Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Những ông chồng không chịu 'góp gạo' cho vợ

Những ông chồng không chịu 'góp gạo' cho vợ

Mọi người vẫn hay nói: “Vợ chồng là góp gạo thổi cơm chung”, và điều này không chỉ là nói vui. Vẫn có những ông chồng thờ ơ với trách nhiệm góp gạo, để mặc vợ mình tự xoay xở cho nồi cơm của gia đình.
gizmodo-jpg-1361957728_500x0.jpg
Nhiều ông chồng kiếm được tiền nhưng vẫn không chiụ đóng góp cho gia đình. Ảnh: Gizmodo
Hàng xóm ở phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM, vẫn ái ngại mỗi khi nói về gia đình chị Tuyết. Chị làm công nhân cho một công ty lắp ráp điện tử, một mình nuôi 3 miệng ăn gồm chị, con gái 5 tuổi và ông chồng mới vừa bước vào tuổi băm.
Chị Tuyết và anh Trí gặp nhau khi cùng thuê trọ một dãy nhà, đồng cảm vì cùng cảnh dân Bắc vào Nam làm công nhân và nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Cuộc sống gia đình ban đầu tạm ổn. Khi con gái đầu lòng của anh chị được một tuổi thì đúng vào thời kỳ kinh tế khủng khoảng, công ty cắt giảm nhân lực, và anh nghỉ việc ở nhà phụ mẹ trông con cho vợ đi làm.
Đến khi bé Nấm đã cứng cáp có thể đi nhà trẻ, anh bắt đầu ngại đi làm vì đã quen với việc ở nhà chơi. Bị vợ thúc giục, anh nộp hồ sơ vài chỗ, chưa hết thời gian thử việc đã kêu chán và nghỉ. Một năm nữa sẽ vào lớp 1 nhưng bé Nấm vẫn chưa biết trường mẫu giáo là gì. Ban ngày các bạn cùng tuổi đi học hết, cô bé đành làm “tướng” bọn trẻ con lít nhít 2 tuổi.
Chị Tuyết than thở: “Cũng muốn cho bé đi học lắm nhưng lấy tiền đâu ra, lương của em thuê nhà và nuôi ăn cả gia đình đã đủ mệt rồi. Vả lại chồng không đi làm, không để con cho ông ấy trông thì ông ấy còn lười hơn”. Dịp Tết vừa qua, chị không về quê mà tranh thủ đi bán bóng bay và xin đi làm tăng ca để có đủ tiền duy trì cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, khi chị đi làm thì anh Trí ở nhà cũng chẳng chăm lo gì cho con gái. Anh ngồi lỳ bên những bàn cờ và hội bài của đám đàn ông trong xóm. Khu trọ công nhân, nhiều người làm ca đêm, giữa trưa nắng nôi các ông vẫn ngồi sát phạt nhau. Bé Nâm cứ một mình tự chơi, tự ngủ, nhiều khi đói quá mà bố không cho ăn gì thì chạy sang hàng xóm xin cơm. Lúc việc nông nhàn, bà nội ở quê vào chăm sóc cháu và con trai. Bà cho con trai tiền tiêu vặt, thỉnh thoảng mua đỡ con dâu ít rau thịt.
Bà Nhu hàng xóm cám cảnh: “Nếu tôi mà là cái Tuyết, tôi ly dị cho xong, chồng chẳng được tích sự gì, không đi làm cũng chẳng đỡ được việc nhà cho vợ”. Đây cũng là ý kiến của chuyên gia tâm lý Hồ Đức Thắng (Tổng đài tư vấn 1088, Bưu điện, TP HCM). Theo ông, những trường hợp người chồng vẫn có sức khỏe mà lười biếng không chịu đi làm, tốt nhất người vợ nên ly thân một thời gian, xem anh ta có chịu sửa chữa không. Nếu anh ta không chịu thay đổi thì hãy ly dị. Không nên hy sinh cả cuộc đời mình cho một con người như thế.
Anh Tấn (Ba Đình, Hà Nội) dù có công ăn việc làm ổn định nhưng vẫn trốn việc góp gạo với bà xã chỉ vì chị Mai, vợ anh kiếm được gấp anh cả chục lần. Anh và chị vốn là cuộc hôn nhân rổ rá cạp lại. Trước khi kết hôn, chị đã là chủ một công ty truyền thông còn anh là nhân viên trong ngành du lịch. Lấy nhau xong, anh dọn về sống trong ngôi nhà 4 tầng cùng mẹ con chị. Hai người không có con chung, bản thân chị kinh tế dư dả nên không bao giờ hỏi đến tiền lương của anh.
Thấy vợ không đả động gì đến việc đóng gạo, anh cũng lờ luôn, thậm chí khi nào muốn mua một món đồ đắt tiền, anh còn về xin vợ trợ giúp. Khi chị cho cô con gái sang Singapore du học, anh cũng tỉ tê chị tạo điều kiện cho con gái riêng của mình (đang sống với vợ cũ) được sang đó cho cả hai đứa… bảo ban nhau.
Theo chuyên gia Hồ Đức Thắng, khi người đàn ông lấy vợ giàu, trốn việc đóng góp kinh tế, thậm chí thỉnh thoảng còn “đào mỏ” thêm ở vợ như anh Tấn thì rõ ràng động cơ kết hôn không phải là tình yêu. Theo chuyên gia, tình yêu thời ô mai là tình yêu đẹp và thuần khiết, hai người sẵn sàng hy sinh cho nhau, nhưng ở tuổi trung niên như anh Tấn, người ta có nhiều so đo tính toán. Nếu kết hôn chỉ vì nhan sắc, vật chất, tiền bạc mà không có tình yêu thì cuộc hôn nhân sẽ không bền vững khi những nhan sắc, vật chất, tiền bạc đó ra đi.
Ông cũng khuyên chị Mai nếu muốn biết người chồng mới có yêu mình thật lòng không, hãy thử một thời gian không trợ cấp cho anh, nếu hoàn toàn lấy chị vì tiền, anh sẽ dở chứng. Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh, mục đích của cuộc sống thoải mái, hạnh phúc, nếu chị Mai vẫn cảm thấy vui vẻ bên anh Tấn thì cứ tiếp tục chu cấp cho chồng theo khả năng của chị.
Nhiều ông chồng cậy lương thấp nên không góp tài chính cho gia đình nhưng có những ông chồng thu nhập cao vẫn "chơi bài" không đưa tiền cho vợ chi tiêu trong nhà. Chị Hương (Gò Vấp, TP HCM) nhiều lúc thấy tủi thân vì ông xã lờ tịt trách nhiệm tài chính. Với đồng lương nhân viên văn phòng khoảng 6, 7 triệu mỗi tháng, chị tìm mọi cách xoay xở để vừa đóng tiền học cho cậu con đang học lớp 1, vừa lo ăn uống cho gia đình. Chị đã phải cai hẳn sở thích mua sắm thời trang từ hồi cu Tý vào mầm non.
Mỗi lúc chị hỏi đến tiền, anh Bình, chồng chị lại nhăn mặt: “Nhà thì anh đã lo cho mẹ con em rồi, đâu phải mất tiền thuê trọ như người khác. Đồ dùng trong nhà anh cũng sắm đủ, em có phải lo gì đâu”. Chị phàn nàn đồ đạc trong nhà dùng mấy khi hỏng, đa số đều mua từ ngày cưới nhưng chi tiêu ăn uống thì ngày nào chẳng cần. Những lúc bí quá, chị lại hỏi vay tiền đồng nghiệp.
Anh Bình có một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, tuy nhiên chị không hề biết mỗi tháng chồng mình kiếm được bao nhiêu tiền. Điện thoại, máy tính bảng, laptop anh thay liên tục nhưng vợ hỏi đến tiền tiêu thì từ chối, kêu phải đầu tư cho làm ăn. Chị kể: “Được an ủi duy nhất là thỉnh thoảng cũng biết mua thứ này thứ kia tặng vợ con hay ngày kỷ niệm cũng biết đưa vợ con đi chơi hay ăn uống ở nhà hàng”.
Theo chuyên gia Đức Thắng, những ông chồng từ chối nghĩa vụ kinh tế với gia đình không phải là hiếm. Nhiều ông nghĩ rằng vợ đã tự xoay xở được nên “vô tư” chi tiêu cho riêng mình. Theo chuyên gia, khi người chồng làm ra tiền mà không chịu đóng góp tài chính, có thể xảy ra 3 trường hợp sau:
Thứ nhất, ông chồng này là người “sống thủ”, tức là sống cho riêng mình và không tin tưởng vào vợ. Khi đó người vợ nên xem xét lại bản thân, liệu có tiêu hoang quá không? Liệu có keo kẹt chi li đến nỗi “tiền chồng vào thì dễ, tiền chồng lấy ra thì khó” không? liệu có khéo léo tế nhị khi hỏi tiền chồng, hay là có thái độ truy xét, yêu cầu khiến họ khó chịu? Bởi thực tế đàn ông đa phần lập gia đình để có chốn bình yên đi về, họ cũng thích được người vợ lo lắng cho kinh tế của gia đình. Nếu người vợ đã khéo léo, ngọt ngào và quan tâm chăm sóc chồng, biết cách chi tiêu hợp lý mà ông chồng không chịu đóng góp thì nên sống ly thân và có thể là ly hôn khi ông xã vẫn không thay đổi. Bạn không nên hy sinh cho một con người ích kỷ và không lo lắng, không có trách nhiệm với gia đình vợ con.
Thứ hai, hãy xem xét lại tình trạng gia đình, liệu ngọn lửa hôn nhân có được thắp sáng hay đã tàn lụi. Bởi nếu gia đình không còn làm tổ ấm, người vợ không hoàn thành chức năng quản gia của mình thì các ông chồng cũng dễ dàng quên mất trách nhiệm kinh tế của mình.
Thứ ba, người chồng giữ tiền để tiêu cho mối quan hệ ngoài luồng của mình. Hãy để ý, theo dõi bởi rất có thể anh ấy đã ngoại tình.
Để tránh những mâu thuẫn về tiền bạc trong gia đình, theo các chuyên gia về hôn nhân của Mỹ, tốt nhất vợ chồng bạn nên thảo luận về tài chính ngay từ khi mới bắt đầu chung sống.
Khi trao đổi về vấn đề tài chính, cả hai cần phải trung thực và cởi mở. Vợ chồng cần hiểu rõ quan điểm của mình và người bạn đời về vấn đề tiền bạc và ý nghĩa của nó đối với mình. Bên cạnh đó, cả hai cũng nên chia sẻ về thói quen tiêu tiền và kỹ năng quản lý tiền. Cả hai chỉ nên chung tài chính khi đã thảo luận với nhau về vấn đề này. Không phải ngẫu nhiên mà mâu thuẫn về tài chính luôn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ ly hôn tại Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét