Dị tật vì di chứng bỏng
Vết thương do bỏng có thể dẫn đến các dị tật vận động nặng nề nếu không được can thiệp kịp thời
Khám cho một bệnh nhi bị di chứng phỏng tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM
Phỏng: Sẹo sâu, ảnh hưởng lớn
Cậu bé C.V.L (6 tuổi)
đến khám theo một chương trình điều trị di chứng phỏng mới đây của Bệnh
viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM với vết sẹo dài, biến
dạng trên chân phải. Theo cha của L., em bị tai nạn từ hồi 2 tuổi, khi
đó cả một chiếc đèn dầu đang cháy đã đổ vào người cậu bé, tạo nên một
sẹo dài trên mặt, vết phỏng lớn ở nhiều vùng cơ thể, ở chân là nặng
nhất. Những tưởng chỉ là vết thương bên ngoài, ảnh hưởng thẩm mỹ nhưng
sau 4 năm trời L. đi lại ngày một khó khăn do vết sẹo gây co kéo khiến
chân cậu bé khó lòng duỗi thẳng.
Còn cô bé K.L.L.B (2
tuổi rưỡi, ngụ Lâm Đồng) thì bị phỏng nước sôi, để lại sẹo lồi gần như
trải khắp phần thân trên và một phần mặt. Thời gian chỉ mới hơn nửa năm
nhưng vùng sẹo ở ngực và cánh tay đã bắt đầu ảnh hưởng đến vận động,
riêng vết phỏng ở nách có xu hướng khiến cánh tay cô bé dính vào bên
sườn, làm tay không giơ cao như người bình thường được. Một nữ bệnh nhân
khác sau mười mấy năm bị phỏng thì bàn tay cử động rất khó khăn, đặc
biệt ngón giữa và ngón đeo nhẫn bị hạn chế vận động nặng, còn ngón út
thì bị dính gập hẳn lại, thoạt nhìn cứ như mất hẳn ngón.
Theo BS Nguyễn Văn
Thanh, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chỉnh hình BV Chỉnh hình và Phục hồi
chức năng TPHCM, nhiều vết phỏng gây ra tổn thương rất sâu, có khi hết
lớp bì, xuống tới hạ bì, để lại một sẹo xơ có tính chất co rút.
Nếu không may sẹo nằm ở
các vùng liên quan đến vận động, như khớp ở cánh tay, chân, bàn tay…
thì sẽ làm giới hạn chức năng các khớp. Ngoài ra, vết sẹo do phỏng cũng
thường chiếm diện tích rộng nên ảnh hưởng cũng lớn hơn. “Những vết phỏng
ở phần chi thường dễ tạo nên di chứng nhất, ví dụ như sẹo ở nách thì
cánh tay bị dính vào bên sườn, sẹo ở khuỷu làm cánh tay không thể co
duỗi bình thường…
Nhưng phức tạp nhất vẫn
là sẹo phỏng ở vùng bàn tay, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngón tay. Tôi
từng gặp những ca rất nặng như bị dính tất cả ngón lại với nhau do vết
phỏng từ hồi nhỏ hay các dạng dính ngón khác mà quá trình phẫu thuật,
phục hồi chức năng rất phức tạp” - BS Thanh cho biết.
BS Đỗ Trọng Ánh, giám
đốc BV, cũng từng gặp nhiều ca di chứng phỏng khá đặc biệt: Một bé trai
bị dính hẳn bàn tay vào khuỷu, một bé khác thì lại dính hẳn bàn chân vào
cổ chân. Các bệnh nhân này đương nhiên không thể tự đi lại, sinh hoạt
bình thường được trong suốt nhiều năm gánh chịu di chứng phỏng mà không
được điều trị nhưng tác hại lớn nhất vẫn là phần xương, gân, cơ bị ảnh
hưởng. “Một bàn tay, bàn chân bị giữ yên nhiều năm trong tư thế không
bình thường có thể khiến các khớp xương bị trật, lệch, xương bị biến
dạng, gân bị co rút, cơ bị teo. Giải quyết di chứng càng chậm trễ, nguy
cơ “gánh” tật vận động vì phỏng càng cao”, BS Ánh cảnh báo.
Nặng nhất với trẻ em
Theo BS Ánh, di chứng
phỏng dễ ảnh hưởng đến trẻ em nhất bởi vì mọi vùng cơ thể của trẻ em đều
tăng trưởng theo thời gian nhưng tổ chức xơ sẹo thì không phát triển
thêm, không có tính đàn hồi. Sẹo phỏng khi co rút sẽ làm hạn chế sự phát
triển của các cơ quan khu vực đó, dẫn đến trẻ lớn lên không chỉ với các
vùng bị dính, bị co rút mà các bên cơ thể cũng không cân đối.
Đối với người lớn, nếu
sau khi bị phỏng ở vùng liên quan đến vận động mà được lưu ý giữ tay,
chân ở tư thế chức năng thì có thể tránh được tình trạng co rút hoặc
giảm thiểu co rút. Nhưng đối với trẻ em, dù được đặt ở tư thế chức năng
thì cũng khó lòng thoát khỏi di chứng, nhất là những trẻ bị phỏng từ khi
còn quá nhỏ.
Ông đơn cử trường hợp
một nam thanh niên ở Quảng Ngãi, bị phỏng từ nhỏ ở vùng mặt, cổ. Khi vào
TPHCM để giải quyết di chứng phỏng, anh đã ở trong tình trạng cổ vẹo
một bên, dính vào ngực, không thể xoay trở, cột sống cổ bị ảnh hưởng
nặng, hai bên vai phát triển không đồng đều, các cơ quan trên mặt như
mắt, miệng… cũng bị xô lệch do co kéo. Theo BS Ánh, những ca như thế
không những phải đòi hỏi phẫu thuật phức tạp, thời gian tập vật lý trị
liệu dài lâu mà còn để lại nguy cơ mắc các bệnh lý cơ xương khớp về sau
khi bệnh nhân ngày một lớn tuổi.
Theo Anh Thư
Người lao động