Thứ bảy tuần trước, gia đình đưa cả hai mẹ con chị ra
Hà Nội, nhập Bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy
cả hai đều mắc sởi. Chị Hoa bị biến chứng viêm phổi, đồng thời men gan
tăng, có thể do uống quá nhiều thuốc hạ sốt. Em bé cũng vẫn sốt cao và
viêm phổi.
|
Phòng bệnh khoa Virus - ký sinh trùng của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương gần đây luôn quá tải vì bệnh nhân sởi. Ảnh: MT.
|
Nghe thông tin bệnh sởi tăng mạnh gần đây, nhưng anh Thạch, 29 tuổi
(Phúc Thọ, Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ mình có thể mắc. Ông bố làm nghề
lái taxi này chỉ lo hai đứa con, một 3,5 tuổi, một gần 2 tuổi bị lây
bệnh nên thường xuyên dặn vợ phải để ý con.
Tuần trước, dù cảm thấy mệt lả, đau mắt, sốt, anh vẫn đi làm vì nghĩ
mình chỉ cảm cúm thông thường. Có lúc thấy quá mệt, trên đường lái xe,
anh ghé vào phòng khám của một lương y quen biết, nhờ bốc vài thang
thuốc uống thì vị này cảnh báo anh bị sởi, tình trạng đã nặng và cần
nhập viện gấp điều trị. "Vào viện mới hay, rất nhiều thanh niên trẻ khỏe
bị bệnh này, và đã biến chứng nặng viêm phổi, viêm não... như mình",
anh Thạch cho biết. Anh vừa được xuất viện vì đã ngưng sốt và khỏi viêm,
nhường chỗ cho rất đông bệnh nhân mới.
Sau hai tuần nằm viện điều trị sởi, biến chứng sang viêm phổi, chị Hà
(Hoàng Mai, Hà Nội) vừa được về nhà, nhưng lại mang nỗi lo khác - phải
bỏ thai. Chị mang bầu tháng thứ 4 thì mắc sởi. Khi có những triệu chứng
đầu tiên, bà mẹ trẻ chỉ nghĩ mình bị cảm, cho tới khi mệt lả, khó thở
mới nhập viện và biết do sởi. "Đó là những ngày tháng tồi tệ nhất
với tôi. Người sốt cao liên tục, mệt lả, đau họng, đau mắt, vô cùng sợ
hãi, lo mất con, lo mình không qua khỏi. Giờ bệnh lui rồi nhưng nguy cơ
phải bỏ thai rất cao", chị Hà chia sẻ.
Theo thống kê, cho tới nay số ca sởi người lớn phải nhập viện và điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là khoảng 300 và
ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai là khoảng 70 ca. Bệnh nhân chủ
yếu thuộc nhóm thanh niên 22-32 tuổi, đa số sống ở Hà Nội và các tỉnh
lân cận.
Bác sĩ Đỗ Minh Hoàng, Khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt
đới trung ương cho biết, những ca bệnh sởi ở người lớn xuất hiện từ
trước Tết, có triệu chứng khiến nhiều người dễ lầm là dị ứng. Sau một
thời gian thì số bệnh nhân tăng lên chóng mặt. Hiện tại, mỗi ngày
khoa phải điều trị cho khoảng 40 ca sởi, số bệnh nhân vào - ra viện liên
tục. "Bệnh nhân giảm triệu chứng, đỡ mệt mỏi sẽ được cho ra viện ngay
hay chuyển về tuyến dưới để nhường chỗ cho các trường hợp mới vì quá
tải", bác sĩ nói.
Bác sĩ Đỗ Minh Hoàng cho hay, người lớn mắc sởi có thể do chưa từng mắc
lúc nhỏ, chưa tiêm văcxin hoặc tiêm phòng từ quá lâu, trong khi có
những chủng sởi mới xuất hiện. Môi trường thời tiết độ ẩm cao thời gian
qua cũng thuận lợi cho việc giữ lại mầm bệnh và phát tán virus sởi.
|
Chị Thanh Huyền, 36 tuổi (Phú Xuyên, Hà Nội), người mặc áo bệnh
nhân bị sởi và con (được bà bế bên cạnh) đều bị sởi, biến chứng viêm
phổi, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: MT.
|
Theo bác sĩ, sởi là virus đánh mạnh vào hệ miễn dịch, vì vậy thường trẻ
nhỏ dễ biến chứng nặng nề hơn người lớn. Tuy nhiên, năm nay, khá nhiều
bệnh nhân người lớn mắc sởi có triệu chứng nặng, dễ biến chứng và thời
gian điều trị kéo dài. "Trước đây bệnh nhân sởi thường chỉ bị viêm
long hô hấp, ít biến chứng viêm phổi, hiện nay số ca biến chứng viêm
phổi, viêm não, biến chứng về đường ruột rất nhiều, rất may chưa có ca
nào tử vong", bác sĩ Hoàng cho biết.
Bệnh nhân mắc sởi thường có các biểu hiện như: sốt, viêm long đường hô
hấp, viêm kết mạc mắt, viêm miệng, nuốt đau, phù nề họng, ho khan, sau
đó phát ban từ mặt, ngực lan xuống phần dưới cơ thể. Tới ngày thứ 5-6
trở đi có thể biến chứng viêm phế quản, phổi, tiêu chảy.
Theo bác sĩ, 3-4 năm trước, bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp
bị sởi, nhưng thường chỉ tới ngày thứ 5 là bệnh nhân hết sốt, trong khi
thời gian gần đây, đa phần người bệnh tới ngày 7-8 vẫn sốt, kèm tiêu
chảy, phù nề, ban mọc dày.
Virus sởi làm hệ miễn dịch suy giảm nặng nề khiến cơ thể dễ mắc các bệnh khác. Khả năng lây nhiễm sởi cao do virus này lây qua đường hô hấp, khi bệnh nhân ho, bắn nước bọt, virus bay xa, rộng, khả năng hít vào lớn. Vì
thế, việc giao lưu càng rộng, cộng với hiện nay hệ thống nhà ống, cơ
quan, nhà hàng, siêu thị... đều trong môi trường khép kín càng lưu trữ
và phát tán virus mạnh. Ngoài ra, việc tự ý dùng quá nhiều kháng sinh khi bị sởi có thể ảnh hưởng không tốt tới đường tiêu hóa, làm bệnh nặng nề hơn.
Theo bác sĩ, ngay khi có các biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế khám để chẩn đoán và được tư vấn phương pháp điều trị.
Một
số người đã có miễn dịch nhưng lại mang virus trong đường hô hấp, quay
trở lại gia đình làm lây lan virus. Vì thế, mỗi cá nhân cũng cần áp dụng
các biện pháp phòng bệnh chung như đeo khẩu trang y tế ở chỗ đông
người, bệnh viện, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn