Đang khám cho người bệnh, nghe tin đoàn thanh tra Sở Y
tế TP HCM đến làm việc, một phụ nữ Trung Quốc xưng là bác sĩ đã cởi áo
blouse và bỏ chạy. Sự việc xảy ra chiều 20/6 tại phòng khám đa khoa Đầm
Sen ở quận Tân Phú.
> Bác sĩ Trung Quốc cắt trĩ 'chui' cho người Việt/Phòng khám 'chém' khách dù đã bị tuýt còi
Hành động quá nhanh của vị "bác sĩ" ngoại khiến đoàn
thanh tra không kịp giữ người để làm việc, tuy nhiên trên hồ sơ sổ sách,
bút tích của bác sĩ này vẫn còn. Trong khi đó, Phòng khám Đa khoa Đầm
Sen lại không đăng ký hành nghề cho bác sĩ Trung Quốc.
Phòng khám Đa khoa Đầm Sen mắc nhiều sai phạm. Ảnh: Thiên Chươn.g |
Chị Chu Thị Hà Giang, một trong hai bệnh nhân được bác
sĩ Trung Quốc nêu trên khám và điều trị cho biết, chị đã mất 13 triệu
đồng tại phòng khám này cho việc điều trị chứng viêm phụ khoa.
"Thấy phòng khám quảng cáo trên tivi có thể trị các
bệnh sản phụ khoa một cách nhanh chóng, tôi đến để điều trị và được bác
sĩ Trung Quốc khám. Trong ngày đầu tiên, tôi được chỉ định mổ với chi
phí 5 triệu đồng. Từ đó đến nay đã 6 ngày, mỗi ngày họ đều bảo tôi trở
lại và truyền đủ 3 chai dịch thì cho về. Chi phí truyền dịch mỗi ngày là
980.000 đồng", chị Giang nói.
Ông xã chị Giang cho biết, thông tin bác sĩ Trung Quốc
không có bằng cấp chữa bệnh chui được phản ánh trên báo mấy hôm nay
khiến vợ chồng anh lo lắng. Nhưng trót điều trị rồi nên đành chịu. "Đến
hôm nay, khi thấy cảnh bác sĩ bỏ chạy, chúng tôi mới biết mình bị lừa",
anh này cho biết.
Cùng với chị Giang, bệnh nhân tên Quỳnh cũng đến phòng
khám này điều trị kinh nguyệt không đều và viêm âm đạo đã mất 5 triệu
đồng viện phí. Chị Quỳnh cũng cho biết chị đến với phòng khám từ mẫu
quảng cáo xem trên tivi.
Một bệnh nhân khác, chị Lắm, nhà ở Hóc Môn, TP HCM đến
điều trị chứng viêm âm đạo. Đến nơi, chị Lắm cũng được bác sĩ Trung
Quốc khám, có thông dịch ngồi cạnh và số tiền điều trị dự kiến là gần 10
triệu đồng. Tuy nhiên do thấy chi phí cao nên chị Lắm tháo lui.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net,
hầu hết các bệnh nhân đến điều trị ở đây đều bị hẹn trở lại ít nhất 5
ngày để truyền dịch. Giá truyền dịch mỗi ngày gần một triệu đồng.
Khác với những hình ảnh quảng cáo đẹp mắt trên các đài
truyền hình tỉnh, trong thời điểm đoàn thanh tra Sở Y tế TP HCM đến, cơ
sở vật chất của Phòng khám Đa khoa Đầm Sen (số 46 đường Hòa Bình) chủ
yếu là những máy móc mang chữ Trung Quốc. Trong đó, có máy chẩn đoán và
điều trị bệnh đa năng vốn tù mù về chức năng chữa trị. Tất cả các khoa
phòng và máy móc đều được dán biển "tạm ngưng hoạt động". Ngoài ra, một
số thuốc hết hạn dùng vẫn còn tồn tại trộn vào thuốc còn hạn sử dụng.
Tuy bác sĩ Trung Quốc đã kịp tháo chạy, nhưng theo bác
sĩ Trần Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận 11, cách đây một năm, phòng
khám này đã bị xử phạt hành chính về nhiều sai phạm. Trong đó đáng lưu ý
là việc đoàn kiểm tra phát hiện toàn bộ tang chứng vật chứng cho thấy
bác sĩ Trung Quốc không có bằng cấp đã khám chữa cho bệnh nhân.
"Phòng khám này không có bác sĩ nước ngoài nào đăng ký
hành nghề. Tuy nhiên họ vẫn lén lút hành nghề và hễ bị phát hiện là bỏ
trốn", bà Hương nói.
Dấu tích bác sĩ Trung Quốc vẫn còn trên đơn điều trị tại phòng khám đa khoa Đầm Sen. Ảnh: Thiên Chương. |
Chỉ trong vòng 3 ngày qua, đây là lần thứ hai những
người Trung Quốc mang danh bác sĩ, làm việc tại các phòng khám tư tại TP
HCM, tháo chạy thoát thân khi đoàn thanh tra đến làm việc.
Thái độ thường thấy của họ là cởi áo blouse, bỏ bàn
làm việc, đứng lên và đi thẳng ra ngoài. Còn phòng khám thì không có
người chịu trách nhiệm, việc tiếp cơ quan chức năng chỉ đùn đẩy cho một
nhân viên hoặc bác sĩ không hiểu rõ việc vận hành phòng khám.
Cụ thể, tại phòng khám đa khoa Đầm Sen chiều 20/6, một
bác sĩ tên Loan ú ớ khi được hỏi thông tin về vị bác sĩ Trung Quốc vừa
bỏ trốn. Còn tại phòng khám y học cổ truyền tại số 141 Phan Đăng Lưu,
Phú Nhuận thì làm việc với thanh tra chỉ có một thanh niên người Trung
Quốc và một nữ thông dịch viên.
Trao đổi với báo chí về tình trạng các phòng khám có
yếu tố nước ngoài đang hoạt động tại TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh,
Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra các
phòng khám tư, nhất là các phòng khám y học cổ truyền để xử lý các
trường hợp vi phạm.
Về phía Phòng y tế của quận, một bác sĩ trưởng phòng
cho biết, cần chấn chỉnh việc quảng cáo của các phòng khám trên truyền
hình các tỉnh. "Người dân tỉnh dân trí chưa cao khi nghe các mẫu quảng
cáo hấp dẫn thì rất dễ tin. Chính vì thế, nội dung quảng cáo cần phải
được xét duyệt kỹ và đúng với chức năng điều trị của các phòng khám",
bác sĩ này nói.
Còn về phía bệnh nhân, khi được hỏi "tại sao lại tìm
đến các phòng khám tư được quảng cáo trên truyền hình", hầu hết đều cho
rằng: "Chúng tôi không có nhiều thời gian nên cần nhanh chóng, tiện lợi.
Chính vì vậy khi nghe quảng cáo chữa bệnh nhanh là thích ngay. Đôi khi
vào chữa rồi mới biết mình bị lừa".
Thiên Chương