Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Điều trị suy giảm tình dục ở Nam giới

Vì sao stress làm suy giảm chức năng tình dục?
Nhiều người hiểu stress là thuật ngữ để chỉ mọi khó chịu thường xuyên tác động đến con người nhưng không biết rằng stress còn gây ra ở cơ thể một đáp ứng sinh học trước những kích thích vật chất, tâm lý hay giác quan, giống như một phản xạ với 3 giai đoạn: báo động, chống cự và kiệt quệ. Stress ảnh hưởng xấu đến tình trạng tinh thần, thể chất, giấc ngủ và đời sống tình dục.
Cơ thể phản ứng trong tình trạng bị stress: Đầu tiên, khi cơ thể đối diện với những tác động âm tính (buồn, lo sợ, tức giận…), hệ thần kinh gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi trong não và vùng này ra lệnh cho tủy tuyến thượng thận giải phóng adrenalin. Hormon này cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm nhịp và cung lượng tim tăng lên, đem lại nhiều ôxy cho cơ và mô, giúp cho gan tiết ra đường và mỡ. Trong giai đoạn đầu này, trí nhớ và phản xạ cũng được cải thiện. Đồng tử giãn nên nhìn rõ hơn. Dù tác nhân kích thích là gì thì đáp ứng sinh học diễn ra trong cơ thể vẫn không thay đổi.
Nếu tác nhân kích thích vẫn tiếp tục: Cơ thể sẽ bước vào giai đoạn chống cự. Trong tình trạng này, cơ thể huy động mọi nguồn lực để lặp lại sự cân bằng mới bằng cách tiết ra nhiều hormon khác như endorphine (có tác dụng gây yên tĩnh), cortisol, dopamin, serotonine và cả các hormon giới. Ở giai đoạn này, về phương diện sinh học, stress được coi như một tác nhân kích thích có lợi giúp cơ thể phản ứng để tồn tại trong những hoàn cảnh có thể xem là nguy hiểm.
Nhưng coi chừng để không đi quá xa: Nếu tình trạng stress vẫn kéo dài và cơ thể không còn khả năng đối phó vì năng lượng cần thiết đã tiêu hao quá lớn thì sẽ chuyển sang giai đoạn kiệt quệ. Cơ chế bảo vệ không còn hoạt động được nữa, điều đó làm cho cơ thể trở nên cực kỳ nhạy cảm với những tác nhân kích thích từ môi trường bên ngoài, rơi vào trạng thái quá căng thẳng, van an toàn không chịu đựng nổi nữa... khi đó xuất hiện cảm giác mỏi mệt, giận dữ, thậm chí cả trạng thái trầm cảm.
Trước tác động của stress, mỗi cá thể có đáp ứng khác nhau và trong cuộc sống luôn có những yếu tố làm cho trạng thái stress nặng lên: ở một vài giai đoạn của cuộc đời, một số trạng thái tâm lý (tuổi vị thành niên, khi có bệnh, người có sức khỏe tinh thần yếu kém…).
Suy giảm chức năng tình dục ở nam có thể do stress
Người ta biết nhiều về tác dụng giải tỏa stress của tình dục nhưng lại biết rất ít về ảnh hưởng của stress đến đời sống tình dục. Không thiếu gì những tác nhân gây stress (khó khăn trong nghề nghiệp, nghèo túng, tang tóc, tai nạn, bệnh tật...) và đều có thể gây ra những rối loạn về chức năng tình dục, có thể ngắn hay dài hạn (suy giảm ham muốn, khả năng cương dương…). Để không rơi vào vòng luẩn quẩn của thất bại, cần biết tìm ra các giải pháp.
Khi thấy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ tình dục hay có rối loạn về cương dương, cần loại trừ yếu tố stress trước tiên. Ở Pháp, cứ 5 người đàn ông thì có một người bị rối loạn cương dương thường xuyên hay tạm thời. Trong đại đa số trường hợp, những trục trặc này có nguồn gốc tâm lý hay phối hợp (có một phần do tâm lý). Nhìn chung, có đến 29% nam giới bị rối loạn cương dương do stress, thường xảy ra ở những người đàn ông ở độ tuổi từ 35 - 49, đã có vợ con, giữ những trọng trách và phải lao động bằng trí óc nhiều hoặc gặp khó khăn trong công việc, lo lắng về sức khỏe và tiền bạc.
Stress có ảnh hưởng xấu đến tình trạng tinh thần, thể chất và cả giấc ngủ. Sự mất ngủ làm cho tâm trí không thanh thản và vì thế có ảnh hưởng đến chức năng tình dục (khoảng 4 trong số 10 nam giới thú nhận điều này). 86% số trường hợp có giảm tần suất quan hệ tình dục hay giảm ham muốn. Những rối loạn về cương dương không phụ thuộc vào tuổi mà thay đổi theo từng cá thể, mỗi người có cách kiểm soát stress khác nhau. Trạng thái mạnh yếu về tâm lý cũng tỷ lệ thuận với mức độ rối loạn. Có điều gần như thống nhất ý kiến là ở nam giới, quan hệ tình dục đều đặn và đem lại sự thoải mái làm giảm cường độ stress.
Stress gây rối loạn cương dương và tình trạng này lại gây ra những lo lắng và hậu quả là tạo ra vòng luẩn quẩn. Cần nhắc lại cơ chế gây cương dương chịu sự kiểm soát của hai hệ thần kinh có tác dụng đối nghịch: hệ phó giao cảm kích thích và hệ giao cảm thì ức chế. Một mặt, hệ phó giao cảm làm cho các mạch máu và cơ nhẵn của thể hang giãn ra, thu hút máu đến và tạo ra sự cương dương; mặt khác, hệ giao cảm lại có tác dụng làm co mạch và do đó làm mất đi sự cương dương. Và người ta biết rằng, stress tạo ra cơ hội thuận lợi cho cơ chế co mạch.
Giải pháp nào?
Sử dụng liệu pháp tâm lý hay dùng thuốc, đôi khi chỉ cần chia sẻ với thầy thuốc đã có thể giúp nam giới có thêm sự tự tin. Từ nhiều năm nay, việc điều trị rối loạn cương dương bằng thuốc đã tỏ ra có hiệu quả, giúp cho nhiều nam giới lập lại đời sống tình dục bình thường.
BS.Hồng Anh
Theo Sức khỏe & đời sống

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Nạn nạo thai dưới góc nhìn Phật Giáo



Nạn nạo thai dưới góc nhìn Phật Giáo
Bạn tôi đã trót lỡ lầm mang thai với người yêu. Sau khi sự việc xảy ra, người yêu của bạn ấy đã chối bỏ trách nhiệm, còn gia đình thì giận dữ xua đuổi. Quá đau khổ và không biết chia sẻ cùng ai nên bạn ấy đã quyết định trút bỏ giọt máu của mình (thai nhi đã trên 1 tháng tuổi). Giờ đây, bạn ấy rất đau khổ, bị dằn vặt về việc làm của mình, bạn.  Xin cho biết quan điểm của Phật giáo về vấn đề này  và chỉ cho bạn ấy những lời sẻ chia.
CHIA SẺ
Vấn đề một bộ phận không nhỏ nam nữ yêu đương và có quan hệ trước hôn nhân, hiện không còn xa lạ với mọi người trong xã hội ngày nay, nhất là với giới trẻ. Theo các thống kê cho biết, số lượng các ca nạo phá thai ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn là có không ít ca ở tuổi vị thành niên đã để lại nhiều hậu quả khôn lường về sức khỏe, tâm lý, học tập… cho người nạo phá thai.
Bạn ấy có thai trước hôn nhân là một lỡ lầm. Khi bị người yêu bội bạc và gia đình thiếu cảm thông cùng hoàn cảnh khách quan tác động khiến bạn ấy quyết định phá thai lại càng lỗi lầm hơn. Đành rằng bạn ấy thật đáng thương hơn đáng trách nhưng để trị liệu và chữa lành vết thương trong thân thể và tâm hồn bạn ấy quả chẳng dễ dàng.
Quan điểm của Phật giáo về vấn đề nạo phá thai, trước hết, đạo Phật là đạo từ bi, luôn tôn trọng sự sống và bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đạo Phật không phản đối các biện pháp hạn chế sinh đẻ bằng cách ngừa thai nhưng không ủng hộ việc phá thai. Bởi lẽ bào thai là một mầm sống, là sinh mạng, do đó cần được bảo vệ. Phật giáo quan niệm sự sống hay sinh mạng có mặt khi mới bắt đầu thụ thai.
Đức Dalai Lama, khi trả lời về vấn đề này cho các nhà khoa học phương Tây đã khẳng định:“Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người” (Beyond Dogma, HH the Dalai Lama. Rupa & Co., 1996. tr.11).
Theo giáo lý đạo Phật, hành vi phạm giới sát sanh phải hội đủ năm điều kiện, đó là: Một chúng sanh/ Ý thức hay biết đó là một chúng sanh/ Có ý định giết hại/ Tìm mọi cách để giết/ Kết quả là chúng sanh ấy bị chết. Cứ theo những điều kiện trên thì một bà mẹ (Phật tử) đi phá thai là phạm giới, mắc tội lỗi rất lớn.

Quan niệm của đạo Phật về sát sinh
Theo giáo lý của đức Phật, để cấu thành nên một hành động sát sinh, phải có sự hiện diện của 5 điều kiện sau:
- Đối tượng bị giết phải là một chúng sinh.
- Người sát sinh phải biết hay phải nhận thức được rằng đối tượng bị giết là một chúng sinh.
- Người sát sinh có tác ý giết chúng sinh đó.
- Người sát sinh phải có một cố gắng/nỗ lực giết.
- Chúng sinh bị giết phải là kết quả của những điều kiện trên.
Ở đây, đơn cử một thí dụ về sự nạo phá thai đã cấu thành nên một hành động giết như thế nào:
- Khi thai nhi đã tượng hình, một chúng sinh đã được tạo ra. Điều này thỏa mãn điều kiện thứ nhất. Mặc dù Phật tử tin rằng, chúng sinh sống trôi lăn trong vòng sinh tử, và tái sinh, nhưng họ coi sát-na của tưởng là sự bắt đầu của đời sống của một con người cụ thể.
- Sau ít tuần, thai phụ trở nên nhận thức được sự hiện hữu của thai nhi. Sự kiện này đáp ứng được điều kiện thứ 2.
- Nếu thai phụ quyết định muốn nạo phá thai nhi ấy, thì quyết định muốn ấy chính là có tác ý giết. Đây là điều kiện thứ 3.
- Khi thai phụ tìm kiếm cách nạo phá thai, thì thai phụ đã tạo ra một cố gắng/nỗ lực giết,  tức đã rơi vào điều kiện thứ 4.
- Cuối cùng, thai nhi bị giết chết vì hành động nạo phá thai ấy. Đây thỏa mãn điều kiện thứ 5.
Vì thế, nạo phá thai là phạm vào giới thứ nhất của đạo Phật – cấm sát sinh, và sự nạo phá thai này tương đương với việc giết một chúng sinh.
Sống quân bình
Các Phật tử đối diện với một khó khăn, ở đó sự phá thai cần đến y học can thiệp để cứu lấy sinh mệnhh của thai phụ. Vì vậy, trong trường hợp này, chắc chắn sẽ phải có một sinh mệnh bị hủy diệt dù muốn hay không muốn nạo phá thai.
Đối với những trường hợp như thế, khía cạnh đạo đức của nạo phá thai sẽ dựa trên những tác ý của từng trường hợp đang tiến hành.
Nếu quyết định nạo phá thai trong những trường hợp ấy bị mất đi lòng từ, và sau khi đã suy nghĩ chín chắn, cẩn thận, thì dù hành động nạo phá thai có thể là bất thiện, nhưng việc làm gây tổn hại về phương diện đạo đức này sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất vì đã có sự tác ý thiện xen vào.
Phá thai vì lợi ích của thai nhi
Có những trường hợp không nạo phá thai, dẫn đến việc sinh con bằng những điều kiện y học mà khiến cho thai nhi đau khổ.
Trong trường hợp này, tư tưởng của Phật giáo truyền thống trở nên bất cập. Các Phật tử đang tranh luận về trường hợp này như sau:
Nếu thai nhi đã gặp phải trở ngại quá lớn mà nó phải chịu nhiều khổ đau, thì nạo phá thai khả dĩ chấp nhận được.
Đức Dalai Lama nói:
“Dĩ nhiên, theo quan điểm của Phật tử,  phá thai là một hành động sát sinh và tiêu cực nói chung. Thế nhưng, nó cũng dựa  vào từng  trường hợp.
Nếu thai nhi không sinh sẽ bị chậm phát triển, hoặc nếu sự sinh nở sẽ sinh ra những vấn đề nghiêm trọng cho cha mẹ, thì những trường hợp này có thể là ngoại lệ. Tôi nghĩ, sự nạo phá thai được chấp nhận hay không chấp nhận tùy thuộc vào mỗi trường hợp”. (Dalai Lama, Thời báo New York, 28/11/1993)

Trách nhiệm cá nhân
Các Phật tử nghĩ rằng, họ phải tự chịu trách hoàn toàn về những gì mà họ đã làm và về những hậu quả mà nó đưa tới cho họ.
Vì vậy, quyết định phá thai là một quyết định có tính cách cá nhân rất cao, và là một quyết định vốn đòi hỏi sự xem xét hết sức cẩn thận, đầy tình người về các vấn đề vốn liên quan đến đạo đức, và chấp nhận gánh lấy bất cứ gánh nặng hậu quả nào mà nó mang đến..
Những hậu quả có tính đạo đức của quyết định cũng sẽ dựa vào động cơ và tác ý nằm sau một quyết định, cũng như vào mức độ lưu tâm đến hậu quả mà nó mang lại.
Một người sau khi phá thai xong, bị đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu. Dẫu sao thì sự phát tâm sám hối của bạn ấy vẫn là điều tốt, còn hơn là tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình. Sám hối theo Phật giáo là ăn năn với lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và nguyện không tái phạm lỗi ấy ở tương lai. Sai lầm sống buông thả theo dục vọng khi chưa cưới hỏi hay không sử dụng các biện pháp ngừa thai đã khiến bạn ấy chịu nhiều khổ đau. Và giờ đây bạn ấy đã ăn năn, hối hận thật nhiều về sự nông nổi, bất cẩn và lối sống buông thả của mình. Sau khi đã ăn năn, quan trọng hơn là nguyện không tái phạm lại việc ấy. Đó là cách sám hối thiết thực nhất.
Đạo lý của dân tộc Việt là cố gắng giữ gìn sự trinh nguyên cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay phần lớn có xu hướng “hiện đại” và “thoáng” hơn trong tình yêu thì điều cực kỳ quan trọng là cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn. Nếu được giáo dục tốt về giới tính, tiền hôn nhân và luôn ý thức về an toàn tình dục nói chung thì chắc chắn hậu quả của việc nạo phá thai sẽ được giảm thiểu.
Chúng ta đều biết phá thai là giải pháp bất đắc dĩ, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý và hạnh phúc gia đình về sau. Không ít những trường hợp nạo phá thai đã dẫn đến tử vong, vô sinh; nhiều thiếu nữ sau khi phá thai đã tự tử và nhiều phụ nữ luôn ray rứt, bị trầm cảm, ám ảnh về chuyện phá thai đến suốt đời. Chúng ta cần tiết chế dục vọng, nhất là ý thức rất rõ về nhân quả để đề phòng, ngăn ngừa mọi tình huống xấu khi đang còn là nguyên nhân, trước khi xảy ra hậu quả. Nói cách khác, đối với những ngừoi đang yêu thì quan trọng là” ngừa bệnh hơn chữa bệnh”, do đó thực tập Chánh Niệm rất quan trọng trong mọi hành vi của cuộc sống hàng ngày. Chánh niệm là có ý thức về việc mình làm trong giây phút hiện tại, đồng thời thấy được nguyên nhân và hậu quả của hành động đó.
( Tổ Tư Vấn báo Giác Ngộ)

Ca sinh tư IVF thành công tại Hà Nội.. Trình đọ Bác sỹ Vn ngang tầm thế giới

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng!

08:42:58 01/12/2014

“Nói về mức độ hiếm và khó trong chăm sóc, điều trị thì ca sinh tư này thuộc hàng nhất từ trước đến nay tại bệnh viện”, PGS.TS Trần Danh Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ. Ông cũng là người trực tiếp điều trị và mổ cho trường hợp sản phụ sinh tư hi hữu tại bệnh viện này vào ngày 27/11 vừa qua.

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 1
Sản phụ Vũ Thị Phương Hoa đang được chăm sóc tại khoa Sản 2 (Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Ảnh: CHÍ CƯỜNG
Lưng chạm tường, bụng ra đến mép giường

Chia sẻ cùng PV một ngày sau khi sản phụ Vũ Thị Phương Hoa (SN 1984, tại Hà Nội) sinh thành công 4 cháu bé (gồm 3 trai, 1 gái), PGS.TS Trần Danh Cường không giấu được niềm vui: “Trường hợp sinh đôi, sinh ba tại bệnh viện không ít, nhưng sinh tư thành công như sản phụ Hoa thì phải gọi là hiếm! Bởi bản thân một người mang tới 4 thai với vết sẹo mổ đẻ cũ trên tử cung tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ tai biến”.

Cách đây 6 năm, chị Phương Hoa đã trải qua một lần sinh bằng phương pháp mổ. “Một người mang 1 thai với vết sẹo mổ cũ đã có nguy cơ vỡ tử cung do vết sẹo giãn ra. Chị Hoa còn mang tới 4 thai, tử cung căng hết mức, nguy cơ cao đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Điều này đòi hỏi việc theo dõi, chăm sóc hết sức chu đáo”, PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Trước đó, như các báo đã thông tin, sau 4 năm tìm kiếm các phương pháp hỗ trợ sinh sản bất thành, tháng 4/2014, vợ chồng chị Hoa đã nhờ đến kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Điều bất ngờ là khi sang tháng thứ 4, khi chị Hoa tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã phát hiện 3 phôi nhưng có 4 thai đang phát triển tốt. Từ tuần thai thứ 25, chị Hoa nhập viện và điều trị tại Khoa Sản bệnh lý (Sản 1) do PGS.TS Trần Danh Cường làm Trưởng khoa.

Nói về sự khó khăn trong quá trình chăm sóc, theo dõi cho sản phụ đặc biệt này, PGS.TS Trần Danh Cường nhớ lại: “Bạn cứ tưởng tượng, chị Hoa vốn người nhỏ bé, lại mang đa thai, khi nằm nghiêng trên giường, lưng chị chạm tường nhà, còn bụng vượt quá cả mép giường. Chị di chuyển cũng rất khó khăn, bản thân bác sĩ khi siêu âm, đo nhịp tim cũng khó bởi chị không thể nằm ngửa”.

Cũng theo PGS.TS Trần Danh Cường, suốt 8 tuần thai phụ Hoa điều trị tại Khoa Sản bệnh lý, trong các tua trực, đặc biệt là trực đêm, các bác sĩ đã luôn hướng dẫn cho thai phụ và người nhà tự theo dõi khi có vấn đề phải báo ngay cho kíp trực. “Nếu không phát hiện được cơn co tử cung chuyển dạ, thai phụ rất dễ bị vỡ tử cung. Nỗi “ác mộng” này luôn khiến tất cả chúng tôi sợ “nơm nớp”, nếu vết sẹo mổ cũ nứt, toàn bộ thai nhi sẽ tụt ra ngoài. Do đó, chúng tôi phải siêu âm cổ tử cung hàng tuần cho bệnh nhân, xem vết sẹo thường xuyên để đánh giá mức độ giãn, mỏng, sức chịu đựng của tử cung khi 4 thai nhi có sự phát triển rất tốt từng tuần”, PGS.TS Trần Danh Cường nhớ lại.

20 nhân viên y tế cho một cuộc mổ đẻ

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 2
Bốn cháu bé đang được theo dõi, chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Mặc dù sản phụ được chăm sóc, theo dõi rất chu đáo, nhưng các bác sĩ tại Khoa Sản bệnh lý cũng rất lo lắng và xác định các nguy cơ tai biến khi tiến hành mổ đẻ cho trường hợp rất đặc biệt này. Yêu cầu phối hợp nhịp nhàng và kín kẽ là điều cần được đảm bảo. Trước khi sản phụ chuyển dạ, các bác sĩ đã đề nghị phòng mổ luôn túc trực sẵn sàng bất cứ lúc nào. Bàn đón bé phải rộng hơn bình thường với nhiều khay với 4 người đón bé liên tục. Khoa Sơ sinh cũng chuẩn bị các phương án hồi sức để việc đón bé sinh non được chu đáo, tuyệt đối đảm bảo các cháu không thiếu oxy. Phương pháp gây mê cũng phải đặc biệt vì sản phụ không nằm ngửa được, phải nằm nghiêng. Do thai quá to, phải nhờ tới một nhân viên y tế giữ bụng, sản phụ mới ngửa người để bác sĩ mổ chính lia được nhát rạch đầu tiên.

“Một nguy cơ khủng khiếp khác chúng tôi cũng đề phòng, đó là đờ tử cung. Với các trường hợp sinh non, đa thai, sản phụ dễ bị chảy máu nhiều, tử cung căng giãn quá mức không co lại được, sẽ đe dọa tính mạng sản phụ. Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị tất cả các thuốc tăng co tử cung được phép sử dụng cho đẻ để tử cung co chặt tối đa, tránh chảy máu nhiều”, PGS.TS Trần Danh Cường cho hay.

Với sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp nhịp nhàng của gần 20 nhân viên y tế, chỉ sau hơn 30 phút, phòng mổ đã vang lên tiếng khóc của 4 em bé. Một bé nặng 1,8kg, 2 bé nặng 1,7kg, bé còn lại nặng 1,6kg. Đối với sản phụ Hoa, vết sẹo tử cung vẫn còn nguyên, không hề nứt, giãn. Tử cung co chặt, mất máu rất ít.

“Khủng” hơn cả nền sản khoa tiên tiến như Pháp

Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 3
Khi vừa chào đời, các bé phải thở bằng máy hỗ trợ hô hấp nhưng nay 4 bé đã có thể tự thở với sự hỗ trợ ôxy.

PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, ở Pháp – một nước tiên tiến về kỹ thuật sản khoa - với trường hợp mang 3 thai, các bác sĩ có thể giúp giữ và chăm sóc tới 32-33 tuần, nhưng với 4 thai thì giữ tới 30-31 tuần là kinh khủng! Thậm chí, từ tuần thứ 28-29, họ đã mổ bắt thai, bởi điều kiện tại đó có thể nuôi được, trong khi điều kiện nước ta chưa thể. Do đó, việc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc, điều trị, giữ 4 thai phát triển tốt tới hết tuần 32 là một thành tích trong chăm sóc sản khoa. Đồng thời ghi nhận thành quả của sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa sản phụ – người nhà – bác sĩ – các khoa phòng trong bệnh viện.

Qua sự kiện này, PGS.TS Trần Danh Cường cho rằng khi mang đa thai, dọa sinh non… các thai phụ không nên quá sợ sệt. Bởi Bệnh viện luôn có đầy đủ, sẵn sàng các phương tiện, thuốc men để giữ thai với các loại thuốc ngang tầm thế giới. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Danh Cường cũng chia sẻ, xem xét tỷ lệ thành công không thể tính chung trên quần thể, mà phải đánh giá từng ca riêng biệt cụ thể, với việc cán bộ y tế đã mang niềm hạnh phúc đến từng gia đình.

Chia sẻ cảm xúc cá nhân khi lần đầu tiên chăm sóc, điều trị, mổ đẻ thành công ca sinh tư hi hữu tại bệnh viện tuyến đầu ngành sản, PGS.TS Trần Danh Cường mỉm cười: “Bạn cứ tưởng tượng, suốt 8 tuần thai phụ nằm tại Khoa, mỗi buổi sáng giao ban, khi đi buồng, thấy chị Hoa vẫn tươi tỉnh trả lời bác sĩ, các chỉ số bình thường, chúng tôi mới tạm yên tâm qua ngày hôm đó! Rồi cảm giác hồi hộp đo đếm, chờ đợi từng tuần, cảm giác hạnh phúc khi thấy thai phụ tươi cười “mách” được 31-32 tuần thai, cảm giác đón thành công 4 cháu bé, “mẹ tròn con vuông”, có lẽ tôi không bao giờ quên được. Bởi cách đây 10 năm, tại Khoa Sản bệnh lý cũng có một ca mang 4 thai nhưng không giữ được do trang thiết bị, thuốc điều trị hồi đó chưa đầy đủ, hiện đại như bây giờ”.

Chào đời khi mới được tròn 32 tuần tuổi, hiện cả 4 cháu bé đã có thể tự thở được với sự hỗ trợ của thở oxy. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các bé được theo dõi, chăm sóc đặc biệt tích cực và có thể xuất viện lần lượt. Thông thường, khi bé đạt cân nặng trên 2kg sẽ có thể xuất viện. Khoảng 7-10 ngày nữa, các bé có thể nằm cạnh mẹ.


Ca sinh tư hi hữu tại Hà Nội: Sản phụ không thể nằm ngửa vì bụng quá… nặng! 4

“Đây là một trường hợp may mắn! Nhưng khách quan, tôi rất khâm phục sự chịu đựng, ý chí, sự chuẩn bị tâm lý thoải mái, bình tĩnh tuyệt vời của sản phụ Vũ Thị Phương Hoa từ lúc biết mình mang 4 thai đến lúc vào bàn đẻ. Đặc biệt, sản phụ và người nhà có niềm tin tuyệt đối đối với tay nghề của các nhân viên y tế chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi đón thành công ca sinh tư hi hữu và khó khăn này”.

PGS.TS Trần Danh Cường (Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương)

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Mang thai lần đầu thai lưu tuần thứ 6

Mang thai lần đầu thai lưu tuần thứ 6 không rõ nguyên nhân
Hỏi
Xin chào bác sĩ!
Khi đi kiểm tra sức khoẻ ngày 20/11/2010 thì bác sĩ cho biết em có thai và hẹn tái khám sau 1 tuần. Tuần sau đi kiểm tra lại bác sĩ nói thai được 4 tuần 5 ngày. Bác sĩ cho em toa thuốc dưỡng thai và hẹn 2 tuần tái khám. Gần đến ngày tái lúc đi làm về em thấy có ra ít huyết màu đen nhưng không đau bụng, đến ngày tái khám thì bác sĩ nói thai không phát triển bờ không đều bác sĩ cho uống thuốc và hẹn lại 1 tuần và yêu cầu em nghỉ ngơi nhiều không vận động mạnh. Sức khoẻ của em vốn cũng yếu em nghỉ làm ở nhà 1 tuần và mỗi ngày em thấy ra huyết nhiều hơn nhưng vẫn không đau bụng. Đến ngày tái khám bác sĩ nói thai bị lưu 6 tuần và cho em nhập viện để lấy thai ra. Bác sĩ dùng biện pháp đặt thuốc nằm viện 3 ngày bác sĩ siêu âm lại và cho em xuất viện. Em buồn nhiều lắm nhiều lần em hỏi bác sĩ nhưng đều không rõ nguyên nhân! Trước khi biết mình có thai em có đi xét nghiệm máu.em không biết kết quả xét nghiệm có vấn đề gì không? Có phải đó là nguyên nhân em bị sẩy thai không? Em rất muốn có em bé. Khi nào thì em có thể mang thai lại, em cần phải làm những kiểm tra nào và cần làm gì để em bé phát triển bình thường? Em đang rất hoang mang và lo lắng! Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ. Em xin cám ơn!
XÉT NGHIỆM MÁU                                    Ngày 29 tháng 10 năm 2010

Huyết Học
Huyết đồ             Kết quả                      CSBT                  Đơn vị

  WBC                       4.8                          (4 - 10)                  10^9/l
   Neu                         58.9                      (40 - 74)                     %
  Lym                         33.0                       (25 - 45)                      %
  Mono                       4.0                        (3 - 9)                           %
   Eos                         2.0                         (0 - 7)                           %
  Baso                       0.5                          (0 - 1.5)                        %
 RBC                       4.68                       (3.9 - 5.4)                 10^12/l
  Hb                                         12.2        (12.5 - 14.5)                g/dl
  Hct                        37.1                          (35 - 47)                    
MCV                                      79.3          (83 - 92)                     fl
MCH                                      26.1         (27 - 32)                      pg
MCHC                     32.9                     (31 - 36)                       g/dl
RDW                     13.6                         (11.0 - 15.7)                 %PLT                       192                           (150 - 400)                 10^9/l

  
Nhóm máu          
                        GS                                           “O”
                        Rh                                              +
Miễn Dịch

       HBsAG (Elisa)        Âm tính                                   (DO/CO <1)
       HIV (Elisa)              Âm tính                                   (DO/CO <1)
CMV IgM                Âm tính 0.24                           (<0.500)      Index  
CMV IgG                Dương tính 43.6                    (<15)           AU/ml
Rubella-IgM           Âm tính 0.30                           (<0.800)       InDex
Rubella-IgG            Âm tính 3.38                            (<10)
Toxo-IgM               Âm tính 0.25                           (<1)              InDex
Toxo-IgG               Âm tính 1.19                           (<3)                IU/ml
         
Sinh Hóa

          Glycemia                    4.73                   (3.9 - 6.1)        mmol/l
             Urea                        2.63                   (2.5 - 7.5)       mmol/l    
Creatinine/Serum               68.3                      (44 -120)         umol/l                               
         Cholesterol                       2.98                (3.9 - 5.2)      mmol/l                              
        Triglycerides                1.17                  (0.46 - 1.88)       mmol/l                                                               
             HDL-C                     3.92                   (>0.9)          mmol/l                            
             LDL-C                      1.47                   (<3.9)            mmol/l
                                                   
       AST(SGOT)                   24.3                   (5 - 40)               UI/L                           
       ALT(SGPT)                   14.67                  (0 - 40)               UI/
                           
            
Trả lời
Chào bạn,
Trước hết xin chia buồn cùng bạn với lần sẩy thai lưu vừa qua. Trường hợp của em là thai lưu 6 tuần. Với tuổi thai sớm như thế nguyên nhân thường gặp là rối loạn nhiễm sắc thể, nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, thiểu năng hoàng thể thai kỳ, bệnh lý về nội tiết,… Và có đến 25% thai lưu sớm không rõ nguyên nhân.
Các xét nghiệm trên: 
  MCV        79.3          (83-92)             fl
  MCH        26.1        (27-32)               pg
đã có chứng tỏ em có hồng cầu nhỏ và nhược sắc. Nên xét nghiệm huyết đồ chồng để tầm soát bệnh Thalassemia cho thai nhi nếu kết quả MCV và MCH của chồng cũng thấp.
Tất cả các xét nghiệm trên chưa thấy yếu nào có thể gây sẩy thai lưu sớm.
Để chuẩn bị cho việc mang thai em cần phải có sức khỏe tốt. Do đó, em nên khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa và tiêm ngừa một số bệnh cần thiết như rubella, sởi quai bị, thủy đậu, viêm gan B. Nên dùng acid folic mỗi ngày từ hôm nay cho đến suốt thai kỳ. Thời gian em có thể mang thai lại là sau khi tiêm ngừa đầy đủ tối thiểu 1 tháng. Mong rằng thai kỳ lần sau của em được tốt đẹp. Thân ái.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh -  Bệnh viện Từ Dũ

Thai lưu 6 tuần

Thai lưu 6 tuần
Hỏi
Chào bác sĩ. em mới đi tái khám ở bệnh viện về ( bác sĩ hẹn tái khám 3 tuần nhưng sau khi khám lần đầu ở bệnh viện về được 4 ngày vợ em có ra máu màu nâu càng cách 1 ngày ra 1 lần từ lúc khám lần đầu thì 10 ngày sau vợ em khám lại), sau khi siêu âm đầu dò không thấy tim thai và không thấy yolksac bác sĩ kết luận thai được 6 tuần nghi thai lưu, bác sĩ kêu vợ em qua bên phòng cạnh cấp cứu để được uống thuốc lấy thai nếu không thì đợi 1 tuần tái khám. Bác sĩ cho em hỏi như vậy vợ em bị thai lưu đúng không ạ. Em rất muốn tìm nguyên nhân vì sao thai bị lưu. Nếu vậy thì để lần có thai tiếp theo bây giờ 2 vợ chồng em phải làm những xét nghiệm nào để tránh bị thai lưu, vợ chồng em phải khám bên khoa nào để làm các xét nghiệm cần thiết, vợ em cần khám phụ khoa trước khi có thai không vì vợ em nói mỗi lần chuẩn bị có kinh là có vài giọt máu màu nâu và sau khi có kinh xong là tự hết.
Trả lời
Chào em, Thai ngưng tiến triển (lưu) dựa vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong trường hợp của vợ em, thai còn nhỏ, dựa vào 2 lần khám liên tiếp cách 10 ngày không thấy thai phát triển, kèm theo dấu hiệu ra máu nâu. Khả năng thai lưu là cao.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng thai lưu: rối loạn nhiễm sắc thể, suy chức năng hoàng thể thai kỳ, bệnh tự miễn, … Và hơn 25% trường hợp thai lưu không rõ nguyên nhân.
Để chuẩn bị cho lần mang thai sau, cả hai vợ chồng nên khám tổng quát.  Vợ nên khám phụ khoa và cả hai vợ chồng khám tiền mang thai tại các BV có chuyên khoa sản em nhé.
Thân mến,
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - BV Từ Dũ

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Không nên cổ phần hóa bệnh viện

Tự trị, chất lượng và y đức thay vì cổ phần hóa bệnh viện công

Ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM


TTCT - Vấn đề cổ phần hóa bệnh viện công đang được xã hội quan tâm, vì y tế là dịch vụ an sinh có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.


Xã hội hóa y tế, nâng cao chất lượng và phát triển y tế là ba biện luận cho định hướng cổ phần hóa.


Nhưng cổ phần hóa chỉ là một giải pháp cấp thời, cần phải nâng cao đầu tư của Nhà nước cho ngành y tế và trao quyền tự trị cho bệnh viện mới là giải pháp lâu dài.


Trong thực tế, hệ thống y tế công và tư ở nước ta, nhất là ở phía Nam, đã song song tồn tại từ hơn một thập niên qua. Gần đây, hệ thống y tế tư, kể cả các bệnh viện nhỏ và trung bình, phát triển rất nhanh. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho nền y tế nước nhà, phản ánh một phần tốc độ phát triển kinh tế nói chung. Người dân càng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, và nhìn qua lăng kính kinh tế, nhu cầu sức khỏe tạo ra một thị trường y tế rất lớn cho những nhà đầu tư.


Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân, do đó, có thể xem là một tiến trình tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Nhưng biến bệnh viện công thành bệnh viện tư qua hình thức cổ phần hóa có lẽ là một định hướng táo bạo, rất ít thấy ở các nước trong vùng hay ngay tại các nước có nền kinh tế thị trường lâu đời như Mỹ hay Úc. Theo tôi, những lý do đưa ra để cổ phần hóa bệnh viện công có vẻ thiếu tính thuyết phục. Ở đây, tôi muốn bàn qua vài lý do đó.


Xã hội hóa y tế


Định hướng này được đưa ra nhiều lần làm cơ sở cho lập luận cổ phần hóa bệnh viện. Đây là một định hướng đúng, nhưng biến bệnh viện công thành bệnh viện tư thì khó mà cho rằng đó là “xã hội hóa” y tế được, bởi vì thực chất chỉ là thay đổi tên nhưng vẫn với một êkip cũ (hay gần cũ).
Có lẽ vấn đề là tự trị, chứ không phải cổ phần hóa.


Ở Úc, phần lớn bệnh viện tư lớn do các tổ chức tôn giáo và từ thiện quản lý với định hướng bất vụ lợi. Các bệnh viện tư tồn tại song song và đóng vai trò tương trợ với các bệnh viện công. Chẳng hạn như hệ thống Bệnh viện St Vincent's ở Sydney (nơi người viết bài này cộng tác) có hai bệnh viện công và tư.


Bệnh viện St Vincent's công được xây dựng hơn 100 năm do Bộ Y tế quản lý về mặt chính sách nhưng được điều hành trực tiếp bởi một hội đồng quản trị. Bệnh viện St Vincent's tư do một hội đồng quản trị độc lập khác điều hành, nhưng vẫn hợp tác chặt chẽ với bệnh viện công. Một số lớn giáo sư, bác sĩ và chuyên gia của bệnh viện công cũng làm việc cho bệnh viện tư qua hình thức hợp đồng. Mô hình này đã hoạt động hữu hiệu suốt hơn hai thập niên qua.


Sự thành công của mô hình này một phần là do nhà nước chỉ đóng vai trò chỉ đạo, chứ không can thiệp vào việc điều hành bệnh viện. Hội đồng quản trị bệnh viện hoàn toàn có quyền tự trị trong các lĩnh vực như quản lý tài chính (tự do chi tiêu theo ngân sách, định các thang bậc lương bổng cho nhân viên, chuyển ngân sách giữa các khoa trong bệnh viện và mua bán bất động sản); quản lý nhân sự (như đặt ra điều kiện và lương bổng, phần thưởng, kỷ luật và trách nhiệm cho nhân viên, quyền mướn hay sa thải nhân viên); và phát triển dịch vụ, sản phẩm, như cung cấp hay ngưng cung cấp các dịch vụ làm tổn hao đến ngân sách.


Trong mô hình công - tư song song, bệnh viện công vẫn đóng vai trò chủ đạo vì có tài nguyên khá hơn, kể cả các thiết bị y khoa, để có thể cung ứng cho các bệnh nghiêm trọng so với bệnh viện tư. Chẳng hạn như đối với các ca giải phẫu lớn, bệnh nhân từ bệnh viện tư vẫn phải được chuyển sang bệnh viện công để tiến hành phẫu thuật. Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học và sinh viên y khoa chỉ được thực hiện hay thực tập ở bệnh viện công, chứ không phải ở bệnh viện tư.


Chất lượng


Có ý kiến cho rằng cổ phần hóa để nâng cao chất lượng y tế. Nhưng ý kiến này dựa vào giả định rằng chất lượng y tế ở các bệnh viện tư cao hơn các bệnh viện công. Có thể giả định này đúng, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những bằng chứng nghiên cứu cụ thể để chứng minh điều đó. Và, chúng ta không thể quản lý vấn đề nếu không “đo” được vấn đề qua nghiên cứu.
Cần phải định nghĩa “chất lượng” trong bối cảnh bệnh viện là gì. Theo giới nghiên cứu y tế, chất lượng bệnh viện bao gồm thực phẩm cho bệnh nhân; môi trường bệnh viện (bàn ghế, tủ, giường, sạch sẽ, ánh sáng); dịch vụ chuyên môn (y khoa, điều dưỡng, thiết bị); tiện nghi phòng (riêng tư, giờ thăm bệnh, tiện nghi); phục vụ cá nhân (riêng biệt, thông tin, chú ý đến nhu cầu cá nhân); và sự đáp ứng của hệ thống cấp cứu khi có sự cố. Các khía cạnh này có thể phát triển thành những “chỉ tiêu” cụ thể để đo lường chất lượng bệnh viện. Ngoài những chỉ tiêu định tính, còn có một chỉ tiêu quan trọng nhất: đó là tỉ lệ tử vong trong vòng 30 ngày hay sau khi xuất viện 30 ngày.


Nghiên cứu từ Thái Lan và các nước Nam Mỹ cho thấy nói chung, về mặt thực phẩm, tiện nghi và môi trường bệnh viện, bệnh viện tư có chất lượng cao hơn bệnh viện công; nhưng về các khía cạnh lâm sàng như điều trị, khả năng chuyên môn, thời gian chăm sóc, thậm chí ngay cả thái độ bác sĩ và điều dưỡng, các bệnh viện công và bệnh viện tư không vị lợi (non-profit private hospitals) có chất lượng vượt xa các bệnh viện tư vị lợi (for profit private hospitals).


Một nghiên cứu qui mô khác ở Mỹ trên 16,9 triệu bệnh nhân nhập viện từ năm 1984-1993 cho thấy bệnh nhân từ các bệnh viện công và bệnh viện tư không vị lợi có số ngày nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn các bệnh viện tư vị lợi.


Nếu kinh nghiệm từ nước ngoài là những bài học, rất khó mà nói rằng cổ phần hóa bệnh viện công có thể nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Thật ra, phần lớn những chỉ trích và phàn nàn về “chất lượng” phục vụ các bệnh viện công hiện nay là thái độ của bác sĩ và điều dưỡng, tức là những vấn đề thuộc về y đức, chứ không hẳn thuộc về chất lượng.


Phát triển cơ sở vật chất


Có ý kiến cho rằng phải cổ phần hóa để thúc đẩy phát triển cơ sở vật chất cho ngành y tế. Điều này cũng không có gì sai, nhưng chúng ta cần phải xem qua đầu tư cho y tế của Nhà nước trong thập niên qua để nhìn ra vấn đề.


Hiện nay, chi tiêu của Nhà nước cho y tế chỉ chiếm 6,1% tổng chi tiêu của Nhà nước. Tỉ lệ này là thấp nhất so với các nước láng giềng như Campuchia (16%), Lào (khoảng 7%), Malaysia (6,5%), Trung Quốc (10%) và Nhật (16,4%). Đầu tư của Nhà nước cho y tế còn quá khiêm tốn. Thật vậy, trong tổng chi tiêu cho y tế của cả nước, Nhà nước chỉ đóng góp khoảng 28%, phần còn lại (72%) là từ dân hay tư nhân.


Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số giường bệnh trong năm 1997 khoảng 198.000, nhưng đến năm 2005, con số này giảm xuống còn 197.000. Trong cùng thời gian cả nước, tổng số cơ sở y tế giảm từ 13.269 vào năm 1997 xuống còn 13.243 vào năm 2005. Vì gia tăng dân số, cho nên số giường bệnh tính trên 10.000 dân số giảm từ 26,6 năm 1997 xuống còn 23,7 năm 2005. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy tất cả bệnh viện đều quá tải. Nhiều bệnh viện, hai thậm chí ba bệnh nhân phải nằm cùng một giường!


Nhìn qua các con số thống kê này, vấn đề chính có lẽ không phải cổ phần hóa bệnh viện, mà là tăng đầu tư của Nhà nước cho ngành y tế. Bệnh viện và các công trình phúc lợi xã hội (như trường học và đại học) là hiện thân, là thể hiện sự quan tâm của một chính phủ đến sự an sinh của người dân. Nhà nước cần phải tăng đầu tư cho ngành y tế, và qua đó tạo điều kiện sao cho người nghèo có thể được điều trị như mọi thành phần khác trong xã hội, và từng bước nâng cao công bằng xã hội.


Mục tiêu tối hậu của bất cứ hệ thống y tế nào là nâng cao sức khỏe người dân. Dù là bệnh viện công hay tư, mục tiêu đó vẫn là kim chỉ nam để hoạch định chính sách. Ở nước ta, mặc dù hệ thống y tế đã đạt được những thành tựu lớn (như giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh, nâng cao tuổi thọ người dân, thành công xóa bỏ hay gần xóa bỏ một số bệnh truyền nhiễm...) nhưng ở bình diện vi mô, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Năm 1996, 34 triệu người không có khả năng mua bảo hiểm y tế hay thanh toán bệnh viện phí.


Khoảng một phần ba người dân có thu nhập thấp không có khả năng tài chính để theo đuổi điều trị tại các bệnh viện. Trong thực tế, những ai làm việc trong các bệnh viện ở các tỉnh đều biết rằng có một số không nhỏ bệnh nhân trốn viện (trong tình trạng sức khỏe chưa ổn định) chỉ vì không có khả năng thanh toán viện phí. Đối với những bệnh nhân này, việc cổ phần hóa bệnh viện công có lẽ sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho họ, và do đó khó mà đáp ứng mục tiêu tối hậu của y tế.


Nói tóm lại, để đạt được mục tiêu tối hậu (và cũng là lý tưởng) của ngành y tế, cổ phần hóa bệnh viện công chỉ là một giải pháp tạm thời mà lợi ích khó thấy trước được; giải pháp lâu dài hơn, theo tôi, là Nhà nước nên từng bước tăng cường đầu tư cho ngành y tế sao cho tương đương với các nước trong vùng, kể cả chương trình bảo hiểm y tế cộng đồng, trao quyền tự trị cho các bệnh viện công và giáo dục y đức.

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Có chồng nhưng vẫn cứ hay Thủ dâm

Thủ dâm quá đà sẽ gây nên một số tác hại như suy giảm trí nhớ, trống ngực, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường sinh dục.

Ảnh minh họa
Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi rất xấu hổ khi phải chia sẻ điều này, tôi đã kết hôn, trong chuyện vợ chồng tôi cảm thấy rất thỏa mãn và hạnh phúc nhưng đôi khi chồng tôi đi vắng tôi vẫn thường thủ dâm một mình và tôi cũng thấy thỏa mãn.

Vậy xin hỏi chuyện “tự sướng” của tôi có gây hại cho sức khỏe và bất bình thường với người đã có gia đình như tôi không?

Hoàng Minh (Hải Phòng)

Trả lời: 

Chuyện thủ dâm không phải là xấu và trong thực tế nó cũng khá phổ biến với những người chưa kết hôn và cả những người đã kết hôn rồi, thậm chí là có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Vậy nên bạn không nên lo lắng hoặc xấu hổ về điều này.

Theo thống kê của các chuyên gia tình dục thì trên thực tế có 94% nam giới và 89% nữ giới vẫn thường xuyên thủ dâm. Theo kết quả điều tra khác từ trang web AdamaEve.com thì có khoảng 27% người dân Mỹ thường thủ dâm 1 – 2 lần mỗi tuần.

Nhiều hơn 50% nữ giới trong độ tuổi từ 18 – 49 thú nhận đã thủ dâm trong vòng 90 ngày, tần suất thủ dâm cao nhất của họ ở vào độ tuổi từ 25 – 29 và giảm dần theo tuổi tác.

Thủ dâm có chừng mực không những không gây hại mà còn mang đến những điểm cộng cho sức khỏe.

Một số lợi ích điển hình của thủ dâm là chống ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Kết quả này đã được nghiên cứu bởi các chuyên gia người Úc cho rằng nam giới xuất tinh nhiều hơn 5 lần mỗi tuần sẽ giảm được 1/3 nguy cơ mắc chứng ung thư tuyến tiền liệt.

Lý giải cho điều này là bởi khi bạn thủ dâm, việc xuất tinh sẽ tống khứ những độc tố là mầm bệnh ứ đọng lâu ngày trong niệu đạo một trong những thủ phạm chính gây ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, thủ dâm còn có vai trò cải thiện tâm trạng, giải tỏa tâm lý là biện pháp để bạn chung thủy với bạn tình, cải thiện kỹ năng và khả năng chăn gối.

Mặc dù vậy thủ dâm quá đà sẽ gây nên một số tác hại như suy giảm trí nhớ, trống ngực, gây ảnh hưởng đến sức khỏe đường sinh dục.

Mọi chuyện sẽ không có gì là bất thường nếu sau khi thủ dâm bạn không cảm thấy mệt mỏi, suy giảm sức khỏe tình dục hay chi phối đến chuyện chăn gối của vợ chồng bạn.

NHỮNG LƯU Ý KHI MANG THAI

NHỮNG LƯU Ý KHI MANG THAI

  •  Ăn uống: ăn đồ chín, không ăn tái, không ăn các lọai mắm sống, không hải sản sống để tránh nhiễm Toxoplasmose gây dị dạng thai nhi. Thức ăn sạch, rửa tay trước khi ăn. Thức ăn phải bao gồm: Đạm (thịt, cá, đậu, sữa, pho-mat), Calcium,Vitamin Avà D (trái cây, ngũ cốc), vitamin B từ ngũ cốc, bánh mì, mì, Vitamin C từ  trái cây như cam, nho.  Chất xơ như rau xanh (salads), trái cây để giúp giảm táo bón. Hạn chế đường và mỡ. Không dùng thuốc lá, bia rượu. Hạn chế cà phê.
  •   Vấn đề tăng cân: trung bình 10-12kg
  • o   Tăng cân ít có nhiều nguy cơ em bé nhỏ hơn bình thường hoặc suy dinh dưỡng.
  • o   Tăng cân nhiều ảnh hưởng đến cột sống của bạn, mặc khác có khả năng cao huyết áp hoặc đái tháo đường, tăng cân quá mức có thể kéo dài sau khi sanh.
  •   Làm việc: nói chung bạn có thể làm việc cho đến cuối thai kì nếu bạn có thể. Các công việc cần tránh như tiếp xúc hóa chất hoặc công việc nặng nhọc.
  •   Tránh căng thẳng, stress. Căng thẳng kéo dài gây rối lọan giấc ngủ, viêm loét dạ dày, cao huyết áp, ảnh hưởng tim mạch, giảm đề kháng, sốc. Bé có nguy cơ bị sẩy thai, sanh non, nhẹ cân. Nên thư giãn, suy nghĩ tích cực, chăm sóc bản thân.
  •  Thể dục: có thể đi bộ hoặc tập các động tác thông thường nếu bạn không có các nguy cơ cao (sanh non, các bệnh lí tim mạch, hô hấp, tuyến giáp, thiếu máu, chảy máu âm đạo, nhau tiền đạo, ngôi bất thường), không để nhịp tim quá 140lần/ phút, không gắng sức, không nhấc vật nặng.
  •  Mặc đồ rộng rãi, thóang mát, không chật phần bụng. Giày thấp, không chật, áo lót vừa vặn.
  •   Nên tránh quan hệ tình dục trong những tuần đầu và tháng cuối thai kì hoặc khi có chảy máu âm đạo hoặc đau bụng…
  •   Trước 34 tuần, nói chung không có vấn đề gì khi bạn đi máy bay, tàu lửa, taxi nếu bạn không có yếu tố nguy cơ cao. Nên hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi bạn đi xa. Sau 34 tuần, chúng tôi không muốn bạn đi xa.
  •   Chăm sóc răng rất quan trọng trong thai kì, nên kiểm tra răng thường xuyên và báo cho bác sĩ nha khoa biết bạn đang có thai. Lợi của bạn có thể sưng nhẹ và dễ chảy máu khi đánh răng. Nên giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng, cạo lưỡi, súc miệng sau khi ăn.
  •   Không nên tắm hơi, xông khi bạn có thai vì nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhất là trong những tháng đầu.
  •   Việc nhuộm tóc và uốn tóc không có bằng chứng bảo đảm an tòan. Mặc khác sự thay đổi hormon trong thai kì và tốc độ dài của tóc thay đổi do đó ảnh hưởng đến màu của tóc.
  •   Nên tránh chụp X quang nếu được, nên thông báo cho bác sĩ biết là bạn đang có thai.

Đây chỉ là các thông tin cơ bản khi bạn đang có thai. Bé khỏe mạnh và làm mẹ an toàn là mục tiêu của Bệnh viện Phụ sản MêKông. Hy vọng các thông tin này sẽ giúp các bạn sẵn sàng hơn. Đừng ngần ngại gọi cho chúng tôi hoặc đến khám bất cứ khi nào bạn có vấn đề hoặc thắc mắc gì.

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH
  Vàng da là hiện tượng da và tròng trắng mắt chuyển màu vàng do tẩm nhuận chất bilirubin, là một triệu chứng cho biết bilirubin trong máu cao. Tăng bilirubin máu nghiêm trọng có thể gây độc cho hệ thần kinh của trẻ sơ sinh, gây tổn thương não trẻ nếu không điều trị kịp thời.
  Trẻ sơ sinh xuất hiện vàng da khi lượng bilirubin trong máu tăng cao >7mg%, có thể gặp ở trẻ sinh non (gần 80%), ở trẻ đủ tháng (khoảng 25 % - 50%). Vàng da thường xảy ra trong tháng tuổi đầu tiên nhưng nguy hiểm nhất là trong 2 tuần đầu tiên.
  Vàng da sơ sinh (VDSS) có thể là sinh lý nhưng cũng có thể do một số bệnh lý gây ra.
                                     
Chăm sóc bé tại Khoa Sơ sinh-Bệnh viện Phụ sản MêKông               
SINH BỆNH HỌC VÀNG DA
  Ở trẻ sơ sinh các tế bào hồng cầu luôn được tạo mới và phá hủy, nhưng sự phá hủy diễn ra nhiều hơn. Khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin, chất này sẽ được chuyển hóa tạo thành bilirubin. Trước khi sinh, bilirubin được đưa ra khỏi cơ thể bé qua đường nhau thai để sang máu mẹ.Sau sinh bilirubin sẽ được chuyển hóa tại gan bé và đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.Tuy nhiên gan ở trẻ sơ sinh làm việc còn yếu nên việc thải bilirubin không hiệu quả gây ra tình trạng tăng bilirubin trong máu làm xuất hiện vàng da.
NGUYÊN NHÂN VÀNG DA
  Có rất nhiều nguyên nhân gây nên vàng da song chủ yếu là: vàng da sinh lý, vàng da do nhiễm khuẩn, vàng da do virus, vàng da tán huyết do bất đồng nhóm máu Rh, vàng da tán huyết do bất đồng nhóm máu ABO, vàng da do các bệnh chuyển hóa, vàng da do tắc mật bẩm sinh….
ĐIỀU TRỊ: Các phương pháp điều trị vàng da sơ sinh:
  -Chiếu đèn: là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả, an toàn, đơn giản và kinh tế nhất.
  -Thay máu: khi bé có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do Bilirubin trong máu tăng cao.
  -Tăng tần suất và hiệu quả bú mẹ.
                            
 Bác sĩ thăm khám trong quá trình bé được điều trị vàng da tại Khoa Sơ sinh-BVPS MêKông
THEO DÕI VÀNG DA
  Vàng da sơ sinh thường xuất hiện theo trình tự từ mặt xuống thân mình và tay chân.Vàng da càng xuống thấp thì càng nặng.Vàng da đến bàn tay, bàn chân sẽ đe dọa tổn thương não của bé.Do đó phải đưa trẻ khám bác sĩ chuyên khoa nhi khi vàng da đến đầu gối.
  Cách khám vàng da:
  -Quan sát màu da trẻ hàng ngày ở nơi có đầy đủ ánh sáng.
  -Dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào vùng đầu gối trẻ 3-5 giây rồi buông ra và so sánh màu da đó với màu da tay của người khám.Nếu vùng da gối bé vàng hơn vùng da người khám thì đưa trẻ đi khám ngay.
CHĂM SÓC TRẺ VÀNG DA TẠI NHÀ
  -Cho trẻ tắm nắng sáng 20 phút trước 8 giờ mỗi ngày.
  -Tiếp tục cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu.
  -Theo dõi sát diễn tiến vàng da, tái khám theo hẹn hoặc cho trẻ đi khám bác sĩ sớm khi trẻ có vàng da nhiều hơn, hoặc có biểu hiện của vàng da nặng (ngủ gà, bỏ bú, giảm hay tăng trương lực cơ, khóc thét, sốt, co gồng, co giật…) hoặc ngay khi có gì lạ.
 — với Châu Lê Thị Bảo.
 

BỆNH LÝ SÀN CHẬU NỮ - SÓN TIỂU VÀ SA TỬ CUNG”

Chương trình tư vấn trực tuyến: “BỆNH LÝ SÀN CHẬU NỮ - SÓN TIỂU VÀ SA TỬ CUNG”

Tư vấn trực tuyến Thanh Nien Online 
Nhằm mở rộng trao đổi và cập nhật kiến thức mới về BỆNH LÝ SÀN CHẬU NỮ - SÓN TIỂU VÀ SA TỬ CUNG và điều trị phẫu thuật phục hồi các bệnh lý sàn chậu. Để hiểu thêm về bệnh này vào lúc 14 giờ 30 ngày 13.06.2013, Thanh Niên Online kết hợp với Bệnh vi ện Phụ Sản MêKông tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: “BỆNH LÝ SÀN CHẬU NỮ - SÓN TIỂU VÀ SA TỬ CUNG”
Khách mời tham gia buổi tư vấn:
• Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền - Phó Giám Đốc Chuyên môn, Bệnh viện Phụ Sản MêKông
• Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trưởng phòng KHTH, Bệnh viện Phụ Sản MêKông
• Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thắm - Trưởng phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Phụ Sản MêKông