế, buộc
lòng người ta phải chấp nhận vào các bệnh viện trung ương, nơi có trang
thiết bị đầy đủ hơn và nguồn nhân lực tốt hơn.
Trà Mi: Vấn đề nan giải ở chỗ các bệnh
viện lớn ở trung tâm có thiết bị tốt, đội ngũ y tế thạo nghề, nhưng quá
tải dẫn tới tình trạng thiếu vệ sinh, chen chúc đông đúc. Còn những bệnh
viện tỉnh rộng rãi thoáng mát nhưng lại thiếu phương tiện nên người ta
không tìm tới. Bệnh nhân trong nước lựa chọn giữa một bệnh viện có chất
lượng để cải thiện sức khỏe với một bệnh viện thoải mái, tốt nhưng không
biết có đủ thầy thuốc giỏi hay không. Đó là một sự lựa chọn bất đắc dĩ.
Bác sĩ Phụng: Một bác sĩ mà một buổi sáng phải khám
100 bệnh nhân như hiện tại chúng tôi đang làm thì không thể nào đảm bảo
được chất lượng về giao tiếp cũng như tâm lý tiếp xúc. Mỗi bệnh nhân chỉ
được khám từ 2 tới 5 phút thôi. Trong điều kiện như vậy rất khó để thỏa
mãn tâm lý tiếp xúc với người bệnh. Thật ra chúng tôi hiểu một người
bệnh cần ít nhất nửa tiếng để thể hiện hết các nỗi lo của mình. Với thực
tế tại Việt Nam hiện nay, chắc chắn ai cũng có bức xúc. Chính sự bức
xúc tạo ra những sự mâu thuẫn, nhưng bác sĩ không có cách nào làm khác
hơn. Tâm lý tiếp xúc không được thoải mái sẽ ảnh hưởng tới bệnh. Tôi
cũng vậy, tôi đau mà phải bị ngồi chờ sẽ cảm thấy mệt mỏi, gây ra bệnh
nặng hơn. Thật sự nói ‘bệnh nặng hơn’đôi khi vì yếu tố tâm lý, chứ tới
bệnh viện mà để bệnh nặng hơn thì tôi nghĩ các bệnh viện trung ương
không thể tồn tại tới bây giờ.
Trà Mi: Tới để bệnh nặng hơn dĩ nhiên
không ai muốn tới, nhưng đó là điều như Thành nói là bất đặng đừng, bệnh
nhân không còn lựa chọn nào khác. Tới bệnh viện để nằm ngoài hành lang
trong điều kiện tồi tệ như vậy, bệnh nhân bệnh ít nhưng phải lây lất
ngoài hành lang như vậy ai có thể khỏe nổi, phải không ạ?
Bác sĩ Phụng: Dạ đúng. Một bệnh viện tới gần một
ngàn giường là một bệnh viện rất lớn nhưng vẫn bị quá tải. Vậy rõ ràng
bị quá tải do những bệnh nhẹ chứ không phải những bệnh thực sự cần điều
trị ở tuyến trung ương.
Trà Mi: Bác sĩ Phụng cho rằng tình
trạng bệnh viện quá tải nhập nhằng hiện nay là do tâm lý bệnh nhân thích
đổ về các bệnh viện tuyến trung ương, tạo nên sự bất cân đối.
Bác sĩ Phụng: Đó là yếu tố quan trọng nhất.
Trà Mi: Các bạn khác có đồng ý không?
Theo các bạn nguyên nhân khiến các bệnh viện trong nước quá tải, chất
lượng kém, tiêu chuẩn thấp là do đâu?
Thành Nguyễn: Một nguyên nhân khác mình thấy là do
mỗi bệnh viện phải tự chủ chính sách tài chính. Cho nên tình trạng quá
tải thật sự là do người ta muốn thế. Quá tải đồng nghĩa với việc đem lại
doanh thu nhiều hơn. Nếu quản lý tốt thì mọi việc sẽ rõ ràng, chứ giờ
bệnh nhân vào bao nhiêu cũng nhận thì họ cứ đổ tới bệnh viện lớn thôi.
Trà Mi: Thu có ghi nhận được những nguyên nhân nào khác ngoài từ phía bệnh nhân, từ phía người quản lý, nữa không?
Kim Thu: Bệnh nhân buộc phải dồn về các bệnh viện
trung ương vì tay nghề bác sĩ (ở địa phương) kém. Một ví dụ chứng minh
là một bệnh nhi ở bệnh viện nhi đồng 2, Đồng Nai. Bệnh nhi này bị gãy
tay, ở đó cả tuần lễ băng bột. Đến ngày xuất viện khám lại mới biết bé
bị bắt ốc lệch. Nguyên nhân do ai? Phải do bác sĩ không? Như vậy người
ta phải nóng ruột, phải đi lên tuyến trung ương. Khi lên tuyến trung
ương đông quá, phải chi tiền dịch vụ.
Trà Mi: Tóm lại nguyên nhân từ tâm lý
bệnh nhân, từ cách quản lý, từ chính đội ngũ y bác sĩ trong cách tiếp
xúc với bệnh nhân và trình độ tay nghề. Các nguyên nhân này cộng hưởng
lại tạo nên tình trạng nan giải hiện nay. Mình nói tới thực trạng và
phân tích nguyên nhân, bây giờ thử cùng nhau bàn về giải pháp xem sao.
Các bạn có đề nghị những giải pháp nào khả dĩ có thể góp phần giải quyết
tình trạng bệnh viện quá tải, chất lượng kém ở Việt Nam hiện nay hay
chăng?
Bác sĩ Phụng: Mình đã đi nước ngoài, cũng không có
đâu mình cảm giác được sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa y bác sĩ với
bệnh nhân như ở Việt Nam. Mình cũng xót xa vì mình cũng là một người
cung cấp dịch vụ y tế. Rất khó, thật sự là rất khó giải quyết.
Bác sĩ Hiệu: Mình thấy Việt Nam thiếu sự ‘đọc bệnh’
nghĩa là thăm bệnh từ tuyến trước để đẩy ra tuyến sau. Ở Hà Lan, mình
thấy rất tiện dụng. Khu mình ở có các bác sĩ gia đình ở đó. Thường,
trước khi người ta vào bệnh viện, họ phải đi bác sĩ gia đình ngay địa
phương. Bác sĩ sẽ chuyển đi các bệnh viện sau. Ở Việt Nam có nhiều chỗ
không có phòng mạch bác sĩ, còn có chỗ lại quá nhiều phòng mạch xung
quanh. Ngay trong các cơ sở y tế địa phương cũng không có sự phân bệnh
rõ.
Bác sĩ Phụng: Hệ thống y tế của mình không đủ tài
chính để tạo thành một hệ điều hành khá hoàn hảo như ở Nhật hiện tại mà
tôi thấy. Ở đây có sự luân phiên bác sĩ. Hầu như cứ 2 năm bác sĩ phải đi
một chỗ khác. Chính nhờ sự luân phiên này, mặt bằng về trình độ y tế,
kiến thức y khoa được dàn trải đồng đều, không có sự chênh lệch giữa
bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Để làm điều này, điều kiện tài
chính của Việt Nam không thể đảm bảo. Ngay như lương của bác sĩ đã
không cao, chỉ 3-5 triệu/tháng, thì không cách gì kêu họ luân phiên,
chuyển chỗ ở, mướn nhà. Ở Nhật làm được việc này vì lương bác sĩ ở đây
gấp cả trăm lần ở Việt Nam. Đây là điều mình nên làm nhưng làm không
được. Nói về phía bác sĩ, bệnh nhân cần được an ủi, chăm sóc, nhưng đồng
lương của bác sĩ…Thật sự tôi rất ngại phải nói điều này, nhưng đó là
một vấn đề rất nhức nhối.
Trà Mi: Về vấn đề thiếu tài chính nên
không điều hành dàn trải được, trong trường hợp có tiền, có thể giải
quyết được các vấn đề hiện nay ở Việt Nam hay không?
Bác sĩ Hiệu: Tiền rất quan trọng trong vấn đề này. Ở
tất cả các nước phát triển, hệ thống y tế của họ rất tốn kém. Nên nếu
được mình nên có một hệ thống bảo hiểm toàn dân để chia sẻ nguồn lực,
tạo mặt bằng điều trị mà mọi người dân đều có thể tiếp cận được các chăm
sóc y tế cơ bản. Cả hai phía phải có nhận thức chung thì mới có thể
chia sẻ nguồn lực cho tất cả mọi người. Mình thấy nhiều bệnh nhân bị
thương, mình muốn điều trị cho họ, nhưng điều trị xong mà họ không có
tiền thì…Là một bác sĩ, mình rất đau lòng chứ không phải thờ ơ đâu,
nhưng nó ngoài tầm với của mình. Nó thuộc hệ thống ở phía trên.
Trà Mi: Chuyện tài chính quan trọng, nhưng tiền thôi có đủ giúp cải thiện tất cả mọi thứ bất cập hiện nay ở Việt Nam hay không?
Thành Nguyễn: Trước khi đòi hỏi tiền phải có được bộ phận quản lý tốt cái đã. Cần cải cách hệ thống quản lý bệnh viện.
Trà Mi: Làm thế nào có được hệ thống quản lý tốt?
Bác sĩ Hiệu: Trước khi muốn hành động, thay đổi,
mình phải có nhận thức, phải nhìn chung quanh. Trước đây làm ở bệnh viện
Việt Nam, mình thấy mọi thứ là bình thường, nhưng khi đi ra nước ngoài
mới thấy được cái hay. Bây giờ muốn quản lý tốt phải nhìn ra xung quanh,
phải học hỏi xung quanh để thay đổi.
Trà Mi: Y bác sĩ và những người quản lý
cần mở mang, trao đổi, học hỏi với những nước xung quanh. Đó là ý kiến
của bác sĩ Hiệu. Còn về phía bệnh nhân, người dân Việt Nam, cần học hỏi
hay chăng? Và học hỏi bằng cách nào?
Thành Nguyễn: Khâu tuyên truyền cho người dân bảo vệ
sức khỏe ít được lan truyền rộng rãi, nên khi người ta gặp bệnh không
biết phải ứng xử thế nào. Cần phải soạn và phối hợp với truyền thông phổ
biến rộng rãi việc này.
Kim Thu: Đội ngũ quản lý trong bệnh viện phải là mục
tiêu hàng đầu. Khâu quản lý quá kém, nhân lực quản lý không có thì có
tiền cũng vậy thôi, không làm được gì hết. Về lương bác sĩ, mình chia sẻ
với ý kiến bác sĩ Phụng đúng là lương bác sĩ rất thấp. Cho nên vào bệnh
viện thấy họ nói chuyện chua chát, khó nghe lắm, không chịu được đâu.
Đó cũng là một áp lực nữa.
Trà Mi: Các bạn vừa nói tới yếu tố tài
chính, yếu tố quản lý. Còn về những người trực tiếp tham gia vận hành và
sử dụng các cơ sở y tế tại Việt Nam, bác sĩ và bệnh nhân? Có người cho
rằng bác sĩ hơi coi thường bệnh nhân vì nghĩ rằng bệnh nhân cần họ, chứ
họ không đặt vào vị trí họ là người phục vụ, bệnh nhân là khách hàng.
Các bạn có ý kiến về mảng này không?
Thành Nguyễn: Nói về ý thức thì bó tay. Cũng do cơ chế quản lý thôi, chứ một người Việt Nam mà đi qua Singapore thì ý thức khác hẳn liền.
Bác sĩ Hiệu: Ý thức cần có thời gian mới có thể thay đổi.
Trà Mi: Có yếu tố nào giúp thúc đẩy việc thay đổi nhận thức xảy ra nhanh hơn không?
Bác sĩ Phụng: Tất cả đều phải có chế tài, phải phạt
và phạt rất nặng mới đảm bảo được đạo đức trong xã hội. Nếu Việt Nam
phạt xả rác giống như Singapore thì chắc mọi người đã không xả rác quá
mức như hiện nay. Về thái độ của bác sĩ, lập những đường dây nóng để chế
tài họ. Hễ chỗ nào đồng lương tương xứng với công sức họ bỏ ra thì
chuyện đó sẽ...Đó là một tác động rất lớn. Xe không có xăng không thể
chạy được. Đó là chuyện chắc chắn, là như vậy.
Thành Nguyễn: Vấn đề là nếu mình không chấp nhận điều gì mà mình tỏ thái độ thì từ từ người ta sẽ thay đổi hành vi.
Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của 4 khách
mời trong chương trình góp ý về hiện trạng của hệ thống cơ sở chăm sóc y
tế trong nước. Các bạn nghe đài từng một lần tới bệnh viện hay đang
công tác trong ngành y tế Việt Nam có ý kiến như thế nào? Xin mời chia
sẻ với chương trình trong mục Ý Kiến ngay bên dưới bài đăng trên trang
voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục-Tường
trình đặc biệt, ngay trang chính.
Tạp chí Thanh Niên sẽ trở lại cùng quý vị với phần thảo luận kỳ 2
nói về chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân lực trong ngành y tế Việt
Nam. Mời các bạn đón theo dõi trên làn sóng phát thanh của đài VOA trong
chương trình 10 giờ tối thứ sáu và chủ nhật tuần tới