Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

TIÊM PHÒNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

PostHeaderIcon HỎI - ĐÁP TIÊM NGỪA CHO PHỤ NỮ CHUẨN BỊ CÓ THAI

Hỏi: Phụ nữ chuẩn bị mang thai cần tiêm ngừa các loại bệnh nào?
Đáp:  Phụ nữ chuẩn bị mang thai có thể được tiêm ngừa các loại bệnh theo các mục đích sau:
-    Tiêm ngừa các bệnh ảnh hưởng đến thai: rubella, thủy đậu.
-    Tiêm ngừa bệnh truyền sang cho con: Viêm gan siêu vi B.
1.    Rubella:

Virus Rubella truyền theo đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 12 - 23 ngày (trung bình là 18 ngày).
Nhiễm Rubella trong đầu thai kỳ (3 tháng đầu hoặc 20 tuần đầu) có thể gây thai chết hoặc hội chứng Rubella bẩm sinh, hội chứng này đặc trưng bởi nhiều khuyết tật, đặc biệt là với não, tim, tai và mắt.
Bệnh nhi bị đa dị tật do mắc Rubella bẩm sinh
Virus rubella có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể trẻ mang dị tật bẩm sinh, thường là trên 1 năm và được bài xuất qua dịch tiết hầu họng, nước tiểu và đó là nguồn lây nhiễm virus cho những người tiếp xúc.
Tất cả phụ nữ, vị thành niên nữ đều có thể chủng ngừa Rubella, chống chỉ định: dị ứng với thành phần của thuốc, suy giảm miễn dịch, thận trọng khi có tiền sử dị ứng trứng, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, có thai. Lưu ý: Tránh có thai trong vòng 3 tháng sau tiêm. Tiêm ngừa 1 liều duy nhất, vắc-xin hiện có tại Trung tâm là Trimovax (Pháp), MMR II (Mỹ), Priorix (Bỉ), đều là vaccine phòng ngừa phối hợp bệnh sởi – quai bị – rubella.

Hiệu quả của vắc-xin nhằm giảm tác hại của nhiễm rubella khi mang thai: sẩy thai, thai chết, hội chứng rubella bẩm sinh. Tác dụng phụ: đau, sưng tại chỗ chích, sốt, phát ban.

2.    Thủy đậu (trái rạ):

Phụ nữ chuẩn bị có thai được tiêm ngừa thủy đậu sẽ tránh được tình trạng mẹ bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh do lây nhiễm qua nhau thai, những dị tật bẩm sinh gồm: viêm võng mạc bồ đào, teo vỏ não, thận ứ nước, những khiếm khuyết của da và xương chân. Nguy cơ cao nhất là 2% ở tuổi thai từ 13-20 tuần.
Bệnh thủy đậu - bệnh rất dễ lây trong cộng đồng

Vaccine hiện có tại Trung tâm: Okavax (Pháp) tiêm một liều duy nhất, Varilrix (Bỉ) tiêm hai liều cách nhau từ 6 – 8 tuần. Tác dụng phụ: đau, sưng tại chỗ tiêm, sốt, phát ban sau 1 - 3 tuần.

Chống chỉ định: quá mẫn với thành phần của thuốc, có thai, suy giảm miễn dịch, hoãn tiêm khi sốt, bệnh cấp tính, thận trọng 2 ngày trước tiêm khi bị dị ứng, co giật.
Nên tránh có thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm.

3.     Viêm gan siêu vi B (HBV):
Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm ngừa viêm gan siêu vi B (HBV), nên xét nghiệm huyết thanh học trước chủng. Cũng có thể xét nghiệm huyết thanh học cho cả chồng để có thêm dữ liệu về nguy cơ của người vợ, tình trạng nhiễm HBV của chồng.

Xét nghiệm huyết thanh học để đánh giá tình trạng nhiễm HBV đang được áp dụng phổ biến là xét nghiệm HBsAg và Anti-HBs. Các trường hợp HBsAg (-) và Anti-HBs (-) được xem là các trường hợp cảm nhiễm, nên tiêm ngừa.

Vaccin hiện có tại Trung tâm: Engerix B (Bỉ), Euvax (Pháp).
Lịch tiêm chủng:
-    Phác đồ 1: 0 – 1 – 6 (liều 2 cách liều thứ nhất 01 tháng, liều 3 cách liều thứ nhất 6 tháng).
-    Phác đồ 2: 0 – 1 – 2 (liều 2 cách liều thứ nhất 01 tháng, liều 3 cách liều thứ nhất 2 tháng). Tiêm nhắc lại 01 năm sau (01 liều).

Ngoài ra, cũng như người trưởng thành, phụ nữ chuẩn bị mang thai có thể tiêm ngừa các loại bệnh khác như: cúm, viêm gan siêu vi A, thương hàn, phế cầu, viêm màng não do não mô cầu A+C.

Thông tin tư vấn  về tiêm ngừa có thể liên hệ điện thoại Điện thoại: 0466741651

CÁC DỊCH VỤ KHÁM NGOÀI GIỜ PHÒNG KHÁM ĐA KHOA HỮU NGHỊ VIỆT PHÁP

CÁC DỊCH VỤ PHÒNG KHÁM NGOÀI GIỜ

1.    Khám:
-    Khám phụ khoa, tầm soát ung thư CTC;
-    Khám thai;
-    Khám thực hiện các biện pháp tránh thai.
2.    Tiêm ngừa:
-    Tiêm ngừa VAT cho thai phụ;
-    Tiêm ngừa HPV (ung thư CTC)

3.    Cận lâm sàng:
-    Soi tươi và nhuộm gram huyết trắng;
-    Phết tế bào CTC;
-    Siêu âm sản - phụ khoa;
-    Siêu âm nhũ.

4.    Thủ thuật:
-    Soi CTC;
-    Đốt CTC;
-    Hút thai – nạo thai;
-    Nạo sinh thiết buồng tử cung;
-    Xoắn polype CTC;
-    Đặt, tháo dụng cụ tử cung;
-    May thẩm mỹ TSM, rạch tuyến (Sáng Chủ nhật).
5.    Hoạt động chuyên môn khác:
-    Phá thai bằng thuốc;
-    Truyền dịch.

6.    Tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC

PostHeaderIcon BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC

-    Bệnh lây truyền qua đường tình dục là những bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục đường âm đạo, hậu môn hoặc đường miệng: lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS … Khi quan hệ mà tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu của bạn tình tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc bộ phận sinh dục là có thể bị lây truyền bệnh.
-    Các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh: có nhiều bạn tình trong cùng một khoảng thời gian, bạn tình có quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục mại dâm, quan hệ tình dục  trong trạng thái kích thích (say rượu, sử dụng ma túy …), không biết bạn tình của mình có bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục không.
-    Nếu thấy có nguy cơ, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA BỆNH
Các biểu hiện có thể xuất hiện sớm sau khi quan hệ tình dục (từ 6 đến 12 giờ đối với bệnh lậu ở nam giới) hoặc sau nhiều ngày, thậm chí hàng tháng với một số nhiễm khuẩn khác:
-    Mụn nước, nốt sẩn hoặc vết loét ở bộ phận sinh dục và vùng xung quanh, có thể kèm theo đau.
-    Đau vùng bụng, ngứa hoặc đau, rát ở bộ phận sinh dục.
-    Có thể có những biểu hiện toàn thân: sốt, nổi ban, sưng hạch … Hoặc không có triệu chứng gì trong nhiều năm.

HẬU QUẢ:
-    Vô sinh, ung thư cổ tử cung, đau bụng dưới kéo dài , có thai ngoài tử cung, đi tiểu khó hoặc đau, tăng nguy cơ  nhiễm HIV/AIDS.
-    Phụ nữ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục  nếu mang thai có thể bị sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu, trẻ sơ sinh có thể bị dị tật hoặc mù lòa, nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh như HIV, HBV, giang mai.

KHI NGHI NGỜ MẮC BỆNH LÂY QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC, BẠN CẦN:
-    Đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt.
-    Nếu quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời bao gồm cả tư vấn dùng thuốc kháng HIV khẩn cấp.
-    Trao đổi, vận động bạn tình đi khám sớm.
-    Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian chữa trị cho đến khi khỏi hẳn. Nếu quan hệ tình dục phải dùng bao cao su đúng cách.

KHI MẮC BỆNH LÂY QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC BẠN CẦN:
-    Tuân thủ đúng chế độ điều trị bác sỹ đã chỉ định.
-    Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
-    Thông báo với bạn tình và đề nghị bạn tình khám, uống thuốc điều trị theo ý kiến của bác sỹ).

3 ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN HIV/AIDS

1. quan hệ tình dục 2. đường máu 3. mẹ truyền qua con

PHÁ THAI NỘI KHOA

HƯỚNG DẪN DÀNH CHO KHÁCH HÀNG PHÁ THAI NỘI KHOA

Phá thai nội khoa 1 (< 7 tuần = 49 ngày)
•    Có 2 lần uống thuốc trong tiến trình phá thai nội khoa 1.
1.    Uống thuốc lần 1:
-    Sau khi ký giấy đồng ý phá thai nội khoa, khách hàng sẽ uống thuốc lần thứ nhất (1 viên duy nhất) tại Trung tâm.
-    Một số trường hợp ra huyết ít khi uống thuốc lần thứ nhất, đôi khi có triệu chứng đau bụng.
2.    Uống thuốc lần 2:
-    Khách hàng sẽ uống thuốc lần thứ hai: từ 36 đến 48 giờ sau khi uống thuốc lần 1.
-    Uống 02 viên tại nhà và theo dõi sẩy thai tại nhà.
-    Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ gửi tin nhắn “da den gio uong thuoc PTNK”  vào thời điểm 7g00 hoặc 19g00 để nhắc khách hàng uống thuốc.

•    Trong vài giờ sau khi uống thuốc lần 2 và vài ngày sau đó, khách hàng thường có các triệu chứng sau:
-    Đau bụng dưới từng cơn. Có thể uống 01 viên thuốc giảm đau (paracetamol 500mg) nếu đau bụng nhiều.
-    Ra huyết âm đạo.
-    Có thể buồn nôn, chóng mặt.
•    Khách hàng nên trở lại khám ngay nếu có triệu chứng:
-    Sốt, ớn lạnh, rét run.
-    Ra huyết âm đạo nhiều, ướt đẫm 2 băng vệ sinh trở lên trong 1 giờ và kéo dài 2 giờ liên tục.
-    Đau bụng nhiều, không giảm đau khi dùng thuốc giảm đau (paracetammol 500mg).
•    Tái khám hai tuần sau uống thuốc lần 2 để xác định chắc chắn thủ thuật đã thành công. Trong trường hợp nếu thai tiếp tục phát triển, có thể hút thai hoặc tiếp tục phá thai bằng thuốc nếu khách hàng mong muốn.
•    Lưu ý: Khi có điều gì lo lắng, bất kể thời gian nào, hãy liên hệ số điện thoại 39559763 để được tư vấn và hướng dẫn trực tiếp. Trung tâm trực chuyên môn 24/24 giờ, tất cả 7 ngày trong tuần, luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và giải đáp thắc mắc.

Phá thai nội khoa 2 (7 - 8 tuần, 50 - 56 ngày)
•    Có 2 lần uống thuốc trong tiến trình phá thai nội khoa 2.
1.    Uống thuốc lần 1:
-    Sau khi ký giấy đồng ý phá thai nội khoa, khách hàng sẽ uống thuốc lần thứ nhất (1 viên duy nhất) tại Trung tâm.
-    Hẹn khách hàng đến uống thuốc lần 2 tại Trung tâm.
-    Một số trường hợp ra huyết ít khi uống thuốc lần thứ nhất, đôi khi có triệu chứng đau bụng.

2.    Uống thuốc lần 2:
-    Khách hàng sẽ uống thuốc lần thứ hai: từ 36 đến 48 giờ sau khi uống thuốc lần 1.
-    Ngậm dưới lưỡi 04 viên và theo dõi tại Trung tâm 3 giờ. Sau 3 giờ, nếu khách hàng khỏe, đi lại bình thường, không ra huyết nhiều có thể về nhà và theo dõi xẩy thai tại nhà.

•    Trong vài giờ sau khi uống thuốc lần 2 và vài ngày sau đó, khách hàng thường có các triệu chứng sau:
-    Đau bụng dưới từng cơn. Có thể uống 01 viên thuốc giảm đau (paracetamol 500mg) nếu đau bụng nhiều.
-    Ra huyết âm đạo.
-    Có thể buồn nôn, chóng mặt.
•    Khách hàng nên trở lại khám ngay nếu có triệu chứng:
-    Sốt, ớn lạnh, rét run.
-    Ra huyết âm đạo nhiều, ướt đẫm 2 băng vệ sinh trở lên trong 1 giờ và kéo dài 2 giờ liên tục.
-    Đau bụng nhiều, không giảm đau khi dùng thuốc giảm đau (paracetammol 500mg).
•    Tái khám hai tuần sau uống thuốc lần 2 để xác định chắc chắn thủ thuật đã thành công. Trong trường hợp nếu thai tiếp tục phát triển, sẽ hút thai để kết thúc thai kỳ.
•    Lưu ý: Khi có điều gì lo lắng, bất kể thời gian nào, hãy liên hệ số điện thoại 0466741651 - 0987722582  để được tư vấn và hướng dẫn trực tiếp. Trung tâm trực chuyên môn 24/24 giờ, tất cả 7 ngày trong tuần, luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và giải đáp thắc mắc.

Khuyên bỏ thai nhi dị tật là đúng, nhưng quá nghiệt ngã'

Khuyên bỏ thai nhi dị tật là đúng, nhưng quá nghiệt ngã'

Bác sĩ Hồ Ngọc Linh, Trưởng Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa Kon Tum là người 2 lần siêu âm cho thai phụ Nguyễn Thị Thu Hoài với kết quả thai nhi dị tật, khẳng định tình trạng đa dị tật kể cả khi bé đã ra đời.
> Sinh non bé trai do siêu âm thai dị tật

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Linh khẳng định: "Chúng tôi hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, có chứng cứ khoa học về hình ảnh thai nhi qua siêu âm trước khi đặt bút ký vào phiếu trả lời về tình trạng thai".
Theo bác sĩ Linh, thai phụ Hoài đã siêu âm rất nhiều lần ở nhiều nơi nhưng cùng chung kết quả chẩn đoán. Chỉ tính riêng hồ sơ lưu tại Bệnh viện đa khoa Kon Tum, kết quả siêu âm lần thứ nhất của thai phụ Hoài ở đây ngày 23/4 cho thấy thai nhi tương đương 28 tuần có bất thường tràn dịch màng bụng và màng tinh hoàn. Kết quả siêu âm ngày 8/5 do hai bác sĩ Hồ Ngọc Linh và Đặng Hoa Giang cùng thực hiện, thai nhi đa dị tật bẩm sinh: teo ruột, tràn dịch màng bụng, đa ối, phù gai nhau...
Kết quả siêu âm thai phụ Hoài ngày 8/5 do bác sĩ Hồ Ngọc Linh và bác sĩ Đặng Hoa Giang thực hiện. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Kết quả siêu âm thai phụ Hoài ngày 8/5 do bác sĩ Hồ Ngọc Linh và bác sĩ Đặng Hoa Giang thực hiện. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Sau đó, chị Hoài được gia đình đưa đi siêu âm ở 4 phòng mạch khác nhau tại Kon Tum trong đó có cả phòng mạch tư của bác sĩ Linh, kết quả cơ bản đều giống nhau.
Từ những kết quả siêu âm thai dị tật, gia đình sản phụ quyết định bỏ thai. Ngày 19/5 chị Hoài được hỗ trợ sinh non một bé trai nặng 2,6 kg, về mặt cảm quan tay chân bình thường không như chẩn đoán "tứ chi ngắn". Kết quả siêu âm cho thấy bé khiếm khuyết trong bụng: tràn dịch màng bụng bẩm sinh; không phát hiện được ruột non và đại tràng; dịch trong bụng không đồng nhất; không thấy hơi trong trực tràng; tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh từ tuần lễ thứ 28; ống bẹn chưa kín…
Bác sĩ Ngọc Linh cũng là người trực tiếp thực hiện nhiều lần siêu âm cho bé sơ sinh con sản phụ Hoài. Theo đó, bé có đường kính lưỡng định (BPD) và chiều dài xương đùi (FL) không tương xứng. Cụ thể, BPD tương đương với 33 tuần tuổi, FL tương đương với 28 tuần tuổi, "nghĩa là có sự chênh lệch giữa 2 chỉ số trên đến 5 tuần tuổi, đồng nghĩa với chiều dài xương đùi ngắn hơn so với tuổi thai sinh lý".
"Những chỉ số chênh lệch tứ chi này khó có thể nhìn bằng mắt thường khi bé chào đời, mà sẽ thể hiện rõ trong thời gian bé phát triển", bác sĩ Linh giải thích.
Kết quả siêu âm tim con của sản phụ Hoài sau khi được hỗ trợ sinh non. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Kết quả siêu âm tim con của sản phụ Hoài sau khi được hỗ trợ sinh non. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
"Trong thời gian nằm ở khoa nhi cấp cứu, cháu được siêu âm tim còn phát hiện thêm dị tật ống động mạch (PDA) và hở van 3 lá có tăng áp phổi nặng. Rõ ràng cháu có đa dị tật rất nặng", bác sĩ Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa Kon Tum nói. Em bé sau đó đã qua đời.
Cho rằng đã "làm đúng", bác sĩ Linh cũng chia sẻ cảm giác "rất buồn" mỗi lần phát hiện có thai nhi dị tật và trách nhiệm thông báo thực tế này với sản phụ bởi "quá nghiệt ngã". Tuy vậy, ông cho rằng sự việc con sản phụ Hoài giúp bác sĩ rút ra bài học kinh nghiệm là "việc lưu trữ tư liệu tối quan trọng, cần thiết thì phòng siêu âm có thể ghi clip để lưu lại sử dụng".
Bác sĩ Hồ Ngọc Linh có thâm niên gần 20 năm trong ngành siêu âm chẩn đoán hình ảnh, từng là một người lính ở chiến trường Campuchia, hiện là Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa Kon Tum. Mọi trường hợp siêu âm chẩn đoán khó trên địa bàn đều được chuyển cho bác sĩ Linh xử lý.
Tham khảo những hình ảnh siêu âm thai của chị Hoài và em bé sau khi ra đời thực hiện tại Bệnh viện đa khoa Kon Tum do VnExpress.net chuyển, nhiều chuyên gia đầu ngành của khoa chẩn đoán hình ảnh tại TP HCM cũng khẳng định chẩn đoán tình trạng đa dị tật bẩm sinh trong trường hợp này là chính xác.
Tùy

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Đặt vòng là cách tránh thai hiệu quả nhất

Đặt vòng là cách tránh thai hiệu quả nhất
Ảnh: NYDailynews.

Phụ nữ sử dụng thuốc, cao dán tránh thai hoặc đặt vòng âm đạo có khả năng mang thai ngoài ý muốn cao gấp 20 lần so với khi sử dụng các phương pháp tránh thai lâu dài như đặt vòng trong tử cung, một nghiên cứu mới đây tiết lộ.

Tờ NYDailynews đưa tin, nghiên cứu có sự tham gia của 7.500 người ở độ tuổi từ 14 đến 45 do các chuyên gia thuộc Đại học Y Washington, Mỹ thực hiện.
Đặc biệt, cũng theo nghiên cứu này thì cùng lựa chọn thuốc, miếng dán, đặt vòng âm đạo để tránh thai thì ở những cô gái trẻ dưới 21, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cao gấp đôi so với những phụ nữ có tuổi.
“Nghiên cứu này là bằng chứng tốt nhất cho thấy những phương pháp tránh thai lâu dài mang lại hiệu quả hơn nhiều so với thuốc hay miếng dán tránh thai”, Jeffrey Peipert, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Mang thai ngoài ý muốn là một vấn đề sức khoẻ lớn tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 3 triệu phụ nữ mang thai và có đến một nửa trong số này là có bầu ngoài ý muốn, một tỷ lệ cao đối với một đất nước phát triển.
Mặc dù những biện pháp tránh thai lâu dài được chứng minh là cách tránh thai ít rủi ro nhất. Tuy nhiên thực tế, tại Mỹ chỉ rất ít phụ nữ cũng như vị thanh niên lựa chọn cách tránh thai này. Một trong những vấn đề cản trở là chi phí khá đắt đỏ khoảng 500 đô la Mỹ

Bệnh tay chân miệng tăng 10 lần

Bệnh tay chân miệng tăng 10 lần
TT - Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế tổ chức hôm 25-5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho hay bệnh tay chân miệng đang bùng nổ.
Một ca mắc bệnh tay chân miệng đang được theo dõi tại phòng cấp cứu khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: minh đức
Báo cáo của ông Nguyễn Văn Bình cho hay chưa hết năm tháng đầu năm 2012, số ca mắc bệnh tay chân miệng cả nước đã lên đến trên 46.000 trường hợp, 27 bệnh nhi đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc đã tăng 10,2 lần, số tử vong tăng 1,7 lần.
Đặc biệt, có những địa phương như Đà Nẵng số mắc tăng... 22,27 lần so với cùng kỳ năm 2011. TP Hải Phòng, địa phương không phải là trọng điểm tay chân miệng mùa dịch 2011, nhưng cũng tăng số mắc ngay từ đầu năm và đến nay đã có trên 4.000 trường hợp mắc bệnh, liên tục dẫn đầu cả nước về số mắc bệnh.
Tăng hơn 10,2 lần
Số liệu về bệnh tay chân miệng 5 tháng đầu năm
Tháng 1 có 4.385 ca mắc bệnh, tử vong 7; tháng 2 mắc 6.785, tử vong 4; tháng 3 mắc 13.608, tử vong 7; tháng 4 mắc 14.930, tử vong 4; tháng 5 mắc 6.569, tử vong 7.
So với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực, số ca mắc bệnh tay chân miệng mùa dịch này ở VN cao hơn hẳn. Singapore là 13.289 ca (cùng kỳ 2011 có 4.044 ca, tăng 3,3 lần), Nhật Bản 6.036 ca (cùng kỳ 2011 có 5.685 ca, tăng 1,1 lần), Macau 302 ca (cùng kỳ có 71 ca, tăng 4,1 lần), Trung Quốc 99.052 ca (cùng kỳ có 34.709 ca, tăng 2,9 lần), VN có 46.277 ca, tăng 10,2 lần.
Tại cuộc họp trực tuyến, đại diện Bệnh viện Nhi Hải Phòng - cơ sở đã điều trị cho trên 3.200 bệnh nhi từ đầu năm đến nay - rất lo lắng khi triệu chứng bệnh tay chân miệng mùa dịch 2012 tỏ ra bất bình thường: tuổi mắc bệnh giảm xuống, xuất hiện bệnh nhi mắc tay chân miệng dưới 6 tháng tuổi, trong khi trước đây phải biết đi, biết nghịch ngợm hoặc đi học mẫu giáo mới có nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng bệnh không điển hình, nhiều trường hợp không có phát ban ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, chỉ sốt, viêm đường hô hấp rồi đột ngột chuyển sang thể nặng: co giật, khó thở sau 2-3 ngày. Tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng, thời gian qua có 103 bệnh nhi thể nặng từ độ 3 trở lên và tất cả các em đều phải thở máy, hiện có hai trường hợp bệnh rất nặng, có tiên lượng tử vong.
Theo dõi diễn biến bệnh tay chân miệng năm tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay có nhiều địa phương đang đề nghị thành lập cơ sở riêng để điều trị bệnh tay chân miệng. Theo ông Long, rất cần theo dõi sát bệnh nhân, tránh bệnh chuyển sang thể nặng mà không kịp điều trị, như TP.HCM gần đây có hai trường hợp tử vong đều do đến viện quá muộn.
Ông Long cho rằng ngoại trừ tháng 5 chưa kết thúc, bệnh tay chân miệng đã tăng đều trong thời gian từ tháng 1-4, và lên đến đỉnh điểm ở tháng 4 với gần 15.000 trường hợp mắc mới, tương đương giai đoạn đỉnh của mùa dịch 2011. Trong tháng 5, tuy số mắc đã giảm nhưng số tử vong lại tăng thêm ba trường hợp.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, phó giám đốc bệnh viện Trần Minh Điển cho hay có 50% bệnh nhi vào viện là bệnh nhi của Hà Nội, tỉ lệ nhiễm virút EV, dòng virút độc lực cao là 58,7% và hầu hết bệnh nhân ở thể nặng.
Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng khiến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) quá tải, một số bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang - Ảnh: M.Đức
Truyền thông chưa đến nơi
Có rất nhiều tồn tại được mổ xẻ ở buổi giao ban trực tuyến hôm 25-5, trong đó có yếu tố truyền thông. Theo đại diện Bệnh viện Nhi Hải Phòng, dường như việc truyền thông chống dịch chưa đến đích, ở Hải Phòng có hiện tượng trẻ vào viện vì bệnh tay chân miệng nhưng có rất nhiều người đến thăm, người nào cũng muốn ôm hôn em bé, nắm tay, ngồi lên giường bệnh...
Theo ông Nguyễn Văn Bình, việc truyền thông chưa đến đúng đối tượng là người chăm sóc trẻ và các hộ gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi. Bà Ngô Thị Kim Yến, phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, đề xuất làm việc với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh việc truyền thông ở nhóm công nhân, người lao động thu nhập thấp vì họ hầu như không có thời gian xem tivi, báo chí...
Thống kê của Cục Y tế dự phòng tại sáu địa phương có tổ chức lễ phát động chiến dịch rửa tay sạch phòng chống dịch, số mắc tay chân miệng giảm đáng kể kể từ khi phát động chiến dịch. Cụ thể tại tỉnh Thái Bình, số mắc giảm từ mức 100 ca/tuần thời điểm phát động chiến dịch xuống 50-70 ca/tuần ở những tuần gần đây, nhưng đến nay còn đến tám địa phương vẫn đang ở giai đoạn... trình kế hoạch tổ chức lễ phát động, trong khi lễ phát động toàn quốc đã được tổ chức từ ngày 1-3-2012.
Mùa dịch 2011, số mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ tháng 4 và tăng vọt từ tháng 5, rồi giữ ở mức cao trong suốt sáu tháng. Năm nay, bước vào tháng 5, số mắc có giảm nhưng số tử vong lại tăng lên, cho thấy dự báo trong bảy tháng tới bệnh tay chân miệng vẫn là một điểm đáng báo động trong đời sống dân sinh.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, tỉ lệ tử vong trên nhóm bệnh nhân nặng (độ 3-4) đã giảm từ 41,6% còn 8,5% sau khi có phác đồ điều trị cập nhật. Cục đã giao Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM làm đầu mối xây dựng cẩm nang chẩn đoán, điều trị tay chân miệng, cụ thể hóa các thuốc sử dụng trong điều trị, các kỹ thuật hồi sức nhi khoa, các thủ thuật và theo dõi bệnh nhân tay chân miệng để hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng đề xuất nghiên cứu và thử nghiệm văcxin phòng chống bệnh tay chân miệng lần đầu tiên tại VN. Trước mắt sẽ cấp xà phòng, hóa chất, vật tư đến tận gia đình trong ổ bệnh. Năm 2011, sau tám năm xuất hiện bệnh nhân tay chân miệng đầu tiên tại VN, cơ quan hữu quan đã xác lập được một kỷ lục về số mắc, số tử vong. Nếu không muốn kỷ lục ấy lặp lại thì phải quyết liệt từ bây giờ, từ trung ương, địa phương, từ điều trị, dự phòng, chống dịch, dập dịch thì cơ may còn kịp.
LAN ANH
238 người mắc bệnh “lạ”
Chiều 25-5, ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết bệnh nhân mắc bệnh “lạ” Phạm Thị Ân (20 tuổi) thôn Làng Rêu, xã Ba Điền) đưa ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị trước đó nhưng không bớt bệnh, nên đã chuyển về Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tiếp tục chữa trị.
Tuy nhiên, bệnh nhân Ân không chịu ở lại bệnh viện mà một mực yêu cầu bệnh viện giải quyết về Trung tâm Y tế Ba Tơ chữa bệnh. Bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân Ân về Ba Tơ.
Theo bà Đặng Thị Phượng - giám đốc Trung tâm Y tế Ba Tơ, đến nay đã có thêm bốn trường hợp mắc bệnh “lạ” chuyển về trung tâm. Trong đó có một trường hợp bệnh nặng là cháu Phạm Văn Trinh (8 tuổi, ở xã Ba Điền). Khi nhập viện dù chưa có dấu hiệu rõ, nhưng nội tạng cháu Trinh có triệu chứng tổn thương rất nặng.
Theo số liệu của Phòng y tế huyện Ba Tơ, tính đến nay có 238 người mắc bệnh “lạ” (theo Sở Y tế là 211 ca), trong đó 48 ca đang điều trị tại các tuyến y tế. Trường hợp bệnh nhi mắc bệnh “lạ” Phạm Văn Thách (9 tuổi), điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM sức khỏe rất yếu, đang được cho lọc máu.
Cùng ngày, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang đã về vùng bệnh “lạ” xã Ba Điền tiếp tục lấy mẫu đất, mẫu nước để tìm nguyên nhân.

BỆNH VIÊM KẾT MẠC Ở TRẺ NHỎ.

Bệnh viêm kết mạc ở trẻ nhỏ

 Chảy nước mắt, đau mắt, đỏ mắt là những triệu chứng cho thấy con bạn có thể đã bị viêm kết mạc. Bệnh này gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và học tập, không những vậy, lại nằm trong nhóm bệnh về mắt phổ biến nhất. Bạn cần biết những gì để có thể chăm sóc con tốt nhất khi chẳng may bé bị bệnh thường gặp
(Bài viết của bác sĩ đa khoa Catherine Cearns.)
webtretho_mắt bị ngứa, đỏ
Hãy chú ý khi mắt con bị đỏ, chảy nước mắt hay bị ngứa (Ảnh: Inmagine)
Bệnh viêm kết mạc là tình trạng viêm nhiễm của kết mạc – lớp màng trong suốt bao bọc quanh củng mạc và bên trong mí mắt, tại lớp màng này tiết ra chất nhờn để bôi trơn bề mặt của mắt. Một khi kết mạc bị viêm, mắt sẽ bị đỏ, hay chảy nước mắt và ngứa. Đa số xảy ra ở một mắt trước rồi mới đến bên mắt còn lại.
Có 3 loại viêm kết mạc:
- Viêm kết mạc nhiễm trùng xảy ra khi kết mạc bị viêm nhiễm do vi rút hay vi khuẩn. Viêm kết mạc do vi rút là loại phổ biến nhất, và thường liên quan đến một cơn cảm lạnh hoặc nhiễm trùng tai. Viêm kết mạc do vi khuẩn ít phổ biến hơn, dịch tiết màu trắng giống mủ hơn, mắt đỏ rõ hơn.
- Viêm kết mạc kích ứng xảy ra khi bị một chất kích ứng ví dụ như chất clo trong hồ bơi hay một vật thể như lông mi xâm nhập vào mắt và gây đỏ mắt.
- Viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi có sự tiếp xúc với chất gây dị ứng chắng hạn như phấn hoa, khiến hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng bất thường.
Viêm kết mạc thường phổ biến ở những trẻ hơn 3 tháng tuổi vì khi này trẻ thường dụi tay vào mắt và miệng nhiều hơn, do đó dễ dàng làm cho nó lây lan. Đến lứa tuổi mẫu giáo, bệnh này lại càng phổ biến do sự tiếp xúc  thường xuyên. Vi khuẩn có thể lây lan từ mũi, cổ họng và dịch tiết từ mắt; ngoài ra vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào mắt sau khi tiếp xúc với khăn mặt và khăn tay đã bị nhiễm khuẩn.
Bệnh viêm kết mạc thỉnh thoảng có thể bị nhầm với bệnh “dính mắt”, một căn bệnh phổ biến ở những trẻ mới sinh do tuyến lệ đang phát triển và bị tắc; khi này mắt trẻ hay bị chảy nước. Bản thân mắt không bị viêm nên việc dùng nước nhỏ mắt kháng khuẩn là không cần thiết. Bệnh tắc tuyến lệ thường tự khỏi sau năm đầu tiên. Tuy nhiên, nếu trẻ mới sinh bị sưng mắt, đỏ mắt hay chảy ghèn, nên nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

Dấu hiệu và triệu chứng

Triệu chứng cụ thể của bệnh viêm kết mạc thường bao gồm khô mắt, tròng trắng mắt bị đỏ, tiết dịch giống như mủ (thường thấy nếu nguyên nhân do vi khuẩn) hay chảy nước (thường thấy nếu nguyên nhân do vi rút và dị ứng), mắt bị ngứa và trên mí mắt sau khi ngủ qua đêm thường có một lớp vảy cứng đóng lại.
Viêm kết mạc không gây đau mắt nghiêm trọng, không dẫn đến mất thị giác hay nhạy cảm với ánh sáng. Nếu con bạn có bất cứ triệu chứng nào trong ba triệu chứng nêu trên, hãy nhanh chóng đưa bé đến khám bác sĩ.

Bạn có thể làm gì

Nếu nghi ngờ con bị viêm kết mạc, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để được chỉ định có dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt hay không. Nếu là viêm kết mạc do vi khuẩn thì bác sĩ có thể kê đơn với thuốc nhỏ mắt kháng sinh; viêm kết mạc do dị ứng được điều trị với thuốc nhỏ mắt và si rô kháng histamin. Viêm kết mạc do vi rút có thể tự khỏi, thường là sau 3 đến 4 ngày, mà không cần dùng thuốc.
webtretho_phòng ngừa lây lan viêm kết mạc
Bạn có thể lau mắt con nhẹ nhàng bằng khăn, nhưng đừng dùng chung khăn nhé (Ảnh: Inmagine)
Bạn có thể dễ dàng làm dịu bớt những triệu chứng và sự khó chịu của bệnh viêm kết mạc bằng cách nhẹ nhàng lau sạch đi những dịch tiết hay lớp ghèn cứng bằng một miếng vải hay bông sạch với nước ấm. Hãy bắt đầu từ giữa mắt và nhẹ nhàng lau sạch ra ngoài, thực hiện như vậy một vài lần trong ngày. Nếu con bạn vẫn rất khó chịu, hãy thử đắp một miếng băng ấm trên mắt con.
Để tránh làm lây lan vi trùng hoặc tái nhiễm trùng, hãy thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi lau chùi vùng mắt bị nhiễm trùng. Dùng khăn sạch và tránh sử dụng chung khăn tắm, miếng nỉ lau, gối và ra giường. Khuyên con nên tránh sờ tay lên mắt. Ngoài ra, không được sử dụng thuốc đều trị mắt đã được chỉ định của một thành viên khác trong gia đình hoặc là đã quá hạn sử dụng.
Nếu con bạn bị viêm kết mạc và có nhiều dịch tiết từ mắt, hoặc con bị sốt, cảm thấy không khoẻ, bạn nên cho bé nghỉ học và không đến các nhóm chơi nơi có nhiều trẻ nhỏ khác cho đến khi dịch tiết hết sạch.
Nguồn: Webtretho (lược dịch) / Theo Littlies.co.nz

Thuốc chữa viêm kết mạc dị ứng

Thuốc chữa viêm kết mạc dị ứng


BS. Hoàng Cương (BV Mắt TW)
Viêm kết mạc dị ứng là một bệnh khá phổ biến. Tuy chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ hiện mắc nhưng con số ước chừng khoảng 70% dân số đã có lần bị viêm kết mạc dị ứng. Thời tiết nóng nực, bụi bặm, ô nhiễm, cơ địa dị ứng là những yếu tố làm bệnh khởi phát.
Ảnh: corbis

Ảnh: corbis

Biểu hiện rõ nhất và cũng gây khó chịu nhất cho người bệnh là ngứa (trong 100 bệnh nhân ngứa mắt thì có đến 80 bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng). Do vậy những xét nghiệm trong labo như tế bào học kết mạc hay Prick test nhiều khi trở nên không cần thiết. Triệu chứng lâm sàng không nhiều và khá điển hình. Hình thái lâm sàng được chia làm 3 thể: Viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân; Viêm kết mạc theo mùa hoặc quanh năm; Viêm kết mạc trên bệnh nhân có viêm da cơ địa
Việc điều trị bệnh cũng nên cẩn trọng và tôn trọng một số nguyên tắc.
Với các trường hợp viêm kết mạc theo mùa, liên quan đến mùa hoa nở
Nên dùng các thuốc chống giải phóng hạt từ dưỡng bào liên tục (allergysal, cromal, opantanol...) trong một tháng trong mùa dị ứng. Phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu nên áp dụng trước mùa dị ứng từ 1-2 tháng. Như vậy các triệu chứng dị ứng sẽ được giảm thiểu kể cả về tần suất xuất hiện lẫn cường độ. Lượng thuốc men cũng như gánh nặng chi phí cho điều trị cũng giảm tương ứng.
Nên tránh tiếp xúc tối đa với kháng nguyên. Nếu cơn ngứa cấp nếu vẫn xuất hiện có thể dùng thêm thuốc kháng histamin H1 loại nhỏ mắt (opcon - A), nước mắt nhân tạo, các chất bôi trơn bề mặt nhãn cầu.
Với các trường hợp viêm kết mạc - giác mạc mùa xuân
Nên khai thác tiền sử bệnh nhân cẩn thận trước khi đưa ra phác đồ điều trị.
 Hình ảnh viêm kết mạc dị ứng.
Ảnh: Optometric.com
Ngoài mùa cao điểm: nên dùng phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu, các thuốc bôi trơn nhãn cầu loại không có chất bảo quản. Trên nền tảng cơ bản như trên vẫn có thể dùng thuốc chống viêm hay kháng histamin nếu cần.
Trong mùa cao điểm: Nên đeo kính râm loại chặn tia cực tím (UV). Dùng thường xuyên các thuốc bôi trơn nhãn cầu, các thuốc ức chế giải phóng hạt từ dưỡng bào. Các thuốc chống viêm không corticoid cũng có thể dùng nhưng tác dụng của chúng rất hạn chế.
Các thuốc có chứa cortizol sẽ được kê cho những trường hợp có kèm viêm giác mạc nông, loét vô khuẩn cho tới khi các tổn thương này lành lại. Nên thông báo cho bệnh nhân và gia đình họ biết tác dụng phụ của thuốc để phối hợp với chuyên môn theo dõi các biến chứng nếu có.
Trong khi chờ đợi các thương phẩm có ciclosporine thì việc pha chế tại bệnh viện hoạt chất này với nồng độ 0,5-2% vẫn có thể tiến hành. Chế phẩm này do hiệu quả tốt, độc tính ít, dung nạp tốt nên có thể dùng lâu dài suốt mùa nóng. Các thuốc chống bạch cầu hạt hay tiêm corticoid vào diện kết mạc sụn có chỉ định rất hạn chế. Ngoài ra các phẫu thuật kinh điển như áp lạnh, ghép kết mạc vẫn có chỉ định cho những trường hợp nặng cá biệt.

Thuốc chữa viêm kết mạc dị ứng

Thuốc chữa viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng gây khó chịu với các biểu hiện như: nhìn mờ nhất thời, cảm giác khô rát, khó mở mắt buổi sáng, chảy nước mắt, ra gỉ nhiều, mắt bị ngứa, kích thích, cảm giác có sạn trong mắt... người bệnh thường hay có phản ứng dụi hoặc gãi... Biến chứng gây giảm thị lực chỉ do sẹo hay loét giác mạc.
Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Tháng 4, 5, 6 và 7 là những tháng đỉnh điểm hoành hành của căn bệnh này bởi lẽ các dị nguyên như phấn hoa, bụi cỏ, nấm mốc sẽ đạt đậm độ cao nhất trong môi trường. Bên cạnh đó là nhiệt độ và độ ẩm dao động mạnh. 80% bệnh nhân là những người trẻ, đang độ tuổi lao động.
Sử dụng thuốc trong trường hợp này sẽ giúp bạn sống thoải mái hơn với dị ứng chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Đa phần các bệnh nhân hài lòng với các thuốc kháng histamin và bền màng mastocyte loại nhỏ mắt như opconA, allergysal...
Cyclosporine loại nhỏ mắt tỏ ra an toàn và khá hiệu quả đã được dùng khoảng 7 năm nay, dành cho nhóm bệnh nhân khó tính hơn. Kết hợp với nước mắt nhân tạo các loại, các sản phẩm bôi trơn bề mặt nhãn cầu luôn là sự lựa chọn đúng cho căn bệnh này, vừa điều trị dị ứng, vừa chống khô mắt. Các sản phẩm có corticoid không nên dùng liên tục hay kéo dài, thêm nữa phải luôn thận trọng với các biến chứng của chúng như: glocom, đục thủy tinh thể. Rất ít bệnh nhân phải dùng thuốc đường toàn thân trừ khi bị kèm theo viêm mũi xoang hay hen suyễn.
BS. Hoàng Cương
(suckhoe&doisong)