Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Mắc Bệnh máu

Ước mơ bị dập tắt của những chàng trai mắc bệnh máu

Bị suy tủy xương, những bệnh nhân tuổi đôi mươi dở dang con đường học hành. Nằm viện điều trị, họ chăm sóc nhau như người nhà.
Ở Khoa Máu tổng hợp, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Trần Minh Trí (22 tuổi) được các bệnh nhân biết đến là chàng trai vui tính, cười nói suốt ngày dù bị suy tủy xương 2 năm nay. Trước khi nằm viện, Trí là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Chàng trai quê Lý Nhân (Hà Nam) phát hiện mắc bệnh đầu năm 2012.
IMG-9743.jpg
Nằm viện nhiều hơn ở nhà, nhưng nụ cười vẫn thường xuất hiện trên môi Trần Minh Trí. Ảnh: Hoàng Phương.
Trí đến bác sĩ khám khi thấy chân sưng vù và đau nhức, nổi mẩn đỏ khắp người. Điều trị ở Bệnh viện đa khoa Hà Nam một thời gian, Trí được chuyển lên Viện Huyết học vào tháng 5/2012. Bệnh tật ngăn cản bước chân quay lại giảng đường của Trí, khiến cậu thành gánh nặng cho gia đình. Thời gian đầu, Trí hay khóc thầm vì thương bố mẹ. Đọc những dòng tin nhắn động viên của bạn bè mà Trí bật khóc, muốn quay trở về những ngày còn khỏe mạnh.
Nhập viện cũng là lúc chuẩn bị thi hết học phần cuối của năm thứ hai, Trí mang theo cả sách vở để ôn thi. Khi các bác sĩ kết luận bệnh, cậu quyết định không bảo lưu nữa vì biết mình sẽ phải gắn bó lâu dài với bệnh viện.
Tháng 6, bạn bè cùng lớp đại học ngày xưa của Trí đã tốt nghiệp. Hôm chụp ảnh kỷ yếu, các bạn gọi Trí về để chung vui, nhưng gần đến ngày thì cậu lại bị viêm màng não, sốt cao đến bất tỉnh, mất trí nhớ tạm thời. Mắc bệnh về máu, hệ thống miễn dịch của Trí cũng giảm, kéo theo nhiều bệnh khác, ngay cả cảm cúm cũng rất nguy hiểm.
Hết đợt điều trị, Trí lại xin vào chùa nương nhờ cửa Phật. Đó là môi trường thanh tịnh để nghỉ ngơi, đọc sách, cũng là để Trí tiết kiệm chi phí chữa bệnh. Dù Trí có bảo hiểm chi trả, mỗi đợt điều trị mất từ 2 tới 3 triệu đồng, song không phải là số tiền nhỏ đối với gia đình làm nông ở quê.
IMG-9767.jpg
Trí (ngoài cùng bên trái), Tuyên (ở giữa) và Tuấn trở thành những người bạn rất thân. Ảnh: Hoàng Phương.
Sống chung với bệnh lâu ngày, Trí dần học được cách đối mặt với bệnh tật. Cậu thành lập CLB Kết nối đỏ kết nối các bệnh nhân, để cùng sẻ chia những nỗi đau về bệnh tật. Những ngày Trí nằm bẹp trên giường bệnh, ngoài các bác sĩ thì còn có hai người bệnh nhân cùng phòng tên Nguyễn Văn Tuyên (21 tuổi) và Đinh Công Tuấn (17 tuổi) chăm sóc khi bố mẹ cậu chưa kịp lên. Tuyên và Tuấn cũng bị bệnh suy tủy xương nhiều năm.
Tuyên là người Giao Thủy (Nam Định), nằm viện lâu nhất trong số ba chàng trai. Năm 2009, khi Tuyên học lớp 10, cơ thể cứ yếu dần, đuối sức mỗi lần đạp xe đi học. Suốt 5 năm qua, hầu như Tuyên phải sống trong bệnh viện. Tình cảm gia đình là động lực để cậu vượt qua những tháng năm dài đối mặt với bệnh tật. Khi nhận được kết quả từ bác sĩ, mẹ Tuyên chỉ nói: "Mẹ sẽ cố gắng chữa khỏi bệnh cho con", rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.
Nhà Tuyên chỉ có hai chị em, ít nói chuyện nhưng lại rất thương nhau. Chị gái Tuyên năm nay 26 tuổi. Mỗi lần bị em trai giục lấy chồng, chị trả lời: "Phải chữa khỏi bệnh cho cậu rồi chị mới yên tâm đi lấy chồng được". Chiếc máy tính Tuyên dùng những ngày đang nằm viện cũng là của chị mang vào cho. Suốt 4 năm chị đi học đều vay vốn sinh viên, nhưng không tiêu đồng nào mà dồn hết cho em trai chữa bệnh.
Từ khi còn đi học, Tuyên ước mơ thi vào ngành công nghệ thông tin. Bạn bè của cậu giờ đi học hết, có người ra trường rồi. Nếu khỏi bệnh, Tuyên vẫn muốn đi học tiếp, ít nhất là một cái nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Ba anh em Trí, Tuyên, Tuấn chơi thân với nhau, Tuyên gầy và xanh xao nhất. Cậu từng 2 lần bị xuất huyết não, suýt không qua khỏi. 
Ít nói nhất trong số ba người là Tuấn. Chàng trai sinh năm 1997 đang tuổi dậy thì, cơ thể cao lớn hơn các anh vì thường xuyên luyện tập thể thao. Hơn một năm phát bệnh, Tuấn không còn chơi cầu lông được nữa, gương mặt lúc nào cũng u buồn, mỏi mệt. Cậu còn bị xuất huyết mắt do giảm tiểu cầu. Tuấn tâm sự: "Bệnh đến bất ngờ và nhanh quá. Em không ngờ tuổi còn trẻ mà lại mắc bệnh này". Những ngày buồn bã của cậu vơi bớt đi phần nào bởi sự lạc quan, trêu đùa của Trí, tình cảm chăm sóc của Tuyên.
Khoa Máu tổng hợp Viện Huyết học từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của những chàng trai. Họ cùng chia sẻ đau đớn cũng như tiếp thêm niềm vui, hy vọng từ những người cũng bị bệnh giống mình dù không mong muốn ở mãi trong ngôi nhà đó. Hầu hết người bệnh phải điều trị lâu dài, ra vào viện thường xuyên như cơm bữa nên ai cũng biết mặt, biết hoàn cảnh của nhau.
Khỏe lên một chút, các bệnh nhân trẻ trong khoa lại góp mỗi người một ít tiền, rủ nhau mua bánh gato, hoa quả về tổ chức sinh nhật cho bệnh nhân Giáp Thị Anh cũng bị bệnh suy tủy xương. Sinh nhật còn có sự tham gia của các bác sĩ, y tá ở đây bởi họ thân quen với bệnh nhân chẳng khác gì người nhà.
"Sinh nhật Anh vào ngày 16/6, nhưng mọi người tổ chức trước cho em ấy vì mấy hôm nay sức khỏe có vẻ ổn. Các bệnh về máu thường diễn biến phức tạp, chẳng biết khi nào khỏe, khi nào yếu. Giờ em đang cười nói thế này nhưng biết đâu ngày mai lại nằm trong phòng cấp cứu. Ở đây, ai cũng sợ căn phòng đó", Tuyên thở dài cho biết.
Bác sĩ Lê Quang Chiêm, người trực tiếp điều trị cho ba bệnh nhân trẻ, cho hay: "Cả ba đều bị mắc suy tủy xương, cơ thể không tự sinh ra được các tế bào máu như hồng cầu, tiểu cầu mà phải tiếp nhận từ bên ngoài. Hiện nay, điều trị chủ yếu là truyền máu, tiểu cầu, thải sắt". Ngoài điều trị, bác sĩ Chiêm nhiều lần còn được nghe họ tâm sự về gia đình, cuộc sống. Anh thực sự cảm động khi chứng kiến các bệnh nhân mua cơm, giặt giũ, xoa bóp chân tay cho nhau.
Theo thống kê của khoa Máu tổng hợp, trong 6 tháng đầu năm, có 371 lượt điều trị suy tủy xương. Người mắc bệnh này đủ mọi lứa tuổi, chiếm 20% số bệnh nhân mắc các bệnh về máu điều trị tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét