Chữa viêm loét dạ dày: bệnh không thể chủ quan
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Bài thuốc dành cho chị em: Da đẹp và dinh dưỡng
- Dinh dưỡng khi cơ thể bị suy nhược
- Dinh dưỡng cho người bị mất ngủ
Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh
khá phổ biến và ngày càng có xu hướng phát triển ở nước ta. Bệnh gặp ở
mọi lứa tuổi nhưng người lớn chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ em. Tùy theo các vị
trí của viêm và loét khác nhau mà có các tên gọi là viêm dạ dày, viêm
hang vị, viêm tâm vị, viêm bờ cong nhỏ, loét hang vị... Bệnh tuy không
đe dọa đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh trong
cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân đa dạng
Đau dạ dày có thể do rất nhiều nguyên
nhân: do nhiễm vi khuẩn HP - đây là một loại vi khuẩn gam âm, có hình
xoắn, là nguyên nhân thường gặp gây ra các bệnh lý ở dạ dày tá tràng; do
chế độ ăn uống vô độ không có quy luật, ăn thức ăn nóng quá, lạnh quá,
cứng quá, khó tiêu, chua, cay quá, ăn không nhai kỹ, ăn vội... hoặc ăn
phải một số thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc...
Ngoài ra, cũng có thể do uống rượu, chè
đặc, cà phê đặc; do uống nhầm phải các chất ăn mòn: axit, kiềm, sút, một
số hóa chất có chì, thuỷ ngân... có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và
dạ dày.
Một nguyên nhân nữa phải kể đến là do
dùng các thuốc giảm đau, chống viêm điều trị các bệnh khớp. Những thuốc
ấy có tác dụng phụ gây tổn thương niêm mạc dạ dày; những nhiễm khuẩn
cấp: cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn... có thể gây viêm dạ dày. Người bị
suy thận cũng rất dễ bị viêm dạ dày do ure máu tăng cao.
Yếu tố tinh thần, các trạng thái stress,
cáu gắt, trầm cảm, lo nghĩ, căng thẳng... cũng là một trong những
nguyên nhân quan trọng gây nên tổn thương dạ dày.
Triệu chứng điển hình
Đau bụng do bệnh lý ở dạ dày có trường
hợp biểu hiện rõ, chẩn đoán tương đối dễ dàng, thường bệnh nhân có những
triệu chứng như: Đau vùng bụng trên rốn, đau thường xuất hiện lúc đói
hoặc ngay sau ăn nhưng vài trường hợp đau không liên quan gì tới bữa ăn,
đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Đau âm ỉ có khi kéo dài từ vài tháng đến vài
ba năm, có khi hàng chục năm. Nhiều bệnh nhân đau có tính chất chu kỳ
(một chu kỳ khoảng từ một tuần đến vài tuần trở lên) và thường xảy ra
vào lúc giao mùa, đặc biệt là mùa rét.
Kèm theo đau là các biểu hiện của rối
loạn tiêu hóa, bệnh nhân thường hay có cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ
hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát, trướng bụng, trung tiện, phân có
khi nát có khi lỏng, có khi rắn như phân dê. Trong những trường hợp loét
hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị thì ăn không tiêu,
bụng ậm ạch khó chịu, nhiều khi phải móc họng nôn ra mới thấy thoải mái.
Vì vậy, người bị loét dạ dày - hành tá tràng lâu năm thường gầy, da
xanh, niêm mạc nhợt nhạt.
Hiện nay, nội soi dạ dày có giá trị lớn
trong chẩn đoán viêm, loét dạ dày - tá tràng. Ngoài việc xác định được
vị trí tổn thương, tình trạng tổn thương... thì trong những trường hợp
nghi ngờ bệnh ác tính có thể sinh thiết để tìm tế bào lạ. Sinh thiết còn
giúp cho việc lấy bệnh phẩm để nhuộm gram, thử test ureaza, nuôi cấy
phân lập xác định vi khuẩn HP và làm kháng sinh đồ để xác định tính nhạy
cảm với kháng sinh của vi khuẩn này.
Tuy nhiên, đa số trường hợp triệu chứng
mơ hồ rất khó chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng có vị
trí hoặc tính chất gần giống với đau bụng do bệnh lý ở dạ dày, đặc biệt
cần chẩn đoán phân biệt với những trường hợp đau bụng đòi hỏi phải được
bác sĩ chữa trị và can thiệp kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm cho
tính mạng như viêm ruột thừa, tắc ruột...
Các biến chứng của viêm loét dạ dày
Hẹp môn vị: Biểu hiện đau bụng và nôn ói rất dữ dội, đặc biệt bệnh nhân ói ra thức ăn của ngày hôm trước, có mùi hôi thối.
Thủng dạ dày: Bệnh nhân đột ngột có cơn
đau dữ dội như dao đâm, bụng gồng cứng như gỗ, phải được phẫu thuật kịp
thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Xuất huyết tiêu hóa: Là biến chứng
thường gặp nhất, biểu hiện ói ra máu và đi cầu phân máu có thể máu đỏ,
hoặc phân có màu đen hôi thối.
Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày là một
dạng ung thư rất thường gặp, chiếm vị trí hàng đầu trong các ung thư
đường tiêu hóa và cũng là một trong những biến chứng của các bệnh lý
lành tính ở dạ dày mà không được điều trị triệt để.
Điều trị bệnh có khó?
Ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng
hàng đầu. Cần có chế độ dinh dưỡng tốt, thích hợp cho người mắc bệnh về
dạ dày: không nên ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá
cay, quá nóng; không nên ăn quá nhiều chất béo, các chất kích thích như
trà, cà phê...; không uống rượu, không hút thuốc lá; không nên ăn quá
nhanh, nhai không kỹ; cần ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá khuya, bữa
ăn cuối cùng trước lúc ngủ ít nhất 4 giờ, không ăn quá no hoặc nhịn đói
quá lâu. Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước và đặc biệt không được tự ý
dùng thuốc, nhất là với các thuốc giảm đau, chống viêm mà không có sự
chỉ dẫn của bác sĩ.
Kết hợp với chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, stress kéo dài.
Ngoài ra, việc tuân thủ phác đồ điều trị
của bác sĩ là nguyên tắc không thể thiếu trong quá trình điều trị căn
bệnh này. Ngày nay, người ta khuyến cáo điều trị viêm loét dạ dày - tá
tràng dựa trên cơ chế tiêu diệt vi khuẩn HP, chống tăng tiết dịch vị và
cần có thuốc bao phủ niêm mạc tránh tác dụng của dịch vị. Có rất nhiều
loại thuốc điều trị bệnh dạ dày, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có
sự lựa chọn thuốc thích hợp./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét