Chẳng bác sĩ nào dại mà bảo thai gái hay trai. Người
ta chỉ bảo “như bố”, “như mẹ” hay “dép cả đôi”, “có người chống gậy
rồi” hay “được ngồi mâm trên nhé” thì khắc hiểu thôi"...
Tất cả các vi phạm liên quan đến lựa chọn giới tính đều bị xử phạt. Ảnh: minh họa |
Bộ Y tế đang trưng cầu ý kiến người
dân về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y
tế, trong đó có quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về lựa
chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như
vậy là không tính đến sự khả thi...
Phạt cao nhất: 30 triệu đồng
Từ điều 96-103 của Dự thảo Nghị
định quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về lựa chọn giới
tính thai nhi và mức xử phạt. Theo đó, phạt từ 3- 5 triệu đồng cho hành
vi bói toán chẩn đoán giới tính thai nhi; phạt từ 7-10 triệu đồng đối
với hành vi bắt mạch; phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi siêu âm,
xét nghiệm chẩn đoán tiết lộ về giới tính thai nhi (trừ trường hợp pháp
luật có quy định). Bên cạnh đó, hành vi xuất bản phẩm có nội dung về
phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn có thể bị phạt từ
20 - 30 triệu đồng.
Nếu thực hiện phá thai mà biết rõ
người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính
sẽ bị phạt tiền từ 25-30 triệu đồng. Còn đối với hành vi ép buộc người
khác phải dùng các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn
cũng bị phạt từ 3-5 triệu đồng, hành vi chỉ định hoặc dùng thuốc và
cung cấp thuốc để có giới tính thai nhi như ý muốn... cũng bị phạt tiền
từ 15-20 triệu đồng.
Đáng lưu ý, nhiều hành vi được quy
định khá cụ thể, chi tiết. Thai phụ cố ý loại bỏ thai nhi vì lựa chọn
giới tính mà không bị ép buộc cũng sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. "Như
vậy, đối với các quy định cụ thể này, ngay cả những bà mẹ mang thai mà
cố ý bỏ thai vì giới tính của đứa trẻ cũng sẽ bị xử phạt" - ông Nguyễn
Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
(Bộ Y tế) cho biết.
Theo ông Tân, dự thảo nghị định lần
này có các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các hành vi so với nghị định
xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em năm 2006. Với những quy
định này, người vi phạm sẽ không thể chối cãi, xuê xoa, đổ lỗi được.
Ngoài ra, số tiền xử phạt đối với các hành vi cũng tăng khoảng 30% so
với nghị định năm 2006. Lực lượng xử phạt cũng đã gia tăng, ngoài lực
lượng Thanh tra Nhà nước như trong luật quy định thì thanh tra chuyên
trách của dân số cũng vào cuộc.
Khó “bắt quả tang”
Mặc dù vậy, những quy định về xử
phạt theo dự thảo nghị định cũng vấp phải nhiều sự phản đối. Theo chị
Đinh Hồng Hà (TP.Bắc Ninh), chị có bầu 2 đứa con, khi đi siêu âm ở cả
bệnh viện và cơ sở tư nhân đều biết được giới tính thai nhi từ tuần thứ
11-12. “Chẳng bác sĩ nào dại mà bảo thai gái hay trai. Người ta chỉ bảo
“như bố”, “như mẹ” hay “dép cả đôi”, “có người chống gậy rồi” hay “được
ngồi mâm trên nhé” thì khắc hiểu thôi” – chị Hà cho biết.
TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục
trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, chính vì sự “đa
dạng của tiếng Việt” này nên việc bắt quả tang các cơ sở siêu âm cung
cấp giới tính thai nhi là rất khó. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ
lệ các bà mẹ biết giới tính thai nhi chiếm từ 70-80%, thậm chí ở Hà Nội
còn lên tới gần 100%.
Một khảo sát khác của Tổng cục tại
Cần Thơ và Hưng Yên (2 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao) cho thấy,
có tới 80% nam giới chia sẻ: “Bác sĩ cho họ biết giới tính của thai nhi.
Tỷ lệ này ở Cần Thơ là 95,1% và ở Hưng Yên là 59,8%. 89,6% nam giới
biết được giới tính con mình ở các cơ sở y tế tư nhân, còn 73,9% ở cơ sở
nhà nước. Nhiều cơ sở siêu âm “tạo thương hiệu” bằng việc đưa ra chẩn
đoán giới tính thai nhi sớm nhất và chính xác nhất. Nhưng từ khi có quy
định nghiêm cấm mới có 5 cơ sở có hành vi vi phạm siêu âm chẩn đoán giới
tính ở khu vực đồng bằng sông Hồng bị xử phạt.
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh
tra Sở Y tế (Hà Nội) cho biết, dù nghiêm cấm nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn
lén lút thông báo giới tính thai nhi cho sản phụ bằng nhiều hình thức.
Tuy cơ quan chức năng biết nhưng không thể “bắt tận tay, day tận mặt”.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn
Tân, Tổng cục vẫn đang kiên trì đề xuất đưa lực lượng công an vào trong
đội ngũ kiểm tra các cơ sở siêu âm. “Lực lượng thanh tra khi đi kiểm tra
phải có kế hoạch, đề xuất rất rùm beng, như thế chẳng khác nào thông
báo trước cho các cơ sở siêu âm. Còn công an có thể kiểm tra đột xuất,
xử phạt luôn, ngoài ra, họ cũng có nghiệp vụ điều tra, giám sát tốt hơn”
– ông Tân cho biết.
Ngoài ra, ông Tân cho rằng cần phải
tăng cường hệ thống giám sát các cơ sở siêu âm bằng hệ thống kỹ thuật
(đặt máy camera) và “tai mắt nhân dân”, hòm thư tố giác…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét