Sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng mạnh trước mùa tựu trường
Biểu đồ ca bệnh cao hơn những tháng trước, bệnh nhân nhập viện ồ ạt, các bác sĩ tại TP HCM cho biết, sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai bệnh đang vào mùa cao điểm và đe dọa sức khỏe học sinh trong mùa khai giảng.
Đông nhất là tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi vừa tiếp
nhận bệnh nhi tại TP HCM lẫn các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhiều phụ huynh
lo lắng không biết con có bình phục kịp năm học mới hay không.
Sáng 9/8, tại khoa Nhiễm - Thần Kinh của bệnh viện
này, bảng ghi chép của khoa cho thấy có hơn 160 bệnh nhi đang lưu tại
khoa để điều trị, trong đó phần lớn là các bé mắc tay chân miệng.
Phòng cấp cứu khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 9/8. Ảnh: Thiên Chương |
Đưa con từ Cần Giộc, Long An lên TP HCM rạng sáng 8/8,
chị Mai Thị Quỳnh cho biết cháu bị sốt mấy ngày liền, nhưng đến tối qua
thì co giật, mắt trợn ngược. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng
và lập tức cho nhập viện. Đến 10h sáng, bệnh nhi vẫn còn được theo dõi
trong tình trạng mê man. "Vài ngày nữa là bé vào mầm non. Con bệnh kiểu
này, tôi lo quá", chị Quỳnh nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh
cho biết, không có nhiều ca nặng nhưng số ca bệnh đang tăng. Điều này
theo bác sĩ Khanh là do bệnh đã vào mùa.
Bệnh tăng ca khiến tình trạng quá tải vốn thường xuyên
xảy ra, nay càng thấy rõ hơn. Tại khu hành lang, lối đi chính của khoa,
gần 20 bệnh nhi phải trải chiếu nằm để được theo dõi.
Tương tự như khoa Nhiễm - Thần kinh, trong sáng nay,
khoa Sốt Xuất Huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng có hơn 120 bé nội trú
khiến nhiều bé phải nằm hàng lanh. Ngoài một số bé mắc bệnh lý về máu,
phần lớn là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, trong đó khoảng 40% trẻ ở TP
HCM, số còn lại đến từ các tỉnh.
Khác với cách đây một tháng, phòng cấp cứu của khoa
Sốt xuất huyết từ đầu tuần đến nay đều đông nghịt. Đặc biệt trong sáng
nay có đến hàng chục ca nặng.
"Đứa anh mới xuất viện thì đến đứa em nhập viện. Hai
anh em đều bị sốc ở thể nặng. mấy tuần nay, trong xóm tôi trẻ em liên
tục mắc sốt xuất huyết", chị Thủy, phụ huynh ở Gò Công, Tiền Giang có
con trai 9 tuổi đang nằm cấp cứu nói.
Cùng có con đang theo dõi tại khoa, anh Hải, bố của bé
gái 16 tháng tuổi quê ở Bạc Liêu cũng cho biết, con anh nhập viện được 4
ngày mà vẫn chưa khỏi bệnh. "Trong nhà có 4 trẻ thì đã hết 2 đứa phải
nhập viện vì sốt xuất huyết", anh này nói.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó khoa Hồi sức cấp cứu cho
hay, hiện có rất nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết thể nặng trong đó có bé
nguy kịch đang phải thở máy.
Tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ trưởng
khoa Đỗ Châu Việt cũng cho biết lượng bệnh nhân tay chân miệng và sốt
xuất huyết hiện tăng cao ca so với những tháng trước. Khẳng định sốt
xuất đang vào mùa cao điểm, bác sĩ Việt cho biết mỗi ngày có đến hơn 20
trường hợp nhập viện với khoảng 10% bệnh nhân ở thể nặng.
"Số lượng bệnh nhân đông rõ nhất là tay chân miệng.
Tuy không có nhiều ca bệnh nặng nhưng mỗi ngày có đến hơn 40 bé nhập
viện", bác sĩ Việt nói.
Bệnh nhi khoa Nhiễm - Thần kinh nằm cả ở hành lang. Ảnh: Thiên Chương |
Đại diện Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt
Đới TP HCM cũng cho hay, bệnh sốt xuất huyết đang có hiện tăng ca bắt
đầu từ giữa và cuối tháng 7.
"Hiện đã vào mùa mưa nên sốt xuất huyết là bệnh truyền
nhiễm có lượng người nhập viện điều trị cao nhất. Trung bình mỗi ngày
có 62 lượt người đến khám và có trung bình 30 người bệnh nặng phải nhập
viện", một bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y
tế Dự phòng TP HCM, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 423 ca nhập viện
tăng 48 ca so với số ca nhập viện tuần trước, tăng 37ca so với số mắc
cùng kỳ 2011.
Bệnh tay chân miệng là 423 ca trong tuần, tăng 78 ca
ca so với số ca mắc tuần trước và tăng 104 so với số ca mắc trong tuần
32 của năm 2011.
"Nhằm ngăn bệnh tiếp tục bùng phát, nhất là khi năm
học mới sắp đến, chúng tôi đã yêu cầu y tế dự phòng quận huyện kiểm soát
bệnh trong các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình và các ca bệnh ở cộng
đồng nhất là ở các khu nhà trọ. Bên cạnh đó phải xử lý triệt để các ca
bệnh và ổ dịch", bác sĩ Siêu nói.
Để phòng bệnh cho trẻ ở độ tuổi đến trường, bác sĩ
Siêu cũng khuyên phụ huynh nên hợp tác với nhà trường bằng cách thực
hiện theo hướng dẫn phòng bệnh trên tờ rơi được giáo viên phát.
Về bệnh tay chân miệng, bác sĩ Siêu khuyên ngoài việc
giữ vệ sinh môi trường, giữ vệ sinh đôi tay cho bé, người lớn cũng phải
giữ vệ sinh cho bản thân trước khi chăm sóc trẻ. Với bệnh sốt huyết,
biện pháp hiệu quả nhất là diệt muỗi, hủy các vật dụng đọng nước và cho
trẻ ngủ mùng.
"Khi thấy trẻ sốt cao kéo dài hơn 2 ngày thì phải lập
tức đưa các bé đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm nhằm tránh biến chứng
nguy hiểm", giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM nói.