Cho con bú tưởng chừng là lẽ tự nhiên của mỗi người mẹ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết cho con bú đúng cách.
1. Bắt đầu cho con bú từ 30 phút - một giờ sau sinh
Nếu như bạn sinh thường thì có thể cho
con bú ngay trong vòng 30 phút - 1 giờ sau sinh. Nếu bạn sinh mổ, thời
gian bắt đầu khoảng sau 6 giờ vì bạn phải hồi phục sau tác dụng của
thuốc mê. Trường hợp gây tê để mổ thì thời gian ngắn hơn.
Đa số các mẹ thường chờ "sữa xuống" tức
là 1-2 ngày sau sinh mới cho con bú. Đây là quan niệm sai lầm và ảnh
hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ bởi bú muộn, trẻ không nhận được
sữa non. Trong sữa non có nhiều sinh tố A chống bệnh khô mắt, nhiều
kháng thể giúp bé chống nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp bé đỡ vàng da. Ngược
lại, cho trẻ bú muộn, sẽ làm chậm sự tiết sữa của mẹ. Động tác mút ti
mẹ sẽ kích thích sự tiết oxytocin ở não mẹ. Đó là chất làm cho sữa trong
ti chảy ra, đồng thời cũng có tác dụng làm co cơ tử cung giúp ngưng
chảy máu sau sinh.
Ngoài ra, bạn nên tích cực ăn uống hằng ngày và sữa của bạn sẽ về trong một vài ngày tới.
Cho con bú tưởng chừng là lẽ tự nhiên của mỗi người mẹ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết cho con bú đúng cách. (Ảnh minh họa).
2. Bế con ở vị trí thích hợp khi cho bú
Bạn nên chú ý để đầu và thân bé trên
cùng một đường thẳng, bụng bé áp sát với bụng mẹ. Mặt bé đối diện với
ti, môi đối diện với đầu ti. Sau đó, đỡ đầu, thân và mông bé.
Nếu như bạn nhận thấy có những dấu hiệu sau thì chứng tỏ bé đã bắt đầu ngậm bắt ti tốt và bạn đã bế con bú ở vị trí đúng cách:
- Miệng bé mở rộng
- Cằm bé chạm vào ti mẹ
- Môi dưới đưa ra ngoài.
- Bé ngậm cả quầng ti, quầng ti còn lại ở phía trên miệng bé nhiều hơn ở phía dưới.
- Má bé phồng ra
- Khi bú đúng, bé sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và bạn có thể nghe tiếng nuốt "ực" của bé.
Khi cho con bú ở vị trí thích hợp, trẻ vừa cảm thấy thoải mái khi bú lại vừa giúp giảm thiểu đau nhức đầu ti cho mẹ.
Mẹ hãy chọn tư thế thích hợp nhất khi cho con bú. (Ảnh minh họa).
3. Để bé tự điều chỉnh nhịp độ
Hãy để cho bé bú lần đầu liền một mạch
đến khi ti mềm thì thôi – thường là khoảng 15 phút. Sau đó cho bé bú
tiếp ti bên kia. Nếu bé vẫn đói thì sẽ bám lấy, còn nếu không để lần bú
tiếp theo sẽ cho bé bú ti bên kia. Nếu vài tuần đầu bé chỉ bú một bên ti
thì bạn nên hút sữa ở ti bên kia ra để giảm áp lực và duy trì nguồn
cung cấp sữa.
Nếu bé đang bú bỗng dừng lại nhìn chằm
chằm vào bạn hoặc nhìn ngó xung quanh, hãy tận hưởng cảm giác thú vị
này. Hãy xem như đây là cơ hội để giảm tốc độ bú xuống và giúp bé gắn bó
với mẹ hơn.
4. Đừng cho bé ngậm vú giả quá sớm
Một số bé cảm thấy rất thích ngậm cái gì
đó. Có thể cho bé ngậm vú giả nhưng nên cẩn thận vì cho bé ngậm quá sớm
có thể ảnh hưởng đến việc bú mẹ. Viện nhi khoa của Mỹ khuyến cáo chỉ
cho trẻ ngậm vú giả sau ít nhất 1 tháng để trẻ quen với vú mẹ trước đã.
5. Hãy chăm sóc đầu ti
Sau khi cho con bú, hãy để đầu ti
khô một cách tự nhiên. Nếu bạn đang vội, hãy lau khô đầu ti thật nhẹ
nhàng. Để đầu ti khô ráo mỗi lần cho con bú, hãy thay áo lót thường
xuyên.
Khi bạn tắm, không nên thoa xà phòng
thơm, sữa tắm vào đầu ti. Nếu đầu ti quá khô hoặc bị nẻ, có thể dùng dầu
thoa có chứa lanolin, hoặc một số loại dầu ôliu lên đầu ti.
Cho trẻ bú bao nhiêu thì đủ?
Thường trẻ bú theo nhu cầu
và nhu cầu này khác nhau ở từng trẻ. Trung bình mỗi trẻ bú khoảng 8 -
12 lần trong 24 giờ. Mẹ có thể nhận biết được trẻ bú đủ qua những biểu
hiện sau:
- Tiểu ướt tã 6 - 8 lần trong 24 giờ.
- Tiêu phân sệt trung bình 6 - 8 lần trong 24 giờ và ít nhất 1 lần mỗi ngày trong 2 tháng đầu tiên.
- Tăng cân đều đặn và phù hợp với lứa tuổi.