Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012

Những phận đời nghiệt ngã bị chồng bỏ mặc trong bệnh viện

Những phận đời nghiệt ngã bị chồng bỏ mặc trong bệnh viện

Bị tai nạn giao thông nặng khiến chị Lý gần như liệt nửa người. Thế nhưng nỗi đau về thể xác “chưa thấm vào đâu” so với nỗi đau bị chồng bỏ mặc trong lúc chị cần sự sẻ chia, cần sự chăm sóc và cần yêu thương nhất.

Khi bất ngờ gặp tai nạn, ốm đau bệnh tật, gia đình chính là điểm tựa, là người che chở, chăm sóc để người phụ nữ đủ nghị lực vượt qua sóng gió cuộc đời. Thế nhưng, không ít trường hợp, khi gặp phải biến cố, người phụ nữ mất khả năng lao động hoặc trở nên xấu xí thì người chồng lại ngoảnh mặt ra đi, để lại người vợ trong tuyệt vọng.

Bị ruồng bỏ khi cần yêu thương nhất

Câu chuyện cuộc đời nghiệt ngã của chị Nguyễn Thị Lý (SN 1979, thị xã Sông Công, Thái Nguyên) mà tôi gặp ở Khoa ngoại, Bệnh viện Bạch Mai khiến người nghe không khỏi xót xa.

Chị Lý tần tảo xa quê, xuống Hà Nội bán hàng rong một tay nuôi hai đứa con ăn học. Chồng chị làm thợ xây, công việc không ổn định lại thường xuyên bị nợ tiền công nên mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào tiền hàng của chị. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dù ngày nắng hay mưa chị đều đẩy hàng đi bán chứ không dám nghỉ ngày nào.

Cuộc sống của chị cứ lặng lẽ trôi đi như thế cho đến ngày chị gặp phải tai nạn gian thông kinh hoàng. Vụ tai nạn xảy ra vào cuối năm 2010 khiến chị gãy chân, gãy 4 xương sườn và chấn thương nhẹ cột sống. Chị gần như nằm liệt trong bệnh viện gần 4 tháng trời.

Thế nhưng nỗi đau về thể xác “chưa thấm vào đâu” so với nỗi đau về tinh thần mà chị phải chịu đựng. Chồng chị đã bỏ mặc chị trong bệnh viện trong lúc chị cần sự sẻ chia, cần sự chăm sóc và cần yêu thương nhất.

Lặng người nhớ lại quãng thời gian nằm liệt trên giường bệnh, chị Lý kể: “Nghe tin tôi bị tai nạn anh ấy cũng bỏ việc từ trên Thái Nguyên xuống Hà Nội ngay. Thế nhưng chỉ chăm sóc tôi được bốn ngày là anh gợi ý tôi gọi em gái xuống chăm, để anh về đi làm kiếm tiền trả viện phí và lo nuôi con.

Lúc đó tôi cũng chỉ nghĩ đơn thuần là anh lo cho gia đình nên mới vậy. Mãi khi anh bỏ đi Nam rồi tôi mới biết chắc nhìn thấy tôi bị nặng, sợ tàn phế nên không muốn quan tâm chăm sóc nữa”.

Chồng chị bảo đi làm để kiếm tiền viện phí và lo nuôi con. Ấy thế nhưng trong suốt 4 tháng chị nằm viện, anh cũng chỉ gửi xuống cho chị được gần 1 triệu đồng, còn đâu chị phải vay mượn họ hàng bên ngoại. Nhưng điều khiến chị đau lòng không phải tiền bạc mà là thái độ thờ ơ, bỏ mặc chị nơi bệnh viện của chồng.

“Mấy tháng tôi nằm viện anh cũng chỉ ghé vào hỏi thăm được đúng một lần. Có lần nghe nói hết việc, anh ở nhà cả tuần mà cũng không buồn xuống thăm vợ. Rồi chưa đợi tôi xuất viện anh đã bỏ vào Nam bảo đi làm ăn, đến giờ tôi cũng không có tin tức gì, cũng không biết bao giờ anh về. Thế đấy, vợ chồng mà cứ như người dưng nước lã”, chị Lý rầu rầu.

“Lúc còn khỏe mạnh, đi làm kiếm được bao nhiêu tôi dành mua sắm đồ đạc trong nhà, nuôi con ăn học hết, chả dành riêng được một xu một cắc nào. Bây giờ ốm đau, cần người chăm sóc thì anh lại đi biền biệt”, chị Lý vừa nói chị vừa lấy tay quệt vội những giọt nước mắt chực trào nơi khóe mắt.

Chị Lý bảo, hồi còn sức khỏe, dù có vất vả nhưng chị vẫn có đồng ra đồng vào nên không sợ chết đói. Bây giờ bị tai nạn, chị chỉ còn cách về quê làm thuê kiếm ăn qua bữa, đợi đến khi sức khỏe hồi phục hẳn rồi tính tiếp.

Đắng lòng nhận đơn ly dị của chồng

Cũng gặp phải tai nạn bất ngờ, chị Đào Thị Liễu (SN 1976, ở thôn Lai Thị, Tân Dân, An Lão, Hải Phòng) phải chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần khi chồng thờ ơ bỏ mặc chị trong bệnh viện rồi đâm đơn đòi ly dị.

Chị Liễu là một trong những nạn nhân của vụ cháy xưởng may giày da ở An Lão, Hải Phòng xảy ra vào tháng 7 năm 2011. Khi xảy ra cháy, chị không chạy kịp nên đã bị bỏng lửa 31% ở mặt, thân, chi, trong đó bỏng hô hấp 10%. Đang là lao động chính trong gia đình, sau vụ hỏa hoạn, chị phải ngồi một chỗ, không thể tự chủ được các sinh hoạt cá nhân.

Chị Đào Thị Liễu bị chồng ruồng rẫy sau một tai nạn bỏng.Chị Đào Thị Liễu bị chồng ruồng rẫy sau một tai nạn bỏng.

Chị Liễu cho biết, ngay sau ngày biết chị bị tai nạn, người chồng đã tỏ ra thờ ơ, hững hờ trước nỗi đau của vợ mình. Ngày chị điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, chồng chị chỉ ở bên được 1 tuần đầu rồi bỏ về nhà đi làm, để mặc chị gái chị chăm sóc. Đến ngày chị Liễu xuất viện về quê, chồng chị cũng không hỏi han lấy một lời.

Về quê không nhận được sự giúp đỡ của chồng, các vết bỏng chưa lành, chưa thể tự chăm sóc bản thân nên chị Liễu lại phải nhờ chị gái chăm sóc. Không những vậy, anh chồng còn viết đơn đòi ly dị. Khi chị Liễu hỏi lý do thì anh chỉ bảo là do hai vợ chồng không hợp nhau.

Hiện tại, chị Liễu được đưa về nhà ngoại để chăm sóc. Hai đứa con mỗi đứa một nơi. Cậu con trai đang học lớp 6 ở cùng bố, con gái nhỏ mới 1 tuổi thì theo mẹ. Căn nhà là tài sản chung của 2 vợ chồng nhưng chị Liễu không thể mở cửa để vào quét dọn bởi chồng liên tục thay đổi khóa.

Hoàn cảnh của chị Lý và chị Liễu là điển hình cho những người phụ nữ bị chồng bỏ rơi trong lúc bệnh tật, khó khăn nhất. Mỗi câu chuyện, mỗi sự việc đều có nguyên nhân, gốc rễ sâu xa. Và mỗi cuộc ly hôn đều có lý lẽ riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Ấy thế nhưng, sự chia ly đến vào lúc ốm đau bệnh tật, nỗi đau chồng chất nỗi đau, hỏi ai có thể cầm lòng.

Chị Trần Mai Hương (Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Cầu Giấy) chia sẻ: “Đúng là chỉ khi rơi vào hoàn cảnh như thế thì mới hiểu hết cái khó của người trong cuộc. Thế nhưng nói gì thì nói, người phụ nữ bao giờ cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đàn ông nhiều khi lạnh lùng và tàn nhẫn lắm”.

“Trường hợp này giống chị bạn cùng công ty cũ của mình. Chị ấy bị tai nạn gãy hết chân tay, đi xe lăn gần một năm nay rồi. Mấy tháng đầu anh chồng cũng chăm sóc, cơm nước nhưng bây giờ thì về nhà ngoại sống rồi. Chưa ly dị nhưng nghe nói anh chồng cũng đã có bồ.

Hai người chưa có con nên cũng chả còn gì ràng buộc. Nghĩ khổ cho chị ấy nhưng cũng khó trách anh chồng, chưa đầy 30 tuổi mà. Cuộc sống là thế, đôi khi phải chấp nhận mà vượt qua”, chị Hương nói thêm.

Theo La Hoàn
Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét