Bầu Kiên dặn vợ không được 'chạy án'
Mắt đỏ
hoe, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nhắn vợ: "Không bao giờ được gặp gỡ bất kỳ
ai đang nắm giữ trọng trách để xin xỏ. Tôi sẽ tự giải quyết việc của
mình”.
Sáng 2/6, sau hai ngày tạm nghỉ, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), cựu phó
chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB cùng các bị cáo được nói lời sau cùng.
Trong 40 phút trình bày, mở đầu, ông Kiên gửi lời cảm ơn đến bạn bè, cổ
động viên đội bóng đá Hà Nội đã giúp đỡ gia đình, bị cáo. Ông khẳng
định chưa bao giờ phá sản, thời điểm này bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo,
đang gánh vác thay chồng công việc kinh doanh.
“Tôi xin lỗi các cổ động viên đội bóng đá Hà Nội. Tôi đã yêu cầu vợ
tiếp tục duy trì đội bóng trẻ để một ngày nào đó, câu lạc bộ bóng đá Hà
Nội phát triển mạnh mẽ. Trong trường hợp tôi không làm được, con trai cả
sẽ thay tôi làm”, bị cáo trình bày và cho biết hoài bão lớn nhất trong
sự nghiệp là "khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy bóng đá Việt Nam thi
đấu tại World Cup".
Bầu Kiên cũng gửi lời tri ân đến khách hàng ACB, những người từng đồng
hành với bị cáo trong 20 năm qua. “Tôi tin khách hàng ACB sẽ vẫn cho
rằng đây là một ngân hàng có hệ thống quản lý tốt nhất”, ông này nói. Bị
chủ toạ nhắc tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong lời nói sau
cùng, ông Kiên đề nghị HĐXX không ngắt lời.
Ông cho rằng khi mình bị bắt, một số cổ đông có thể thiệt hại, có thể
tan gia bại sản, nhưng những cổ đông lớn sẽ không có bất kỳ thiệt hại
nào. Bị cáo nhắn nhủ các cán bộ ACB tiếp tục cống hiến và nhắn vợ, con
không được bán cổ phần của ngân hàng này.
|
Bầu Kiên mắt đỏ hoe, trong lời nói sau cùng tại toà sáng nay.
|
Nhắc đến hai con trai, đứa lớn 15 tuổi, Bầu Kiên trùng giọng cho hay
trước khi bị bắt đã dặn con ghi lại những gì cần nói: phải làm người
tốt, chăm sóc mẹ và các em. “Tôi đã không bỏ trốn trước khi bị bắt dù có
visa dài hạn, mối quan hệ rộng, khắp thế giới”, ông trình bày.
“Tôi xin được phép nói với vợ, những điều chưa bao giờ nói dù hai lần
được tiếp xúc tại toà. Không bao giờ được chạy án, không bao giờ gặp gỡ
bất kỳ ai đang nắm giữ trọng trách để xin xỏ. Việc đó ảnh hưởng đến họ,
và trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng. Tôi sẽ tự giải quyết việc của
mình”, ông Kiên nói tiếp.
Tiếp đó bị cáo kể về thời gian còn “rất trẻ, đầu những năm 1990” sau
khi Liên Xô tan rã, mối quan hệ hai nước rất khó khăn, bị cáo đã có đóng
góp trong việc xoá nợ của Việt Nam đối với Liên Xô cũ, nối quan hệ
thương mại Việt Nam – Liên bang Nga...
Bị cáo cho biết người giúp đỡ mình trong vòng 5 năm để hoàn thành những
nhiệm vụ trên là ông Lê Vũ Kỳ (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB, bị cáo trong
vụ án) với tư cách phiên dịch. Cũng những năm 1990, bị cáo cho rằng cùng
ông Lê Vũ Kỳ đã góp công vào việc vận hành nhà máy Thuỷ điện Hoà
Bình đúng tiến độ; Tham gia việc đưa các tổ máy về Việt Nam với giá rẻ,
nhanh nhất.
Sau phần này, bị cáo tiếp tục bị ngắt lời, yêu cầu tập trung vào nguyện
vọng trước khi toà nghỉ nghị án. Phân trần về việc bị cơ quan điều tra
quy kết thâu tóm, lũng đoạn thị trường chứng khoán, ngân hàng, ông này
cho biết biết rõ kẽ hở của thị trường chứng khoán và có thể kiếm
được nhiều tiền song đã không làm vậy. Bị cáo cùng với ông Lý Xuân Hải
đã làm báo cáo gửi lãnh đạo cấp cao và được xem xét, có hướng giải
quyết.
Ông Kiên cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước có sự chấn chỉnh về hệ thống
cũng có sự góp sức của bị cáo; mong lãnh đạo lưu ý việc sắp xếp hệ thống
ngân hàng thương mại không phải là gộp các ngân hàng yếu vào thành ngân
hàng lớn. Mục tiêu chấn chỉnh là để hệ thống ngân hàng hoạt động mạnh
lên không bị ngân hàng nước ngoài chi phối.
Về 4 tội danh bị truy tố, riêng tội lừa đảo, bị cáo cho rằng hồ sơ đã
bị báo cáo sai từ khi điều tra. Tiếp đó, bị cáo nêu ra một số lãnh đạo
Bộ Công an đã làm sai và cho rằng khi nói ra điều này đã đặt gia đình
vào tình huống nguy hiểm nhưng vẫn tin vào chính sách pháp luật của nhà
nước.
|
Cấp dưới của Bầu Kiên – ông Trần Trọng Thanh.
|
Bầu Kiên đề nghị HĐXX nếu chưa thực sự có đủ thời gian, chứng cứ, tài
liệu đừng tuyên án vào ngày 5/6. Mong HĐXX xem xét việc phong toả tài
sản gia đình, vì đó là mồ hôi, nước mắt không liên quan đến vụ án. Nếu
phát sinh nghĩa vụ dân sự, công ty B&B sẽ thực hiện đầy đủ. Cuối
cùng, ông mong được tại ngoại trước khi bản án có hiệu lực, để chữa
bệnh; nếu vẫn tiếp tục bị tạm giam, mong được chuyển sang trại tạm giam
B14.
Còn cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải xin trình bày những vấn đề "rút
ruột" để nói ra. Theo đó, khi còn đương chức, ông đã lãnh đạo ngân hàng
ACB kiếm lãi hàng nghìn tỷ đồng. "Một đồng lợi nhuận ACB làm ra trong đó
có 25% thuộc về Nhà nước. Đây là nhóm lợi ích lớn nhất tôi phải phục vụ
khi đương chức tổng giám đốc ACB. Tôi bị ba hòn đá tảng treo trên cổ
khi mà không làm những việc như VKS quy kết. Mong HĐXX minh oan cho tôi.
Con người của tôi sống là phải đàng hoàng, tôi không còn trẻ và cũng
không quá già để buông xuôi tất cả. Tôi còn có một gia đình cần mình",
ông Hải nói.
Lời nói sau cùng, cựu phó chủ tịch HĐQT Trịnh Kim Quang, chia sẻ vốn
xuất thân là giảng viên đại học, gia đình truyền thống cách mạng nên
không bao giờ có ý thức làm trái pháp luật. “Chúng tôi không hề chỉ đạo
mua cổ phiếu ACB. Hiện nay sức khỏe của tôi kém, mắt mờ, tôi có thể bị
đột tử bất cứ khi nào. Thỉnh cầu HĐXX có phán quyết công bằng", ông
Quang nói.
Ông Phạm Trung Cang (cựu phó chủ tịch HĐQT ACB) khi nói lời sau cùng
cho biết suốt gần 40 làm trong các doanh nghiệp lớn và nhỏ luôn tuân thủ
hai nguyên tắc: kiếm tiền nhưng phải lương thiện; kiếm tiền trong khuôn
khổ luật pháp. Nếu vi phạm thì uy tín sẽ bị mất hết. "Đến thời khắc
cuối đời tôi đau lòng vi phải đứng trước vành móng ngựa. Nếu biết việc
ký các biên bản của HĐQT trái pháp luật thì có kề dao vào cổ tôi cũng
không làm. Đề nghị HĐXX xem xét đến trách nhiệm của bị cáo trong vụ án
này", ông Cang trình bày.
Trong khi đó, ông Lê Vũ Kỳ cho rằng HĐQT "không lường trước được những
rủi ro" nên mong toà chiếu cố hạn chế về nhận thức pháp luật. Bị cáo
sinh trong gia đình cán bộ, bố làm giáo viên, lớn lên được đào tạo ở
nước ngoài với danh vị tiến sĩ, rồi giữ các chức vụ khác nhau trong quân
đội… Ông Kỳ cho rằng tham gia ngân hàng ACB với nhiệm vụ triển khai
công nghệ thông tin, chỉ là cổ đông nhỏ bé. Bị cáo nỗ lực giúp sức để
ngân hàng ACB trở thành tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ tiên tiến
trong quản lý hoạt động. Bị cáo được vinh danh là cán bộ thông tin xuất
sắc Đông Dương 2006. Cùng với đội ngũ cán bộ ngân hàng, ông nhận góp sức
giúp ACB thu lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng, nộp thuế cả nghìn tỷ. Ông
mong HĐXX chiếu cố để có cơ hội chăm sóc mẹ già 97 tuổi.
Ông Trần Trọng Thanh mở đầu việc nói lời sau cùng với việc chia sẻ 42
năm công tác chưa lần nào vi phạm kỷ luật. "Điều đau khổ là lúc cầm
quyết định nghỉ hưu là lúc nhận quyết định truy tố. Suốt trong những
ngày ở trại giam, tôi chỉ suy nghĩ tại sao mình lại phải vào đây. Tất cả
là do bản thân một sai phạm, sơ suất trong bản hợp đồng cuối cùng mình
ký", ông Thanh trình bày.
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, chia sẻ: "Để xảy ra việc ngày hôm nay là một
điều cay đắng nhất trong cuộc đời của tôi. Là công dân lương thiện, tôi
không dám nói gì nữa, chỉ chờ mong sự phán xét công minh, công bằng của
HĐXX. Mong cho tôi mức án nhẹ nhàng nhất để sớm đoàn tụ với gia đình",
bà nói.
Chủ toạ Nguyễn Hữu Chính công bố sẽ ra phán quyết cuối cùng với 8 bị cáo vào sáng 9/6.