Nhốn nháo thị trường sữa xách tay
Nhờ tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, sữa
xách tay được bày bán tràn lan tại Hà Nội, vượt khả năng kiểm soát của
cơ quan chức năng.
> Nghi án sữa rởm gắn mác Pháp
Từ lâu, bên cạnh những mặt hàng sữa nội và ngoại nhập
theo đường chính ngạch đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận về chất lượng,
nhãn mác, trên thị trường còn không ít mặt hàng xách tay. Trên các tuyến
phố Tây Sơn, Hàng Buồm, Cầu Giấy, Thái Hà... các cửa hàng đều có hàng
chục loại sữa xách tay từ các thị trường khác nhau như Nhật Bản, Hàn
Quốc, Australia, Nga, Đức, Mỹ, Hà Lan... Bên cạnh hệ thống đại lý, cửa
hàng, người tiêu dùng không khó để tìm thấy một loạt shop sữa xách tay
bán online.
"Cửa hàng chị có mối người nhà làm tiếp viên xách về,
nên yên tâm, đảm bảo không có hàng giả", chủ một cửa hàng trên phố Hàng
Buồm nói. Chủ một đại lý sữa trên đường Láng cũng cam đoan tương tự về
nguồn gốc các sản phẩm xách tay.
Sữa xách tay được bày bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: Hoàng Hà |
Nếu cùng nhãn mác, một số loại sữa xách tay như Meiji,
XO, Morigana... có giá cao hơn so với hàng nhập chính ngạch. Ví dụ, sữa
Meiji hàng nhập khẩu chỉ 420.000-470.000 đồng một hộp 850g thì loại
xách tay các lứa tuổi được bán với giá 640.000-660.000 đồng một hộp.
"Sữa xách tay được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho
trẻ em nước ngoài nên tốt và đắt hơn là đương nhiên. Chính vì thế, cùng
một nhà sản xuất nhưng sữa xách tay được nhiều người tin dùng hơn", chủ
hàng trên phố Hàng Buồm lý giải.
Không đắn đo, chị Hoa (Nghĩa Tân), đang nuôi con nhỏ
18 tháng, chọn mua 2 hộp sữa xách tay của Nhật tại một cửa hàng trên phố
Cầu Giấy. Chị cho con ăn loại sữa này từ khi 6 tháng tuổi khi một người
quen "quảng cáo" sữa mát, giúp trẻ tiêu hóa tốt, tăng cân đều.
Có một lần, do nghi ngại về nguồn gốc sữa xách tay nên
chị Hoa đổi sang loại hàng nhập. Sau lại nghe nhiều người nói rằng,
hàng nhập không tốt bằng xách tay vì phải sản xuất theo tiêu chuẩn của
Việt Nam, bà mẹ này quay về và "trung thành" với hàng xách tay dù biết
nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm không được kiểm chứng.
Toàn bộ mặt hàng xách tay đều không có nhãn phụ bằng
tiếng Việt, do đó, ngay về cách sử dụng, bảo quản, người tiêu dùng đa số
làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo "truyền miệng" trên
mạng.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội bảo vệ người
tiêu dùng, cho rằng mặt hàng sữa xách tay hiện nay hoàn toàn bị thả nổi.
"Thực sự, để kiểm soát được nguồn hàng này cũng không dễ. Nhiều người
tiêu dùng còn mang nặng tâm lý sính ngoại và thiếu cảnh giác trong việc
lựa chọn sữa cho con nên rất chuộng hàng xách tay. Đây là cơ hội để mặt
hàng này tiếp tục được bày bán tràn lan", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc chọn sữa xách tay cho trẻ em vốn
chứa đựng nhiều rủi ro, nhưng một số phụ huynh còn mua ở những shop
online khá mập mờ về chất lượng, địa chỉ kinh doanh. "Mua rồi, cho con
ăn nếu xảy ra rủi ro nào cũng không biết tìm người bán ở đâu. Lúc đó,
hậu quả chỉ có người tiêu dùng phải gánh chịu", ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, vị này cũng khuyến cáo, người tiêu dùng
không nên quá sính ngoại vì không thể khẳng định sữa xách tay hoàn toàn
là sữa thật. "Không loại trừ khả năng sữa giả trà trộn để bày bán dưới
mác xách tay. Hoặc thậm chí người xách mặt hàng sữa đó từ nước ngoài về
chọn mua những sản phẩm kém chất lượng, giảm giá, hết hạn sử dụng về bán
kiếm lời", Phó tổng thư ký hội khuyến cáo.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Kiều Đình
Cảnh, Phó đội trưởng Đội quản lý thị trường 12 - Chi cục Quản lý thị
trường Hà Nội cho biết, sau vụ việc sữa Danlait, cơ quan quản lý thị
trường sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng sữa.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng hiện mới kiểm soát được mặt hàng sữa trong
nước hoặc nhập khẩu chính ngạch.
"Sự cả tin của người tiêu dùng khiến thị trường sữa
xách tay ngày càng phức tạp. Cơ quan chức năng luôn cảnh báo người tiêu
dùng nên cẩn trọng, không nên sử dụng những mặt hàng này", ông Cảnh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét