Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Bệnh nhân vẫn sợ “ăn mắng” khi tới viện

Bệnh nhân vẫn sợ “ăn mắng” khi tới viện

(Dân trí) - Thực hiện giá viện phí mới, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều lần nhấn mạnh, chất lượng điều trị chưa thể tăng ngay nhưng phải chấn chỉnh ngay thái độ của nhân viên y tế với người bệnh. Nhưng thực tế, nhiều người bệnh lắm băn khoăn cũng không dám hỏi vì sợ ăn mắng.

Chớ dại hỏi!
Sáng 8/8, bác K.T.V (70 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) đến BV Bạch Mai khám vì có hiện tượng trướng bụng. Thấy Khoa Khám bệnh quá đông đúc, bác quyết định đăng kí khám ở Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu.
“Tưởng là bớt đông hơn, nhưng ở đây cũng đông không kém, xếp hàng đến nửa tiếng mới đến lượt lấy số. Lấy số đi vào khu khám bệnh, nhân viên lễ tân dặn tôi vào khu A2 để khám, tới nơi thấy một cô y tá đang đứng đó, tôi hỏi thì cô này chỉ sang A3. Tôi chỉ thắc mắc mỗi câu, ngoài kia họ hướng dẫn tôi vào A2 thì cô này mặt nhíu lại khó chịu nói: “Tôi không nói sai đâu, bác xuống dưới đi”. Rồi khi đi vào khám, vì để kết quả xét nghiệm trước đó lẫn phiếu thu tiền, bác sĩ liên tục gắt gỏng: “Đưa tôi phiếu thu tiền làm gì. Đưa kết quả xét nghiệm đây, mất thời gian của tôi quá, đưa hết đây” khiến tôi càng cuống, đưa nhầm loạn xị lên”, bác V phàn nàn.
 
Nhiều người bệnh có lắm băn khoăn vẫn không dám hỏi vì sợ ăn mắng
Nhiều người bệnh có lắm băn khoăn vẫn không dám hỏi vì sợ ăn mắng
Còn bác V.T.T (75 tuổi ở Thụy Khuê) đi siêu âm tại BV Lão Khoa TƯ, kết quả siêu âm có ghi nhiều dịch tự do trong ổ bụng. “Thấy dòng chữ đó, tôi hoảng hốt hỏi bác sĩ siêu âm, kết quả như thế là thế nào thì cô bác sĩ này chỉ nói: “Kết quả sao đã ghi đầy đủ trong siêu âm” mà không nói thêm lời nào khiến tôi băn khoăn, lo lắng liệu mình có bị ung thư. BS không nói sợ bệnh nhân lo lắng?”, bác T nói.
Tại BV K, chị N.T.H (30 tuổi ở Bắc Ninh), 5h sáng đã có mặt tại bệnh viện K để xếp hàng chờ lấy số. Đến 7h, bắt đầu phát số và đến cuối giờ trưa chị tới lượt khám phụ khoa, còn xét nghiệm máu, trên phiếu ghi số thứ tự 33 (tức là buổi chiều) còn siêu âm ổ bụng thì được bác sĩ hẹn sáng mai vì quá đông bệnh nhân. “Mình có bệnh lo lắng mới đi khám bệnh, nhưng nhân viên y tế mặt lạnh tanh, động hỏi là quát bệnh nhân. Sáng nay, mình bị nhân viên chỉ dẫn mắng xơi xơi vì hỏi nơi lấy máu xét nghiệm… “Ngay trước mắt kìa, không nhìn thấy à, phải nhìn rồi hãy hỏi chứ”, cô nhân viên hướng dẫn gắt gỏng.
Ngồi chờ đến lượt chụp cắt lớp ngay tại tầng 1, nhà A, bệnh viện K, anh Phạm Văn Vũ (Thái Bình) đang thấp thỏm mong được chụp phổi để biết kết quả bởi viện tỉnh nghi anh bị ung thư phổi. “Bác sĩ khám bệnh thì nhiệt tình. Có kết quả, họ còn bảo mình về mổ gà ăn mừng vì không bị ung thư phổi. Nhưng nhân viên y tế ở đây gắt gỏng quá. Người ta có bệnh, đi khám không biết gì thì mới phải hỏi, còn đã biết thì hỏi làm gì. Vậy mà thấy bóng áo trắng ở hành lang, cứ mở mồm hỏi về số thứ tự khám, khám ở đâu là y như rằng họ im lặng đi, hoặc nếu có thì trả lời gắt, hoặc cũng giơ tay chỉ nhưng người bệnh không biết chỉ đi đâu”.
Phải cải thiện thái độ phục vụ bệnh nhân
Mới đây, bên lề hội nghị góp ý cho đề án bảo hiểm y tế toàn dân được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Tăng viện phí chưa thể tăng ngay chất lượng điều trị. Nhưng điều quan trọng trước tiên là phải sớm cải thiện thái độ giao tiếp của nhân viên y tế và cho biết sẽ có đề án riêng về việc này.
Còn mới đây, tại cuộc họp chiều 8/8 giữa Bộ Y tế và lãnh đạo một số bệnh viện, Sở Y tế thành phố trực thuộc trung ương, nhiều đại diện bệnh viện cho rằng đã tăng đầu tư để tăng chất lượng dịch vụ cho người bệnh.
TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, để thực hiện khung giá viện phí vừa được điều chỉnh, BV đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng KCB song song với phục vụ bệnh nhân tốt hơn như tăng cường đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy gây mê, hệ thống điều hòa đến từng khoa khám bệnh; Điều chỉnh giờ khám sớm hơn để người bệnh không phải chờ đợi quá lâu, đảm bảo không còn bệnh nhân phải chờ đến ngày hôm sau mới được làm xét nghiệm…
Còn PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho rằng: “Khi viện phí được điều chỉnh thì các BV phải nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ ở đây không chỉ là thời gian chờ đợi ngồi khám (bởi các bệnh viện vẫn rất quá tải) mà là mang lại giá trị điều trị cho người bệnh khi một phần số tiền thu được từ viện phí này được tái đầu tư cho cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh của BV. Như vậy, chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn là tốt lên.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB phải thay đổi chính mình để đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân. “Để làm được điều này, trước hết các cơ sở KCB phải thay đổi ngay bộ mặt của mình là các khoa khám bệnh và công khai, minh bạch giá dịch vụ y tế mới. Làm sao để bộ phận đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân đến các khoa, phòng khám bệnh, xét nghiệm, siêu âm thuận tiện, khoa học…”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Song song với việc áp dụng viện phí mới, Bộ Y tế cũng tăng cường giám sát việc thực hiện viện phí. Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, cho biết, BV phải sử dụng tối thiểu 15% số thu từ viện phí mới để cải tạo, nâng cấp khu vực khám bệnh, các buồng bệnh, mua sắm bàn, ghế, giường, tủ, công cụ, dụng cụ phục vụ khám, chữa bệnh, trang bị quạt, điều hòa... tại các phòng khám và buồng bệnh.Sau khi thực hiện viện phí mới khoảng 3 - 6 tháng , các đơn vị chức năng của Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra tại các bệnh viện, nếu phát hiện viện phí điều chỉnh bất hớp lý sẽ kiến nghị với Bộ Y tế và HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. BV nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá đã điều chỉnh sẽ bị yêu cầu hạ giá xuống.
Tú Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét