Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Cấp cứu vì uống thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc

Cấp cứu vì uống thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc

BV Lê Lợi vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nữ, 56 tuổi, ngụ tại phường 2 (TP.Vũng Tàu) trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt, thở nhanh, huyết áp tụt còn 70/40, mạch nhanh đến 140 lần/phút, xét nghiệm có toan chuyển hóa máu nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc sau 2 ngày đã ổn và chuyển đến Khoa Nội để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bệnh nhân bị tiểu đường typ 2, nhưng không khám tại bệnh viện và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Theo lời giới thiệu của người quen, bệnh nhân đã sử dụng 2 loại thuốc của Trung Quốc, trong đó có 1 loại đã bị cấm lưu hành từ năm 1978 do những nguy cơ gây tử vong cao. 1 loại khác không rõ hoạt chất, không có địa chỉ nhà sản xuất, hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc. Cả 2 loại thuốc này đều không được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế.

Theo BS Vũ Thị Phương Nga, Phó Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Lê Lợi, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong do phản ứng phụ của thuốc làm trụy tim mạch.

 Theo Bà Rịa - Vũng Tàu online

Cần “bảo hành” trong điều trị bệnh

Cần “bảo hành” trong điều trị bệnh

Đầu tháng 6, sinh viên H.T.H. không may bị tai nạn giao thông khi đang đi chơi cùng bạn trên đường xuyên Á (TPHCM). Do chỉ bị thương phần chân nên người thân của chị H. liền đưa chị đến một bệnh viện gần đó để khám và điều trị vết thương theo dạng dịch vụ.

Cần “bảo hành” trong điều trị bệnh
Bệnh nhân sẽ yên tâm hơn nếu có được danh mục bệnh được “bảo hành” khi điều trị (ảnh minh họa) - Ảnh: T.T.D.

Sau khi được thăm khám, chẩn đoán và chụp X-quang hai lần, các bác sĩ ở đây kết luận: chị H. chỉ bị chấn thương phần mềm (rách ở bắp chân), không ảnh hưởng gì đến phần xương. Các nhân viên y tế khâu vết thương, kê đơn thuốc rồi cho chị về nhà.

Tuy nhiên, 15 ngày trôi qua mà chị H. vẫn đau đớn và không tự đi lại được. Người nhà đành phải đưa chị quay lại bệnh viện đã điều trị trước đây để kiểm tra lại. Sau khi kiểm tra, chụp X-quang lại, các bác sĩ kết luận chị H. bị vỡ mắt cá chân, và lần này chị cũng được chuyển điều trị theo dạng dịch vụ và bệnh viện vẫn thu viện phí bình thường. Người nhà của chị H. cho rằng lẽ ra bệnh viện không nên thu của chị H. nữa do lần trước các bác sĩ đã sai sót khi chẩn đoán vết thương của bệnh nhân.

Đối với trường hợp của chị H., khoan bàn đến vấn đề giá cả trong điều trị, thời gian và công sức của bệnh nhân, mà chỉ nên bàn đến những sai sót, thiếu sót trong khám và điều trị bệnh của đội ngũ y, bác sĩ. Thật ra sai sót, thiếu sót trong chẩn đoán bệnh dẫn đến những sai sót trong điều trị bệnh là điều vẫn xảy ra trong ngành y tế. Ngày nay, nhờ có sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên đã khắc phục được nhiều thiếu sót, sai sót trong khám và điều trị bệnh. Tất nhiên, đối với những căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh lạ, bệnh hiếm gặp, bệnh quá phức tạp... thì khó có thể tránh khỏi những chẩn đoán sót, chẩn đoán sai và thiếu sót trong chẩn đoán đối với các loại bệnh này dễ được bệnh nhân và người nhà của họ thông cảm, chia sẻ. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sót hoặc sai các chấn thương đơn giản (như trường hợp của chị H.), các bệnh thông thường... là điều khó nhận được sự thông cảm của bệnh nhân và người thân của họ.

Trong khi các doanh nghiệp đã và đang cố gắng nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của mình, tiến hành bảo hành, bảo trì các sản phẩm cũng như chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ một cách tốt nhất nhằm giữ khách hàng lâu dài, thì ngành y tế dù đã cố gắng nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh nhưng việc “bảo hành”, chăm sóc bệnh nhân trong lĩnh vực này còn là một dấu hỏi lớn!

Ai cũng biết rằng khám, chẩn đoán và điều trị bệnh là loại hình dịch vụ đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nên không bệnh viện nào, y, bác sĩ nào dám đứng ra “bảo hành” cho bệnh nhân của mình, đặc biệt là không ai, cơ quan nào dám “bảo hành” tính mạng con người cả. Tuy nhiên, việc bảo đảm điều trị khỏi, không để sai sót đối với một số chấn thương, một số bệnh thông thường, bệnh không quá khó là điều nằm trong tầm tay của đội ngũ y, bác sĩ hiện nay.

Nên chăng, ngành y tế cần đưa ra một “danh mục” bệnh, chấn thương sẽ được “bảo hành” khi điều trị tại các cơ sở y tế để đội ngũ y, bác sĩ có trách nhiệm hơn trong chẩn đoán, điều trị bệnh, đồng thời để bệnh nhân yên tâm, đỡ tốn kém hơn khi gặp các vấn đề về sức khỏe phải vào bệnh viện.

Theo Nguyễn Diệu Quế

Cứ đến giờ là phải đeo... bao cao su



Cứ đến giờ là phải đeo... bao cao su
23/06/2012 10:50 (GMT +7)
Bất kể “đương sự” có đang… trong chăn hay không, một tổ chức y tế ở Na Uy đã yêu cầu mọi nam công dân nước này đeo bao cao su vào 19 - 20 h ngày 21/6. 
Hành động trên là để hưởng ứng “Giờ tình dục an toàn”, do tổ chức Giáo dục giới tính phi lợi nhuận RFSU đưa ra. Chiến dịch ra đời sau khi một nghiên cứu cho thấy, người Na Uy rất… nhiệt tình trong chuyện chăn gối nhưng lại lười sử dụng các biện pháp an toàn, khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục tăng cao.
Ảnh minh họa
“Quan điểm của chúng tôi là tình dục giúp cải thiện sức khỏe. Điều đó cũng có nghĩa đây là giờ vui vẻ nhất ở Na Uy”, chuyên gia tình dục Sidsel Kloeew của tổ chức RFSU phát biểu.
Tuy nhiên, theo ông, việc nam giới “đi ủng” là biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và “đối tác”. “Các đấng mày râu nên thực hiện điều này như việc chinh phục một thử thách”, ông Kloeew nói thêm.

Chết khi đang hiến tinh trùng

Chết khi đang hiến tinh trùng

Một ông bố ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vừa kiện ngân hàng tinh trùng vì nghi cái chết của con trai mình có liên quan việc hiến tặng tinh dịch tại đây.

Zheng Gang, 35 tuổi, sinh viên y khoa, đã chết đột ngột không rõ lý do khi đang hiến tặng tinh trùng tại một phòng khám - cơ sở đầu tiên được ngân hàng tinh trùng ở tỉnh cấp phép.
Theo Chinatimes, Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán - chủ phòng khám, đã trả cho cha của Zheng khoảng 90.000 nhân dân tệ (tương đương 14.000 USD) và giảm một phần học phí cho vợ Zheng Gang cũng đang học tiến sĩ y khoa tại trường.
Ảnh: Chinatimes.
Bố của Zheng Gang và chiếc vali to đựng các "vật chứng" để kiện chủ phòng khám nơi con ông chết khi đang hiến tinh trùng. Ảnh: Chinatimes.
Tuy nhiên, bố của Zheng không chấp nhận thỏa thuận này và kiện trường phải bồi thường 4 triệu nhân dân tệ (tương đương 630.000 USD). Vì không đủ khả năng thuê luật sư, ông đã tự thu thập và chuẩn bị các bằng chứng trước tòa.
Trong phiên tòa sơ thẩm, ông bố này gặp khó khăn trong việc đọc bản cáo trạng, khẳng định con trai mình vốn hoàn toàn khỏe mạnh và buộc tội phòng khám có trách nhiệm gây ra cái chết của anh.
Zheng đã hiến tinh trùng 4 lần trước khi chết và từng kêu gọi những người khác thực hiện hành động này vì ý nghĩa xã hội của nó. Bố anh đã yêu cầu trường đại học tổ chức khám nghiệm tử thi nhưng bị từ chối. Zheng được hỏa táng sau khi qua đời một ngày.

'Không thể cứ sai phạm là đóng cửa phòng khám TQ'

'Không thể cứ sai phạm là đóng cửa phòng khám TQ'

Gần đây, việc phát hiện nhiều bác sĩ Trung Quốc rỏm, chữa bệnh chui và "chém" khách tại các phòng khám tư đã khiến dư luận bức xúc. Có ý kiến cho rằng cơ quan Y tế đã bao che nên họ mới lộng hành. Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết chưa có căn cứ để nói vậy.
> Chiêu 'ngừng hoạt động' của phòng khám Trung Quốc

VnExpress.net đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ truởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề liên tiếp phát hiện sai phạm tại nhiều phòng khám có bác sĩ Trung Quốc:
Nhiều phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc kiêm luôn cả điều trị ngoại khoa. Ảnh: Thiên Chương.
- Hầu như năm nào cơ quan chức năng cũng kiểm tra các phòng khám Trung Quốc và đều phát hiện sai phạm, có phòng khám 2 năm liền đều bị xử phạt. Đặc biệt gần đây phòng khám nào ở TP HCM bị "sờ gáy" cũng đều lộ ra lỗi nghiêm trọng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
- Hiện nay các phòng khám Trung Quốc đang có sự chuyển đổi về loại hình hoạt động, từ phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền chuyển sang phòng khám đa khoa. Lý do vì những phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền trước đã bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý sai phạm, người dân biết, không đến khám nữa, nên mới chuyển sang phòng khám đa khoa. Những cơ sở này lợi dụng nhập trang thiết bị vào, chưa được thẩm định hoặc trong lúc đang chờ thẩm định nhưng đã tiến hành hoạt động. Đây là hình thức vi phạm mới xảy ra với các phòng khám Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hiện Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân không còn hiệu lực, mọi hoạt động của các phòng khám được thực hiện theo Luật Khám chữa bệnh, có hiệu lực năm 2011. Trong lúc triển khai luật này đã có những vi phạm.
Việc cấp phép cho người nước ngoài trước kia giao cho Sở Y tế thì nay quyền này thuộc Bộ Y tế. Còn vấn đề quản lý trên địa bàn vẫn do UBND các tỉnh, trực tiếp là Sở Y tế các tỉnh, thành chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong năm 2011 ghi nhận việc tái diễn lại những sai phạm của những năm trước đó.
- Nhiều phòng khám Trung Quốc đưa ra cái giá "trên trời” với các bệnh thông thường, trong khi việc điều trị thường theo công thức: truyền dịch, chiếu đèn, chiếu tia, thuốc… Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Phòng khám Đông y không được phép truyền dịch, nơi nào thực hiện là vi phạm phạm vi hành nghề. Còn về vấn đề giá cả là do cơ sở tự đưa ra. Theo quy định, tất cả các phòng khám dù là của Việt Nam hay nước ngoài đều phải niêm yết giá khám, thuốc, dịch vụ công khai để người dân biết. Tuỳ theo từng cơ sở, vật chất, bác sĩ mà giá cả có khác nhau, không thống nhất như giá của y học hiện đại. Vì thế, khi đến khám người bệnh nên đọc kỹ bảng giá, nếu thấy không phù hợp thì đi nơi khác.
Khi lấy thuốc thì cũng cần lưu ý, không nên lấy liền một lúc 10-15 ngày, thậm chí có người lấy thuốc uống cả tháng. Chỉ cần lấy thuốc uống 3-5-7 uống ngày xem tình hình bệnh chuyển biến như thế nào, đến khám lại để bác sĩ có sự điều chỉnh.
Truyền dịch mà không cần bác sĩ chỉ định tại một phòng khám y học cổ truyền có bác sĩ Trung Quốc ở TP HCM (điều này trái với quy định là phòng khám đông y không được truyền dịch). Ảnh: Thiên Chương.
- Có ý kiến cho rằng đã có sự bao che của các cơ quan chức năng cho các phòng khám này vì cứ kiểm tra, xử phạt xong lại vẫn vi phạm, ông nghĩ sao?
- Về vấn đề cơ quan chức năng bao che cho phòng khám, theo tôi chưa có căn cứ để kết luận. Cơ sở kiểm tra lần 1 vi phạm, đến lần 2 kiểm tra mà sửa chữa không đến nơi đến chốn, tiếp tục vi phạm vì theo quy định xử phạt hành chính, đến mức nào đó không sửa chữa thì có hình thức xử phạt nặng hơn.
Trong nghị định xử phạt quy định, vi phạm nào thì có hình thức xử lý, mức phạt như thế nào, kể cả là tái phạm hay vi phạm lần đầu. Tất cả đều áp dụng theo nghị định, chứ không thể có chuyện cứ sai phạm, thích là buộc đình chỉ.
- Ngành y tế sẽ làm gì trong thời gian tới để chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám này?
- Vụ sẽ có công văn khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành trung ương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Đồng thời sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Quy trình chung chúng ta đã có nhưng trong lĩnh vực y học cổ truyền có đặc thù riêng. Chẳng hạn, khám chữa bệnh bằng y học hiện đại thì không được bán thuốc, chỉ được kê đơn, trong khi khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền lại cho phép vừa kê đơn, vừa bán thuốc trực tiếp cho bệnh nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng bác sĩ Đông y Trung quốc hành nghề có khoảng 67 người, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Vì thế, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Sở Y tế 2 nơi này đột xuất kiểm tra một số cơ sở.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các Sở mời chủ chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám, nguời sử dụng lao động, bác sĩ nước ngoài lên họp để quán triệt quy chế, nêu lên những tồn tại trong quá trình hoạt động, hướng dẫn thực hiện để không vi phạm

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Lần đầu tiên trên thế giới mổ lấy u trong bào thai

Lần đầu tiên trên thế giới mổ lấy u trong bào thai

Các bác sĩ một bệnh viên ở Florida, Mỹ đã thực hiện ca mổ lấy khối u quái ở miệng của thai nhi. Đây được coi là trường hợp đầu tiên trên thế giới xử lý khối u rất hiếm gặp theo cách này.

Nhìn vào hình ảnh siêu âm thai lúc 17 tuần tuổi, bà mẹ Tammy Gonzalez cho biết mình thậm chí có thể nhìn thấy "bong bóng" ở miệng của con.
Hình ảnh siêu âm ở tuần thứ 17 thấy rõ khối u từ miệng của bào thai. Ảnh: Bệnh viện Jackson Memorial cung cấp.
Theo BBC news, các bác sĩ cho biết đây là một dạng khối u rất hiếm gặp, một dạng u quái vùng miệng. Khả năng con gái chị sống sót là rất thấp.
Để cứu lấy thai nhi, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ngay khi bào thai còn nằm trong bụng mẹ. Trong ca phẫu thuật, chị Gonzalez được gây tê cục bộ. Một chiếc kim được chọc qua túi ối, các bác sĩ đã dùng tia laser cắt khối u từ lưỡi của bào thai. Ca phẫu thuật kéo dài hơn một giờ.
Ca phẫu thuật được thực hiện tại Bệnh viện Jackson Memorial, Florida, Mỹ. Đây là một dạng u này rất hiếm và các bác sĩ của bệnh viện mới gặp một trường hợp trong 20 năm gần đây.
Bé Leyna đã được 20 tháng tuổi và hoàn toàn khoẻ mạnh. Ảnh: Bệnh viện Jackson Memorial cung cấp.
Sau ca mổ tiên phong đó, 5 tháng sau bé gái Leyna chào đời và không gặp phải vấn đề gì. Hiện bé hoàn toàn khoẻ mạnh. Dấu hiệu duy nhất cho thấy đã có ca mổ quan trọng này là một vết sẹo nhỏ ở miệng.
Bé Leyna Mykaella Gonzalez được sinh vào tháng 10/2010. Tuy nhiên, chỉ mới đây thông tin ca mổ này mới được đăng trên tạp chí về sản phụ khoa của Mỹ.

Phòng khám Trung Quốc tung chiêu 'ngừng hoạt động'

Phòng khám Trung Quốc tung chiêu 'ngừng hoạt động'

Khoa điều trị treo thông báo "ngừng hoạt động", trang thiết bị y tế dán giấy "chờ kiểm định", là cách mà một số phòng khám tư nhân tại TP HCM đang ứng phó với đoàn thanh tra Sở Y tế.
>'Bác sĩ' Trung Quốc tháo chạy khi bị thanh tra

Tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Trung Nam, quận 11, khác với không khí nhộn nhịp bệnh nhân đến khám và điều trị cách đây một tuần, chiều 22/6 nơi đây vắng vẻ cả người bệnh lẫn bác sĩ.
Vừa thấy các cán bộ Sở Y tế xuất hiện, một nhân viên trực gọi điện thoại báo "đoàn thanh tra đã đến". Người tiếp đoàn là một nhân viên khác, làm việc tại phòng hành chính.
Hầu hết máy móc thiết bị y tế tại phòng khám Trung Nam đều được dán dòng chữ chờ thẩm định. Ảnh: Cao Lâm
Phòng khám là một căn nhà có 9 tầng, phần lớn các tầng đều được dùng để lập khoa phòng điều trị nội khoa, ngoại khoa, y học cổ truyền, không có bác sĩ, không có bệnh nhân và hầu hết máy móc từ máy siêu âm, máy phẫu thuật đều được dán dòng chữ "Đang chờ thẩm định".
Giải thích với đoàn Thanh tra Sở Y tế, đại diện phòng khám cho hay, toàn bộ máy móc trang thiết bị y tế đang xin thẩm định và chưa thẩm định xong nên không được sử dụng để điều trị. Trưởng đoàn thanh tra phải lắc đầu phì cười khi nhìn chiếc máy lạnh cũ cũng được dán tờ giấy A4 mới cáu với dòng chữ "Đang chờ kiểm định".
3 hồ sơ điều trị cho bệnh nhân sau đó được phát hiện tại đây, trong đó có các trường hợp cắt trĩ bằng chính các thiết bị đang chờ thẩm định. Trước bằng chứng này, đại diện phòng khám thừa nhận do "chờ thẩm định hơn một năm chưa có kết quả mà tiền thuê mặt bằng quá cao nên phải nhận chữa cho bệnh nhân".
Một chiếc máy lạnh cũng được "chờ thẩm định". Ảnh: Cao Lâm
Đoàn thanh tra cũng phát hiện một danh sách dài bệnh nhân đã được phòng khám này truyền dịch. Nhiều trường hợp điều dưỡng truyền dịch mà không thông qua ý kiến bác sĩ. Đặc biệt có ca được truyền cả loại kháng sinh mà theo thanh tra, phải các bệnh viện tuyến cuối, có thông qua hội chẩn mới được phép.
Tuy hầu hết máy móc đang chờ thẩm định, nhưng các mẫu quảng cáo điều trị nội ngoại khoa có liên quan đến máy móc đã được dán tại nhiều nơi trong phòng khám. Trên đường 3/2 quận 10, góc ngã đường Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm quận 5, phòng khám này trưng cả các biển quảng cáo khổ lớn.
Phòng khám Đông Phương trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình cũng dùng chiêu "ngưng hoạt động". Khi đoàn thanh tra Sở Y tế đến làm việc, toàn bộ khoa phòng máy móc vốn điều trị trĩ, phụ khoa đều được dán "Đang sửa chữa", "Tạm ngưng hoạt động" hoặc "Máy ngưng hoạt động".
Trước câu hỏi "ngưng hoạt động từ bao giờ, sửa chữa lâu chưa", đại diện phòng khám lúc im lặng, khi cho biết "máy mua về để đó chứ không dùng". Trong khi đó, chỉ cách vài tiếng trước, máy móc vẫn được điều trị cho bệnh nhân.
Thông báo sai chính tả được dán trên một phòng điều trị của phòng khám Đông Phương. Ảnh: Cao Lâm
Tương tự, phòng khám đa khoa Đầm Sen chiều 20/6 cũng dùng chiêu "vườn không nhà trống" để đối phó với thanh tra. Tại phòng khám này ngày 19/6 vẫn còn nhận bệnh, thế nhưng chỉ một ngày sau, thông báo "tạm ngừng hoạt động" được dán khắp các khoa phòng.
Ngoài các phòng khám trên, theo khảo sát của VnExpress.net, một số phòng khám đa khoa và y học cổ truyền khác tại TP HCM thì những ngày qua từ chối bệnh nhân mới.
Bác sĩ Phạm Kim Bình Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP HCM nhận định, có lẽ từ khi phòng khám y học cổ truyền 141 bị phát hiện sai phạm nên các phòng khám khác đề phòng. Tuy nhiên ông Bình cho biết, dù các phòng khám có dùng chiêu trò gì thì việc thanh kiểm tra sẽ tiếp tục được tiến hành.
Từ ngày 19 đến 22/6, 4 phòng khám tư nhân gồm phòng khám đa khoa, phòng khám y học cổ truyền đã bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện sai phạm. Hầu hết các bệnh nhân đến điều trị tại các phòng khám này cho biết, họ biết đến các cơ sở này thông qua kênh quảng cáo, chủ yếu phát trên các đài truyền hình tỉnh. Hầu hết phòng khám này đều có người Trung Quốc thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Cao Lâm

Bé sơ sinh tử vong, mẹ nguy kịch tại Bệnh viện Quảng Ngãi



Bé sơ sinh tử vong, mẹ nguy kịch tại Bệnh viện Quảng Ngãi

Sáng nay, rất đông người nhà sản phụ Trần Thị Vân Anh đã kéo đến "quậy" khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi vì cho rằng bác sĩ tắc trách gây tử vong bé và người mẹ thì nguy kịch.

Người nhà cho biết, tối 20/6, chị Anh lên cơn đau chuyển dạ và được đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chuẩn bị sinh con. Tuy nhiên đêm hôm ấy không có một bác sĩ nào đến thăm khám.
Đến sáng 21/6, sức khỏe của sản phụ Anh yếu dần. Trước tình hình này, các bác sĩ khoa Sản đã cấp tốc phẫu thuật, em bé sau đó được chuyển vào lồng kính. Đến 9h sáng 22/6 thai nhi đã tử vong và chị Anh lâm vào tình trạng nguy kịch.
Anh Thương (chồng sản phụ Anh) cầm trên tay xấp giấy khám chữa bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa Sản cho rằng thai nhi, sức khỏe của sản phụ bình thường trước khi nhập viện. Ảnh: Trí Tín.
Anh Thương (chồng sản phụ Anh) cầm trên tay xấp giấy khám chữa bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa Sản cho rằng thai nhi, sức khỏe của sản phụ bình thường trước khi nhập viện. Ảnh: Trí Tín.
"Mấy tháng qua nghe nhiều sản phụ cùng thai nhi tử vong ở bệnh viện, vợ chồng tui lo lắm. Giờ thì con đầu lòng tui đã mất rồi còn vợ thì không biết rồi có qua khỏi hay không. Vợ tôi nhập viện đau đớn suốt một đêm mà không thấy có bác sĩ nào đến khám cả", anh Lê Văn Thương (chồng chị Anh) ngồi thẫn thờ trên hành lang khoa Sản, nói.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Trưởng khoa sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi xác nhận: "Lúc 7h sáng 21/6, sau khi họp giao ban xong tôi nhận điện thoại của bác sĩ Tuấn có một ca sinh khó, khi đến khám, làm các xét nghiệm và phát hiện thai phụ bị vỡ ối khiến thai nhi nuốt ối, dịch tràn phổi, ngợp thở, tim đập yếu và có nguy cơ tử vong. Tôi yêu cầu người nhà cho ý kiến mổ và họ đồng ý. Thật đáng tiếc là do cháu bé bị quá nặng nên dù ngay sau mổ đã chuyển đến khoa Nhi cấp cứu hồi sức nhưng cháu không qua khỏi".
Ông Thanh cho biết thêm, theo lịch khoa Sản phân công trước đó, ngày 20/6 do các bác sĩ Võ Thị Bích Vân (trưởng ca trực), Bùi Văn Ký và Đặng Thị Trầm trực, đến 23h cùng ngày bàn giao ca lại cho bác sĩ Lê Cao Tuấn. Tuy nhiên cả hai nhóm trực này đều không làm các xét nghiệm lâm sàng, khám tổng quát cho sản phụ Anh cho mãi đến sáng 21/6.
Lực lượng Công an Quảng Ngãi vào cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến thai nhi tử vong và sản phụ Anh rơi vào tình trạng nguy kịch ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sáng nay. Ảnh: Trí Tín
Công an Quảng Ngãi vào cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến thai nhi tử vong và sản phụ Anh rơi vào tình trạng nguy kịch ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sáng nay. Ảnh: Trí Tín.
Theo giấy khám thai định kỳ do anh Thương (chồng sản phụ Anh) cung cấp thì các bác sĩ đều kết luận tình trạng sức khỏe sản phụ và thai nhi diễn biến tốt. Trong đó, chị Anh từng khám tại phòng tư của trưởng khoa sản Huỳnh Ngọc Thanh.
Về trường hợp này, bác sĩ Hoàng Trọng Quang, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi khẳng định: "Theo quy định của ngành y tế khi sản phụ vào nhập viện sinh thì yêu cầu đầu tiên là bác sĩ trực phải thực hiện khám tổng quát làm các xét nghiệm. Nhưng cả hai ca trực vừa qua đều không thực hiện điều này. Hiện bệnh viện đang tập trung cấp cứu sản phụ Anh, sau đó sẽ tiến hành một cuộc họp khẩn về chuyên môn nhằm làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân dẫn đến sai phạm".
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an Quảng Ngãi đã vào cuộc khám nghiệm tử thi thai nhi, điều tra làm rõ vụ việc.

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Tiêm tế bào gốc trị thoái hóa khớp gối

T - Anh Nguyễn Mạnh H., 47 tuổi, bị thoái hóa khớp gối độ 3 vừa được ra viện sau hơn một tuần được điều trị bằng tiêm tế bào gốc tách chiết từ tủy xương tự thân.


Bác sĩ tiêm tế bào gốc vào khớp gối điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: bác sĩ cung cấp
Anh H. là một trong hơn 30 bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật này trong hơn nửa năm qua tại khoa chấn thương chỉnh hình 2, Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức).
Thêm sự lựa chọn
Bác sĩ Dương Đình Toàn (khoa chấn thương chỉnh hình 2), người tham gia thực hiện kỹ thuật này, cho biết tuổi của hơn 30 bệnh nhân được tiêm tế bào gốc trị thoái hóa khớp gối thời gian qua là từ 40-65, bệnh nhân đều đã có biểu hiện đau khớp gối, cứng khớp trong khoảng 30 phút vào mỗi buổi sáng, hình ảnh chụp X-quang thường quy thấy có dấu hiệu gai khớp gối.
Theo bác sĩ Toàn, ngoài những biểu hiện kể trên, quy trình xác định bệnh nhân có sử dụng được liệu pháp điều trị này hay không còn thông qua chụp cộng hưởng từ, mức độ thoái hóa được chia thành bốn nhóm từ 1-4, trong đó mức độ 1 bệnh nhân chưa đau nhiều, thậm chí không đau, có thể điều trị bằng nội khoa.
Bệnh nhân thoái hóa mức độ 4 thì khớp gối đã bị biến dạng, hẹp khe khớp, phải thay khớp gối toàn phần mới có thể can thiệp hiệu quả các triệu chứng đau và ảnh hưởng tới sinh hoạt.



Như vậy còn hai mức độ thoái hóa khớp gối là 2 và 3, giai đoạn này bệnh nhân đã đau nhiều, ảnh hưởng tới sinh hoạt, cần phải có thêm biện pháp điều trị để làm chậm thời gian tiến tới kết cục phải thay khớp gối, nhưng khớp gối nhân tạo chỉ có tuổi thọ cao lắm là 15-20 năm, trong khi bệnh nhân thoái hóa khớp ngày càng trẻ, có khi ngay ở độ tuổi 40. Do tuổi thọ bình quân ngày càng cao, họ có nguy cơ phải tiến hành thêm một cuộc mổ sau 15-20 năm để thay khớp gối lần hai với nhiều nguy cơ hơn. Vì thế hơn nửa năm trước, nhóm bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình 2, Bệnh viện Việt Đức đã ứng dụng quy trình tiêm tế bào gốc tự thân để điều trị khớp gối, đã được thực hiện khá phổ biến ở châu Âu, Mỹ, Singapore.
Theo đó, các bác sĩ sẽ lấy tủy xương của bệnh nhân, tách chiết tế bào gốc trung mô và tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện 108. Toàn bộ quy trình này kéo dài khoảng 2 giờ. Trong thời gian đó, bệnh nhân được nội soi làm sạch ổ khớp bị thoái hóa (bằng cách làm sạch các mảnh bong từ mỏm xương thoái hóa), đồng thời đánh giá mức độ tổn thương và tìm những vùng sụn cần can thiệp, gây rướm máu ở vị trí này nhằm thúc đẩy quá trình “liền sẹo”, sau đó tiêm tế bào gốc.
Toàn bộ chi phí cho quá trình này là 30 triệu đồng, trong đó có 5,5 triệu là chi phí xử lý tế bào gốc. Công nghệ này đã mở ra thêm một cơ hội lựa chọn cho bệnh nhân, nhất là những trường hợp thoái hóa khớp từ khi còn trẻ tuổi. Ở nước ngoài đã có những trường hợp được can thiệp bằng kỹ thuật này có thể đi lại bình thường và chơi thể thao trong 18 năm chưa phải thay khớp.
Nhiều ứng dụng tế bào gốc
Cùng với thông báo những thành công ban đầu của kỹ thuật tiêm tế bào gốc điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Việt Đức, vừa qua Bệnh viện Bạch Mai đã thông báo thành công tiêm tế bào gốc tách chiết từ mỡ bụng điều trị thoái hóa khớp, Bệnh viện 108 triển khai kỹ thuật này trên nhóm bệnh nhân thoái hóa khớp háng...
Do nhiều lý do, trong đó có cả nguyên nhân bệnh nhân thoái hóa khớp thường đến bệnh viện muộn, hoặc đã điều trị nội khoa một thời gian dài không hiệu quả (thậm chí nhiều trường hợp được điều trị bằng tiêm corticoid thẳng vào khớp nhưng không đảm bảo vô khuẩn gây ổ viêm trong khớp), bác sĩ Toàn cho biết số bệnh nhân đến khám và cần can thiệp do thoái hóa khớp gối có tăng lên.
Tuy nhiên hiện mới trong giai đoạn đầu của kỹ thuật, những bệnh nhân thoái hóa khớp có kèm tiểu đường hoặc tăng huyết áp đều tạm thời dừng chưa thực hiện do lo ngại nguy cơ nhiễm trùng hoặc biến chứng.
Song việc ứng dụng thành công kỹ thuật này (và nhiều ứng dụng khác để điều trị bệnh giác mạc, nhồi máu cơ tim, ung thư máu...) đang cung cấp thêm cơ hội lựa chọn cho bệnh nhân VN, được điều trị bằng phương pháp mới với giá thành vừa phải ngay tại VN.
LAN ANH

“con trai có trinh”

Ngày nay, các nhà tình dục học chứng minh rằng “con trai có trinh”!
Kì trước, có bạn đã hỏi bác sĩ: “Làm sao biết được bạn trai ấy chưa từng cùng ai?”.
Bác sĩ xin được tâm tình với các bạn nhiều hơn trên trang viết kì này. Các bạn trai thân mến, các bạn đừng giàu trí tưởng bở, ngày nay, các nhà tình dục học chứng minh rằng “con trai có trinh”!
“Trinh tiết” của con trai nằm ở đâu?
- Nó chính là bao quy đầu. Khi chàng trai dậy thì “cậu nhỏ” lớn dần, quy đầu lộ ra, đẩy cái bao từ từ tuột xuống. Tuy nhiên nó vẫn còn nuối tiếc nên tuột không hết mà còn dính chút đỉnh tổ chức liên kết và da. Đây có thể coi là dấu vết “trinh trắng” của các chàng.
Vậy khi nào thì con trai “mất trinh”?
- Khi bạn khoái chí dùng tay thủ dâm. Động tác thủ dâm làm cho chút da cuối cùng tuột hẳn xuống. Những bạn không thủ dâm mà lại “tò tí te”, thì lần đầu tiên “thử” sẽ cảm thấy hơi đau. Đó là lúc mảnh da cuối cùng tuột hết để lộ toàn bộ quy đầu. Các cụ ngày xưa gọi hiện tượng này là “mở mắt”, còn thời nay để cho công bằng với phe áo dài thì gọi là “mất trinh”.
Như vậy kiểm tra “trinh tiết” của con trai quá dễ...
- Đúng vậy, nhìn vô là biết liền, nhưng điều đó xảy ra khi mai này bạn đã thật sự trưởng thành và kết hôn. Như vậy các bạn trai phải cẩn thận, bảo trọng sự “trinh trắng” của mình, đừng nghĩ chỉ có con gái mới cần bảo vệ “điều ấy” nhé! Hơn nữa, con gái thời nay có đủ kiến thức để kiểm tra chứ đâu phải “mù tịt”... Nghe có vẻ chấn động quá, kể như hai phe “huề” nhau ở khoản “trinh tiết”.
Vậy là muốn giữ gìn chỉ có mỗi cách là “án binh bất động”?
- Đương nhiên. Đam mê thủ dâm hay cứ tán tỉnh bạn gái rồi đòi “thử một tí” đều làm cho con trai mất đi sự “trinh trắng”. Vội vã lại không có biện pháp bảo vệ sẽ gây hậu quả đáng buồn cho bạn gái. Điều này ai cũng biết nhưng thực tế đã có bạn cứ làm liều.
Thưa bác sĩ, nếu sau này con lấy chồng, chồng thanh minh rằng do thủ dâm mà “mất trinh” thì sao?
- Câu trả lời này, bác sĩ muốn các bạn trai hãy đọc thật kĩ: Thì con gái cũng có thể nói vậy, do thủ dâm mà bị rách màng trinh. Thế con trai có tin không? Xem ra trinh tiết vẫn là truyện nhiều kì. Để đánh giá một con người, phải dựa vào những phẩm chất cơ bản, đừng dựa vào cái màng hay mẩu da ấy. Tuy nhiên, cách tốt nhất là cả hai phe, con trai - con gái phải tự bảo vệ mình và bảo vệ cho nhau để giữ sự trong trắng trong độ tuổi học trò. Đó cũng là cách để các bạn bảo vệ tương lai của mình tránh khỏi những hệ lụy.
Tiến sĩ - Bác sĩ LÊ THÚY TƯƠI