Sơ cứu tại nhà khi bé bị sặc sữa
Do hệ thần kinh và một số cơ quan trong cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh hay bị nghẹt thở do sặc sữa.
Hình minh họa
|
Phòng tránh nguy cơ sặc sữa cho bé
1. Chọn thời điểm cho bú
Bạn nên tránh cho bé bú khi bé đang khóc hoặc cười.
Đồng thời không nên đợi đến khi bé đói mới cho bú vì lúc đó bé hay "mút
ti" một cách vội vàng, vồ vập nên rất dễ bị nghẹn. Khi bé đã bú no bạn
cũng không nên "tham lam" ép bé bú tiếp, sẽ gây ra sự cố phát sinh ngoài
ý muốn.
2. Cho bú đúng tư thế
Khi cho bú, bạn nên để bé nằm gọn trong lòng mình,
hơi nghiêng người bé ở góc khoảng 30 - 45 độ so với thân trên của mẹ.
Không nên vừa nằm vừa cho con bú.
Nếu cho bé bú bình, bạn không nên đặt bé nằm thẳng mà
nên để bé nằm hơi dốc người xuống phía dưới một chút (vị trí của đầu
cao hơn chân). Bình sữa cũng cần dốc xuôi về phía núm vú để tránh trường
hợp bé hít không khí trước khi hút được sữa.
3. Kiểm soát tốc độ bú
Khi bầu sữa đang căng đầy mà bé lại mút quá nhanh,
bạn nên dùng đầu ngón tay bấm nhẹ vào vùng thẫm màu ở đầu ngực để hãm
tốc độ chảy của sữa. Đối với những bé uống sữa công thức thì bạn nên chú
ý lỗ thủng ở núm vú không được quá lớn, tốt nhất là bạn nên sử dụng
loại bình sữa có phần chặn dòng sữa hiện đang bán rất nhiều trên thị
trường.
4. Chú ý quan sát
Bầu vú của mẹ rất dễ chặn ngang lỗ mũi của bé nên bạn
cần phải vừa cho bé bú vừa quan sát biểu hiện trên khuôn mặt bé. Nếu
miệng bé trào sữa hoặc vùng da xung quanh miệng và đầu mũi bị đổi màu
thì nên dừng cho bú ngay lập tức.
5. "Xả" khí trong dạ dày bé
Sau khi bú xong, bạn nên bế dựng và để đầu bé tựa vào
ngực mình, rồi nhè nhẹ vỗ vào lưng bé. Làm như vậy sẽ giúp bé đẩy hết
phần khí đang chiếm chỗ trong dạ dày. Hoặc bạn có thể đặt bé nằm, đầu kê
cao 15 độ so với mặt giường, đầu tiên nằm nghiêng phải trong 30 phút,
sau đó nằm thẳng. Tốt nhất không nên cho bé ngủ ngay sau khi bú để tránh
tử vong đột ngột.
Sơ cứu tại nhà khi bé bị sặc sữa
Điều quan trọng nhất khi sơ cứu bé bị sặc sữa mà bạn
cần ghi nhớ, đó là thời gian sơ cứu được tính bằng giây. Bởi vậy ngay
khi phát hiện bé bị sặc sữa, bạn cần thực hiện các thao tác sơ cứu thật
nhanh gọn, dứt khoát, càng nhanh bao nhiêu thì càng giảm độ nguy hiểm
cho bé bấy nhiêu.
Đặt bé nằm ở tư thế thích hợp
- Nếu bé bú no rồi bị sặc sữa thì cần đặt bé nằm
nghiêng hoặc nằm thẳng nhưng nghiêng mặt về một bên để tránh sữa tràn
vào khí quản.
- Nếu bé mới bú đã bị sặc sữa do bú quá vội thì lúc
này dạ dày của bé hầu như rỗng không và có nhiều không khí, bạn cần đặt
bé nằm ngửa, giữ hai chân song song với mặt giường rồi nghiêng thân trên
của bé một góc 45 - 60 độ. Làm như vậy sẽ lợi dụng được áp lực không
khí trong khí quản và dạ dày của bé để đẩy dòng sữa tràn ra ngoài khoang
miệng.
Hút hết sữa trong họng bé
- Nếu có máy hoặc thiết bị chuyên dụng để hút sữa,
bạn cần sử dụng ngay lập tức. Dùng loại ống mềm cho vào khoang miệng và
cổ họng của bé để hút hết sữa ra ngoài.
- Nếu không có máy hút sữa, bạn có thể quấn gạc mềm
quanh ngón tay rồi đưa vào khoang miệng, xuống đến tận cổ họng của bé để
thấm hết sữa, không để cho sữa tràn vào khí quản khi bé hít thở lần
nữa.
Kích thích cho bé ho
Vỗ vào lưng hoặc véo nhẹ lòng bàn chân bé để kích
thích cho bé ho hoặc khiến bé thấy đau mà khóc. Ho hoặc khóc sẽ giúp bé
đẩy hết dung dịch sữa bị tràn vào khí quản ra bên ngoài khoang miệng,
khiến bé hít thở dễ dàng.
Tạo áp lực từ bên ngoài
Ngoài các cách trên, bạn có thể đặt hai bàn tay lên
phần bụng trên của bé, sau đó ấn nhẹ theo nhịp để làm tăng áp lực ổ
bụng. Dưới tác động của cơ hoành và một phần cơ ngực, dung dịch sữa sẽ
bị đẩy ra ngoài. Lặp lại động tác như vậy sẽ giúp bé bớt nghẹt thở và
hấp thu oxy dễ dàng hơn.
Cần chú ý mỗi lần ấn tay xuống bụng, bạn cần ấn dứt khoát rồi nhanh chóng nới lỏng tay để bé có thể tiếp tục hô hấp.
Sau khi thực hiện các thao tác sơ cứu thành công,
dù bé đã hít thở bình thường, bạn cũng nên đưa bé đến bệnh viện để các
bác sỹ thăm khám và kiểm tra sức khỏe.