Kiện vì uống thuốc tránh thai mà vẫn có bầu
Sau khi “quan hệ”, đương sự mua thuốc tránh thai khẩn cấp uống nhưng vẫn dính bầu nên kiện đòi công ty sản xuất thuốc bồi thường hơn 178 triệu đồng.
Mới đây, TAND TPHCM đã xử phúc thẩm một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại khá ngộ nghĩnh giữa bà TTQ (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) với Công ty TNHH liên doanh STADA - Việt Nam (trụ sở tại huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Uống thuốc ngừa mà vẫn có thai
Theo đơn khởi kiện, bà Q. trình bày: Vào ngày 6/3/2012, bà có “quan hệ” với chồng và chồng bà đã xuất tinh ra ngoài để tránh thai. Nhưng với tính cẩn thận, ngày hôm sau, bà Q. đã ra tiệm thuốc Tây mua thuốc viên tránh thai khẩn cấp hiệu Mifestad 10 của Công ty TNHH liên doanh STADA-Việt Nam uống thêm cho an toàn.
Kể từ bữa đó, bà Q. và chồng không “quan hệ” thêm lần nào nữa. Thế nhưng ngày 30/3/2012, bà Q. phát hiện mình có nhiều dấu hiệu lạ nên thử thai và kết quả là bà có thai.
Hộp thuốc viên tránh thai khẩn cấp Mifestad 10 và hướng dẫn sử dụng. |
Bác sĩ khám cho bà Q. tư vấn rằng do bà đã sử dụng thuốc tránh thai nên sẽ có nhiều biến chứng xấu như thai nhi sẽ bị dị tật, thai có thể nằm ngoài tử cung... Đây là những trường hợp nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con nên bà Q. phải bỏ thai.
Theo bà Q., viên thuốc tránh thai khẩn cấp Mifestad 10 không đạt hiệu quả khiến bà mang thai rồi phải phá thai. Việc phá thai này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của bà nên bà khởi kiện ra TAND huyện Hóc Môn yêu cầu Công ty TNHH liên doanh STADA-Việt Nam phải bồi thường cho mình tổng cộng hơn 178 triệu đồng.
Về phần mình, đại diện công ty TNHH liên doanh STADAQ - Việt Nam từ chối yêu cầu của bà Q., cho rằng thuốc tránh thai Mifestad 10 được chỉ định điều trị “tránh thai khẩn cấp trong vòng 120 giờ sau lần giao hợp không được bảo vệ” nhưng công ty không cam kết sản phẩm viên tránh thai đạt hiệu quả 100% đối với mọi trường hợp. Ngược lại, công ty còn khuyến cáo trên sản phẩm với nội dung “phương pháp tránh thai khẩn cấp không thể đạt hiệu quả trong mọi trường hợp”. Sau khi bà Q. phản ánh, phía công ty đã tiếp xúc trực tiếp và trả lời cho bà Q. biết là trường hợp có thai của bà là hoàn toàn hợp lý và nằm ngoài ý muốn của công ty.
Cạnh đó, phía công ty còn cho rằng bà Q. không có chứng cứ chứng minh đã sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp Mifestad 10 đúng hướng dẫn.
Ngoài ra, công ty còn cho biết đã được Cục Quản lý Dược Việt Nam cấp phép lưu hành sản phẩm thuốc Mifestad 10 từ ngày 28/4/2009. Cho đến nay, sản phẩm không có bất kỳ khuyến cáo nào của cơ quan có thẩm quyền về chất lượng của sản phẩm.
Đồng thời, công ty cũng tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nên việc bà Q. có thai ngoài ý muốn không thuộc trách nhiệm của công ty...
Tòa: Công ty không có lỗi
Xử sơ thẩm, TAND huyện Hóc Môn đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Q. Bà Q. kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm vừa qua, chồng bà Q. ra tòa với tư cách nhân chứng, tiếp tục khẳng định những chuyện mà bà Q. đã trình bày và cũng cho rằng Công ty TNHH liên doanh STADA- Việt Nam phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Q.
Theo tòa phúc thẩm, trong suốt quá trình tòa xét xử, bà Q. đã không chứng minh được bà có sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp Mifestad 10 hay không. Mặc dù bà Q. trình bày có mua sản phẩm này nhưng không cung cấp được chứng cứ đã mua và chứng minh ngày đã mua viên thuốc trên.
Mặt khác, bà Q. không chứng minh được mình đã sử dụng thuốc theo đúng nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc. Bà Q. cũng không chứng minh được sau đó vợ chồng bà có tiếp tục “quan hệ” nữa hay không bởi lời làm chứng của chồng bà Q. là không khách quan nên tòa không chấp nhận.
Ngoài ra, theo tòa phúc thẩm, giả sử bà Q. thực sự có sử dụng thuốc tránh thai theo đúng hướng dẫn nhưng vẫn có thai thì Công ty TNHH liên doanh STADA - Việt Nam cũng không có lỗi. Bởi lẽ khuyến cáo trên sản phẩm đã ghi rõ “phương pháp tránh thai khẩn cấp không thể đạt hiệu quả trong mọi trường hợp”.
Sản phẩm thuốc tránh thai khẩn cấp Mifestad 10 của công ty đã được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Do vậy, công ty không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của bà Q.
Từ các phân tích trên, tòa phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà Q.
Muốn thắng kiện, phải chứng minh được 4 yếu tố Đây là vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, nếu bà Q. chứng minh được bốn yếu tố sau đây thì Công ty TNHH liên doanh STADA - Việt Nam sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Có thiệt hại đã xảy ra; có hành vi trái pháp luật của công ty; có mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả xảy ra với hành vi trái pháp luật; có lỗi cố ý hoặc vô ý của công ty.
Về phía mình, bà Q. không chứng minh được là mình đã dùng thuốc, dùng đúng hướng dẫn… Trong khi đó, Công ty TNHH liên doanh STADA - Việt Nam không có lỗi, không có hành vi trái pháp luật nên tòa không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của bà Q.
Thẩm phán NGUYỄN HOÀNG ĐẠT, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm