Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Chữa viêm loét dạ dày: bệnh không thể chủ quan

Chữa viêm loét dạ dày: bệnh không thể chủ quan

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh khá phổ biến và ngày càng có xu hướng phát triển ở nước ta. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Tùy theo các vị trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày, viêm hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ, loét hang vị... Bệnh tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân đa dạng
Đau dạ dày có thể do rất nhiều nguyên nhân: do  nhiễm vi khuẩn HP - đây là một loại vi khuẩn gam âm, có hình xoắn, là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng; do chế độ ăn uống vô độ không có quy luật, ăn thức ăn nóng quá, lạnh quá, cứng quá, khó tiêu, chua, cay quá, ăn không nhai kỹ, ăn vội... hoặc ăn phải một số thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc...
Ngoài ra, cũng có thể do uống rượu, chè đặc, cà phê đặc; do uống nhầm phải các chất ăn mòn: axit, kiềm, sút, một số hóa chất có chì, thuỷ ngân... có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày.
Một nguyên nhân nữa phải kể đến là do dùng các thuốc giảm đau, chống viêm điều trị các bệnh khớp. Những thuốc ấy có tác dụng phụ gây tổn thương niêm mạc dạ dày; những nhiễm khuẩn cấp: cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn... có thể gây viêm dạ dày. Người bị suy thận cũng rất dễ bị viêm dạ dày do ure máu tăng cao.
Yếu tố tinh thần, các trạng thái stress, cáu gắt, trầm cảm, lo nghĩ, căng thẳng... cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tổn thương dạ dày.
Triệu chứng điển hình
Đau bụng do bệnh lý ở dạ dày có trường hợp biểu hiện rõ, chẩn đoán tương đối dễ dàng, thường bệnh nhân có những triệu chứng như: Đau vùng bụng trên rốn, đau thường xuất hiện lúc đói hoặc ngay sau ăn nhưng vài trường hợp đau không liên quan gì tới bữa ăn, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Đau âm ỉ có khi kéo dài từ vài tháng đến vài ba năm, có khi hàng chục năm. Nhiều bệnh nhân đau có tính chất chu kỳ (một chu kỳ khoảng từ một tuần đến vài tuần trở lên) và thường xảy ra vào lúc giao mùa, đặc biệt là mùa rét.
Kèm theo đau là các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân thường hay có cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát, trướng bụng, trung tiện, phân có khi nát có khi lỏng, có khi rắn như phân dê. Trong những trường hợp loét hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị thì ăn không tiêu, bụng ậm ạch khó chịu, nhiều khi phải móc họng nôn ra mới thấy thoải mái. Vì vậy, người bị loét dạ dày - hành tá tràng lâu năm thường gầy, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt.
Hiện nay, nội soi dạ dày có giá trị lớn trong chẩn đoán viêm, loét dạ dày - tá tràng. Ngoài việc xác định được vị trí tổn thương, tình trạng tổn thương... thì trong những trường hợp nghi ngờ bệnh ác tính có thể sinh thiết để tìm tế bào lạ. Sinh thiết còn giúp cho việc lấy bệnh phẩm để nhuộm gram, thử test ureaza, nuôi cấy phân lập xác định vi khuẩn HP và làm kháng sinh đồ để xác định tính nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn này.
Tuy nhiên, đa số trường hợp triệu chứng mơ hồ rất khó chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng có vị trí hoặc tính chất gần giống với đau bụng do bệnh lý ở dạ dày, đặc biệt cần chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng đòi hỏi phải được bác sĩ chữa trị và can thiệp kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng như viêm ruột thừa, tắc ruột...
Các biến chứng của viêm loét dạ dày
Hẹp môn vị: Biểu hiện đau bụng và nôn ói rất dữ dội, đặc biệt bệnh nhân ói ra thức ăn của ngày hôm trước, có mùi hôi thối.
Thủng dạ dày: Bệnh nhân đột ngột có cơn đau dữ dội như dao đâm, bụng gồng cứng như gỗ, phải được phẫu thuật kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Xuất huyết tiêu hóa: Là biến chứng thường gặp nhất, biểu hiện ói ra máu và đi cầu phân máu có thể máu đỏ, hoặc phân có màu đen hôi thối.
Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày là một dạng ung thư rất thường gặp, chiếm vị trí hàng đầu trong các ung thư đường tiêu hóa và cũng là một trong những biến chứng của các bệnh lý lành tính ở dạ dày mà không được điều trị triệt để.
Điều trị bệnh có khó?
Ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Cần có chế độ dinh dưỡng tốt, thích hợp cho người mắc bệnh về dạ dày: không nên ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng; không nên ăn quá nhiều chất béo, các chất kích thích như trà, cà phê...; không uống rượu, không hút thuốc lá; không nên ăn quá nhanh, nhai không kỹ; cần ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá khuya, bữa ăn cuối cùng trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ, không ăn quá no hoặc nhịn đói quá lâu. Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước và đặc biệt không được tự ý dùng thuốc, nhất là với các thuốc giảm đau, chống viêm mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Kết hợp với chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, stress kéo dài.
Ngoài ra, việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ là nguyên tắc không thể thiếu trong quá trình điều trị căn bệnh này. Ngày nay, người ta khuyến cáo điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng dựa trên cơ chế tiêu diệt vi khuẩn HP, chống tăng tiết dịch vị và cần có thuốc bao phủ niêm mạc tránh tác dụng của dịch vị. Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh dạ dày, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có sự lựa chọn thuốc thích hợp./.

BÍ ẨN NHỤC THÂN CÁC THIỀN SƯ

BÍ ẨN NHỤC THÂN CÁC THIỀN SƯ - PGS - TS Nguyễn Lân Cường

1- Nhục thân cụ sư Rau (Thiền sư Vũ Khắc Minh).

Image
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh sau khi tu bổ - Ảnh do tác giả cung cấp

Ngày 3.5.1983, theo yêu cầu của Văn phòng 10 Hội đồng Bộ trưởng, Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán bộ xuống chùa Đậu, thuộc huyện Thường Tín (Hà Tây cũ) để kiểm tra tình trạng xuống cấp của gác chuông. Trong đoàn có tôi. Lang thang vòng ra bên phải, sau dãy hành lang, tôi thấy một chiếc am nhỏ, rêu phong mà bên ngoài cửa phủ mành tre. Nhìn vào bên trong, tôi chợt giật mình vì thấy một nhà sư ngồi thiền, đôi mắt “lim dim” như đang suy tư về cõi Phật.
Từ lâu, nhân dân quanh vùng đã truyền tụng với nhau rằng ở chùa Đậu, có hai am nằm ở bên phải và bên trái của chùa. Am bên phải là của thiền sư Vũ Khắc Minh, bên trái là am thiền sư Vũ Khắc Trường. Chuyện kể rằng, khoảng thế kỷ XVII, vào một ngày nọ, thiền sư Vũ Khắc Minh (mà nhân dân trong vùng quen gọi ngài là cụ sư Rau - nhà sư thường chỉ ăn rau trừ bữa) bước vào trong am và nói với các đệ tử rằng: “Mang cho ta một chum nước uống và một chum dầu để thắp. Khi nào thấy dứt tiếng mõ hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thi thể của ta đã hỏng, thì dùng đất lấp am đi, còn ngược lại thì dùng sơn ta bả lên thi thể...”. Dứt lời, cụ bước vào am tọa thiền và chỉ còn nghe vẳng ra tiếng mõ tụng kinh suốt ngày này qua ngày khác . Tròn trăm ngày, các đệ tử không nghe thấy tiếng mõ nữa, vội mở cửa am ra thì thấy ngài vẫn ngồi đấy như đang trong lúc tọa thiền. Hai chân ken vào nhau đúng vị trí của thiền, còn hai tay hơi bị xệ xuống. Nhớ lời thầy dặn, họ vội lấy sơn ta bả lên thi hài.
Trong cuốn “Những chùa, đình và nhà thờ của Hà Đông - Phong cảnh Hà Đông” xuất bản năm 1932 (tiếng Pháp), tác giả cho rằng đó là những “momies” (xác ướp) kiểu Ai Cập. Thật sai lầm! Tệ hại hơn, trong một bài báo đăng trên tờ Thời Mới vào năm 1957 lại có tiêu đề khá giật gân Xác ướp chùa Đậu hàng trăm năm vẫn còn giữ nguyên bộ phận sinh dục!
Bằng con mắt nghề nghiệp, tôi phát hiện qua vết nứt ở trên trán có xương sọ ở bên trong, và thế là tôi nảy ra ý định chụp phim X-quang để chứng minh đây là một nhục thân nguyên dạng. Nếu chứng minh được thì rõ ràng phương thức táng này nằm ngoài 5 táng thức đã có trước đây trên thế giới: địa táng hay thổ táng (chôn trong đất); hỏa táng (đốt thi hài); hải táng hay thủy táng (thả xuống nước); thiên táng hay điểu táng (cho chim ăn để được bay lên trời); huyền táng hay táng treo.
Chiều 25.5.1983, tôi chuyển nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh về khoa X-quang Bệnh viện Bạch Mai. Với sự giúp đỡ tận tình của PGS - bác sĩ Đặng Văn Ấn, bác sĩ Nguyễn Trọng Đức và các kỹ thuật viên, tôi đã tiến hành soi phần sọ, ổ ngực và ổ bụng. Qua màn hình, tôi thấy toàn bộ xương sườn, xương đốt sống đổ sập xuống nằm gọn trong khoang bụng. Rõ ràng, không có chất dính giữa các xương đốt sống. Hộp sọ còn nguyên vẹn, phần xương lá mía không bị đục vỡ như trên sọ vua Ai Cập Ramsès V để lấy não ra. Từ đó, có thể suy ra não và các nội tạng - về mặt lý thuyết - là vẫn còn nguyên trong nhục thân. Kết hợp giữa chiếu và phim chụp, có thể thấy rõ các xương dưới sọ như xương cánh tay, cổ và bàn tay, xương chậu hông, đùi, xương chày, mác và xương cổ chân, bàn chân đều nằm đúng với vị trí giải phẫu. Trong các xương không có cốt bằng kim loại, rõ ràng đây là một nhục thân nguyên dạng.
Bằng phương pháp quang phổ phát xạ vùng tử ngoại và chiếu xạ tia rơn-ghen khi phân tích chất bồi của nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh, Tiến sĩ Lê Nguyên Sóc cũng đã có kết luận phù hợp với ý kiến của chúng tôi về chất bồi. Đó là hỗn hợp của sơn ta, mùn cưa, giấy dó và đất...
Tôi mừng quá, vì như vậy là đã chứng minh được đây là một táng thức mới mà tôi đặt tên là tượng táng (táng theo kiểu làm thành tượng) hay thiền táng (táng theo kiểu ngồi thiền). Sau này tôi mới biết nét văn hóa trên cũng có ở Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên, kỹ thuật “Giáp trữ tất” (sơn ta bó lụa) đã được thực hiện khi Lục tổ Huệ Năng (638 - 713) viên tịch. Hiện nay, chân thân còn nguyên vẹn để tại Nam Hoa Tự, nằm ở phía tây tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, thuộc thôn Nam Hoa, huyện Khúc Giang, cách TP Quảng Châu về phía tây hơn 230 km.

Image
Tượng đối chứng (trước) và tượng gốc (sau) của thiền sư Vũ Khắc Minh - ảnh: N.L.C

Image
Họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân đang thếp vàng tượng gốc thiền sư Vũ Khắc Minh

2- Nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Trường.
Trong chùa còn có pho tượng cổ thứ hai: Thiền sư Vũ Khắc Trường - người trụ trì chùa Đậu kế tục ngay sau Vũ Khắc Minh, không có tài liệu nào nói đây là “chú, cháu” như một số báo đã đưa tin. Năm 1893, chùa bị lụt, tượng Vũ Khắc Trường nằm ở vị trí thấp hơn nên bị nước tràn vào và bị hỏng. Các cụ trong làng đã làm lại một pho tượng khác bằng sơn ta có cốt dựng bằng tre và gỗ rồi xếp xương vào bên trong.
Tại Viện Thông tin khoa học xã hội VN ở Hà Nội, chúng tôi tìm thấy hai bức ảnh chụp tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường còn bóng nước sơn, không hề có vết nứt nào.
Nhưng chỉ sau vài chục năm, do tượng để trong am cạnh chùa rất ẩm ướt nên đã làm cho cả hai pho tượng xuống cấp trầm trọng. Pho tượng Vũ Khắc Minh bị nứt ở đầu gối và phần mặt. Pho tượng Vũ Khắc Trường, hỏng trầm trọng ở phần chõn, hầu như không còn ngồi được ngay ngắn, nếu không có những miếng gỗ kê ở phía dưới.
Tôi bắt tay viết dự án Tu bổ, bảo quản tượng hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (Hà Tây) ngay vào đầu năm 2000. Nhóm công tác gồm: PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Chủ nhiệm dự án), họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, các nhà điêu khắc Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Ngọc Lâm, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà. Ngoài ra, còn có 6 cơ quan cùng kết hợp để thực hiện dự án, một hội đồng cố vấn và Ban quản lý dự án được thành lập. Điều khó khăn nhất với chúng tôi là các phương án nêu ra không thể mắc sai lầm vì hai pho tượng này là độc bản, chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là không thể sửa chữa được.
Ngày 18 tháng 4 năm 2003 (tức 17 tháng 3 năm Quý Mùi) sau vài tháng tranh luận quyết liệt xem tu bổ nhục thân ở đâu, lễ khởi công dự án tu bổ - bảo quản nhục thân hai vị thiền sư chùa Đậu được tổ chức ngay tại chùa. Và thế là bắt đầu những ngày lao động trong suốt 6 tháng trời...
Bằng kỹ thuật truyền thống: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như: sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất, chúng tôi đã tiến hành sơn 14 lớp và thếp vàng đối với tượng gốc Thiền sư Vũ Khắc Minh, còn nhục thân Thiền sư Vũ Khắc Trường thì thếp bạc. Sau mỗi lớp sơn lại tiến hành mài, khiến bề mặt là các lớp sơn đan ken, xoắn quyện với nhau. Đến lớp cuối khi phủ quang dầu xong, chúng tôi phát hiện bề mặt pho tượng không nhẵn. Những hạt bụi lơ lửng trong không trung đã bám vào bề mặt tượng. Chúng tôi quyết định làm lại và thực hiện khâu này trong... màn. Trời nóng, mấy anh em phải xoay trần suốt cả buổi chiều. Thật tuyệt vời, 2 ngày sau kiểm tra trên mình thiền sư mịn bóng, không một gợn bụi...
Với pho tượng của thiền sư Vũ Khắc Trường, vốn là pho tượng đã được dựng lại năm 1893, nên có nhiều chi tiết sai lệch về mặt giải phẫu. Trong dự án soạn thảo đầu tiên, tôi có ý định dỡ ra, thu thập xương cốt rồi dựa theo xương sọ để phục nguyên lại đúng với vẻ mặt ban đầu của thiền sư. Đây là phương pháp của Gherasimov (người Nga) mà tôi là người VN đầu tiên và duy nhất được học tập tại nước ngoài. Nhưng nhà chùa và cơ quan văn hóa thông tin địa phương không tán thành, vì cho rằng nhân dân địa phương hơn trăm năm nay đã in đậm trong tâm khảm hình ảnh của cụ Vũ Khắc Trường hiện tại rồi. Dù phục dựng pho tượng mới có giống với hình hài thật của cụ, họ cũng sẽ không chấp nhận. Tôi đành phải theo ý họ, mặc dầu vẫn ấm ức!
Pho tượng bị hỏng trầm trọng, bề mặt tượng lớp sơn bị mủn nát. Chỉ cần một tác động nhẹ là cả pho tượng sẽ bị đổ sập xuống. Do đó không thể đổ thạch cao làm khuôn trên chính pho tượng gốc để làm tượng đối chứng. Nhóm chúng tôi quyết định giao cho nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm làm một pho tượng bằng đất sét có kích thước, hình dáng giống hệt tượng gốc và tiến hành đổ khuôn để tu bổ phần chân và pho tượng đối chứng.
Vào một buổi chiều mùa hè, tôi ngồi ngắm pho tượng gốc của Thiền sư Vũ Khắc Trường và cứ suy nghĩ mãi không hiểu tại sao vị thiền sư này có cánh tay dài thế, khi so sánh với tỷ lệ chung của pho tượng. Tôi bàn bạc với họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân và quyết định “bí mật” khoét bốn ô nhỏ ở vùng gần đầu xương cánh tay và khuỷu tay. Điều này cấp trên không tán đồng, nhưng chúng tôi cứ “liều” vì biết đâu có thể phát hiện ra một chân lý nào đó... Ước mơ ấy của chúng tôi đã thành sự thật. Trong hố khoét của cánh tay phải ở phía trên gần vai, tôi phát hiện ra ròng rọc và chỏm của xương cánh tay (đã bị đặt lộn ngược), bên cạnh nó là xương mác của xương ống chân được ghép vào xương cánh tay và cũng bị lộn đầu. Đây chính là nguyên nhân làm cánh tay của thiền sư dài quá cỡ. Chúng tôi đã tiến hành phủ sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc mà chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường nặng 31 kg.
Ngày nay ai tới chùa Đậu cũng thấy có 2 cụ Minh, 2 cụ Trường, từng cặp giống nhau như hệt. Thật ra chỉ có 2 pho tượng gốc là đặt trong nhà tổ. Hai pho còn lại được làm bằng thạch cao để đặt trong am ở hai bên cạnh chùa.

3- Nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết - Chuyện lạ từ làng Phật Tích

Image
Nhà điêu khắc Bùi Đình Quang (trái) và nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường tái tạo hình dạng của nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết dựa vào di cốt còn lại - Ảnh tác giả cung cấp
Chùa Phật Tích - ngôi chùa thời Lý nghìn năm tuổi còn giữ được pho tượng đá lớn nhất và những con thú bằng đá, nằm trên lưng chừng núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng tại sao lại có tên Lạn Kha, Tiên Du và Phật Tích?

Chuyện xưa
Trèo lên đỉnh núi phía sau chùa, chúng ta sẽ bắt gặp mấy khối đá vuông, mặt phẳng. Các cụ già trong làng bảo đấy là bàn cờ tiên. Tương truyền, trong làng lúc đó có một chàng tiều phu tên gọi là Vương Chất. Một hôm, nhân lên núi đốn củi, Vương Chất thấy hai cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi đánh cờ trên tảng đá bằng phẳng. Hai cụ vừa đánh cờ vừa ăn đào và vứt hột sang bên. Vương Chất vừa xem cờ, vừa nhặt hạt đào để ngậm tiếp. Ván cờ vừa xong, nhìn xuống chân, thấy chiếc cán rìu đã mục và cũng là lúc hai cụ biến vào sau hàng thông hiu quạnh... Soi mình trong bóng nước thấy râu tóc bạc trắng, chàng mới chợt hiểu rằng mình đã lạm sống một thời gian dài ở cõi tiên - một năm bằng sáu, bảy mươi năm ở cõi trần. Thế là, vì có tiên xuống chơi mà người ta gọi là Tiên Du và cũng vì “cán rìu mục nát” mà núi ở đây cũng còn có tên là Lạn Kha...
Truyện kể lại, chùa xưa rộng rãi khang trang có tới 300 tòa nhà. Chỉ riêng công việc dọn dẹp đã cần tới 70 người. Đặc biệt ngọn tháp của chùa cao vời vợi, nhòa lẫn trong mây, đến nỗi ở tận kinh thành Thăng Long vẫn còn nhìn rõ. Nhà vua ngạc nhiên hỏi cận thần cớ sao ở nơi thôn dã mà lại có cây tháp cao hơn cả cung điện trong hoàng thành? Sau lời “quở” đó, cây tháp thần kỳ bị đổ dọc theo sườn núi, gạch đổ xuống tới tận đầu làng dài gần cây số, nơi ấy nay còn tên là “Ngõ Gạch”. Dưới lòng đáy tháp lộ ra một pho tượng Phật sừng sững. Pho tượng ấy nay vẫn còn, gọi là tượng Phật A Di Đà. Để ghi lại tích Phật ấy, làng đổi tên là Phật Tích và dời lên sườn núi.

Bí ẩn tháp Báo Nghiêm
Vào một đêm cuối tháng 8.1989, trời mưa tầm tã, những tia sét cuối hè xé ngang bầu trời tối đen như mực, liếm sang cả phía sau sườn núi Lạn Kha. Chính trong cái đêm mưa bão ấy, kẻ gian đã lẻn lên sau chùa phá ô cửa nhỏ bằng đá của tháp Báo Nghiêm, hòng tìm kiếm vàng bạc, hay tượng đồng đen trong tháp. Tháp Báo Nghiêm, dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692), cao bốn tầng. Mặt tháp có chạm tượng Phật, ngồi trên tòa sen. Bọn trộm có ngờ đâu, trong lòng tháp chỉ vỏn vẹn có một vại sành, trong đó đựng xương và những mảnh vỡ của một pho tượng cổ. Ngày hôm sau, đoàn tham quan gồm bảy nhà sư do Thượng tọa Thích Thanh Quang - trụ trì chùa Quỳnh Lâm (tỉnh Quảng Ninh) dẫn đầu lên thăm khu tháp bỗng nhìn thấy các mảnh xương, mảnh bồi nằm tung tóe dưới chân tháp. Thượng tọa vội báo cho Ban di tích “Tìm thấy di hài của Phật Tổ rồi!...”. Ông Trần Xuân Trường và Ban di tích của chùa vội gom lại xương và các mảnh bồi vào trong một hòm kính đặt ở chùa. Chẳng mấy chốc, cái tin tìm thấy thi hài của “Phật Tổ” lan đi rất nhanh. Đúng vào thời gian này, tôi đang nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga (Liên Xô cũ) ở Moscow. Về nước vào đầu tháng 3.1991, thì giữa tháng 4, tôi được Ban di tích của chùa Phật Tích mời lên nghiên cứu nhục thân của thiền sư.

Thiền sư Chuyết Chuyết và hành trình tìm về sự thật
Ngày 10.10.1992, bà Nguyễn Thị Lan - Phó ban di tích, chính thức đề nghị tôi đứng ra chịu trách nhiệm phục nguyên nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết. Tổ công tác được thành lập ngay gồm: họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, họa sĩ Nguyễn Đình Hiển, và tôi, chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp.

Image
Nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục nguyên

Toàn bộ chi phí cho việc phục dựng được nhiều phật tử đóng góp vỏn vẹn chỉ có 5 triệu đồng! Ngồi tính toán mãi tôi thấy đúng là chỉ đủ tiền mua sơn ta, vàng lá để dát và một số nguyên vật liệu khác. Tôi nói thẳng với anh em là kinh phí quá hạn hẹp, nên việc phục dựng xin cái tâm là chính, chứ không có công xá gì cả... Anh em trong cả tổ đều vui vẻ tán thành. Có khó khăn mới thấy được họ đúng là những người bạn tuyệt vời của tôi.
Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh, Phòng Văn hóa huyện Tiên Sơn, ngày 12.1.1993, chúng tôi đã chuyển 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi về Hà Nội để nghiên cứu.
Cả nhóm chúng tôi trao đổi, tranh luận với nhau xem nên phục dựng toàn bộ pho tượng bằng cách nào. Lúc đầu, có ý kiến đưa ra là dùng dây đồng nối các xương lại, kết hợp với khung tre làm cốt để dựng tượng. Bàn đi tính lại mãi thấy không ổn, vì bản thân tôi muốn bên trong tượng của thiền sư chỉ nên có di cốt của ngài. Cuối cùng, cả nhóm nhất trí theo phương án từng bước như sau:
1. Tái tạo pho tượng bằng đất sét theo tư thế ngồi thiền.
2. Đổ khuôn pho tượng, bằng cách tạo các mảng khuôn.
3. Bồi sơn ta, lót vải màn, rắc mạt cưa, trộn sơn ta tất cả là 10 lớp ở mặt trong của khuôn.
4. Gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu bằng chất liệu sơn ta trộn với mùn cưa.
5. Khi sơn ta với lớp vải màn, mạt cưa đã khô cứng lại, tiến hành phá khuôn thạch cao ở bên ngoài, gỡ các mảnh bó cốt và gắn thành hình tượng thô.
6. Tiếp theo là các công đoạn làm sơn thông thường: “bó” hai nước, “hom” ba nước, “lót” hai nước và “thí” hai nước.
7. Thếp bạc.
8. Quang dầu hai lần.
Cả nhóm chúng tôi đã miệt mài lao động trong hơn ba tháng rưỡi và sáng 1.5.1993, nước sơn quang cuối cùng đã phủ kín pho tượng, kết thúc công việc của một phương án táo bạo, mà chưa một nhà điêu khắc nào làm theo kiểu này: tượng hoàn toàn không có cốt bằng sắt, thép hay tre, gỗ làm trụ ở bên trong.

Image
Mặt trong của mang khuôn

Phục nguyên nhục thân xong, tôi cứ băn khoăn mãi, vì không hiểu có chắc vị thiền sư mà chúng tôi phục nguyên là thiền sư Chuyết Chuyết hay không? Ban Di tích của chùa nói với tôi, vị sư trụ trì ở chùa Phật Tích trong thời gian trước chiến tranh là đại đức Hồng Đức, đã mất năm 1980 (?). Nhưng không thể chỉ có một vị sư ở chùa, nghĩ vậy nên tôi lần dò tìm mãi thì được biết còn có ông già Triệu, vốn là sư bác của chùa vào những năm trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.
Tìm đến thôn Mao Rộc, cách chùa Phật Tích 15 km, tôi gặp được cụ Nguyễn Chí Triệu, vốn là sư bác ở chùa bốn nhăm năm về trước. Tôi mở cặp lấy ra tấm ảnh chụp pho tượng mà chúng tôi vừa phục chế, đưa cho cụ xem. Nheo nheo đôi mắt, cụ trả lời ngay: “Đúng là cái tượng để trong khám rồng đấy”. Trở về Hà Nội, tôi lật tìm cuốn sách Phật Lục của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1943, tới trang 95 thì thấy tác giả cũng khẳng định rõ “khám thờ Tổ đệ nhất bó cốt làm tượng...”. Lại có cả bản vẽ minh họa vị trí đặt pho tượng Chuyết Công trong nhà Tổ, nhưng không có ảnh chụp chiếc khám. Tiếp tục lục tìm kho tư liệu ảnh về chùa Phật Tích của Viện Thông tin khoa học xã hội, tôi không hề thấy ảnh chiếc khám nào. Nhưng thật may mắn khi lật tìm những tư liệu của chùa Bút Tháp, tôi chợt thấy bức ảnh mang ký hiệu số 7956 chụp một chiếc khám vào năm 1930 và có chú thích phía sau bằng tiếng Pháp “Khám gỗ chạm trổ thếp son giữ tượng nhà sư Chuyết Công”.
Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, cách chùa Phật Tích chỉ độ dăm cây số theo đường chim bay. Nơi đây cũng có tháp Báo Nghiêm, nhưng không hề có chiếc khám gỗ thờ Tổ đệ nhất. Chắc chắn người ta đã xếp nhầm bức ảnh này vào số ảnh của chùa Bút Tháp. Tôi lại vội vàng phóng xe máy lên gặp sư bác Nguyễn Chí Triệu để xác nhận xem có đúng chiếc khám của chùa Phật Tích không? Ông đã khẳng định đó là chiếc khám đặt tượng tổ Chuyết Chuyết. Từ những câu chuyện trên, chúng tôi suy đoán rằng: Khi kháng chiến bùng nổ, thấy chùa bị pháo kích, sau đó lại bị đốt cháy, nên có thể vị sư trụ trì của chùa đã đập vỡ pho tượng cổ thành nhiều mảnh nhỏ, đưa vào vại sành rồi giấu vào tháp Báo Nghiêm.
Đây chính là nhục thân của thiền sư Chuyết Chuyết vốn đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Thế là sự thật được minh chứng...

4- Tu bổ nhục thân thiền sư Như Trí

Image
Chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh - Ảnh: N.L.C

Ni sư Đàm Chính, chùa Tiêu Sơn (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), năm nay đã ngót nghét 80 tuổi. Năm 17 tuổi, bà là người đầu tiên nhìn thấy nhục thân thiền sư Như Trí trong tòa tháp ở chùa.
Hơn 60 năm trước, ni sư Đàm Chính đã về tu nghiệp ở chùa khi còn là một thiếu nữ 17 tuổi. Năm 1971, khi vén một nhành cây phủ tháp Viên Tuệ, ni sư thấy một viên gạch màu đỏ, trên đó có ghi tên và năm tịch của người trong tháp - Tỳ kheo Như Trí (mất năm 1723). Ni sư là người đầu tiên nhìn thấy nhục thân ngồi trong tháp, qua một khe nứt của tháp. Nhưng rồi cụ bít chặt khe nứt này lại và giữ kín chuyện mãi đến ngày 4.3.1996, khi Hòa thượng Thích Thanh Từ - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm ở Đà Lạt và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt - Tổng thư ký Thiền viện Trúc Lâm tới thăm chùa Tiêu Sơn. Ni sư Đàm Chính đã nhờ thiền viện giúp đỡ. Tôi gặp Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt lần đầu tiên tại chùa Đậu (Hà Tây cũ), khi chúng tôi đang tu bổ hai nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Tỳ kheo đã yêu cầu chúng tôi giúp tu bổ nhục thân thiền sư Như Trí.

Bắt đầu tu bổ
Chúng tôi đã soạn thảo dự án “Tu bổ và bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh)”. Theo dự án này, Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh là cơ quan lập thiết kế và phương án thi công, Thiền viện Trúc Lâm là đơn vị chủ đầu tư của dự án. Tôi là chủ nhiệm dự án cùng thực hiện với họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân và Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt - Tổng thư ký Thiền viện Trúc Lâm, người theo sát dự án để lo kinh phí.
Ngày 5.3.2003, nhục thân thiền sư Như Trí được đưa ra khỏi tháp. Nhục thân ngồi thiền định trong tư thế bán già, tay kiết ấn Tam muội, nhưng vì ẩm mốc nên bị mục rớt phần cẳng tay. Có một lỗ thủng lớn chính giữa mặt. Xương mũi và xương hàm trên thụt vào hộp sọ. Xương màu đen còn nhìn thấy rõ bên trong hộp sọ. Vết nứt ở tai phải từ thái dương qua trước dái tai xuống cổ và chạy sát tới đầu xương đòn phải. Hai tay bị vỡ từ cánh tay đến hết bàn tay. Các mảnh vỡ rơi rụng xuống nền và lẫn với đất, đá. Xương mỏng và có màu đen. Một vết vỡ lớn khác ở giữa ống chân phải, không nhìn thấy xương. Mặc dầu tượng bị vỡ phần tay, ống tay bị vỡ rụng xuống dưới, nhưng trên ống chân còn dấu vết của một phần bàn tay. Phía trong mảng bồi, nhìn thấy rõ thớ vải bằng mắt thường. Trật tự từ ngoài vào trong là: vải bồi, bó, hom, sơn (màu ngà). Không thấy thếp vàng hay bạc. Nhục thân được sơn phủ bên ngoài một lớp sơn ta màu ngà, mắt và lông mày vẽ bằng sơn đen. Lớp sơn đã bị bong tróc nhiều nơi, nên có màu sắc loang lổ. Do nhục thân đặt trong tháp bịt kín lâu ngày trong môi trường ẩm, mốc làm hỏng lớp sơn và bị bong tróc. Từ các phần hỏng, thủng, hơi ẩm, côn trùng và vi sinh vật đang xâm nhập vào phá hoại phần bên trong của nhục thân.
Do ở chùa Tiêu Sơn rất hiếm nước, khách tham quan lại đông nên việc tu bổ, bảo quản được quyết định chuyển về thực hiện tại chùa Duệ Khánh (xã Nội Duệ, huyện Tiên Du - Bắc Ninh).
Để diệt khuẩn ở bên ngoài và trong tượng, phải phun thuốc diệt khuẩn và xông thuốc. Bề mặt pho tượng bị nứt, nhiều nơi bị bong tróc lớp sơn ta. Chúng tôi xử lý ngay bề mặt pho tượng bằng cách phủ bề mặt bằng vải màn và phủ sơn rồi rắc mạt cưa lên sơn khi bề mặt chưa khô. Bề mặt pho tượng được gia cố dần. Khi gỡ phần nhục thân khỏi đế, chúng tôi phát hiện đế là một tấm gốm nung màu đỏ, mặt áp vào đáy tượng có in hình nan phên. Phía trong lớp bồi nhìn rất rõ lớp vải màn. Từ mặt đáy, chúng tôi thấy xương sên, gót và xương mác nằm khá đúng vị trí giải phẫu. Như vậy có thể kết luận nhục thân được bó cốt ngay sau khi tịch, không có sắp xếp xương như nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường. Để xác định giới tính, tuổi tác, tầm vóc và bệnh lý của thiền sư Như Trí, chúng tôi đã nghiên cứu tất cả số di cốt bị rơi xuống dưới trong khi đưa nhục thân ra khỏi tháp. Có một đốt sống ngực có chiều cao thân thấp và không cân xứng. Điều này gợi ý cho chúng tôi về bệnh viêm cột sống của thiền sư. Diện khớp mu còn thấy rõ để có thể định tuổi của thiền sư khoảng 40 - 45 tuổi.

Phủ tạng còn trong bụng
Ngày 11.5.2004, tôi và họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân lật ngược nhục thân để nghiên cứu phần trong lòng và ngạc nhiên khi phát hiện ra một khối hợp chất bằng quả bưởi nằm chính giữa phần bụng. Tượng được phủ kín bằng sơn ta, phía dưới lại có đáy gốm, do đó khối vật chất này từ ngoài không thể lọt vào trong ổ bụng được. Sau khi lấy mẫu phân tích, kết quả thật bất ngờ rằng đó là các chất còn lại của phần phủ tạng trong bụng thiền sư Như Trí.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam chúng ta phát hiện và chứng minh được có phần nội tạng trong bụng thiền sư. Điều này có thể suy luận rằng trong bụng thiền sư Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ) chắc cũng còn lại khối vật chất là phần nội tạng mà qua phim X-quang không thể phát hiện được, như chúng tôi đã đoán định từ năm 1983.
Sau khi đã tu bổ được phần thân, chúng tôi khoét phần gáy để đưa đốt sống cổ bị rời ra ban đầu. Đến độ sâu 1,3 cm bỗng chiếc đục trên tay họa sĩ Đào Ngọc Hân bật trở lại, ánh xanh của gỉ đồng lóe lên. Ngày 4.6.2004, Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt và chúng tôi đã chuyển nhục thân tới Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh để chụp phim X-quang.
Chúng tôi phát hiện thấy sau khi bồi lớp thứ nhất, người ta đã đặt một tấm đồng lớn trên lưng (chiều dài 65 cm; rộng 15 cm) và một tấm đồng trên ngực (chiều rộng 22 cm). Phía ngoài hai tấm đồng là lớp bồi dày trên dưới 1 cm. Trên đầu và bắp tay cũng được cuốn những dải băng bằng đồng có các kích thước khác nhau. Vòng quanh đầu trên hai tai là ba dải băng: một dải nhỏ 0,6 cm, hai dải lớn hơn 0,79 cm. Có ba dải băng khác từ trên đỉnh đầu dọc theo thái dương xuống sau cằm. Ba dải băng này có một dải to: 1cm và hai dải nhỏ 0,5 cm. Nhìn theo chuẩn sau có bốn dải băng to chiều rộng 2,13 cm, chạy từ cổ lên đỉnh đầu luồn qua dải băng to (vuông góc với nó) gập quay trở lại xuống cổ ở phía sau gáy. Qua phim X-quang thấy rất rõ vết gấp này. Một số dải băng khác được cuốn quanh cổ và hai dải băng có chiều ngang nhỏ: 0,4 cm chạy vòng từ nách vắt qua vai, từ trước ra sau.
Đây là hiện tượng đầu tiên ở Việt Nam. Có nhiều khả năng nó giúp cho tư thế ngồi của thiền sư vươn thẳng, tránh bị cúi gập xuống ở phần cổ, lưng và cũng có khả năng để bảo vệ hộp sọ. Lớp bồi bên ngoài nhục thân thiền sư Như Trí dày 0,66 cm, gồm hai lớp: lớp ngoài màu vàng nâu, lớp trong màu đen. Cả hai lớp thành phần đều gồm vải, sơn ta và mạt cưa... Không hề có dát vàng hay bạc như tượng thiền sư Vũ Khắc Minh. Để bảo đảm độ bền vững cho pho tượng nhục thân thiền sư Như Trí, chúng tôi đã thếp bạc trên toàn bộ pho tượng. Chúng tôi quyết định đổ khuôn làm một pho tượng thứ hai bằng composite đặt trong tháp Viên Tuệ, còn pho tượng gốc đặt tại nhà Tổ.
Ngày 27.9.2004, Thiền viện Trúc Lâm đã tổ chức lễ cầu nguyện cho thiền sư Như Trí tại chùa Duệ Khánh và làm lễ rước nhục thân về chùa Tiêu Sơn rất trọng thể. Ngày 28.9.2004, lễ khánh thành việc tu bổ và bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí đã được tổ chức tại chùa Tiêu Sơn. Thế là một dấu son nữa lại được ghi thêm vào trang sử của ngôi chùa cổ kính này. Với riêng tôi thì có một nỗi mừng khôn tả. Vừa mừng, vừa chờ đợi và hy vọng, vì tôi chắc rằng sẽ còn ở đâu đó, trong những ngôi tháp cổ đang bị xuống cấp, những vị thiền sư khác đang "chờ" chúng tôi, lại bắt tay vào một công trình tu bổ mới...

Image
Nhục thân thiền sư Như Trí trong khám rồng (sau khi tu bổ) - Ảnh: N.L.C

Về thân thế sự nghiệp của thiền sư Như Trí tới nay chưa thấy sử liệu nào ghi rõ, chỉ sơ lược qua một vài tác phẩm văn Nôm mà chúng ta chưa có dịp kiểm chứng. Theo đó, Ngài cùng với một số huynh đệ có cùng chữ NHƯ, phụ giúp thiền sư Chân Nguyên sao lục ấn hành những tác phẩm của thời Trần còn sót lại trong nhân gian như: Khóa hư lục, Thánh đăng lục, Tam tổ trúc lâm, Kiến tánh thành Phật và đặc biệt là tập Thiền uyển tập anh... Theo Thượng tọa Thích Thông Phương - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử thì: “Thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên, một thiền sư thời Hậu Lê có công phục hưng Thiền phái Trúc Lâm do sư tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông mở ra và từng trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử, nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Hiện ở đây còn tháp đá tôn thờ thiền sư, gọi là tháp Tịch Quang. Đây là mốc lịch sử của dòng thiền Trúc Lâm. Nhiều thiền sư ra đời, những tư liệu của chư tổ được thiền sư Chân Nguyên cùng hàng môn đồ kế tiếp, biên tập, khắc in để giữ gìn, làm cơ sở sách cho người nghiên cứu. Thiền sư Như Trí đã từng khắc in lại bộ Thiền uyển tập anh năm 1715, là bộ sách rất có giá trị về văn hóa của Phật giáo Việt Nam...”. (PGS - TS Nguyễn Lân Cường)

Bí ẩn kỳ lạ 3 lần nhập quan của Từ Hy.


Bí ẩn kỳ lạ 3 lần nhập quan của Từ Hy.

Postby KimAnhTruong » Sat May 28, 2011 5:50 am
Bí ẩn kỳ lạ 3 lần nhập quan của Từ Hy

Được xem là người phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa - nơi vốn có tư tưởng kỳ thị phụ nữ nặng nề, Từ Hy Thái hậu đã viết nên một trang sử mới cho lịch sử gần 5000 năm của đất nước rộng lớn này. Không chỉ được người đời nhớ đến khi còn sống, Từ Hy còn được ghi vào sử sách Trung Quốc về một đám tang chẳng giống ai và thi hài 3 lần nhập quan mà vẫn chưa được an nghỉ.

Đám tang “đông tây lẫn lộn”

Cuộc đời của Từ Hy Thái hậu gắn liền với triều đại Mãn Thanh - triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa đang trong giai đọan suy tàn và khủng hoảng tột độ. Từ một mỹ nữ trong dân dã được chọn vào cung làm quý nhân, rồi từ địa vị quý phi nhảy lên ngôi thái hậu, thâu tóm quyền lực, gây bao tội ác. Vì thế đến khi từ giã cõi đời, Từ Hy cũng đã chết trong cô độc khi bá quan văn võ không một ai dám động vào xác của bà.

Image
Quang cảnh đám tang của Từ Hy Thái Hậu vào năm 1908

Vào một ngày tháng 10 năm 1908, Từ Hy Thái Hậu đã trút hơi thở cuối cùng khi công trình lăng tẩm của bà vừa hoàn thành trước đó đúng 4 ngày, sau 13 năm xây dựng đằng đẵng. Cũng giống như các hoàng hậu và phi tần khác của triều đình Mãn Thanh, Từ Hy được chôn cất tại Đông Lăng - nghĩa trang hoàng gia của hai triều Minh, Thanh nằm trong thành phố Tuân Hóa tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Qua 272 năm tồn tại, Đông Lăng là nơi an nghỉ thiên thu của 5 vị hoàng đế, 15 hoàng hậu, 136 phi tần... Từ Hy Thái hậu cũng nằm tại đây bên cạnh những tiền bối lừng danh như hoàng đế Khang Hy, Càn Long, Hiếu Trang hoàng hậu...

Mặc dù nền văn minh của thế giới đã đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19, nhưng là một người của hoàng tộc nên đám tang của Từ Hy vẫn diễn ra theo đúng truyền thống và quy định của hoàng gia. Tuy nhiên, một điều cực kỳ lạ lùng là ngoài những vật phẩm bằng vàng mã truyền thống ra, người ta còn cho đốt rất nhiều những loại vàng mã chưa bao giờ xuất hiện tại các đám tang ở Trung Quốc khi đó như: tiền giấy, đồng hồ, tủ... cho vị Thái hậu này.

Trước khi tang lễ được cử hành tưng bừng 2 ngày, theo lệnh của Từ Hy, Lý Liên Anh - thái giám thân cận nhất của vị thái hậu này đã cho đốt hàng trăm đội quân bằng giấy nhằm để dẹp đường và bảo vệ Từ Hy khi xuống... âm phủ. Khác với những đoàn binh sỹ trong triều đình, đội binh sỹ dẹp đường lần này cho Từ Hy vô cùng đặc biệt, họ đều mặc đồ tây và ôm súng khư khư trước ngực. Nhiều quan chức trong triều đình khi đó còn mỉa mai rằng: “Phải bồng súng thì xuống âm phủ mới có thể chiến đấu được với binh lính đến từ phương Tây”(?)

Trong đám tang đình đám vào năm đó, chiếc quan tài của Từ Hy được đặt trong một chiếc xe kéo lớn trang trí cực kỳ tinh xảo và cầu kỳ diễu qua khắp các con phố của thủ đô Bắc Kinh. Đi đầu đám tang là một nhóm kỵ binh mặc quân phục hiện đại, tiếp đến là một đoàn ngựa bạch nhỏ và hàng trăm binh lính đi sau để đổi nhau khiêng quan tài. Đằng sau nữa còn có một nhóm kỵ binh tay cầm giáo dài có treo những lá cờ màu đỏ và nhóm kỵ binh mang súng. Họ đều là người của cấm vệ quân triều đình. Sau cùng là đoàn nô tì mặc quần áo đỏ và cầm những lá cờ đủ màu sắc cũng như những dải lụa treo rủ. Đoàn người cầm cờ nhiều tới mức khiến người ta tưởng rằng, tất cả số cờ trong hoàng cung đã được đem ra để đưa tiễn Thái hậu…

Sau khi tổ chức đám tang với quy mô rầm rộ, Từ Hy đã được an táng tại Đông Lăng. Được biết, công trình này đã xây dựng trong vòng 13 năm với kinh phí lên tới hàng triệu vạn lượng bạc. Không những thế, sau khi chết, đồ bồi táng trong quan tài của Từ Hy là cả một kho vàng bạc châu báu. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lăng mộ của bà trở thành mục tiêu săn lùng của những tên đào mộ cướp kho báu khét tiếng sau này.

Mộ Từ Hy và những điều bí ẩn

Là một người rất thích các loại đồ vàng ngọc, trân châu, mã não, đá quý... Vì thế trước khi chết, Từ Hy đã lên kế hoạch đem vào quan tài của mình những trang sức quý giá để nếu có xuống suối vàng thì bà cũng có cái để... dùng dần. Trong tài liệu lịch sử mà giới sử gia Trung Quốc còn lưu lại đến giờ vẫn còn ghi đầy đủ “kho báu” đã chôn theo Thái hậu Từ Hy vào năm 1908.

Image
Quan tài của Từ Hy tại lăng “Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt”của riêng bà

Trong bộ sách “Ái Nguyệt Hiên” bút ký do Lý Liên Anh - thái giám thân cận nhất của Từ Hy có ghi chép rõ ràng chủng loại, số lượng, vị trí và giá trị của các đồ tùy táng trong lăng mộ Từ Hy. Theo đó, trong quan tài phía dưới lót bằng gấm quý đan sợi tơ vàng dày 7 tấc, có đính 2.604 hạt trân châu, 85 viên đá quý, 203 miếng bạch ngọc. Phủ trên thi hài Từ Hy là tấm chăn thêu bộ kinh Đà La Ni bằng tơ vàng với 25.000 chữ, trên chăn đính 820 viên trân châu.

Khi nhập liệm, Từ Hy đội mũ phụng quán, trên mũ có gắn một viên trân châu to bằng quả trứng gà, theo giá đương thời là hơn 10 triệu lượng bạc trắng. Trong miệng Từ Hy ngậm một viên minh châu, tương truyền có thể phát sáng trong đêm xa ngoài 100 bước. Trên cổ bà còn đeo 3 xâu chuỗi, trong đó 2 chuỗi bằng trân châu, 1 chuỗi bằng hồng bảo thạch. Thân mình Từ Hy mặc lễ phục dệt bằng sợi tơ vàng; tay cầm một nhánh hoa sen bằng ngọc. Ngoài ra, bên người còn đặt các đồ bồi táng như tượng Phật bằng vàng, ngọc; các đồ bằng san hô, đá quý các loại.

Và để “kho báu” này có thể an toàn nằm trong lăng mộ của mình mà không bị bọn trộm ngó tới, chính Từ Hy đã đôn đốc cho xây dựng lăng tẩm cực kỳ quy mô mang tên “Kim-Mộc-Thạch tam tuyệt” cho riêng bà. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn ở thời điểm đó thì lăng mộ này “bất khả xâm phạm”.

Theo “Thanh sử” ghi chép, chỉ riêng số vàng lá dùng đắp trong 3 đại điện của lăng mộ Từ Hy đã là 4.592 lượng vàng. Tổng cộng có 2.400 con rồng vàng và 64 chiếc cột chạm trổ hình rồng, dơi đều thếp vàng thật. Đó là kim tuyệt.

Những rường cột trong ba đại điện đều làm bằng loại mộc thượng phẩm: gỗ lê hoa vàng. Loại gỗ này nay đã gần như tuyệt tích, rất rắn chắc, vân gỗ dày mà đẹp, về giá cả, có thể nói là “tấc gỗ, tấc vàng”. Riêng quan tài của Từ Hy được chế từ thứ gỗ quý hơn nữa: Nam mộc tơ vàng. Đó là mộc tuyệt.

Tất cả đá dùng trong lăng mộ Từ Hy đều là loại Hán bạch ngọc thượng phẩm, được điêu khắc cực kỳ tinh xảo. 76 trụ trong điện đều chạm hình “Nhất phụng áp song long” - hai phụng đè một rồng, thể hiện quyền uy vô thượng của vị thái hậu này, phá vỡ quy tắc “rồng trên phụng dưới” bao đời. Cho nên mới gọi là thạch tuyệt.

Bí ẩn 3 lần nhập quan

Với một số lượng lớn trang sức và của cải được chôn theo mình, lăng mộ của Từ Hy thực sự đã được yên ổn trong vòng 20 năm đầu tiên. Vào một ngày tháng 10 năm 1928, Tôn Điện Anh - quân đoàn trưởng quân đoàn 12 của Quốc dân đảng đã dùng pháo binh mở đường khai quật lăng mộ Từ Hy. Kết quả là, quan tài của Từ Hy đã bị phá hủy, xác của bà đã bị “quẳng” ra khỏi quan tài và tất cả những gì quý giá nhất đều bị lấy đi một cách thô thiển. Theo sử sách Trung Hoa còn ghi lại, trong đợt khai quật lần này, Tôn Điện Anh chỉ để lại cho Từ Hy đúng một chiếc quần.. lót trên người.

Image
Xác của Từ Hy vào năm 1983

Được biết, khi quân lính của Tôn Điện Anh dùng dao nạy quan tài Từ Hy ra thì: “Lúc ấy, có một thứ ánh sáng chói lòa, binh sĩ mỗi người cầm một chiếc đèn pin lao tới đều đứng sững kinh ngạc. Nhìn vào quan tài, Tây Thái hậu diên mạo như còn sống, thấy rõ ở ngón tay mọc lông trắng dài cả tấc... Châu báu đầy trong quan tài, cấp bậc lớn thì lấy thứ lớn, quân lính thì lấy thứ nhỏ. Trưởng quan chỉ huy hạ lệnh lột long bào, lấy sạch châu báu trên đó...”.

Tin về Tôn Điện Anh trộm báu vật ở Đông Lăng mau chóng lan ra toàn Trung Quốc, các đoàn thể xã hội liên tiếp gửi điện đến chính phủ Quốc dân Đảng yêu cầu nghiêm trị kẻ chủ mưu trộm lăng. Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã hạ lệnh đưa Từ Hy trở lại quan tài và để vào đó những báu vật đã thu giữ được.

Vào năm 1983, một tổ công tác bao gồm 13 người đã được thành lập để tu bổ lại di hài cũng như lăng mộ của Từ Hy. Khi mở quan tài lần này ra, cũng giống như lần đầu tiên, nhà sử học Ninh Ngọc Phúc - người đứng đầu tổ công tác này cho biết: “Lịch sử đã lặp lại khi vừa mở nắp áo quan, một thứ ánh sáng chói lòa đã làm cho các nhà khoa học lúc đó ngỡ ngàng. Di thể của Từ Hy hầu như vẫn còn nguyên vẹn”. Cũng theo ông Ninh Ngọc Phúc, sau khi nhìn thấy hiện trạng, tổ công tác đã báo cáo lên Bộ văn hóa và lịch sử Trung Quốc. Ngay tức khắc, Bộ này đã có thông báo: “Đậy nắp quan tài của Từ Hy và giữ nguyên hiện trạng”.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lưu giữ xác của Từ Hy một cách trọn vẹn nhất, vào tháng 4 năm 1984, một lần nữa tổ công tác của ông Ninh Ngọc Phúc đã lại tiến hành mở nắp quan tài của bà Thái hậu. Trong đợt kiểm tra lần này, tổ công tác đã tìm thấy trong tay phải của Từ Hy có một chiếc túi nhỏ, trong đó có 1 chiếc răng và 2 chiếc móng tay của bà. Đây là những vật phẩm mà vào năm 1928, Tôn Điện Anh đã không màng tới và lấy trộm đi.

Sau khi phun chất sát trùng để tẩy uế, các nhà khoa học Trung Quốc đã tu bổ lại di thể của Từ Hy bằng những vật dụng chuyên môn nhằm giữ nguyên được xác ướp vốn đã hoàn chỉnh của bà. Được biết, mặc dù trên cơ thể của Từ Hy đã xuất hiện nhiều vết nứt, tuy nhiên da của bà vẫn dính chặt vào xương. Vì vậy, tổ công tác đã không cần phải dùng đến dây đặc dụng để “chằng buộc” cơ thể.

Mọi công tác “tu bổ và bảo dưỡng” hoàn thành chỉ sau 1 ngày. Di thể cuối cùng của Từ Hy khi đưa lại vào quan tài có chiều cao 1m60. Tất cả những vật dụng quý như trang sức, áo choàng, trân châu... lấy lại được từ vụ trộm năm 1928 vẫn để y nguyên trong nơi an nghỉ cuối cùng của vị Thái Hậu quyền lực này.

BV chấn chỉnh thái độ y bác sĩ sau vụ bệnh nhân tử vong

BV chấn chỉnh thái độ y bác sĩ sau vụ bệnh nhân tử vong

Khẳng định không sai sót trong việc cứu chữa cho cô gái suy thận bị tử vong, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng vẫn nhắc nhở toàn thể y bác sĩ chấn chỉnh thái độ phục vụ bệnh nhân.
> Cô gái tử vong vì suy thận

Trao đổi với VnExpress.net chiều 4/10, bác sĩ Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết không riêng gì với cô gái suy thận Thái Thị Hồng Hoa ở xã An Hiệp, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) mà với tất cả bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, Ban giám đốc đều cử người đến tận nhà để chia buồn.
Đối với trường hợp của Hồng Hoa, ông Các khẳng định bệnh viện không sai sót hay tắc trách trong suốt quá trình cứu chữa cho cô.
"Hoa bị bệnh thận sáu năm, nhập viện được bố trị điều trị tại khoa nội 2. Ở đây chúng tôi có 10 máy chạy thận, bố trí nơi điều trị nội trú rộng rãi để bệnh nhân nghèo khỏi ra nhà trọ tá túc chờ đến ngày chạy thận. Trong ca cứu chữa cho Hoa, kíp trực không tắc trách", ông Các khẳng định.
Tường trình của người mẹ về vụ việc. Ảnh: Thiên Phước
Cũng theo ông Các, mẹ bệnh nhân phản ánh gọi bác sĩ nhưng 3 phút không thấy ai nên gọi tiếp thì nữ y tá xuất hiện là phù hợp với quá trình di chuyển từ khu vực hành chính đến nơi Hoa nằm. "Tuy nhiên, qua phản ánh này, bệnh viện tiếp tục nhắc nhở y bác sĩ cần thiết phải di chuyển khẩn trương hơn nữa để được người bệnh đánh giá là có thái độ phục vụ tận tâm, tránh bị áp lực tâm lý".
"Trước khi đưa Hoa về nhà, gia đình tỏ ra không hài lòng vì cho rằng ‘bệnh nhân đã chết mà bệnh viện giữ lại’. Về vấn đề này tôi khẳng định lúc người nhà xin về thì Hoa chưa chết, mạch và huyết áp còn, cơ thể sưng phù là do bệnh thận. Ở đây từng có trường hợp xin về vì ngỡ đã chết nhưng bác sĩ không cho, giữ lại một tuần thì cứu sống", bác sĩ Các cho biết thêm.
Trước đó, Hoa nhập viện vào sáng 24/9 vì sốt cao, tiêu chảy, đau đầu. Điều trị tại khoa nội 2 Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng hai ngày thì bệnh nhân mệt, bác sĩ cho thuốc uống và đã khỏe lại. Sáng 26/9, bà Thel mua cháo cho con ăn, khoảng 15 phút sau Hoa lại mệt.
Bà Thel cho biết gọi bác sĩ cấp cứu nhưng không thấy ai đến nên gọi lần nữa thì nữ y tá đến, kêu cho Hoa uống thuốc. Vừa uống xong cô gái lịm dần trên tay người mẹ. Gia đình yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của con.

Dịch vụ ra nước ngoài khám chữa bệnh: tương lai sẽ ra sao?

Dịch vụ ra nước ngoài khám chữa bệnh: tương lai sẽ ra sao?

Saga.vn - 17 tháng trước 172 lượt xem
Dich vu ra nuoc ngoai kham chua benh: tuong lai se ra sao?
www.saga.vn - Theo báo cáo Thương mại về dịch vụ y tế của Bộ y tế, có khoảng 30,000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh trong năm 2009, chi hết hơn 1 tỷ đô la Mỹ cho dịch vụ này. Con số này cho thấy nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài là khá lớn và đây cũng là một thị trường lớn cho các công ty cung cấp các dịch vụ y tế và các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Bùng nổ dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài
Trước nhu cầu đang ngày càng lớn, các dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, chủ yếu là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của từ các công ty du lịch, các bệnh viện đến các hãng hàng không. Những nhà cung cấp dịch vụ này hoặc hoạt động độc lập, hoặc hợp tác với nhau để cung cấp các dịch vụ cho những bệnh nhân Việt muốn khám chữa bệnh ở bệnh viện nước ngoài, đặc biệt là ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các công ty du lịch và văn phòng đại diện của các bệnh viện nước ngoài đều có trách nhiệm xử lý các thủ tục giấy tờ, sắp xếp chỗ ở, phiên dịch và các hướng dẫn khác.
Thông thường, các công ty du lịch cung cấp các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh, các công ty du lịch này liên kết với các bệnh viện ở nước ngoài, cung cấp cho bệnh nhân Việt Nam thông tin về các bệnh viện và gợi ý họ lựa chọn bệnh viên phù hợp. Lựa chọn này chủ yếu dành cho những trường hợp không phải cấp cứu, bệnh nhân chỉ có nhu cầu khám sức khỏe định kì hoặc các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong vài năm trở lại đây, số lượng các bệnh viện nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam ngày càng gia tăng, những văn phòng này có nhiệm vụ quảng bá cho bệnh viện, nhận hồ sơ bệnh án, gửi về bệnh viện ở nước ngoài sau đó đưa ra chỉ dẫn cho bệnh nhân. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể được bệnh viện dùng máy bay chuyên dụng chở tới bệnh viện ở nước ngoài. Bà Nguyễn Bích Ngọc, quản lý văn phòng đại diện bệnh viện Raffles Singapore tại Hà Nội cho biết, Raffles đánh giá Việt Nam là thị trường chiến lược lớn thứ 3, chỉ sau Nga và Indonesia.
Vì sao người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh
Bác Thể, một bệnh nhân đã từng sang Hoa Kỳ khám bệnh vào năm 2007 cho hay, “Tôi đã có cuộc phẫu thuật chữa căn bệnh ung thư tại một bệnh viện ở Việt Nam, tuy nhiên, sau đó tôi đã sang Hoa Kỳ để kiểm tra lại vì thành thật mà nói, tôi không tin tưởng các thiết bị y tế ở Việt Nam.” Thực tế, việc thiết thiết bị y tế và kém chuyên môn là những nguyên nhân quan trọng nhất mà các bệnh nhân Việt Nam thường đưa ra để giải thích cho việc lựa chọn các bệnh viện nước ngoài. Tuy nhiên, những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam lại có quan điểm khác. Theo Tiến sĩ Võ Văn Bản- Phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, hầu hết các bệnh hiện nay đều có thể chữa ở Việt Nam. Bác sĩ William Mc Naull từ Family Medical Practice cũng đồng ý với điều này, “Tôi rất ấn tượng với các bác sỹ Việt Nam, bao gồm cả những bác sĩ tôi cùng làm việc tại phòng khám và cả những bác sỹ bên ngoài.” Rõ ràng là cả các bệnh viện trong nước và ngoài nước đều có chuyên môn cao nhưng chỉ các bệnh viện nước ngoài biết cách quảng bá cho chuyên môn của mình, cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh viên và tạo dựng lòng tin với người Việt Nam.

Có sự khác biệt lớn trong việc đầu tư vào marketing giữa các bệnh viện trong nước và bệnh viện ở nước ngoài. Trong khi các bệnh viên nhà nước hoàn toàn không đầu tư một chút nào vào marketing vì bản thân các bệnh viện đó đã luôn trong tình trạng quá tải và một vài bệnh viện tư đã bắt đầu quan tâm đến marketing và quảng cáo nhưng đầu tư còn hạn chế thì các bệnh viện nước ngoài đã thực sự thể hiện được sự vượt trội của họ trong lĩnh vực này. Điển hình như bệnh viện Raffles Singapore đưa ra mô hình bệnh viện khách sạn, với ý tưởng tạo một không gian khách sạn trong bệnh viện để giảm bớt áp lực và căng thẳng cho bệnh nhân.
Bác sỹ Bản cũng cho rằng dịch vụ y tế ở Việt Nam còn thiếu sự đồng bộ và chuyên nghiệp, “Toàn bộ quá trình từ các bước chuyên môn như bác sỹ, y tá đến các bước hành chính như đăng kí và thanh toán đều cần phải chuyên nghiệp. Thiếu y tá, thủ tục phức tạp là những vấn đề phổ biến ở các bệnh viện Việt Nam.” Bác sỹ William cho biết, “Nếu một bệnh nhân Việt Nam đang ở trong tình trạng bệnh phức tạp, cần ý kiến của các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì bệnh nhân đó sẽ phải tự mình tới gặp các bác sỹ khác nhau để khám chữa. Nói cách khác, hệ thống y tế ở Việt Nam không được đồng bộ, gây khó khăn cho bệnh nhân.”
Nói về tương lai của thị trường dịch vụ y tế tại Việt Nam, bác sỹ Bản cho rằng, “nhu cầu ra nước ngoài khám chữa bệnh sẽ dần giảm do sự phát triển của các bệnh viện tư, bao gồm các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.” Nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao của tầng lớp người Việt có thu nhập cao đang là một cơ hội cho các nhà đầu tư vào dịch vụ y tế tại Việt Nam. Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đang lên kế hoạch mở rộng sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam. Cùng với việc mở rộng này, bác sỹ Bản cho biết bệnh viên sẽ tiếp tục đầu tư vào marketing và quảng cáo. Hiện tại, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đang hợp tác với website Saga.vn, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam để tạo một website chuyên về sức khỏe trong nỗ lực mang hình ảnh bệnh viện tới nhiều người Việt Nam hơn.
Bên cạnh việc mở rộng và xây mới các bệnh viện tư tại Việt Nam, có thông tin rằng chính các nhà cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài cũng đang cân nhắc về việc chuyển sang cung cấp dịch vụ y tế ở ngay tại Việt Nam. Cả Family Medical Practice lẫn Raffles Singapore đều đang có kế hoạch xây dựng bệnh viện quốc tế với đầy đủ dịch vụ ở Việt Nam, thậm chí Family Medical Practice đã bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng.
Việc tăng cường đầu tư tư nhân trong lĩnh vực y tế có thể sẽ thu hút bệnh nhân tới các dịch vụ y tế trong nước. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này vì thế cũng sẽ nóng lên, các bệnh viện tư không những cần phải có đội ngũ y bác sỹ và nhân viên tốt mà còn cần học hỏi những khái niệm và tiêu chuẩn quốc tế.
Mặc dù dịch vụ khám chữa bệnh ở nước ngoài đang trong giai đoạn phát đạt nhưng có thể dịch vụ này sẽ giảm dần trong những năm tới do dần chuyển hóa cách thức hoạt động và do cả sự phát triển dịch vụ y tế tư ở Việt Nam. Đây là một tin tốt đối với các bệnh nhân Việt Nam có thu nhập cao khi họ vẫn có thể tận hưởng các dịch vụ y tế tiêu chuẩn quốc tế ngay tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

Chuyển ngoại tệ cho mục đích chữa bệnh ở nước ngoài

Chuyển ngoại tệ cho mục đích chữa bệnh ở nước ngoài
Giấy tiếp nhận khám chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh nước ngoài hoặc giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh trong nước.
Giấy thông báo chi phí hoặc dự tính chi phí của cơ sở chữa bệnh nước ngoài.
Bản sao hộ chiếu của người bệnh.
Lưu ý:  Trường hợp cơ sở chữa bệnh nước ngoài không có thông báo về tiền ăn, ở, sinh hoạt và các chi phí khác có liên quan thì ngoài số tiền viện phí đã được thông báo, khách hàng được chuyển thêm tối đa không quá 15.000 USD cho một người bệnh, cho một lần đi chữa bệnh.
 

Chọn giới tính cho trẻ bằng sàng lọc phôi

Chọn giới tính cho trẻ bằng sàng lọc phôi

(Dân Việt) - Được quảng cáo là một công nghệ sinh sản dành cho con người của thế kỷ 21, công nghệ chẩn đoán giới tính bằng cách sàng lọc phôi (PGD) đã giúp cho nhiều gia đình có được hướng lựa chọn giới tính cho con mình.

Từ dịch vụ bị cấm thành ngành công nghiệp “hợp pháp”
Megan Simpson luôn hy vọng rằng chị sẽ là mẹ của một bé gái. Chị lớn lên trong một gia đình có 4 chị em gái. Megan khéo may vá, nướng bánh, làm tóc và trang điểm. Chị hy vọng một ngày nào đó chị có thể chia sẻ những sở thích này với một cô bé nhỏ nhắn.
Hầu hết các cặp vợ chồng đều muốn con trai. Nhưng ở Mỹ, các gia đình lại đang sử dụng các thủ tục sinh sản đắt tiền để có thể lựa chọn sinh con gái.
Megan đang làm y tá tại một bệnh viện ở Toronto (Canada), đã ngạc nhiên khi biết rằng đứa con đầu tiên của chị sinh vào năm 2002 là một bé trai. Cũng chẳng sao, Megan tự nhủ, đứa kế tiếp sẽ là con gái, trừ khi không thể sinh đẻ nữa. Hai năm sau đó, Megan lại mang thai và lần này cũng là một bé trai.
Hụt hẫng trong nỗi cầu mong về một đứa con gái, Megan cùng chồng lái xe 4 giờ đồng hồ để đến một phòng khám sinh sản ở bang Michigan (Mỹ). Chọn lựa giới tính là một hành vi bất hợp pháp ở Canada, đó là lý do khiến hai vợ chồng đến Mỹ.
Họ trả 800USD cho các thủ tục bao gồm việc đón nhận các tinh trùng với giả định rằng tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y sẽ bơi nhanh hơn trong dung dịch chất đạm hơn là tinh trùng với một nhiễm sắc thể X. Megan đã được thụ tinh với tinh trùng chậm hơn cùng ngày. 15 tuần sau đó, Megan vào siêu âm tại bệnh viện. Kết quả khiến cho Megan mở to mắt hết cỡ vì ngạc nhiên: lại là con trai.
Với một sự lựa chọn, phần lớn các cặp vợ chồng thích con trai, điều đó là chắc chắn, đặc biệt là tại các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, nơi các cặp vợ chồng thường siêu âm để loại bỏ các bào thai nữ. Nhưng ở Mỹ, những bà mẹ như Megan vẫn đang sử dụng các thủ tục sinh sản đắt tiền để có cho bằng được một cô con gái.
Chỉ cách đây hơn một thập niên, một số bác sĩ đã nhìn ra những món lợi nhuận tiềm năng mà có thể kiếm ăn từ những phụ nữ như Megan, một thị trường còn bỏ ngỏ, hết sức màu mỡ từ các bà mẹ trẻ. Các bác sĩ sinh sản bằng nhiều cách ma mãnh đã biến một dịch vụ vốn bị ngăn cấm thành một cái gì đó tương tự như phẫu thuật thẩm mỹ.
Lựa chọn giới tính ngày nay đạt doanh thu trên toàn nước Mỹ ước tính khoảng 100 triệu USD/năm. Giá trung bình cho một thủ tục lựa chọn giới tính tại các phòng khám chuyên biệt bắt đầu từ 18.000USD, và ước tính có khoảng từ 4.000 - 6.000 đơn đặt hàng như thế trong một năm.
Con người đã tước quyền của Tạo hóa
Bên trong một căn phòng ở tầng 4 trên tuyến đường rợp bóng cọ ở Encino (bang California) là một phòng thí nghiệm phôi thai, có hai người đàn ông đang chăm chú dán mắt vào màn hình kính hiển vi công nghệ cao.
Giáo sư Jeffrey Steinberg
Họ đang tiến hành thụ tinh cho các quả trứng người với các mẫu tinh trùng được thu thập một ngày trước đó. Sau thụ tinh và mất 3 ngày ấp trứng, một chuyên gia phôi học sẽ sử dụng tia laser để cắt một cái lỗ xuyên qua lớp màng bảo vệ của một phôi thai và gắp một trong số 8 tế bào tại đó.
Thuốc nhuộm huỳnh quang cho phép nhà phôi học xem xét các nhiễm sắc thể và quyết định liệu cái phôi đó đang mang một cặp nhiễm sắc thể XX lớn hay một cặp nhiễm sắc thể XY nhỏ hơn. 7 tế bào còn lại sẽ phát triển bình thường nếu cái phôi được chọn và cấy vào trong tử cung của khách hàng.
Phòng thí nghiệm này là một phần của Viện Sinh sản, một phòng khám được thành lập bởi Jeffrey Steinberg, một trong những bác sĩ chọn lựa giới tính nổi tiếng nhất nước Mỹ. Phòng khám của ông là nhà tiên phong toàn cầu trong kỹ thuật lựa chọn giới tính này, được biết đến dưới cái tên gọi “Phương pháp chẩn đoán giới tính bằng cách sàng lọc phôi” (viết tắt PGD).
Mỹ là một trong số ít các quốc gia vẫn đang cho phép sử dụng kỹ thuật PGD cho việc lựa chọn giới tính tiền sinh sản. Thủ tục được thiết kế vào đầu thập niên 1990 nhằm sàng lọc các phôi từ các nhiễm sắc thể gắn liền với bệnh tật. PGD bị cho là bất hợp pháp vì quan niệm “phi y tế” ở Canada, Anh và Úc.
Các bệnh nhân của Steinberg ở độ tuổi 30, có học vấn, đã kết hôn, thuộc tầng lớp trung lưu cho tới thượng lưu. Họ thật sự đã có vài đứa con chứ không giống như những phụ nữ chờ đợi để tham gia vào việc thụ tinh trong ống nghiệm nhằm có thể đón nhận bất kỳ đứa con nào. Lựa chọn giới tính là ngành kinh doanh chính tại Viện Sinh sản Steinberg. Lợi nhuận kinh doanh đã tăng gấp 4 lần kể từ khi Jeffrey Steinberg bắt đầu quảng cáo PGD cho việc lựa chọn giới tính.
Steinberg cho biết ông chưa bao giờ có ý định biến lựa chọn giới tính thành một ngành nghề kinh doanh. Nhưng Ủy ban đạo đức của Hiệp hội Y học sinh sản Mỹ (ASRM), một tổ chức phi lợi nhuận đã cố gắng để thiết lập các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp, chống lại việc lựa chọn giới tính tiền sinh sản vì những lý do phi y tế vào năm 1994.
ASRM cho biết hành động đó sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử giới tính và là việc sử dụng không phù hợp các nguồn lực y tế. Hành động này khiến cho Steinberg giận dữ. Ông nói: “Tôi xem nó là một sự thách thức. Thực tế là họ không thích nó và tôi cũng chẳng thấy có điều gì sai trái ở đây cả, nó làm cho tôi trở nên tích cực hơn”.
Con gái trị giá hơn căn nhà, xe hơi
Megan là một trong những khách hàng của Steinberg lựa chọn PGD sau khi thất bại trong những thử nghiệm khác. Gạt hết những tổn thất về tài chính và cảm xúc, chị thử một phương pháp phân loại tinh trùng tinh vi hơn đi kèm với thụ tinh trong ống nghiệm. Trời không phụ công người, các quả trứng rất tốt. Phương pháp siêu âm đã xem xét các phôi trong tử cung của chị. 6 ngày sau đó, Megan xét nghiệm thai. Kết quả khả quan.
Khi được 15 tuần thai, Megan đi siêu âm với tâm trạng lo lắng, ám ảnh bởi những lần siêu âm trước. Kết quả thật sửng sốt, Megan đang mang thai con gái! Sau gần 4 năm và tốn hết 40.000USD, giấc mơ của Megan cuối cùng đã biến thành sự thật. Năm 2009, Megan sinh con gái ngay trong bồn tắm nhà mình.
Megan cười nhớ lại: “Ngay lúc chuyển dạ sinh con, tôi cứ đinh ninh cầu Chúa nó là con gái!” Sau khi sinh con, Megan đã làm việc quần quật 6 ngày/tuần để hoàn trả các khoản vay. “Tôi và chồng nhìn chằm chằm vào đứa bé. Con gái tôi giá trị hơn một chiếc xe hơi xịn hay một căn nhà bếp đầy đủ tiện nghi”.
Công ty Cổ Phần Y học Việt Pháp Chuyên dịch vụ khám chữa bệnh và đưa người bệnh sang các nước Anh, Pháp, Mỹ , Canada  để được hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến nhất trên thế giới
Mọi chi tiết mời liên hệ đt : 0922634582 - 0466741651 , Email : vietphapclinic@yahoo.com
Theo Thế giới & Hội nhập

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Chịu đựng người chồng yếu khoản ấy

Chịu đựng người chồng yếu khoản ấy

Tôi 39 tuổi, cưới chồng được 12 năm. Tới nay tôi đã có 2 con. Tôi phải cắn răng chịu đựng cuộc sống chăn gối không được như ý muốn.

Chồng tôi nhìn bề ngoài rất phong độ, to cao, đẹp trai, hiền lành chịu khó. Chúng tôi quen và lấy nhau tại nước ngoài, sau đó cả hai về Việt Nam sống cho tới nay.
Kể từ khi cưới cho tới nay chồng tôi chưa từng một lần làm cho tôi được đạt tới đỉnh cao của tình dục. Đã vậy anh lại rất lười làm tình, gần như 4-5 tháng anh ấy thực hiện việc giao ban một lần. Tất cả những lần đó không quá được 5 phút. Tôi thường xuyên nằm im như cây gỗ khi giao ban, chỉ cần lắc người là anh ý đã xuất rồi.
Đến nay anh ý vẫn hay bị mộng tinh. Với tuổi 45 của anh thì tôi nghĩ đâu có thể như vậy được. Có nhiều đêm tôi chỉ biết ngồi khóc một mình và nhìn anh ý ngủ say.
Anh thường xuyên cho vào ngay rồi lại xìu xuống luôn, không hề kích thích cho tôi một chút nào. Tôi thật buồn mà không biết chia sẻ cùng ai.
Rất mong tòa soạn cho tôi lời khuyên tôi phải làm gì để anh ý khỏe lên và thường xuyên giao ban hơn, cách chia sẻ thế nào để anh ý có những màn khởi động thực sự thuyết phục. (Nguyễn Thị Hà)
 
Việc đầu tiên là chính bạn phải hiểu được cặn kẽ cấu tạo cơ thể và những điểm nhạy cảm của bản thân. Chính bạn cần phải biết mình mong muốn cái gì và làm thế nào để đạt được cực khoái. Từ đó, bạn mới có những trải nghiệm và kiến thức để trao đổi với chồng mình.
Trong cuộc sống gia đình nói chung và cuộc sống tình dục nói riêng, việc trao đổi giữa hai vợ chồng là vô cùng quan trọng. Bạn nên trò chuyện với chồng về những ham muốn của mình, cách bạn thích, màn dạo đầu thế nào để bạn thăng hoa. Bên cạnh đó, bạn cần chủ động hơn khi quan hệ. Việc chồng bạn hoàn toàn “độc diễn” còn bạn chỉ nằm “im như khúc gỗ” là vô cùng sai lầm. Hãy chủ động “bắt” anh ấy tuân thủ đúng bài bản. Nếu anh ấy quá vội vã thì hãy làm anh ấy chậm lại.
Bạn trách chồng mình không chịu khởi động cho bạn nhưng dường như bạn cũng chưa bao giờ khởi động cho anh ấy. Vậy hãy làm chậm anh ấy lại bằng cách thực hiện màn dạo đầu của riêng bạn, sau đó, hãy đề nghị anh ấy làm điều đó cho bạn. Chỉ khi bạn đã thực sự sẵn sàng thì “cuộc chiến” mới có thể diễn ra.
Việc anh ấy “lười” cũng có thể do anh ấy mặc cảm với chuyện không làm cho bạn hạnh phúc. Vậy hãy trao đổi, khuyến khích anh ấy. Đừng làm cho anh ấy càng ngày càng chán nản với những lời chê bai thẳng thừng hoặc bóng gió. Trong cuộc sống tình dục, điều quan trọng nhất là sự thấu hiểu và bình đẳng giữa hai đối tác. Bạn cũng nên chủ động kích thích anh ấy và kéo anh ấy “vào cuộc”, đừng chờ đợi và oán trách anh ấy một cách âm thầm.
Nếu bạn cứ tiếp tục như hiện nay thì chính bạn mới là người làm mình đau khổ. Hãy thực hiện tất cả các bước trên, nếu sau đó vẫn không thể thay đổi thì bạn cần tư vấn trực tiếp với một chuyên gia tình dục học để cải thiện cuộc sống tình dục của mình.

Quý bà lãnh cảm vì nghiện máy rung

Quý bà lãnh cảm vì nghiện máy rung

Việc tận hưởng khoái cảm khi dùng vibrator - loại đồ chơi tình dục có chế độ rung - khiến nhiều phụ nữ dửng dưng với "vũ khí" của chồng.

Vibrator có thể “tấn công cô bé” nhanh và hiệu quả. Việc sử dụng đồ chơi tình dục được các chuyên gia cho là cần thiết khi người phụ nữ khó đạt khoái cảm, khó đạt đỉnh. Nam giới cũng có thể sử dụng loại máy này như một sự hỗ trợ để đánh thức sự hứng khởi từ “cô bé”.
Loại máy này chạy bằng điện hoặc pin cho đến khi đạt “đỉnh”. Mặc dù ban đầu người phụ nữ muốn cảm nhận khoái cảm do máy rung đem lại chứ không có ý định so sánh khả năng “yêu” của chiếc máy với “chú nhỏ" của bạn tình nhưng trong thực tế, chiếc máy rung có thể gây nghiện, thậm chí tệ hơn là làm tắt ham muốn.
 

Ảnh minh họa
"Trường hợp này (nghiện sử dụng máy rung) xảy ra rất nhiều, hơn nhiều so với dự đoán của chúng ta", tiến sĩ liệu pháp tình dục Linda De Villers nói. De Viller cho biết thêm, việc sử dụng và tiếp cận máy rung đơn giản và dễ dàng hơn so với thỏa hiệp với “chú nhỏ”. Không có gì là sai trái nếu sử dụng "đồ chơi" khi đời sống tình dục của bạn không thật suôn sẻ. Tuy nhiên, khi trở nên phụ thuộc vào máy rung, thậm chí là nghiện máy rung hơn là “chú nhỏ”, sức khỏe tình dục của bạn sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng.
"Nếu bạn thực sự nghiện loại đồ chơi tình dục này, hãy tham khảo ý kiến của một bác sĩ chuyên khoa tình dục để có được quan điểm khác nhau để cải thiện quan hệ với bạn tình," De Villers đề nghị. Và nếu loại đồ chơi tình dục trên đưa lại cho bạn sự hài lòng hơn so với chuyện "yêu" với đối tác, hãy thảo luận với anh ấy về những ý tưởng làm mới không gian yêu, tâm trạng yêu, hay thử những tư thế mới với sự hưởng ứng và hết lòng từ hai phía.

Đột nhiên mất ham muốn khi gần chồng, vì sao?


Đột nhiên mất ham muốn khi gần chồng, vì sao?

Năm nay tôi chỉ mới 23 tuổi, kết hôn đã được một năm. Nhưng gần đây, đột nhiên tôi không còn thấy hứng thú khi gần gũi với chồng…

Thậm chí, khi anh ấy ôm tôi vào lòng, nói những lời yêu thương, vuốt ve và làm đủ cách, tôi vẫn không ham muốn chuyện ấy. Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân vì sao? (Vũ Uyên Linh - Tĩnh Gia, Thanh Hóa)

Phụ nữ đột nhiên mất hứng thú quan hệ tình dục, có rất nhiều nguyên nhân - Ảnh minh họa
Trả lời:
Đột nhiên mất ham muốn tình dục cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng ở vào độ tuổi còn quá trẻ như bạn, lại mới kết hôn chưa bao lâu thì sự việc này hơi lạ.
Trong câu hỏi, bạn không nói rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình gần đây, có lo lắng hay mệt mỏi vì công việc và gia đình hay tình cảm vợ chồng có gì trục trặc… nên khó mà tìm ra nguyên nhân chính xác.
Nhưng theo lý giải y học, với phụ nữ, tự nhiên không còn hứng thú đến tình dục, không thích gần gũi bạn đời, vô cảm trước những cái ôm của chồng… phần lớn do rối loạn nội tiết gây ra bởi hàm lượng androgen trong cơ thể mất cân bằng. Nguyên nhân có thể là gần đây bạn ăn ngủ kém và thất thường, stress, hay đang dùng bất kỳ một loại thuốc chữa bệnh nào đó… kéo dài quá lâu đã gây mạn tính, lãnh cảm.
Đôi khi rắc rối này lại liên quan đến sức khỏe đường sinh dục như khó chịu ở vùng bụng dưới, đau đớn trong khi giao hợp làm bạn ngại quan hệ hoặc có thể là viêm nhiễm đường sinh dục…
Ngoài ra, suy giảm tình dục ở nữ giới còn có thể do các nguyên nhân khác như: Tình cảm vợ chồng dần nguội lạnh hay đang có xung đột, quan hệ vợ chồng thời gian qua quá nhàm chán, bối rối về cơ thể của mình, vùng kín “khô hạn”, môi trường sống… Do bạn vẫn chưa nói rõ về tình trạng của mình nên tốt nhất bạn hãy tự tìm hiểu xem bản thân và cả vợ chồng bạn đang có khúc mắc gì để sớm tìm ra nguyên nhân. Với hiện tượng giảm dục nếu phát hiện để thay đổi hay điều trị sớm sẽ có kết quả tốt hơn.
Theo BS Nguyễn Thị Yến -Dân Việt